Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc: Âm nhạc là sự thấu cảm

Thứ Sáu, 14/01/2022, 10:35

Tôi gặp nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc từ những ngày đầu anh vừa du học ở Mỹ trở về. Lúc đó, Phúc đang đứng trước nhiều lựa chọn cho con đường sự nghiệp của mình ở Việt Nam, đầu quân cho một dàn nhạc danh tiếng với mức lương hậu hĩnh, hay đi con đường độc lập và đóng góp tiếng nói của mình cho cộng đồng, đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng...  Và giờ thì cái tên Phan Đỗ Phúc đã có tiếng trong cộng đồng âm nhạc cổ điển, khi mới đây anh được mời làm Nhạc trưởng Dàn nhạc trẻ Việt Nam - Vietnam Youth Orchestra (VYO).

Hai năm qua, đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam có thêm một cái tên đáng nhớ, nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc với cây đàn cello trầm và ấm của anh. Trở về Việt Nam sau một chặng đường dài du học ở Mỹ, anh mong muốn được đóng góp cho cộng đồng, đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Âm nhạc cổ điển vốn kén người nghe, tiếng đàn cello trầm ấm của anh lại càng ít người biết đến. Anh muốn phá bỏ những giới hạn đó, để đưa thế giới âm thanh của mình đến gần hơn với công chúng. Hai năm chưa phải là dài nhưng nó ghi dấu những nỗ lực của người nghệ sĩ trẻ tài năng.

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc: Âm nhạc là sự thấu cảm -0
Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc.

Với Phan Đỗ Phúc, âm nhạc cổ điển không chỉ xuất hiện ở những sân khấu sang trọng, lộng lẫy, mà anh muốn, âm nhạc cổ điển gần gụi hơn, đời hơn, khi nó xuất hiện ở những quán cà phê, bên đường phố, đó là cách anh mang âm nhạc đến gần với công chúng. Chuỗi concert “Schubert in a Mug” do anh sáng lập giới thiệu tiếng đàn cello đến với khán giả đã được cộng đồng đón nhận. Trong không gian của một quán cà phê nhỏ, giản dị, ấm cúng, khán giả phần đông là những người trẻ lắng nghe anh chia sẻ về những bản nhạc. Họ vừa thưởng thức tách cà phê nóng, vừa lắng nghe những giai điệu của một tài năng âm nhạc, trò chuyện cùng nghệ sĩ để hiểu hơn về âm nhạc. Cứ như thế, âm nhạc thấm sâu vào tâm hồn mọi người một cách tự nhiên, gần gũi.

Phan Đỗ Phúc ấp ủ ước mơ này từ khi còn sống và làm việc ở New York. Anh chia sẻ: “Mỗi khi biểu diễn ở những nhà hát lộng lẫy, tôi lại mong có một không gian ấm cúng, giản dị để những nghệ sĩ cổ điển, cùng khán giả, những người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp có thể gặp gỡ, cùng thưởng thức âm nhạc và giao lưu như những người bạn”. Và mơ ước trở thành hiện thực, cứ thứ 6 hàng tuần, những buổi hòa nhạc bán vé của anh đều kín chỗ. Tâm huyết của anh cũng nhận được sự sẻ chia của nhiều nghệ sĩ cổ điển, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh, nghệ sĩ piano Hoàng Hồ Thu...

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh nói: “Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng muốn biểu diễn ở những nhà hát lớn sang trọng, nhưng anh Phúc đa năng và dễ thích nghi, có thể chơi nhạc ở cả những địa điểm nhỏ chỉ dành cho vài ba khán giả. Ở đâu anh cũng biểu diễn với sự chuyên nghiệp và tinh thần truyền tải âm nhạc hết mình để khán giả có thể thưởng thức và hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này”. Còn Phan Đỗ Phúc thì nói, được làm nghệ sĩ, với anh là một đặc ân, vì thế, hãy sử dung đặc ân đó một cách tốt nhất để có thể cống hiến cho cộng đồng. Phan Đỗ Phúc đi theo cách của mình, như một người leo núi, cần mẫn, bền bỉ và biết cách tận hưởng hạnh phúc trên hành trình vất vả ấy.

Không dừng lại ở giấc mơ nhỏ ấy, mới đây, Phan Đỗ Phúc được mời làm Nhạc trưởng cho Dàn nhạc giao hưởng trẻ của Việt Nam. Trong lời ngỏ của người thủ lĩnh trẻ, anh chia sẻ: “Còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được ngồi dàn nhạc, hồi đó mới có 13-14 tuổi, học cello được 2-3 năm; các thầy cô thấy là đã đủ “cứng” để ngồi và không “phá” dàn nhạc… Hồi đó chơi bài gì tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ cái sự phấn chấn, sung sướng tuổi teen được ngồi cùng bạn bè cùng trang lứa, cùng tập, cùng diễn, vui vẻ khỏi bàn. Nhưng những buổi tập như vậy cũng chỉ thỉnh thoảng, khi nào có concert mới được tụ tập.

