Mơ giấc sông Lèn

Thứ Sáu, 15/03/2024, 06:36

Dòng sông Lèn phát nguồn bởi sông Mã dữ dội từ thượng nguồn biên giới Việt - Lào. Khi gặp núi Bần chắn ngang, tại ngã Ba Bông (xã Hàn Sơn - Hà Trung) sông Mã tách dòng thành nhánh sông Lèn kéo dài tới 34km. Ngã ba sông trở thành bến chợ, thuyền bè tấp nập bởi tiếp giáp với nhiều xã thuộc các huyện xung quanh. Bến đò Lèn hình thành từ đó.

Tôi mải miết đi xe máy về phía cầu Đò Lèn (huyện Hà Trung - tỉnh Thanh Hóa) lúc nào không hay nữa. Lần trước về quê nhà cố thi sĩ Hữu Loan tôi từng phải lội qua quãng ngập nước cầu Báo Văn. Sóng nước xoáy cuộn mạnh như muốn kéo mọi thứ trôi về phía xa. Tôi đứng im giữ xe máy vì sợ bị trượt xuống ruộng cói. Kỷ niệm đó quấn quýt tôi khi trở lại bên sông Lèn với cây cầu mới rộng thênh thang trên đường số 1. Thị trấn Hà Trung vào chợ phiên mới đầy hoa.

Nơi ấy ngã Ba Bông

Dòng sông Lèn phát nguồn bởi sông Mã dữ dội từ thượng nguồn biên giới Việt - Lào. Khi gặp núi Bần chắn ngang, tại ngã Ba Bông (xã Hàn Sơn - Hà Trung) sông Mã tách dòng thành nhánh sông Lèn kéo dài tới 34km. Ngã ba sông trở thành bến chợ, thuyền bè tấp nập bởi tiếp giáp với nhiều xã thuộc các huyện xung quanh. Bến đò Lèn hình thành từ đó. Nơi đây nổi tiếng với hình ảnh một con gà cất tiếng gáy, cả sáu huyện cùng nghe là vì thế.

1-c%3fu ðò lèn cu và mói.jpg -0
Cầu Đò Lèn cũ và mới

Đường quốc lộ chạy qua huyện cách ngã Ba Bông chừng mươi cây số nhưng không gian kẻ chợ luôn sầm uất cùng ngôi đền cô Bơ lừng lẫy một phương trời. Đền Cô Bơ còn có tên dân gian là Đền Ba Bông, hay Cô Bơ Thoải, và Cô Bơ Thác Hàn. Đền Cô Bơ được coi linh thiêng vào bậc nhất tỉnh Thanh Hóa trong Tứ Phủ Thánh Cô. Đền có 500 năm lịch sử với chuyện kể dân gian: "Nhớ xưa tích cũ Lê triều/ Có cô Ba Thoải mĩ miều thanh xuân/ Khăng khăng lắm vững cơ trần/ Phò Lê diệt Mạc, bao lần xông pha". Cuộc đời cô Bơ phong trần phiêu lãng có công đánh giặc giúp nước nên được phong thánh tiên cung. Cô còn ra tay giúp đời cứu nhân độ thế cho dân quanh vùng sông Lèn. Người khắp nơi hẹn hò hội lễ: "Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mười hai tháng sáu rủ nhau mà về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười hai tháng sáu thì về Ba Bông".

Dòng nước sông Lèn đã bao phen dâng cao làm chìm ngập cánh đồng chiêm trũng Hà Trung. Những dãy núi bao quanh huyện một phần làm nên cảnh quan kỳ thú nơi đây bên sông hồ. Dường như sông Lèn được coi là biên giới của huyện Hà Trung với huyện Hậu Lộc và Nga Sơn trước khi trôi ra cửa Lạch biển Đông. Con đường quốc lộ chạy qua sông đã được xây cầu từ hơn trăm năm trước.

Bên cạnh cầu mới là cầu Đò Lèn cũ, vẫn được giữ để cho tàu đường sắt Bắc Nam chạy qua. Đó chính là chiếc cầu lịch sử với bao chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa anh hùng. Bởi tại nơi đây được coi là địa đầu sóng gió của Thanh Hóa. Thị trấn Hà Trung tiếp giáp với hệ thống phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình) có vị trí quan trọng bậc nhất cùng với cầu Hàm Rồng. Khi đó cầu Đò Lèn được coi là huyết mạch giao thông tiếp tế vận chuyển về mặt trận phía Nam.

Vào đầu tháng 4/1965, đế quốc Mỹ đã huy động đội không hạm "Sấm rền" đánh phá cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. Liên tiếp trong hai ngày (3 và 4) giặc Mỹ ném bom và bắn phá dữ dội hòng đánh sập ga và cầu Đò Lèn. Nhưng chúng đã thất bại dưới những nòng súng bắn trả quyết liệt và dũng mãnh của dân quân các xã của hai huyện Hà Trung và Hậu Lộc. Cuối cùng chúng đã phải bỏ chạy để lại nhiều xác máy bay tan tành dưới cánh đồng chiêm trũng bên sông Lèn.

Không khí chiến tranh ngày đó đã được nhà thơ Nguyễn Duy phản ánh chân thực với hình ảnh: "Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất/ Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền/ Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/ Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn" (Đò Lèn). Sau đó, những chiến công rực rỡ của quân và dân Hà Trung đã hiển hiện sinh động phần nào trong bản "Trường ca Đò Lèn" của nhà thơ Lâm Bằng. Ông đã viết: "Những mùa sen, những mùa hoa/ Tỏa hương thơm ngát giữa mùa chiến công/ Đò Lèn mảnh đất anh hùng/ Chàng dũng sĩ giữa muôn trùng sóng xô/ Chiến công tô thắm màu cờ/ Sóng sông Lèn vỗ đôi bờ quân reo".

