Tên con là Bông Hoa Gạo Đỏ

Thứ Bảy, 25/03/2023, 08:36

Lại một mùa hoa gạo đỏ. Con trai tôi tên là Gạo, năm nay lên 10. Ai cũng nghĩ tên con mang ý nghĩa Hạt Gạo, là mong ước của bố mẹ con về sự no ấm, đủ đầy. Thực ra tên con là Bông Hoa Gạo Đỏ.

Ngày tôi gặp người đàn ông sau này là chồng tôi, cha của con trai chúng tôi, tôi kể anh nghe, quê em làng Đông Thành, có hai cây gạo đại cổ thụ giữa làng, nằm hai bên mé cầu vòm cuốn. Dòng sông ấy không tên, là nhánh nhỏ của sông Vĩnh Giang chảy qua địa phận xã. Dòng sông hiền hòa, thắm thiết, là mạch đập sinh sôi, mạch nguồn kết nối trong đời sống cư dân của hai làng.

Bên bờ Vĩnh Giang, mỗi đoạn chừng nửa cây số lại có một cây gạo. Kề bên những gốc gạo ấy thường có một bến đá ba tầng bậc xanh màu bích ngọc. Ngày mưa hay nắng, chúng tôi đều lội xuống bến ấy để khỏa nước chơi, vục nước uống.

z4199244215529_00dca84a9316f89f6f909d630b8ec34c.jpg -0

Ai cũng nói "thần cây đa, ma cây gạo", nhưng những cây gạo ở làng tôi đều thân thương, hiền hậu. Người làng dựng vó bè, kéo vó kẽo kẹt cả đêm ngay dưới gốc gạo. Chẳng nghe nói ai bị ma trêu ma ghẹo bao giờ!

Hai cây gạo giữa làng, chúng tôi gọi là cây gạo đôi. Từ khi tôi còn bi bô nhỏ xíu, hai cây gạo đã sừng sững vĩ đại, đan tán vào nhau, đổ bóng lên khúc sông có một cây cầu gạch xếp cong cong hình vòm cuốn, có lúc chúng tôi gọi đó là cầu gù. Gốc gạo chành ra ba bốn góc, xù xì, im lìm như những con cá sấu, nhẫn nại cõng trên lưng một bầy trẻ lon xon, hàng ngày nhảy nhót đùa nghịch, quên đói quên khát. Vào mùa xuân hoa gạo bời bời rụng, sáng sớm đã thấy rắc đỏ một đoạn đường làng, dập dềnh nổi đỏ một khúc sông.

Tôi đã kể anh nghe về cây gạo đôi như đứa trẻ thích thú cùng anh bay về một miền cổ tích. Nhà thím Cư thả chiếc vó bè ngay cạnh cây cầu, khúc ấy lòng sông sâu, rộng, có lẽ là một rốn cá. Thím Cư là người bạn vong niên của mẹ, nên chúng tôi gọi là thím. Tôi thường ngồi ở gốc gạo xem chú thím Cư cất vó. Đôi lúc, tôi xin chú thím cho kéo thử một lần. Chiếc vó bè rất nặng khiến tôi phải gò lưng mới kéo nổi. Nhưng khi nhìn những giọt nước châu ngọc tinh nghịch chui theo những mắt lưới vó mà rớt xuống lòng sông trong nắng ngời lấp lánh, nhìn tôm cá nhảy tanh tách trên mặt sườn lưới dốc, rồi lần lượt rơi tỏm vào chiếc giỏ nơi đáy vó, cứ thích thú đòi kéo mãi.

