Rượu hoa thơm hương Tết

Thứ Sáu, 09/02/2024, 11:20

Chiều Sài Gòn, ngày đông chờ Tết, một cơn mưa đi qua mang đầy phong vị tình thơ ý họa. Ước gì có dăm ba tri kỷ ngắm chiều cuối cùng của năm đang chậm qua song cửa, rót bình Hoa Mai tửu, vào bếp xào nấu vài món, cùng trò chuyện những vui buồn đời và thơ.

"Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới hoa
Nâng chén mời trăng sáng
Mình với bóng là ba".

                               (Lý Bạch)

Chiều Sài Gòn, ngày đông chờ Tết, một cơn mưa đi qua mang đầy phong vị tình thơ ý họa. Ước gì có dăm ba tri kỷ ngắm chiều cuối cùng của năm đang chậm qua song cửa, rót bình Hoa Mai tửu, vào bếp xào nấu vài món, cùng trò chuyện những vui buồn đời và thơ. Lúc đó không còn vướng bận rộn, chẳng màng sự đời rối ren, lòng người nông sâu, phú quý công danh cũng không còn quan trọng. Chỉ còn lại một vẹn nguyên tấm chân tình ấm áp tiễn năm cũ, đón năm mới.

Trang 36 VN TẾT - Rượu hoa thơm hương Tết -0
Những ly rượu hoa quả dưỡng nhan.

Những cuộc vui, những ngày Tết cổ truyền, những bữa cơm cuối năm chầm chậm… nếu không có ly rượu tiễn năm cũ, đón năm mới, sao đàn ca có thể cất lên không khí vui tươi. Bao năm sống ở vùng đất phương Nam, nhất là xuống miền Tây, hễ có đờn ca hát xướng là phải có rượu. Có rượu, lời ca mới ngọt, ánh mắt mới nồng nàn.

Đời người vốn như phong cảnh vùn vụt trôi qua. Chẳng ai giữ lại một tiếng đập của cánh chim, một quá trình hoa nở. Ai cũng từng một lần cất gió, giấu mây, ẩn luôn những con sóng ngầm trong bể phù vân đời mình. Mấy ai thấu hiểu cách để tìm những khoảnh khắc vô ưu, tìm cách sống sao cho vui vẻ sảng khóai, cho thanh thóat bằng an tâm hồn. Có những lúc, chính ly rượu là tác nhân đưa ta đến nơi thóat tục. Trong lâng lâng men thơm, ta như cảm được cái thanh khiết của hương hoa ngấm vào xương tủy. Thấy được cả cái thần khí tao nhã của bụi trúc sau mưa đang vui vẻ hợp hoan cùng hoa lá để đón Xuân về.

Với những kẻ lỡ mang tâm hồn thi sĩ, những người cô đơn nhất trần gian, rượu là thi hứng, là bạn, tâm giao như thơ Lý Bạch đã từng viết: "Có rượu không có bạn/ Một mình chuốc dưới hoa/ Nâng chén mời trăng sáng/ Mình với bóng là ba". Có những khoảnh khắc trong đời, hình như chỉ có rượu mới tựa tri âm, thấu hiểu nỗi cô đơn của thi sĩ, để làm nên những áng thơ tiêu sái phiêu dật "Trăng sáng tự bao giờ/ Nâng chén hỏi trời xanh". Thi nhân không có rượu, lời thơ sẽ tỉnh lắm, trí tuệ lắm, không phiêu hốt được, như thành ngữ "đàn ông vô tửu như kỳ vô phong".

Mở hội tao đàn không có rượu kích hoạt cảm hứng thi nhân như uống nước trắng, như hát không có nhạc đệm, nhạt như canh không nêm muối. Người ta nói "phi tửu bất thành lễ", mà luận ra từ xa xưa, rượu chẳng những làm nên lạc thú cuộc đời mà còn là món ẩm thực song hành cuộc sống. Chỉ có điều, ai là người biết thụ hưởng lạc thú đúng cách mà không bị rượu điều khiển sa ngã đến lệ thuộc. Và nói cho cùng, uống rượu cũng phải giữ sang trọng, phẩm giá, cốt cách. Đã sa vào cuộc vui, đã tham dự bữa cơm đón Tết, vui xuân, uống một chút rượu rồi thì đừng có tham gia giao thông nữa mà phạm luật, đó chính là tuân thủ văn hóa tối thượng của rượu.

Trên đời này có rượu giải sầu, cũng có rượu danh lợi, có rượu tương tư, cũng có rượu dứt tình. Có người uống rượu tiêu tan hết tình sầu. Cũng có người uống vào tan lòng nát ruột. Rượu có thể gây huyên náo, có thể gây tĩnh mịch. Có người vì rượu mà phấn khích dốc hết ruột gan. Có người mang tâm tư giấu kín trong ly rượu, bởi cho rằng, dốc cạn chén chưa chắc tìm được tri kỷ kiếp này.

Trong cuộc sống, rượu là một nghi lễ. Các đôi tình nhân có rượu thề: "Kể từ khi gặp chàng Kim/ Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề" ("Truyện Kiều" - Nguyễn Du). Rồi số phận hồng nhan, ai thấu nỗi đau của nàng Kiều tài sắc vẹn toàn, ai chia sẻ cho nàng nỗi ê chề ngoài những cơn say ''Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa". Trong nghi lễ hôn nhân từ xưa đến nay, chén rượu giao bôi của vợ chồng mới cưới là chén rượu uống chung mang ý nghĩa là từ đây cùng nhau nguyện nếm đắng cay trong cuộc đời.

Rượu cũng là vị thuốc nếu ta điều khiển nó theo chừng mực. Gia tộc nhà tôi họ Võ, dân xứ Nghệ hào sảng, ai cũng biết uống rượu và tửu lượng cao, không có ai sa vào nghiện ngập hay suy đồi vì rượu. Như bác cả tôi, tuổi chín mươi da đỏ au, mắt sáng lưng thẳng, mỗi buổi làm đồng nách cắp theo be rượu chừng 2 xị, không cần bình nước gì hết. Be rượu cắm đầu bờ, cày cấy vài vòng lại tợp một ly rượu, hết buổi đồng, thì be rượu cạn. Bác ăn trầu, uống chè chát, uống rượu, không cao lương mỹ vị, không thực phẩm chức năng bổ sung đủ thứ rối rắm như bây giờ. Nhưng có lẽ môi trường sống an lành, thực phẩm ăn uống an toàn, lao động và thứ rượu "tinh túy đất trời" như tác nhân kích thích sự luân chuyển bộ máy cơ thể mà các thế hệ tiền nhân của gia tộc tôi như các bác, các o, cha mẹ tôi ai cũng khỏe mạnh, tuổi thọ trung bình ngoài 90, ít người mang bệnh nền thời hiện đại như xơ vữa mạch máu, huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch...

Dân làng tôi xưa ai cũng tự nấu rượu, để nhà dùng, để bán, để lấy bã hèm nuôi lợn. Mẹ tôi nấu rượu bằng gạo nếp, mỗi cân gạo nếp chỉ lấy một chai rượu trong như mắt mèo. Mỗi khi cha đi giỗ, trong phần lễ cầm đi, nhất định có chai rượu nút lá chuối của mẹ. Ngày Tết trong sân nhà, mùi trầm, mùi hoa, mùi pháo, mùi thức ăn, mùi rượu nếp lên hương quyện với nhau thành mùi hương Tết theo khói lan từ nhà từ bếp ra sân bay khắp làng. Đó là mùi Tết, thứ mùi hạnh phúc trần gian, đọng sâu trong tâm thức, theo ta suốt cuộc đời.

Trang 36 VN TẾT - Rượu hoa thơm hương Tết -0
Ủ rượu hoa quả là một nghệ thuật.

Tôi mê ủ rượu như mê một nét văn hóa của phụ nữ Á Đông. Rượu là thứ làm cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc. Rượu không xấu, chỉ có người không biết dùng rượu nên làm rượu xấu đi thôi. Tôi học mẹ cách ủ rượu. Mẹ kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, và nghiêm ngặt trong quy trình chế biến. Mỗi một món mẹ cẩn thận đặt hết tâm trí. Thành phẩm làm ra của mẹ bao giờ cũng chất lượng tuyệt hảo. Từ khâu mẹ nhờ người làng ở quê chọn nếp, nấu kiểu thủ công xưa rồi kỳ cạch chuyển vô Nam. Nếu ủ rượu hồng sâm, tôi phải đặt thứ rượu Bình Tây đúng 40 độ, không được hơn hay kém, mới ra được sản phẩm.

Sau biến cố cuộc đời, hầm rượu của tôi ủ dành chồng đãi bạn, chồng phải dùng ô tô mới chở hết sang nhà người mới. Mẹ con tôi ngậm ngùi về chung cư ở. Từ đó tôi không tụ tập bạn khác phái, chỉ còn bạn phụ nữ nên dùng rượu ủ từ cây cỏ hoa trái. Nhờ một duyên lành, tôi làm được loại rượu dưỡng nhan chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Ai đã từng được uống sẽ dành cho nó sự quyến luyến, nhiều người vui gọi là Hoa Mai tửu, gọi tôi là "cô ủ rượu".

Tôi giờ như một cánh én đã mỏi, dừng chân trú ngụ nơi miền nắng ấm. Lòng cũng tự an ủi "ta có một bầu rượu/ để xoa dịu phong trần". Nghe thì không ra vẻ nữ tính, kỳ thực là vì tự bảo rằng sao đàn bà bây giờ cũng chịu phong trần chả kém đàn ông, có khi còn mưa gió bão táp hơn. Vậy sao đàn bà lại không được trải nghiệm đam mê lạc thú chứ. Đàn bà xưa trong khuê phòng, đâu có phải nếm trải gió táp mưa sa đâu. Đàn bà cũng nhiều nỗi đau đâu phải biết tỏ cùng ai. Đàn bà cũng có lúc phải dựa vào rượu để lệ sầu hòa vào rượu cho bớt vị mặn của nước mắt.

Trong thơ hiện đại đương thời, rất nhiều phụ nữ dùng thơ để tả nỗi đau của đời mình. Có những câu thơ tôi bắt gặp đâu đó. Đọc xong, thấy như nỗi đau trong thơ đã chuyển sang mình. Một nỗi đau rất thực trong tim. Những lúc đó, tôi rót một ly Hoa Mai tửu, nhấm nháp với chính nỗi đau từ thơ bạn thiên di sang hồn mình. "Gió cửa sau gió chuốc gió say mềm" (Thy Nguyên). Cái chống chếnh, cái trống trải, cái cô đơn, cái yếu đuối đến bơ vơ của một phận đàn bà đã thành nỗi đau kinh điển cho những người phụ nữ từng bị phản bội, bị bỏ rơi.

Tôi đã nhận hồi kết nỗi đau của chính mình và chấp nhận nỗi đau đó bằng câu an ủi kinh điển "do số thế". "Ai sẽ mở tiệc trên cơ thể em/ Để chú dế con thôi gục đầu trên ngực em bật khóc" (Như Bình). Một nỗi đau chỉ đàn bà mới đau cộng hưởng được. Người xưa nói "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng" để nói lên quyền lực của nhan sắc. Nhưng có biết bao nhan sắc trên đời này mang nỗi cay đắng vì nhan sắc bị phí phạm một đời, đến nỗi khi chết đi, côn trùng mở tiệc trên bầu ngực - một tạo vật thượng đế ban tặng cho phụ nữ để làm biểu tượng cho nhan sắc, tình yêu và cội nguồn sự sống. Khi đọc được những câu này, nước mắt đồng cảm chảy vào tim tôi run rẩy.

Tôi trót làm thơ, viết văn, cũng có dăm mười đầu sách đã xuất bản. Dẫu bôn ba vất vả nhưng lại được hưởng hai lạc thú đam mê của đời mình là văn chương và ủ rượu. Được tự do viết những điều mình thích. Dẫu, đó là để ngâm vịnh cùng bạn bè, những lời phong nhã, những lời khóang đạt hay những tâm trạng tang thương trống trải đầy chấp niệm thương cảm. Đã đi dưới trời đất mênh mông, có lúc cô đơn lạc lõng, cũng tự cho mình nếm lạc thú là bầu rượu để xoa dịu phong trần, gột sạch mệt mỏi, tại sao không. Và tự thấy mình vẫn rất đàn bà bên rượu hoa của mình.

Sài Gòn những ngày chờ Tết

Hoa Mai
.
.