Từ ký ức đau thương đến khát vọng Vườn Mẹ

Thứ Bảy, 09/12/2023, 07:23

Phan Đức Nhạn là một nhân vật độc đáo của xứ Quảng. Mới 15 tuổi đầu ông đã cầm súng chiến đấu và chứng kiến bao nỗi đau thương. Với tự truyện "Ong rừng", Phan Đức Nhạn không chỉ tái hiện ký ức thời chiến tranh đầy hy sinh mất mát ở một vùng quê nổi tiếng mà còn mở ra ý tưởng xây dựng không gian văn hóa Vườn Mẹ thể hiện khát vọng hòa bình muôn đời...

"Ong rừng" là cuốn tự truyện của Phan Đức Nhạn, dày hơn 470 trang, do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành và ra mắt cuối tháng 11/2023. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, kỹ sư xây dựng Phan Đức Nhạn với cảm hứng văn học rất duyên nợ với nhà văn liệt sĩ anh hùng Chu Cẩm Phong, đã kể những câu chuyện giản dị nhưng da diết, lôi cuốn về một thời đã qua, đặc biệt là những năm tháng đau thương chia cắt vì chiến tranh. Nhờ đó cuốn tự truyện "Ong rừng" tránh được sự khô khan và có giá trị cả về sử liệu lẫn văn học.

bia tuong niem 73 nan nhan binh duong.jpg -0
Bia tưởng niệm 73 nạn nhân bị thảm sát ở Trảng Trầm - Bình Dương.

Còn nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Hoàng từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thì viết về cuốn sách của người bạn đồng hương xứ Quảng thân thiết Phan Đức Nhạn rằng: "Anh ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc chân thật của mình về bạn bè, những người anh quen thân quý mến, về công việc, về lịch sử, về các vẻ đẹp của tự nhiên và kiến trúc, về những hồi tưởng và kỷ niệm. Ghi cũng ngắn gọn, rõ ràng, có ý tứ". Cũng theo ông Vũ Ngọc Hoàng đánh giá: "Sách của anh là một trong số không nhiều những quyển sách mà gần đây tôi đã đọc hết từ đầu đến cuối. Một phần do tò mò muốn xem và hiểu thêm về anh bạn của tôi. Nhưng mặt khác là nó không làm cho tôi chán".

Phan Đức Nhạn là cái tên xa lạ với giới văn chương nhưng lại khá quen thuộc với giới cựu binh, giao thông vận tải và xây dựng, nhất là những người gốc Quảng Nam trên cả nước. Trong nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong có nhiều trang nói về Phan Đức Nhạn và gia đình ông, một gia đình "cộng sản toàn gia" ở vùng cát cháy nổi tiếng Bình Dương thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cha tập kết ra Bắc, mẹ và các con ở lại làng cát đều tham gia cách mạng và lần lượt hy sinh.

Người duy nhất may mắn còn sống sót chính là Phan Đức Nhạn. Như lời ông tâm sự trong sách: "Năm tháng qua đi như dòng sông trôi chảy, kỷ niệm nào còn lại với thời gian. Tôi vẫn loay hoay lật lại trang đời, những sự việc tưởng chừng trôi đi, nhưng không, sáu chục năm rồi vẫn canh cánh trong lòng trở thành ký ức, ký ức về một thời nhớ mãi. Hôm nay ngồi một mình, tôi đọc đi đọc lại những lá thư được lưu giữ, ký ức về những người ruột thịt của gia đình đã hy sinh hiện về. Càng đọc tôi càng chìm sâu trong nhớ thương da diết. Từng con chữ của những người tự nhận ít được học hành, vậy mà mở đầu trang thư gửi cha, mẹ viết: "Kính gửi mình duy nhất"; anh Ba hai lần thư đều: "Mong ước ngày gặp cha"; chị Năm: "Cha ơi, Nhạn đi miền Bắc rồi, con nhớ em kinh mất"; và thư anh Hai: "Nhạn ở lại Bình Dương con cứ nơm nớp lo âu, tình hình ác liệt sợ em chết mất…". Nhưng rồi nỗi đau cứ ập tới, ập tới liên tiếp, từng người thân lần lượt hy sinh. Than ôi, máu chảy ruột mềm".

Xã Bình Dương quê hương của Phan Đức Nhạn ven biển đất Quảng là một trong những căn cứ địa kiên cường thời kháng chiến chống Mỹ. Hầu như gia đình nào cũng có người hy sinh. Thậm chí có gia đình người trước người sau lần lượt ngã xuống gần hết để bám đất giữ làng, mà gia đình ông Phan Đức Nhạn là tiêu biểu. Ông hồi tưởng: "Trong một trận càn, chị tôi hợp pháp tại nhà bác Cứ. Chúng kéo chị ra khỏi tay bác Cứ bảo khai hầm bí mật. Chúng đánh đập chị dã man và nổ súng giết chị khi chị không khai. Hai mươi tuổi đời, sáu tháng tang mẹ. Đám tang chị vội vàng vì giặc đang càn, chỉ có mình tôi và mấy người bà con trong xóm, chỉ có tấm vải dù đắp và chiếc chiếu cuộn tròn. Bàn thờ chị đặt trên tấm đan ngoài trời mưa nắng. Nhà cửa giặc đốt năm bảy lần không còn nhu cầu dựng lại. Mất mẹ, mất chị, tôi không còn nơi nương tựa, nay đây mai đó, gửi gạo ăn chung với bà con trong xóm, trụ lại chiến đấu với đồng đội cho đến ngày rời quê hương ra Bắc…".