Ký ức bi tráng trên sông xưa

Sông Lèn hòa nhập với biển Đông trong một cung đoạn hiền hòa nhưng lại luôn dậy sóng vào mùa lũ. Chung quanh là những dãy núi bao quanh hiểm trở. Những cánh rừng điệp trùng từ dãy núi Tam Điệp tạo nên địa thế độc đạo. Chính vì thế, đã bao đời nay dòng sông Lèn gắn với hình ảnh bi tráng của nữ tướng anh hùng Triệu Thị Trinh - Bà Triệu (225-248). Quê bà ở Hậu Lộc cạnh Hà Trung nhưng lại chọn Núi Nưa làm căn cứ đầu tiên cùng anh trai tổ chức khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô. Sau đó bà quay về chọn nơi đóng quân mới tập trung ở đất Bồ Điền (Hậu Lộc) bên sông Lèn.

Từ đây, nghĩa quân Bà Triệu đánh chiếm hết đất Giao Châu trong vòng sáu tháng. Cuối cùng Thứ sử Giao Châu bị giết chết. Hoảng hốt, nhà Ngô đã huy động tiếp viện 8.000 quân sang bao vây và đánh thẳng vào căn cứ nghĩa quân ở Bồ Điền. Trên sông Lèn đã diễn ra hơn 30 trận kịch chiến ác liệt của đội dũng sĩ nghĩa quân. Xác giặc Ngô chất đầy sông Lèn. Nhưng khi sức tàn lực kiệt, bà Triệu đã lên núi Tùng quyên sinh khi mới 23 tuổi (cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 6 tháng năm 248).

Tới nay dân quanh vùng ai cũng nhớ tới lời tuyên ngôn của Bà Triệu với khí phách quật cường năm nào. Những câu nói của bà Triệu vang lên như bản hùng ca: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng gió, chém cá kình ngoài biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng quỳ gối làm tỳ thiếp cho người".

Hiện ở vùng Kẻ Nưa nhân dân vẫn lưu truyền bài ca dao ca ngợi bà: "Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ múc nước rửa bành con voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng/ Túi gấm cho lẫn túi hồng/ Têm trầu cánh phượng cho chồng ra quân". Ngay tại núi Tùng nơi bà quyên sinh, mọi người vẫn hát vang những lời ca: "Tùng sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh". Hiện nay đền thờ Bà Triệu được xây ngay trên đất Bồ Điền nơi hội quân khởi nghĩa năm nào (Lễ hội ngày 22/2 âm lịch). 

6-ð%3fn bà tri%3fu bên sông lèn.jpg -1
Đền Bà Triệu bên sông Lèn.

Dòng sông Lèn luôn kể chuyện mình theo năm tháng như vậy. Mỗi khi sông Mã quậy sóng và biển động thì sông Lèn lại cất tiếng theo dòng trôi lịch sử. Đền Cô Bơ biểu trưng cho hình tượng liệt nữ luôn vì dân vì nước như Bà Triệu. Cách đền Cô Bơ không bao xa, sông Lèn còn hiện diện đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, một danh tướng kiệt xuất thời nhà Lý. Ngài về với sông Lèn như trở về với quê hương những năm tháng còn lại. Khi đó ngài được cử về trấn thủ tại Thanh Hóa (1082). Hai mươi năm sau những chiến công lừng lẫy đánh tan giặc Tống, ngài đã dừng chân bên núi Ngưỡng Sơn, soi mình bên dòng sông và cho xây ngôi chùa Linh Xứng.

Và lời ngài đã khắc trên bia đá rằng: "Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; Cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho "đạo" và "danh" rạng rỡ thì không đáng quý hay sao?". Sau gần 20 năm gắn bó với đời sống dân sinh, ăn nước dòng sông Lèn, ngài đã ở lại nơi đây làm chốn "Thọ thân". Người dân xứ Hà Trung đã dựng đền thờ ngài bên sông. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất xứ Thanh với lịch sử ngàn năm. Cũng từ đó "Hai mốt tháng sáu thường niên/ Bến xuân tấp nập giăng thuyền lễ Ông/ Sông Lèn xuôi nước biển Đông/ Vang lên lời "Hịch" non sông thuở nào".

Cánh sóng nơi biển khơi

Giờ đây cuối sông Lèn có những biến động kỳ thú khi người ta sắp bắc một cây cầu từ bên Nga Sơn sang Hậu Lộc. Cây cầu nằm trên hệ thống thủy lợi đang được nâng cấp nhằm ngăn chặn nhiễm mặn cho tưới tiêu. Người hướng dẫn viên nói, nước sông Lèn mỗi ngày một ngọt lành cho 23 ngàn hécta đất canh tác. Hơn nữa đây cũng là công trình góp phần cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của 600 ngàn người. Những con tàu lớn có thể đưa hàng tới chân cầu. Một bến cảng sông nơi cửa biển sông Lèn đang hình thành như một giấc mơ.

Tôi bỗng bồi hồi nhớ lại giai điệu văn Cô Bơ nơi ngã ba sông cất lên như ước vọng lãng mạn nơi bồng lai tiên cảnh bên sông Lèn: "Đêm thanh hiện giữa Thác Hàn/ Tay tiên cô gảy cung đàn nam thương/ Độ người cách trở viễn phương/ Bắc cầu Chúc Nữ, Ngưu Lang đợi chờ" (Bản Văn Cô Bơ). Bóng người chèo đò trên sông Lèn kéo dài theo ánh nắng nghiêng nghiêng mặt nước. Từ đó bay lên tấm lưới cùng bọt sóng trắng xóa.

Vương Tâm
.
.