Mẹ tôi có người bạn gái thân nhất ở làng là cô Tề, nhà ở Ngõ Cái, gần đôi cây gạo. Cô Tề yêu thương tôi như con gái. Cô và mẹ làm chung trong tổ đội sản xuất và chi hội phụ nữ của làng. Mỗi năm vào dịp tháng ba, chi hội phụ nữ liên hoan, mổ lợn, nấu cỗ ở nhà bà Đãng. Mẹ không cho tôi theo vì sợ trẻ con quấy nghịch, cô Tề thương tôi, lội đường mưa phùn trơn trượt lên tận nhà cõng tôi đi. Cô muốn đứa trẻ út ít được ăn một bữa cỗ có nhiều món ngon. Trẻ con nhà quê trong những tháng ngày nghèo khổ ấy, chẳng vui gì hơn là được theo mẹ đi ăn cỗ. Năm ấy tôi nhớ nhất, đến gốc gạo, cô lội xuống làn sông vớt lên mấy bông hoa gạo còn tươi thắm, bỏ vào chiếc nón cho tôi chơi. Tôi thuở ấy là đứa trẻ còi cọc nhưng hay hờn khóc đòi chơi cái đẹp, có lẽ cô thương tôi hơn là vì thế. Tôi luôn nhớ về cô như nhớ một người mẹ.

Nơi gốc gạo đôi ấy, không có một cây cầu nào khiến tôi ấn tượng như cây cầu gù trầm tư, cũ kỹ, rêu phong. Nói đúng hơn, cây cầu cong có lúc khiến chúng tôi mệt nhọc, bực bội. Một dòng sông mơ màng, êm êm bốn mùa như tơ lụa, đôi con đường đất mịn bên sông cũng phẳng lặng, nên thơ. Tự nhiên cây cầu vồng cong lên như thể một thách thức. Chiếc xe đạp đi tới, phải dừng lại, đẩy xe qua. Chiếc xe cải tiến chở đầy ngô khoai lúa thóc, đến nơi cầu phải dừng lại, dỡ bớt lúa thóc ngô khoai xuống, bê qua đầu cầu bên kia, rồi hò dô đẩy xe qua, lại lễ mễ xếp lúa ngô lên xe, đẩy tiếp. Cứ nghĩ đến những tấm lưng đẫm đìa mồ hôi dưới trưa hè nắng nực, cứ nghĩ đến những mẹ những chị dịu dàng là thế, duyên dáng là thế, đến khi phải mang vác đồ nặng hay gò lưng đẩy xe cải tiến qua cầu, thật ái ngại xa xót biết bao!

Cây cầu ấy, nó nên thơ là thế, thì ra chỉ để dành cho người đi bộ, và cho những con thuyền có mui mái, mỗi lần đến khúc sông ấy, có thể luồn qua vòm cầu dễ dàng. Ngày ấy, dân ta đi bộ, đi thuyền, chuyên chở hàng hóa, lương thực bằng thuyền, nên ở nhiều ngôi làng Bắc bộ, người ta đều xây cầu vòm cuốn. Nó chỉ trở nên bất tiện khi cơ giới hóa về nông thôn, dân không còn sử dụng thuyền gỗ chở lúa thóc, xe cải tiến, xe đạp thồ đã thay thế cho việc gánh gồng, thuyền mảng. Người ta phải phá đi cầu gù, dỡ đá phiến ở bến sông xếp tạm cây cầu đá phẳng để thuận tiện cho xe qua lại. Những vòm cong cầu cuốn phong rêu lãng mạn, từ bấy giờ không còn in trong bóng nước dòng sông.

Chồng tôi là nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Khi tôi quen anh, anh đang vẽ và mở triển lãm Hú họa. Tôi thường tới chỗ anh xem tranh, kể cho anh nghe câu chuyện dòng sông và đôi cây gạo. Ngày ấy, đã không còn hình bóng của vòm cong cầu cuốn, nhưng đôi cây gạo thì vẫn sừng sững vững chãi bên cầu đá phẳng. Và dòng sông vẫn thế, thơ mộng, thao thiết, hiền hòa…

bố và gạo.jpg -0
Bố Nguyễn Khắc Phục và em Gạo khi còn nhỏ.