Tại xã Bình Dương cũng đã xảy ra bi kịch kinh hoàng khi Lữ đoàn Rồng Xanh lính Nam Triều Tiên thảm sát 73 người dân vô tội ở Trảng Trầm vào mùa đông 1969, mà cho tới bây giờ vẫn còn âm ỉ nỗi đau. "Vùng đất linh thiêng, nhân dân anh hùng. 11 di tích cấp tỉnh, 4.700 con người nằm xuống, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.347 liệt sĩ… Cái giá độc lập tự do được lượng hóa bằng xương bằng máu trên mảnh đất này để "Khát vọng hoà bình" hôm nay thấm vào gan ruột". Nhà cách mạng Phan Đức Nhạn cho biết, và cũng theo ông: "Thời kháng chiến, các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Cao Duy Thảo từng đồng cam cộng khổ với nhân dân Bình Dương. Mười năm sau chiến tranh, Xuân Diệu, Nguyên Ngọc, Gia Vi, Vũ Tú nam, Đoàn Giỏi, Trung Trung Đỉnh, Ý Nhi, Từ Sơn, Thanh Thảo, Trịnh Đường, Minh Tâm, Đào Xuân Quý… trở về nơi đây dựng tượng đài văn học".

ong rung-phan duc nhan dn.jpg -1
Bìa sách "Ong rừng" của tác giả Phan Đức Nhạn.

Từ hoàn cảnh quê hương đau thương và truyền thống gia đình cách mạng, Phan Đức Nhạn mới 15 tuổi đã phải cầm súng chiến đấu trong đội quân du kích vùng cát cháy, rồi được đưa ra miền Bắc học tập, về sau tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XI, lãnh đạo gây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh,… Khi nghỉ hưu ông chuyển sang kinh doanh và gặt hái nhiều thành công. Dù ở đâu, làm việc gì Phan Đức Nhạn cũng canh cánh bên lòng những ký ức gia đình và quê hương. Vì vậy, sau hàng chục năm ấp ủ, tự truyện "Ong rừng" của ông đã hoàn thành và ra mắt. Trong đó, xúc động nhất vẫn là những câu chuyện thời thơ ấu của tác giả ở Bình Dương. Chiến tranh khốc liệt cướp đi sinh mạng hàng triệu người, gây ra nỗi đau mất mát, ly tán cho bao gia đình.

Ngoài hồi tưởng về gia đình, quê hương, bạn bè, công việc thì Phan Đức Nhạn còn dành những trang viết đầy tình cảm về những nhân vật mà ông có dịp gần gũi yêu quý như: những Cô Hai Bình (Nguyễn Thị Bình), "Chú Mai Thúc Lân, "anh Tư Sang" (Trương Tấn Sang)… Đồng thời, ông còn bày tỏ khát vọng thực hiện ý tưởng về công trình văn hóa tâm linh Vườn Mẹ tại xã Bình Dương để ghi nhớ, tôn vinh, yên nghỉ của các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và những người ngã xuống, tái hiện những hình ảnh hào hùng và đau thương thời chiến tranh cứu nước.

Đồng thời, Vườn Mẹ còn là không gian sinh tồn có cây cỏ, chim muông, làng nghề truyền thống, nhà văn hóa, trường học, bệnh xá… với quy hoạch giữ không gian cho người dân nơi đây để họ cùng tham gia chỉnh trang làng quê, truyền đời cho con cháu. Và đặc biệt, theo tác giả Phan Đức Nhạn: "Vườn Mẹ có không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng phong phú đã gắn bó với vùng đất này từ ngàn xưa". 

Từ ngày 24-27/11/2023, đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch làm trưởng đoàn đã về Quảng Nam - Đà Nẵng thăm các di tích lịch sử thời chiến tranh cứu nước, đặc biệt là cứ địa Bình Dương - Thăng Bình, giao lưu với các văn nghệ sĩ địa phương, tham dự ra mắt sách "Ong rừng" của tác giả Phan Đức Nhạn.

Tham gia đoàn có nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống; nhà thơ Phan Hoàng - Ủy viên BCH, Giám đốc - Chủ biên Vanvn.vn; cùng nhiều nhà văn, nhà thơ quen thuộc: nhà văn Cao Duy Thảo nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa, nhà văn Trung Trung Đỉnh nguyên Giám đốc NXB Hội Nhà văn, Trung tướng - nhà văn Hữu Ước nguyên Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, và nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Anh Thư, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thành Phong, Y Ban, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Đương, Yên Ba, Trương Anh Quốc,…

Phan Hoàng
.
.