Đạo diễn - NSƯT Nghiêm Nhan: Tự sự qua triển lãm “Nhâm Dần”

Thứ Năm, 10/02/2022, 08:19

Trong mỹ thuật truyền thống và hiện đại, dường như hình tượng con hổ dũng mãnh luôn tạo được nhiều cảm hứng sáng tác. Chào đón năm mới Nhâm Dần 2022, có rất nhiều họa sĩ đã trình làng những tác phẩm hội họa về hổ với nhiều trạng thái biểu cảm sinh động, cuốn hút. Phóng viên Báo Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn - NSƯT Nghiêm Nhan - người đã có một triển lãm đặc biệt gồm 60 bức tranh về chủ đề hổ có tên “Nhâm Dần”. Theo chia sẻ của đạo diễn, NSƯT Nghiêm Nhan - triển lãm này là những câu chuyện tự sự về chính cuộc đời ông khi vừa chạm đến “một vòng lục thập hoa giáp”...

- Thưa đạo diễn - NSƯT Nghiêm Nhan, anh vốn được công chúng biết đến là một đạo diễn phim tài liệu và đạo diễn sân khấu truyền hình. Anh đã đến với hội họa và đã có sự chuẩn bị như thế nào để có được một triển lãm cá nhân đầy đặn ngay trong những ngày đầu tháng 1/2022?

untitled-8.jpg -0
Đạo diễn - NSƯT Nghiêm Nhan tại triển lãm “Nhâm Dần” - triển lãm cá nhân đầu tiên của anh.

+ Tôi sinh năm Nhâm Dần 1962, năm nay tôi tròn 60 tuổi và như người ta vẫn nói là đã đi tròn 1 vòng lục thập hoa giáp. Thế là ngay từ đầu năm 2021, tôi đã nghĩ mình phải làm gì đó cho mình khi mình tròn 60 tuổi, để tri ân công sinh dưỡng của bố mẹ, tri ân cuộc đời. Người làm thơ, viết văn thông thường mọi người hay có cách kỷ niệm bằng cách ra sách, nhưng tôi quyết định sẽ làm một triển lãm và coi đây là một cơ hội để thử sức mình. 60 bức tranh hổ trong triển lãm lần này của tôi như một phần ký ức của tôi từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành với các trạng thái: vui buồn, bay bổng, lãng mạn, mộng mơ, suy tư, đam mê, khát vọng… Tôi cũng muốn đưa vào tranh những hiểu biết về cá tính tuổi Nhâm Dần: Hổ như con người với cảm xúc mãnh liệt, nồng nàn, lãng mạn, ưa hoạt động, thích cái đẹp, độc đáo và phi thường!

Tôi xin chia sẻ thêm một chút là, từ lúc 7 tuổi tôi đã được tiếp xúc với mỹ thuật thế giới vì mẹ tôi là người phụ trách ở cửa hàng sách ngoại văn Tràng Tiền. Tôi mê mẩn những cuốn sách mà người ta mang về chủ yếu là sách từ Liên Xô, nói về các tác phẩm hội họa, điêu khắc thế giới, các bảo tàng ở Pháp, Liên Xô. Khi làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam, tôi lại được tiếp xúc, làm nhiều phim về các danh họa Việt Nam, tìm hiểu về họ, quan sát và làm việc với họ. Về sau, tôi có rất nhiều bạn bè là họa sĩ. Chính vì thế hội họa nó cứ ngấm, cứ nhập vào mình từ lúc nào. Tôi cứ mày mò tự học qua sách vở, phim ảnh, qua triển lãm, qua những lần trò chuyện với các họa sĩ... Công việc chuyên môn cũng chính là cơ duyên để tôi có được triển lãm cá nhân lần đầu tiên này. Thực ra, tôi đã chuẩn bị cả đời để có nó!

- Xem các tác phẩm trong triển lãm “Nhâm Dần” của anh có thể thấy ấn tượng với hình tượng con hổ ở các vùng đất khác nhau. Anh có thể chia sẻ về điều này?

+ Do công việc làm phim nên tôi được đi qua nhiều vùng đất, nhiều nơi trên thế giới và có những vùng đất đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ, những va đập về cảm xúc để tôi đưa vào tác phẩm của mình như một số bức vẽ về vùng Tây Bắc với hình ảnh đặc trưng là chiếc khăn Piêu, hoa văn thổ cẩm và những cô gái tắm bên bờ suối. Vừa rồi, tôi cũng có chuyến đi công tác hơn 1 tháng đến với Tây Nguyên, vào đúng mùa hoa dã quỳ và tôi đã đưa vào tranh những hình tượng gắn với Tây Nguyên như màu đất đỏ ba-zan, tượng nhà mồ, hoa dã quỳ bên cạnh con hổ… Đó cũng chính là những câu chuyện về cuộc đời tôi với những ký ức, những trải nghiệm về cuộc sống, về tình yêu, về những vùng đất tôi đã đi qua! Có những ý tưởng chợt lóe lên, nhưng cũng có những câu chuyện đã đeo bám tôi từ rất lâu nên khi vào tranh đã pha chút siêu thực, giàu trí tưởng tượng mà bạn bè họa sĩ của tôi gọi là “trường phái biểu hiện”.

- Anh có thể chia sẻ thêm tại sao trong các tác phẩm của triển lãm “Nhâm Dần” đều về hình tượng hổ nhưng lại có sự trở đi trở lại của đề tài tình yêu?

