Thiên đường trên sông Son
Chúng tôi theo thuyền máy men sông Son từ ngã ba Gianh (Ba Đồn) hướng đi Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình). Một không gian thơ mộng với những rặng hoa xuyến chi trắng xóa ven bờ. Những chú cá trắm quẫy bất chợt tung bọt trắng xao động mặt nước.
Từ bến cầu Xuân Sơn, dòng sông uốn lượn theo những dãy núi phía trước. Một đàn cò bay quanh bãi lau sậy kiếm mồi tạo nên một nhịp điệu êm đềm: “Đường về thăm thẳm núi mòn/ Trường Sơn soi bóng sông Son mây vờn”.
Huyền thoại dòng sông chảy từ lòng núi
Thuyền chúng tôi bắt đầu ngược về thượng nguồn sông Son để vào hang động Phong Nha. Từ hàng trăm con suối lạch nhỏ trên dãy núi Trường Sơn đổ tạo nên sông Son chảy ngầm trong dãy núi đá vôi thật kỳ bí. Vòm hang động Phong Nha chính là cửa ra của thượng nguồn dòng sông.
Suốt chiều dài 1.500m trôi ngầm trong lòng động, sông Son tạo nên những dòng chảy quanh hàng trăm nhũ đá trắng muốt, cùng với đó là hồ nước rộng lớn trong hang làm cho dòng sông càng trở nên bí ẩn. Có những khe núi luôn chấp chới đàn bướm ào ào đập cánh bay lên như vườn hoa đủ sắc màu trên không, rồi lại đột ngột đây đó một khoảng trời rọi những cột nắng sáng lòa. Tiếp theo là thảo nguyên xanh ngút ngát cỏ non.
Nhà thơ Võ Huỳnh tới đây khi gặp đúng cơn mưa bay lất phất đã viết: “Em rơi vào thung lũng tâm hồn tôi/ Bừng nở đồng hoa thơm ngào ngạt/ Thảo nguyên xanh cỏ non bỏng rát/ Tôi đón em đã hẹn lâu rồi” (Động cỏ non). Dòng sông quanh co với những chùm nhũ đá rủ xuống thật kỳ dị muôn hình. Phong Nha động là một chuỗi hang liên hoàn (gồm 12 hang chính và nhiều hang phụ hai bên vách núi). Do vậy Phong Nha được coi là động “hang nước” dài nhất Đông Nam Á với kỷ lục 7.729 mét.
Khi chảy ra khỏi động Phong Nha, dòng sông Son mỗi lúc một xanh trong và rộng lớn kéo dài hàng chục cây số xuôi về thị trấn Ba Đồn. Tại đây sông Son nhập vào sông Gianh rồi chảy ra biển. Người dân thị trấn Phong Nha luôn tự hào có con sông của riêng quê hương với cố tích về một mối tình diễm lệ.
Tại đây ai cũng kể được câu chuyện một chàng trai nhà nghèo đã yêu một công chúa nhà giàu có tiếng trong vùng Sơn Trạch xưa. Mặc cho gia đình phản đối, tình yêu của hai người càng thêm mặn nồng. Họ thề nguyền cùng chết dưới dòng sông để minh chứng cho tình yêu bất tử. Hai người cầm tay nhau nhảy xuống dòng nước chảy xiết trong ngày mưa lũ dữ dội. Lớp lớp phù sa đỏ hòa chung dòng huyết lệ tương phùng tạo nên màu son kỳ ảo mỗi khi mùa lũ về. Từ đó trong dân gian đều gọi tên sông Son và lưu truyền câu ca: “Một màu son kỳ ảo/ Trên đỉnh núi Trường Sơn/ Tình yêu trong giông bão/ Thành dòng sông gọi tên”.
Cùng với câu chuyện tình huyền thoại về sông Son, miền đất Bố Trạch còn luôn vang lên những giai điệu tự hào qua bao biến cố lịch sử oai hùng. Người hướng dẫn viên đưa chúng tôi tới Cự Nẫm (xã anh hùng), nơi đã ghi những chiến công không thể nào quên. Trong bài ca “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, hình ảnh Cự Nẫm một thời làm rạo rực lòng người. Câu hát ấy luôn được khắc ghi trong truyền thống ngân vang: “Đây Cự Nẫm kia Câu Nhi, này Ba Lòng, kia Khe Sanh/ Đây bao nơi chôn thây quân thù/ Bình Trị Thiên đây lò tranh đấu/ Chiến công muôn đời lòng đất nước ghi sâu”.
Chuyện kể rằng, dân làng Cự Nẫm thề “Quyết tử để bảo vệ quê hương và Tổ quốc” khi thực hiện lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ (tháng 12/1946). Mọi người rào làng thành ba lớp đánh chặn hàng chục trận càn của giặc Pháp trong hơn một năm trời. Có trận (ngày 2/3/1948) du kích quân Cự Nẫm đã tiêu diệt 50 lính Pháp cùng nhiều tàu xe quân sự. Và còn đó địa chỉ lịch sử bến Xuân Sơn, một tọa độ lửa bắn máy bay Mỹ làm dậy sóng sông Son. Đồng thời mọi người đều biết nơi đây đã nảy sinh câu ca dao đặc sắc của nhà thơ quân đội Thanh Tịnh viết năm 1948: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. (Dân no thì lính cũng no).
Thiên đường động hang khô
Chuyến đi của chúng tôi tiếp tục tới động Thiên Đường, cách động Phong Nha gần 40 cây số, càng thêm lôi cuốn trong miền thiên di bí ẩn của khu rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nếu động Phong Nha nổi tiếng là “hang nước” dài gần 8km thì động Thiên Đường lại lập kỷ lục “hang khô” dài nhất châu Á (31,4km). Nét đặc sắc của động Phong Nha trông cậy vào dòng sông Son và hồ dài chảy ngầm trong chân núi. Còn động Thiên Đường lại rộng lớn kỳ vĩ trên lưng núi. Với chiều cao hang (từ 50 tới 80 mét) cùng chiều rộng (từ 30 tới 100 mét) động Thiên Đường có những nhũ đá trắng hồng cao bằng ngôi nhà 5 tầng.
Những nhà thám hiểm Anh đã phát hiện ra động Thiên Đường này từ năm 2005. Họ có một hành trình khảo sát ròng rã suốt mấy năm trời và đi tới cùng chiều dài động Thiên Đường. Người hướng dẫn viên nói có thể cửa ra của động Thiên Đường nằm ở phía tây Trường Sơn (Lào).
Ấn tượng khổng lồ của những nhũ thạch, măng đá làm sửng sốt cảm xúc của du khách. Đây là hình quả chuông đá vĩ đại (cao 30 mét); còn kia nhũ đá lại dựng nên những ngôi nhà sàn Tây Nguyên bên những thửa ruộng bậc thang hút sâu trong lòng núi, nhất là những hình hài con thú bông như gấu trúc và đàn sóc con bám quanh vách hang. Vây chung quanh chúng là những bản hòa thanh êm đềm qua làn gió cuộn từ trên cao xuống. Chúng tôi ai nấy đều giật mình khi suýt va vào mỏ chim đại bàng khổng lồ đang tung cánh nhũ đá thật dữ dội. Phía trên những giọt nước thỉnh thoảng rơi xuống vai mọi người buốt lạnh qua làn áo mỏng.
Có thể nói không hang động nào được như nơi đây khi nhũ đá được thiên nhiên đẽo gọt thành những cánh hoa khổng lồ với lớp băng trong suốt. Ắt hẳn mọi người sẽ trầm trồ khi bỗng thấy hiện hình đức mẹ đồng trinh trên vách hang. Hay ai nấy đều run rẩy với mái tóc dài và đôi mắt thiếu nữ xinh tươi đang nhìn về phía xa. Qua mỗi cầu gỗ xuống dần dưới lòng hang, du khách luôn có cảm giác như lạc vào động tiên bạch diện với ánh sáng muôn màu chiếu rọi. Những nhà thám hiểm đã khẳng định động Thiên Đường thể hiện sự tráng lệ kỳ vĩ nhất châu Á.
Người đất Bố Trạch rất tự hào tuyên ngôn rằng, ai về Quảng Bình mà chưa vào động Thiên Đường coi như chưa tới Quảng Bình. Đó là vẻ đẹp bao đời nay nơi Quảng Bình đã hiện lên cùng dòng sông xuất phát từ thượng nguồn Trường Sơn. Đó là hoàng cung trong lòng núi của triệu năm thiên tạo. Những chùm hoa vàng anh rực rỡ bên sườn núi luôn soi xuống dòng sông con suối. Sắc màu đỏ cam như một biểu tượng hoa Vô Ưu bất tử trên mỗi cung đường Hồ Chí Minh. Câu hò trên những con đò luôn vang lên trong cánh buồm nâu đẫy gió: “Sông Son tình nghĩa thủy chung/ Quảng Bình, Nhật Lệ anh hùng bốn phương/ Phong Nha rồi lại Thiên Đường/ Ai về nhắn gửi lời thương lên cùng”.
Tên một đường thơ
Lưu Trọng Lư (1911-1991) là một cái tên lừng danh hơn 80 năm qua trên diễn đàn làng văn Việt Nam. Nhà thơ được sinh ra tại đất Bố Trạch (xã Hạ Trạch) cũng bên dòng sông Gianh và sông Son. Mới đây tại thị xã Ba Đồn đã diễn ra sự kiện đặt tên Lưu Trọng Lư cho một con đường tại phường Quảng Thuận (vào ngày 26/3/2024). Như vậy tên của nhà thơ Lưu Trọng Lư đã được đặt trong ba nơi, tại thị xã Ba Đồn và hai thị trấn Phong Nha, Hoàn Lão (đều thuộc huyện Bố Trạch). Trước đó tên ông đã được đặt tại TP Huế và TP Đồng Hới. Như vậy nhà thơ Lưu Trọng Lư là người hiện đang được đặt tên nhiều nhất (5 đường phố) trong làng văn nước ta. Ông là một trong những người khai mở phong trào thơ mới (1932-1945).
Đặc biệt nhà thơ sớm nổi tiếng qua những bài thơ “Tiếng thu”, “Một mùa đông”, “Thơ sầu rụng”, “Giang hồ”… (trong tập thơ "Tiếng thu" - 1939). Tuổi thơ của ông gắn liền với ngã ba sông Son và sông Gianh tới 14 năm trước khi được gia đình gửi về Quốc học Huế. “Tiếng thu” ắt hẳn là những ký ức diệu kỳ từ cánh rừng làng quê nhập vào tâm hồn ông. Quê hương Bố Trạch đã làm nên tên tuổi thi sĩ với những câu thơ ám ảnh tâm hồn người đọc. Đã về tới Phong Nha - Kẻ Bàng không ai không nhớ tới hình ảnh: “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô?”.