Tô Vũ - Thầy của những người thầy trong âm nhạc
Nhắc đến Tô Vũ (1923-2014), có thể nói không một người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp nào lại không biết. Bởi ông có bề dày đáng nể về sáng tác, nghiên cứu lý luận và giảng dạy, trải dài suốt gần như cả đời.
Ông là người thầy dạy sáng tác có mặt ở trường Âm nhạc Việt Nam ngay từ khóa học sáng tác đầu tiên (26/10/1956) với những học trò về sau trở thành những nhạc sỹ nổi tiếng như: Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh, Hồng Đăng, Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Lư Nhất Vũ, Thuỵ Loan, Trương Đình Quang, Lê Quang Nghệ… Nhiều người trong số này lại trở thành thày dạy trong Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ví như trong gia đình, Tô Vũ đã là “ông”, thậm chí “cụ” của nhiều nhạc sỹ sáng tác hôm nay.
Trước hết, người ta biết Tô Vũ gắn với những ca khúc để đời. Nói đến dòng nhạc gọi là “tiền chiến” ở Việt Nam, không thể không nhắc đến bài “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Thực ra, bài hát ra đời năm 1947, tức là đã trong thời kỳ kháng chiến rồi chứ không còn là tiền chiến nữa. Nhưng cái hơi hướng, tính chất lãng mạn, nhẹ nhàng, bâng khuâng rất “tiểu tư sản” thì đặc sệt ca khúc tiền chiến. Vậy nên người ta vẫn cứ xếp vào cái “sọt” này. Giống như những “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý, “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn, “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải, “Ngày về” của Hoàng Giác… đều được coi là ca khúc tiền chiến mặc dù ra đời sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946).
Khi Tô Vũ chưa qua đời, một lần tôi được nghe ông kể về sự ra đời ca khúc bất hủ này. Đó là năm 1947, khi cuộc kháng chiến của ta đang còn ở giai đoạn phòng ngự, nghĩa là chưa phát triển mạnh, Tô Vũ cùng hai người bạn nữa về huyện An Lão (Hải Phòng) để tuyên truyền kháng chiến. (Một trong hai người này về sau trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hoá Phan Hiền). Ba người ở trong một ngôi đình. Khi ấy, có ba cô cứu thương lạc đường. Thế là các chàng mời họ ở lại cùng hoạt động, chủ yếu là tập văn nghệ tuyên truyền kháng chiến.
Trong ba cô, có một cô vừa xinh nhất lại hát hay nhất. Tô Vũ vẫn hay song ca cùng cô này trong nhiều tiết mục. Được ít ngày, các cô tìm thấy đơn vị ở cách đó 8 km. Phút chia tay “người lên ngựa, kẻ chia bào”, họ hẹn nhau: Cứ chủ nhật sẽ tìm đến thăm nhau. Nếu các chàng không đến được chỗ các nàng thì các người đẹp chủ động sang. Nếu gặp nhau trên đường thì sẽ quay về nơi nào cách điểm gặp ngắn hơn. Không sợ không gặp nhau vì đó là đường độc đạo, có qua một con sông.
Một chiều chủ nhật trời mưa rả rích, nặng hạt. Hai người bạn nam buồn quá, kéo nhau vào xóm trong ăn thịt chó. Tô Vũ không thích món này nên ở nhà. Bỗng ông vô cùng vui sướng khi thấy cô gái vẫn hay song ca với mình đội mưa đến chơi. Ông không tin ở mắt mình, lòng vô cùng bối hồi, xốn xang. Đến khi tiễn cô gái ra về, hai ông bạn cũng chưa về, quá rung động, Tô Vũ đã viết một mạch xong bài “Em đến thăm anh một chiều mưa”: “Em đến thăm anh một chiều đông. Em đến thăm anh một chiều mưa. Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều. Em đến thăm anh, người em gái….”.
Ông nói thêm rằng, các cô chỉ là em kết nghĩa của các chàng, không phải là em ruột, cũng chưa phải là đã có chuyện yêu đương gì. Nhưng ông đã rất rung động và thực lòng thấy tâm hồn mình xao xuyến, bồi hồi. Trong 3 tiếng “người em gái”, ông để tiếng “gái” ở nốt si giáng trong điệu Đô trưởng nhằm tạo hiệu quả mềm mại, bâng khuâng. Rõ ràng đây là một “em gái” đặc biệt chứ không bình thường.
Cũng trong năm 1947, Tô Vũ còn một bài “Tiền chiến” nổi tiếng nữa là “Tạ từ”: “Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh. Gió dâng khúc nhạc thanh bình. Ta đi tìm thơ muôn phương hót bên núi rừng thâm u và lướt trên muôn trùng sóng. Lời anh thầm ước khi nào dưới trăng giữa mùa hoa đào…”. Nhiều người nghe bài này cứ tò mò muốn biết ai là người đã khiến Tô Vũ viết nên khúc tạ từ hay như thế. Thực ra, ông chỉ viết hộ người khác.
Số là khi đó ông có người bạn là Nguyễn Văn Huấn chơi violon rất giỏi. Huấn có yêu một cô gái lúc đầu tản cư ra ngoài vùng tự do nhưng về sau đã “dinh-tê” (bỏ về vùng địch tạm chiếm do không chịu được khó khăn, gian khổ). Huấn ngỏ ý muốn nhờ Tô Vũ sáng tác cho một bài hát để tặng cô người yêu với hy vọng cô sẽ trở ra vùng kháng chiến với mình, với một yêu cầu là bài hát phải phù hợp với đàn violon để Huấn có thể kéo bất cứ lúc nào. Thế là “Tạ từ” ra đời. Một ca sỹ khi ấy có tên Đoàn Minh là người đầu tiên hát bài này rất hay ở Phát Diệm.
Nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh đã có một phát hiện rất xác đáng: Nhiều văn nghệ sỹ lãng mạn trước Cách mạng Tháng 8/1945 cần có một thời gian nhất định để hoà nhập với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, để xua tan đi những “buồn rớt, “mộng rớt”, “đạo rớt”. Tô Vũ nằm trong số những văn nghệ sỹ chuyển mình rất nhanh. Ngay sau khi chấm dứt mấy bài “tiền chiến”, ông có ngay hai bài “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” và “Như hoa hướng dương”. Bài về lãnh tụ của ông là một trong những bài hát ra đời sớm nhất ca ngợi Bác Hồ: “Hồ Chí Minh suốt đời vì nhân dân đấu tranh. Người xót xa đời đau thương dân nghèo không áo cơm. Cờ đỏ sao vàng cách mạng tháng Tám thắng lợi. Bàn tay Người lái con thuyền kháng chiến…” Cũng như vậy, “Như hoa hướng dương” là bái hát thành kính dâng lên Đảng được công chúng đón nhận, tâm đắc: “Như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Chúng ta nhờ công ơn Đảng. Đời đời là đi theo Đảng…”.
Sau hoà bình lập lại (1954), Tô Vũ tiếp tục có được một số ca khúc có đời sống như “Cấy chiêm”, “Tiếng hát thanh xuân”, “Hoàng hôn trên xóm nhỏ”. Nhưng vì ông dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu, viết sách, giảng dạy và quản lý mà không thể tiếp tục mạch sáng tác như trước (Ông từng có nhiều năm tháng làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm Nhạc, hoạ Trung ương rồi Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, phụ trách cơ sở 2 ở TP. HCM).
Tô Vũ sinh năm 1923 ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) nhưng sớm theo cha mẹ về cư trú ở Hải Phòng. Ông vốn có tên là Hoàng Phú, là em trai người nhạc sỹ tài danh Hoàng Quý – tác giả bài hát “Cô láng giềng” quá quen biết. Hoàng Phú đã sớm nổi tiếng với hai ca khúc “tiền chiến” đã nhắc ở trên. Vậy mà bỗng dưng ông lại có nghệ danh Tô Vũ.
Tôi tò mò hỏi thì được ông cho biết: Lúc còn trẻ ông đã để râu dài, đầu đội nón, mặc quần áo nâu trông rất giống hình ảnh ông lão chăn dê Tô Vũ trong lịch sử nước Tàu ngày xưa được in trên những chiếc lọ độc bình. Thấy vậy mà mọi người cứ gọi ông là Tô Vũ. Ông là đại biểu duy nhất của khu 3 được đi dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1948. Mặc dù cái tên Hoàng Phú đã rất nổi tiếng – nhất lại là em trai Hoàng Quý, nhưng người ta vẫn cứ gọi ông là Tô Vũ. Ông thấy bực mình, bèn bộc lộ với nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ thì được bậc đàn anh này khuyên: “Thế là người ta đã đặt nghệ danh cho cậu. Hãy dùng nó, càng hay chứ sao?”. Từ đó, Tô Vũ yên tâm với tên này và dùng nó cho tới khi qua đời.
Tô Vũ kể rằng hồi nhỏ, ông vốn rất yêu thích và học đánh các loại đàn dân tộc. Nhưng người thầy dạy văn của ông ở trường là Ngô Đình Hộ - tức nhạc sỹ Lê Thương – khuyên ông nên học thêm đàn violon để có thể cùng thầy hoà tấu trong các buổi văn nghệ của trường. Ông đã nghe theo và càng học càng thấy say sưa mặc dù học loại đàn này cực khó.
Năm 1943, ông cùng người anh trai Hoàng Quý lập nhóm “Đồng vọng” ở Hải Phòng để cùng sáng tác ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc. Nhóm gồm thêm các nhạc sỹ: Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Canh Thân. Năm 1946, người anh trai Hoàng Quý qua đời khi mới 26 tuổi. Trước khi nhắm mắt, anh đã nói với em trai: “Phú hãy tiếp tục sự nghiệp âm nhạc còn dang dở của nhóm chúng ta, không bỏ dở giữa chừng”. Quá thương anh, Tô Vũ (lúc này vẫn là Hoàng Phú) đã bỏ hẳn ý định làm nghề khác để đi hẳn vào con đường âm nhạc. Ông nói rằng nếu không có sự ra đi quá sớm với câu nói gan ruột của người anh, chắc chắn sau đó, sẽ làm nghề khác chứ không phải là nhạc sỹ.
Bất cứ ai tiếp xúc với Tô Vũ cũng thấy rõ ông là một nhạc sỹ có vốn tri thức về văn hoá nói chung, âm nhạc nói riêng khá uyên bác. Những công trình nghiên cứu, lý luận của ông về âm nhạc luôn là những tài liệu quý giá cho nhiều thế hệ nhạc sỹ nghiên cứu, học tập. Tôi mãi không quên lời dặn của ông: “Phải có tri thức, phải hiểu biết, càng sâu, rộng càng tốt, không bao giờ là thừa. Chỉ loanh quanh với vài nốt nhạc thì không bao giờ tiến được xa”.