Rồi sau này cứng cáp hơn một chút, được tham gia các festival dàn nhạc mùa hè, được tập luyện, đi đây đi đó trong 1-2 tháng trời; cũng vui lắm, nhưng cũng chỉ gói gọn trong các tháng hè. Sau này, có một khoảng thời gian khá dài sinh sống ở bên Mỹ, mới để ý thấy họ có dàn nhạc ở khắp mọi nơi. Các trường văn hoá, từ tiểu học lên trung học phổ thông, rồi đại học; trường nào cũng có không chỉ dàn nhạc, mà còn nào là hợp xướng, dàn kèn đồng, đội duyệt binh của riêng mình.

Nhìn những đứa trẻ 12-13 tuổi đua nhau xúng xính ăn diện để đi diễn mà tủm tỉm cười; cười xong lại thấy tủi tủi cho tụi trẻ con Việt Nam. Cơ hội tham gia vào những dàn nhạc hầu như là không có; trừ khi là theo học chuyên nghiệp tại Nhạc viện đủ lâu, đủ cứng cáp để tham gia các chương trình hòa nhạc của trường. Vậy nên, mình vẫn ước mơ một ngày những đứa trẻ Việt Nam sẽ có những dàn nhạc, mỗi quận sẽ có vài ba cái hợp xướng, vài ba đội kèn đồng; thỉnh thoảng dừng xe đèn đỏ lại thấy những âm thanh của những buổi tập luyện hăng say của các bạn trẻ”.

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc: Âm nhạc là sự thấu cảm -0
Những buổi biểu diễn ấm cúng tại các quán cà phê của nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc.

Sự ra đời của dàn nhạc trẻ Việt Nam - Vietnam Youth Orchestra (VYO) đã đánh dấu một bước khởi đầu cho cái ước mơ đó của anh, một dàn nhạc cho tất cả các bạn trẻ, từ 12-22 tuổi, không cần phải đang theo học bất cứ trường lớp nào, chỉ cần có niềm say mê với âm nhạc cổ điển và đủ quyết tâm để tham gia, trở thành thành viên của dàn nhạc. Phúc hy vọng, đó là một khởi đầu của năm 2022 tốt lành, để tạo sân chơi cho trẻ em Việt Nam được tiếp cận với nhạc cổ điển một cách rộng rãi. Đó cũng là con đường góp phần đào tạo và giáo dục, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ em Việt Nam.

 Phan Đỗ Phúc theo học nhạc từ 4 tuổi, nhưng đến tận khi thi vào nhạc viện, anh mới được học cello. Với Phan Đỗ Phúc, cây đàn cello như một cơ duyên đặc biệt, càng học anh càng ngấm và yêu. Phải sau 2 - 3 năm học, khi tay cầm đàn đã chuẩn chỉnh, anh mới cảm nhận rõ cái hay, sự ấm áp của cây đàn mà các nhạc cụ khác không có được. “Cho đến bây giờ, mỗi sớm mai thức dậy, tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời vì được sống cùng đam mê của mình”, Phan Đỗ Phúc chia sẻ. Vừa học nhạc viện, vừa học văn hóa ở ngoài, Phan Đỗ Phúc quan niệm, dù theo đuổi âm nhạc, nhưng việc học văn hóa rất quan trọng, bởi nó sẽ là cái gốc tạo nên con người. Lớp 11, Phúc đã giành học bổng sang Ý du học, bắt đầu cho chặng đường dài học tập nơi xứ người, từ Ý, rồi sang học thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành cello.

Hơn 10 năm học ở môi trường tiên tiến, cái tên Phan Đỗ Phúc đến từ Việt Nam đã là một niềm tự hào của thế hệ người Việt ở nước ngoài. Một người Việt bé nhỏ, nhưng đã chinh phục thành công cây đàn của phương Tây, cello, giành được nhiều giải thưởng danh giá. Anh từng là giảng viên hai trường nghệ thuật lớn ở Mỹ, từng biểu diễn solo và hòa tấu ở nhiều phòng hòa nhạc tên tuổi. Nhưng Phúc lựa chọn trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành cello tại Mỹ. Gần hai năm về nước, anh đã để lại nhiều dấu ấn bởi sự đam mê và miệt mài cống hiến cho cộng đồng âm nhạc cổ điển.

“Tôi nhìn thấy sức trẻ và tiềm năng, niềm yêu thích của khán giả Việt Nam đối với âm nhạc cổ điển. Tôi đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, nhưng khán giả chủ yếu là người già, trong khi ở Hà Nội, phải 80-90% là những người trẻ tuổi, đó là một tín hiệu đáng mừng, giúp các nghệ sĩ như chúng tôi có thêm động lực”.

Âm nhạc là sự thấu cảm, nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc đang trên hành trình mang âm nhạc đến với mọi người bằng sự thấu cảm và chia sẻ ấy. 

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc sinh năm 1990, anh từng giành nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng tại Ý năm 2008, Giải nhất cuộc thi Concert Competition tại Đại học Luther, Mỹ năm 2012, Giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng tại New York năm 2017. Anh thực hiện nhiều dự án âm nhạc thử nghiệm, kết hợp với tổ chức nghiên cứu và thực hành giáo dục nghệ thuật Wonder Art mang âm nhạc cổ điển đến với các em nhỏ, hòa nhạc: “Từ Trịnh: Những lời gió mới”; Chuỗi hòa nhạc “Schubert in a mug”...

V.Hà
.
.