+ Khi bắt đầu chọn chủ đề này, tôi có nghiên cứu tranh của một số họa sĩ vẽ con giáp như Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Trí Dũng… đều rất đẹp. Tôi có nghiên cứu hổ trong điêu khắc đình làng, hổ trong tranh dân gian, tranh thờ Hàng Trống… Tôi thấy các cụ nhà ta rất tài giỏi và tranh hổ luôn rất độc đáo, dũng mãnh. Vì thế, tôi mất nhiều thời gian để đi tìm cho mình chiếc “chìa khóa” để vẽ hổ của riêng mình. Tôi đã chọn hình tượng con hổ là sự hóa thân của chính mình. Vì thế tôi vẽ rất thoải mái: Tôi muốn tôi bay bổng tôi vẽ con hổ bay bổng, tôi muốn nhảy múa tôi vẽ cặp đôi hổ nhảy múa, đặc biệt tôi rất thích vẽ hổ bay trong thế giới tưởng tượng của tôi… Tôi muốn hổ cũng có tình cảm, cảm xúc như con người, là hình bóng con người với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Chủ đề tình yêu mà tôi thể hiện trong các tác phẩm lần này cũng chính là câu chuyện tình yêu của vợ chồng tôi, của gia đình tôi mà tôi muốn kể với mọi người như lời cảm ơn đối với cuộc đời này.

untitled-9.jpg -0
Tác phẩm “Mùa xuân” trưng bày tại triển lãm “Nhâm Dần”.

- Trong sự nghiệp làm đạo diễn phim tài liệu của mình, anh ấn tượng với danh họa nào của Việt Nam? Ai là người có ảnh hưởng đến việc dấn thân vào hội họa của anh sau này?

+ Tôi có 10 năm công tác tại Ban Văn nghệ của đài Truyền hình Việt Nam  và thường xuyên làm phim tài liệu nghệ thuật, vì thế tôi từng làm phim về nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Trung… Trong đó, phim tài liệu nghệ thuật “Danh họa Nguyễn Sáng” do tôi biên kịch và đạo diễn từng giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2005. Tôi thích sự hiện đại, cách tân, giàu ý tưởng của danh họa Nguyễn Sáng; tôi yêu quý và khâm phục Nguyễn Tư Nghiêm ở góc độ khai thác vẻ đẹp truyền thống… Mỗi họa sĩ tài năng ấy mà tôi từng tiếp xúc và làm phim về họ, đều cho tôi những bài học đáng quý mà tôi vô cùng trân trọng. Nhưng họ có con đường của họ, tôi có con đường của tôi và tôi luôn nỗ lực để đi con đường riêng mình. Việc là một “họa sĩ không chính quy” cho tôi sự tự do để khám phá hội họa, khám phá bản thân mình. Có lẽ, tôi đã tìm ra mình ở góc hội họa. Điều mà rất nhiều năm trước tôi từng mơ ước mỗi khi ngồi vẽ, thì giờ đây tôi đã thực hiện được ước mơ ấy!

- Được biết, anh tốt nghiệp khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp, là đạo diễn điện ảnh nhưng ngoài làm thơ, làm phim tài liệu nghệ thuật, anh còn làm đạo diễn sân khấu truyền hình. Điều gì ở sân khấu đã hấp dẫn anh vậỵ?

+ Đó là câu chuyện cách đây hơn chục năm rồi. Hồi đó, tôi dựng khá nhiều vở diễn sân khấu truyền hình như “Kiều”, “Nước mắt người đời sau”, “Nguyễn Công Trứ”, “Chuyện một người lính”, “Gái ngoan dạy chồng”, “Thiện và ác”… Trong đó vở “Chuyện một người lính” từng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2003 và 2 lần giành Huy chương Bạc với vở “Gái ngoan dạy chồng” và “Nguyễn Công Trứ”. Làm đạo diễn sân khấu truyền hình có cái khó là kinh phí để dàn dựng một vở khá khiêm tốn nhưng tôi vẫn phải làm việc như một đạo diễn sân khấu thực thụ. Sân khấu hấp dẫn tôi ở chỗ, tôi được biến những ý tưởng trong suy nghĩ thành hiện thực qua vở diễn, qua hành động của nhân vật. Có thể tự nói về mình thì tôi là người ưa khám phá, dịch chuyển và chinh phục những điều mới mẻ.

- Thưa đạo diễn - NSƯT Nghiêm Nhan, có vẻ như anh là một nghệ sĩ khá đa năng: Anh có thấy những “con người nghệ thuật” trong anh khác biệt hay làm cho anh có sự phân tán không?

+ Đầu tiên là do yêu cầu công việc của người đạo diễn là phải có kiến thức rất tổng hợp về âm nhạc, hội họa, văn học… Sau khi tôi tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam thì lại đi học đạo diễn để phù hợp với yêu cầu chuyên môn. Và công việc tại Ban Văn nghệ cũng đưa đẩy cho tôi cơ duyên đến với sân khấu và hội họa. Tôi thấy các bộ môn nghệ thuật đều bổ trợ cho nhau, khiến tôi làm tốt công việc của mình hơn chứ không có ảnh hưởng gì cả. Vừa rồi tôi đi Tây Nguyên làm phim cả tháng là phải mang cả toan, màu đi: Ban ngày đi làm phim, tối về lại tranh thủ vẽ cho kịp tiến độ của triển lãm sắp đến. Khi làm gì tôi đều tập trung cao độ vào việc đó để không bị phân tán, ảnh hưởng. Thậm chí nó chỉ làm tôi hưng phấn hơn thôi!

- Xin cảm ơn đạo diễn - NSƯT Nghiêm Nhan!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.