Rưng rưng niềm thương Tết

Thứ Năm, 02/02/2023, 07:45

Bếp luôn luôn đỏ lửa. Tiếng tí tách than củi rổn rang. Hơi ấm thân quen từ muôn lá. Làn khói trắng rưng rưng vòng bay lên. Dáng mẹ hối hả với củ hành, lá dong. Tiếng xe và người đi chợ sớm ngang qua nhà. Những thanh âm quen thuộc, chẳng hề mới mẻ mà vẫn gợi niềm xúc động, chạm vào ta, đánh thức xúc cảm. Là thanh âm vang động của Tết bình yên về bên hiên nhà như một người đi rất xa trở lại biết nơi đây có ai đó vẫn ngóng chờ.

Tết trong ta thường được đánh thức bằng dăm ba điều bình dị như thế để mà thương mà nhớ. Dù là lúc ấu thơ hay buổi trưởng thành rời đi xa ngái. Tết trong lòng đứa con vẫn luôn vẹn nguyên, tròn đầy tựa vầng trăng vành vạnh đêm mười sáu. Chỉ cần nghe tiếng Tết cất lên đã thấy chộn rộn, xốn xang.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nói về Tết ý rằng: người xứ mình cần Tết như một quãng nghỉ, quãng dừng chân sau đoạn dài cả năm để người đi xa trở về ngơi nghỉ, để người bên kia thế giới được trở về.

Rưng rưng niềm thương Tết -0

Chỉ cần bước vào tháng mười hai dương đã nghe không khí Tết chờn vờn xung quanh. Tết để trở về, đoàn tụ, bên nhau. Tết cũng mang theo bên mình ngàn vạn nỗi lo, niềm thương.

Thương nhớ quay quắt cảnh cả nhà xúm xít quét vôi cho ngôi nhà. Khoác cho nơi mình sống một chiếc áo mới tinh tươm như sắm cho đứa trẻ mảnh áo mới diện Tết. Thương mùi vôi vữa nồng nồng ngai ngái. Anh và bố mỗi người dùng chổi trải đều lớp màu trắng lên tường nhà. Con gái lụi cụi phủ áo mới cho từng gốc cây quanh vườn. Ổi, mít, nhãn,… như hồ hởi mừng vui. Thương từng giọt mồ hôi lịn rịn trên trán bố.

Nhớ da diết hình ảnh mẹ cắm cúi gọt hành, cà rốt. Đứa con gái xuýt xoa câu hỏi làm sao để cắt hành không bị cay chảy nước mắt. Mùi hành nồng hăng hăng, vị cay lan trong từng mảnh không khí.

Nhớ cảnh bố quét tước bàn thờ. Anh trai rửa ấm chén, trái cây. Mẹ nhẹ nhàng hái trầu không dâng cúng. Mâm ngũ quả do bố và anh soạn sửa bày biện. Con gái út hì hụi rửa đám lá dong xanh ngăn ngắt, bàn tay tím tái tê cóng vì làn nước lạnh.

Bố cặm cụi gói bánh chưng, bánh tét. Mấy đứa nhỏ tíu tít mừng vui bên cạnh khi được cái bánh út ít nhỏ xíu dồn tụ phần còn lại. Hấp hởi canh nồi bánh chưng. Củi gộc lớn được chuẩn bị cho nồi bánh đều lửa đượm đà. Khoảng thời gian để cả nhà ngồi cạnh nhau. Ấm áp bởi hơi củi lửa hay bởi được quần tụ sum vầy. Tám, chín tiếng đồng hồ ngồi canh, đến tận đêm khuya, vớt bánh ra ép thành hình thành dáng. Bọn nhỏ ngái ngủ cố thức để nhận phần thưởng chiếc bánh tí hon.

Nhớ ánh lửa xập xoè xanh đỏ. Củi lửa xua đi gió lạnh tràn về.Tiếng nước sôi lục bục trong nồi. Lần lượt nồi này đến nồi khác chờ mỗi người trong nhà đi tắm chiều ba mươi như dọn dẹp hết trầm mặc cũ kỹ, bụi bặm trên thân thể và tâm hồn còn vương vấn.

