PGS. Tiến sĩ - NSƯT Đoàn Thị Tình: "Người độc hành" tìm về nguồn cội
Vừa qua, cuốn sách "Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam" của PGS. Tiến sĩ Đoàn Thị Tình đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải thưởng năm 2021 ở hạng mục Sách nghiên cứu lý luận phê bình. Đây là một ghi nhận xứng đáng cho một công trình nghiên cứu công phu, bài bản và những nỗ lực đáng nể của một nhà giáo, một NSƯT trên lĩnh vực mỹ thuật sân khấu.
Có thể nói, suốt nửa thế kỷ qua, PGS. Tiến sĩ - NSƯT Đoàn Thị Tình luôn là một người tận hiến, một "người độc hành" tìm về nguồn cội và tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống trên sân khấu nước nhà...
Trò chuyện với PGS. Tiến sĩ - NSƯT Đoàn Thị Tình trong căn nhà nhỏ ấm áp, tao nhã của bà tại một con ngõ trên phố Hào Nam, mới thấy nghị lực đáng nể của người phụ nữ có dáng hình nhỏ bé đã dành cả cuộc đời mình nghiên cứu về mỹ thuật trang phục.
Trước cuốn "Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam" vừa được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải A, tác phẩm lý luận phê bình mang tên "Trang phục người Việt xưa - nay" của bà cũng được Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trao giải A năm 2019.
Kể từ cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về trang phục Việt mang tên "Tìm hiểu trang phục Việt Nam" ra đời từ năm 1987, đến nay họa sĩ Đoàn Thị Tình đã cho ra mắt hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu liên quan đến mỹ thuật trang phục của Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, từ đời sống đến sân khấu, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Thủy chung với con đường đã chọn, đối với bà, công việc của một họa sĩ thiết kế mỹ thuật trang phục đã đem đến cho bà niềm đam mê, khiến bà cảm thấy mình đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và được cống hiến.
PGS. Tiến sĩ - NSƯT Đoàn Thị Tình tâm sự rằng, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội, bà về công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam. Công việc vẽ trang phục, tạo hình cho các nhân vật con rối cạn, rối nước đã cuốn hút bà và khiến bà thích thú trước vẻ đẹp của những bộ trang phục truyền thống thuần Việt. Nhưng phải đến khi bà được cử ra nước ngoài học ngành mỹ thuật sân khấu, bà mới nhận ra tầm quan trọng, sự đóng góp không nhỏ của trang phục vào thành công của một vở diễn mà dường như sân khấu nước nhà vẫn đang xem nhẹ.
Khi về nước, bà tiếp tục làm công việc đã được đào tạo nhưng không phải ở Nhà hát Múa rối Việt Nam nữa, mà là tại Viện nghiên cứu Sân khấu. Thuở ban đầu, công việc nghiên cứu trang phục cổ đối với bà là nhằm mục đích phục vụ cho quá trình sáng tác, thiết kế trang phục cho các vở diễn sân khấu. Nhưng càng đi sâu nghiên cứu, bà đam mê vẻ đẹp của những tà áo ấy lúc nào không hay.
Đã có những năm tháng, bà dành nhiều thời gian đi điền dã ở rất nhiều đình chùa, các vùng dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước để lấy tư liệu về trang phục ở các pho tượng, trong đời sống để phục vụ cho công việc của mình.
Bà đã ghi dấu ấn sáng tạo cá nhân của mình trong việc tham gia thiết kế mỹ thuật trang phục cho nhiều tác phẩm sân khấu trong nước cũng như hợp tác với nước ngoài của một số nhà hát như: "Vua Lia", "Trăng soi sân nhỏ", "Giấc mộng đêm hè", "Hamlet", "Lịch sử và nhân chứng", "Trắng hoa mai"… Bà cũng tham gia làm phục trang thành công cho một số bộ phim như "Số đỏ" (Hãng phim Thăng Long), "Điện Biên Phủ" (của Pháp), "Cám dỗ" (của Australia)…
Nhờ những sáng tạo và thiết kế mỹ thuật trang phục thành công cho các vở diễn sân khấu cũng như phim ảnh, bà đã vinh dự được phong danh hiệu NSƯT và trở thành một họa sĩ thiết kế trang phục được nhiều nhà hát tin cậy gửi gắm.
Tiến sĩ Đoàn Thị Tình kể rằng, sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Tiệp Khắc trở về vào những năm đất nước còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận các tư liệu để nghiên cứu về trang phục dân tộc rất hạn chế, nhưng bà đã quyết định bắt tay vào một đề tài lúc đó còn có rất nhiều ý kiến trái chiều là "Tìm hiểu trang phục Việt Nam", trong đó có phần nghiên cứu về triều phục nhà Nguyễn.