Ít ngày sau, anh Phục gọi tôi đến để anh khoe một bức tranh. Tôi ngỡ ngàng và vô cùng cảm động, anh vẽ hai cây gạo, chỉ khác một điều, hai cây gạo quê tôi có lẽ được trồng cùng lúc nên lớn lên vạm vỡ cùng độ, còn hai cây gạo trong bức họa của anh, một cây lớn, một cây nhỏ. Có cô gái ngơ ngác nấp sau thân cây gạo nhỏ, nhìn về phía cây đại thụ, ánh mắt tha thiết, dịu dàng. Đại thụ ấy là anh, cô gái ngơ ngác và cây gạo nhỏ non nớt như nép mình trong bóng đại thụ sum suê, ấp ôm, bao bọc. Là tôi đấy chăng?

Hơn ba năm sau ngày anh Phục vẽ bức tranh ấy, tôi và anh phấp phỏng chờ mong đứa con yêu dấu của chúng tôi sắp chào đời. Anh Phục về làng tôi lần đầu tiên, khi ấy đôi cây gạo vẫn còn, tuy không phải mùa hoa, và thật tiếc chúng tôi không chụp lại hình ảnh. Chúng tôi đi dọc theo dòng sông ấy, về phía thành phố Nam Định. Bên kia thành phố, qua cầu Đò Quan một chặng, là quê anh. Khi đó cũng là lần đầu tiên anh đưa tôi về thăm quê nội. Chúng tôi đặt tên yêu dấu cho con ở nhà là bé Gạo. Anh nói, cho dù con là trai hay gái, tên Gạo đều đáng yêu. Khi con chúng tôi chào đời, ai cũng nghĩ tên con ẩn nghĩa về sự no đủ, nhất là con lại trắng trẻo, bụ bẫm như hạt nếp. Kể ra, thêm một nét nghĩa ấy, tên con càng ý nghĩa, càng đẹp, nên chúng tôi không giải thích gì thêm mà chỉ mỉm cười.

Tên con là Bông Hoa Gạo Đỏ. Khi con lên ba tuổi, lần thứ ba con được bố mẹ đưa về làng. Hai cây gạo lúc này không còn nữa. Dân làng kể rằng nó đã quá già, bị sâu mọt, nên phải đốn hạ xuống, đề phòng có thể bị mưa bão quật đổ. Lúc bấy giờ, thân gỗ lớn từng khúc và rất nhiều cành lớn cành bé của nó, được cưa đoạn xếp gọn bên lề đường. Nhìn thấy mà rưng rưng… Cây cầu đá xanh biếc lúc này cũng không còn. Làng làm đường bê tông thay thế đường đất cũ, có cầu bê tông thay thế hai phiến đá. Cây cầu mới, nghe dân làng kể, là do anh Mai Đình Vinh, người con trai cả giỏi giang, thành đạt của cô Tề, đóng góp xây dựng, với mong muốn giản dị, là từ đây về sau, cây cầu ấy được gọi tên là Cầu Ông Chỉnh, tên người ông nội của anh.

Tôi rời làng có lẽ đã ba chục năm, nhưng ký ức về làng trong tôi lúc nào cũng ắp đầy, tươi trong, nguyên vẹn. Những cây cầu và những dòng sông, những cội cây mạnh mẽ, bao dung, tựa chứng nhân âm thầm dẫu chưa bao giờ cất tiếng, của ngôi làng. Từng gương mặt thân quen, từng bóng hình đi qua, dẫu thân hay sơ, đều mang bóng dáng quê nhà yêu thương, gần gụi. Nơi nghĩ về là rơm rớm một miền thương nhớ. Tháng ba rợp trời hoa gạo đỏ, tôi đã kể cho con trai tôi, về ngôi làng, về dòng sông, những mùa hoa thắp hồng ước mơ thơ bé. Và tên con là Bông Hoa Gạo Đỏ, đốm lửa nồng nàn yêu thương, hy vọng, ngày cha mẹ thương nhau…

Trang Thanh
.
.