Nhớ từng âu lo của mẹ của bà. Thương từng nỗi chắt chiu bé mọn cái gì cũng để dành đến Tết. Manh áo mới cho mấy đứa con, mẹ gom góp mua trước cho chúng mừng vui. Háo hức đưa ra ướm thử, ngắm nghía, nôn nao mong được mặc nhưng vẫn nhớ dặn nhau “dành đến Tết”. Nghe mà thương sự hiểu chuyện của những đứa trẻ nhà thiếu thốn. Mấy hũ mứt ngào đủ ngọt lành cất gọn chờ Tết đãi khách. Bình trà ngon nhất dành đầu năm mới pha. Hoa vun trồng tỉ mẩn tính ngày tính tháng dành nở đúng vào Tết. Đồng tiền trắng, hồng, xanh, đỏ. Mào gà rực rỡ. Hoa đào phớt hồng. Nghe tiếng Tết mà thương đến nao lòng. Thương từng chiu chắt khó nhọc. Thương từng vun vén nhọc nhằn. Thương từng ánh mắt, đôi tay của mẹ. Người cụm nụm từng chút một dụm dành những gì ngon nhất, tốt nhất đợi đứa con xa trở về.

Tết đơn giản là trở về, mong ước về nhà bên gia đình, bên mẹ cha. Có đi xa thật xa, có phiêu bạt bể dâu, ngụp lặn trong muôn vàn sóng gió tha phương mới thấu hiểu và trân quý nguồn cội, nơi chốn sinh ra. Như chị gái lấy chồng, sinh con gần hai chục năm trời nơi phương Nam nắng nóng mà luôn nặng lòng nhớ cái Tết quê mình giá rét. Cùng một đất nước mà cũng biền biệt cách ngăn, mà quắt quay ngóng nhà dăm ba ngày Tết. Thèm vị Tết quê, thèm cái rét mưa phùn phây phất đầu xuân. Thèm khoác áo ấm to sụ đi chúc Tết. Thèm ngồi bên bếp lửa hơ háy đôi bàn tay ửng đỏ. Đêm giao thừa nghe tiếng pháo nhà ai vọng tới nơi xa. Cả nhà thức đầy đủ cùng đón khoảnh khắc chuyển giao, thắp nén nhang cung kính tổ tiên. Hương trầm thoang thoảng thơm khắp căn nhà.

Thấy Tết đâu đó, lòng mặc nhiên dâng lên chộn rộn. Và nỗi lo vé tàu xe, máy bay cao chất ngất. Đứa con nén lòng ở lại vọng gửi niềm nhớ xa xôi. Nhà neo người lại càng thêm vắng vẻ bởi Tết nay con chẳng về. Tiếng đứa cháu nhỏ bi bô nói vọng qua điện thoại “năm ni o ở tuốt trong Nam nỏ về”. Cớ gì mà khóe mắt cay cay. Cớ gì bờ môi mặn chát. Tết thương nhớ mẹ nhiều hơn. Năm tháng cách xa dài dặc theo tuổi con trưởng thành, rời quê nhà. Tết trở về cùng bố tảo mộ, dắt theo mấy đứa cháu nhỏ chăm sóc mộ phần để bọn nhỏ nhớ về bà. Không thể thiếu những món bình dị thuở nào mẹ rất yêu thích như hoa huệ, bánh quy. Nghe lòng nhoi nhói. Khi con đã lớn khôn có thể mua được nhiều hơn những món ngon, chăm sóc cho mẹ, mẹ đã chẳng còn ở bên. Tết trở về mênh mang khoảng trống ùa ập vào lòng, trống vắng từng góc nhỏ, từng nơi chốn không còn bóng dáng mẹ.

Phải đi thật xa, lăn lộn trầy trật va vấp sóng gió cuộc đời, để nhận ra mọi bước chân ra đi chỉ là để thêm thấu hiểu biết tìm lối quay về bên thân thương. Chẳng có nơi nào bằng nhà, chẳng có tình yêu thương nào rộng lớn hơn trái tim mẹ. Và chẳng có gì hạnh phúc hơn khi Tết được trở về bên những người thân yêu.

Tết có bao giờ là cũ. Sẽ mãi ở một góc trong tim vẹn nguyên cảm xúc, dạy ta từng mảnh nhỏ yêu thương, gieo từng nhung nhớ biết ơn, dẫn lối quay về trong ấm áp. Nghe tiếng “Tết” là nghe ngân vang tiếng nhạc êm ả bên mình…

11/12/2022

Huệ Hương
.
.