Bà thổ lộ: "Những năm 80 của thế kỷ trước mà đề tài mình theo đuổi bị cho là "có khuynh hướng hoài cổ, phục cổ, vấn vương với cái cũ, với phong kiến" là nghiêm trọng lắm chứ không như bây giờ đâu! Nhưng có lẽ tôi là người làm nghệ thuật và tôi có linh cảm là việc tôi làm là đúng đắn, là có hi vọng nên đã rất quyết tâm. Vì thế, sau bao nhiêu khó khăn, cuối cùng cuốn sách "Tìm hiểu trang phục Việt Nam" cũng đã ra đời. Đó là viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu của tôi và tôi được ghi nhận là người phụ nữ đi tiên phong vào con đường khó này. Tôi nhận ra rằng, mọi khó khăn chỉ là thử thách xem bản thân mình có dám vượt qua không, có đủ mạnh mẽ và đam mê hay không mà thôi!".
Trong công việc, họa sĩ - Tiến sĩ Đoàn Thị Tình luôn tận tâm và bền bỉ như con tằm rút ruột nhả tơ, như người nông dân yêu thương và chăm lo khoảnh ruộng của mình, âm thầm chắt chiu như chú kiến nhỏ tha lâu cũng đầy tổ. Ngoài công việc nghiên cứu, bà còn là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học như Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Á Châu… Mong muốn của bà là truyền được cho sinh viên trẻ niềm yêu thích, đam mê đối với vẻ đẹp của trang phục dân tộc Việt Nam trong đời sống, trong tín ngưỡng cũng như trên sân khấu.
Cho đến nay những tác phẩm nghiên cứu - lý luận - phê bình của bà trở thành nguồn tư liệu quý đối với sinh viên theo đuổi các ngành Sân khấu - Mỹ thuật - Thời trang như: "Trang phục Việt Nam" (NXB Mỹ thuật, 2006), "Trang phục Thăng Long - Hà Nội" (NXB Hà Nội, 2010), "Mặt nạ sân khấu Tuồng" (NXB Mỹ thuật, 2014), "Tính dân tộc trong trang phục sân khấu" (NXB Sân khấu, 2016), "Mỹ thuật sân khấu Tuồng truyền thống" (NXB Sân khấu, 2018), "Trang phục người Việt xưa - nay" (NXB Mỹ thuật, 2018), "Sắc phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" (NXB Hồng Đức, 2020) và cuốn "Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam" (NXB Mỹ thuật, 2020).
PGS. Tiến sĩ - NSƯT Đoàn Thị Tình tâm sự rằng, cuộc đời bà có được những thành tựu để lại như ngày hôm nay, bà đặc biệt cảm ơn người bạn đời của mình đã tạo mọi điều kiện, cổ vũ, động viên, khích lệ bà theo đuổi con đường sáng tạo và nghiên cứu. Chồng bà - nhạc sĩ Lê Huy là người có sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với người vợ làm công việc đặc thù của mình. Trong nhiều năm tháng bên nhau, ông đã hỗ trợ bà hết mình, cùng vợ đi điền dã để lấy tư liệu, giúp vợ ghi chép, chụp ảnh, hệ thống tư liệu...
Họa sĩ Đoàn Thị Tình cũng tâm sự: "Tôi luôn nhớ ơn người thầy của mình là họa sĩ Thang Trần Phềnh - người khai mở cho tôi đến với việc thiết kế và nghiên cứu mỹ thuật trang phục. Phong cách làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, chỉn chu và những quan niệm về trang phục sân khấu của họa sĩ Thang Trần Phềnh đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Cả những điều thiệt thòi mà ông đã phải chịu và những cống hiến của ông và một số họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu khác mà chưa được nói đến, chưa được ghi nhận đúng mức đã thôi thúc tôi làm việc, xuất bản sách để mọi người có thể hiểu hơn về công việc thầm lặng mà không kém phần quan trọng này. Sau khi chồng tôi qua đời năm 2007, tôi đã dồn hết tâm sức vào công việc viết sách và nghiên cứu như một cách tri ân, "trả nợ" cho những người thầy, những người bạn nghề, bạn đời của mình! Khi tôi viết xong cuốn "Trang phục Thăng Long - Hà Nội", hai mắt tôi mờ đi không còn nhìn thấy gì nữa, tôi phải đi thay thủy tinh thể đấy. Nhiều khi chính tôi cũng ngạc nhiên về những việc mà tôi đã làm!".
Đến nay tuổi đời của bà đã sắp chạm ngưỡng 80, nhưng là một người phụ nữ ưa hoạt động, ham làm việc nên bà vẫn có dáng vẻ khỏe khoắn, nhanh nhẹn, mẫn tiệp. Dường như lúc nào bà cũng đang bận rộn với một dự án nào đó, đang viết hay vẽ các phác thảo - thiết kế về một đề tài nào đó. Hiện tại, bà đang tiếp tục làm việc để cho ra mắt một cuốn sách về trang phục của các dân tộc thiểu số của Việt Nam như Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng… Bà mong muốn dành hết tâm lực còn lại của mình cho việc nghiên cứu và xuất bản sách, tích cực giảng dạy và tiếp lửa cho sinh viên để thế hệ trẻ sau này sẽ tiếp tục củng cố, khỏa lấp những khoảng trống trong lý luận phê bình và tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam.