NSƯT Kim Liên: Nghề đã chọn người
NSƯT Kim Liên hiện là Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam. 26 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, trải qua đủ các cung bậc cảm xúc với nghề, đến nay NSƯT Kim Liên vẫn tâm sự rằng, chị đến với chèo là do "duyên phận", là "nghề chọn người", nên lúc nào chị cũng cố gắng làm việc hết mình, chau chuốt, yêu thương cái nghề đã chọn mình hết lòng...
- Thưa NSƯT Kim Liên, Nhà hát Chèo Việt Nam vừa tổng duyệt vở diễn "Hồng Hà nữ sĩ" và chị vào vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Chị có thể chia sẻ tâm trạng khi nhận được vai diễn lớn này?
+ Thực ra, khi được NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát và là đạo diễn của vở "Hồng Hà nữ sĩ" giao cho vai diễn này, tâm trạng đầu tiên của tôi là cảm thấy vui, nhưng đồng thời cũng rất lo lắng. Tôi lo lắng là vì, tuổi đời cũng không còn trẻ nữa, mà trong nghề người ta thường có câu "Thầy già, con hát trẻ".
Nhân vật tôi thể hiện lần này lại là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - một danh nhân văn hóa, một người phụ nữ vô cùng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam với chiều sâu nội tâm phong phú, uyên bác. Tôi cũng đem điều này chia sẻ với NSND Thanh Ngoan, thì chị Ngoan có động viên tôi rằng, để diễn được vai này cũng cần một diễn viên có đủ độ chín và tôi đã cân nhắc kỹ rồi. Còn thầy Trần Đình Ngôn là tác giả kịch bản thì có nói vui với tôi là khi viết kịch bản "Hồng Hà nữ sĩ" thầy có liên tưởng đến hình ảnh người sẽ vào vai này là tôi. Điều này thật sự khiến tôi rất hạnh phúc.
- Vào vai Hồng Hà nữ sĩ chắc chắn là một thử thách với bất kỳ một diễn viên nào. Chị đã làm gì để thể hiện vai diễn đặc biệt, chứa đựng chiều sâu nội tâm và cái tầm văn hóa của Hồng Hà nữ sĩ?
+ Ngay từ đầu khi nhận vai, tôi đã xác định mình sẽ phải rất nỗ lực, cố gắng. Vì đây là một nhân vật đặc biệt, cho nên tôi muốn hiểu hơn về con người của bà. Tôi tìm sách để đọc, lên mạng tìm đọc nhiều tài liệu nghiên cứu về bà để hiểu về thân thế sự nghiệp cũng như tài năng, đức hạnh của bà. Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết "Nữ sĩ thời gió bụi" mới ra mắt của nhà văn Lê Phương Liên để có cảm nhận về con người văn học của nữ sĩ gắn với bối cảnh lịch sử một thời. Tôi cũng đến thăm khu mộ của vợ chồng bà, tìm hiểu để biết thêm về mối tình với người chồng của bà là Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Thật sự, với một vai diễn có sức nặng như thế này, nếu mình làm không cẩn thận chu đáo, là phụ lòng gửi gắm một nhân vật tâm huyết của tác giả kịch bản, đạo diễn và các em các cháu còn nhìn vào nữa! (Cười).
- Điều gì ở nhân vật Hồng Hà nữ sĩ khiến NSƯT Kim Liên cảm thấy tâm đắc, cảm phục hoặc xúc động nhất?
+ Bà Đoàn Thị Điểm là một nhân vật quá đặc biệt, rất điển hình của người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp. Ở bà có sự thuần hậu, nhường nhịn, chín chắn, hi sinh bên cạnh sự tài năng, chứa đựng một tầm văn hóa tri thức cao, đầy tiến bộ và hoàn toàn ngang hàng với nam giới, là một nhân tố rất mới mẻ của thời bấy giờ. Trong chèo xếp bà vào dạng nhân vật "nữ chín". Có lẽ, sau Súy Vân, đây chính là nhân vật khiến tôi yêu thích và tốn nhiều tâm tư nhất.
- Nhắc đến nhân vật Súy Vân mà chị nhiều lần thể hiện, có phải đó cũng là nhân vật ghi dấu ấn tài năng của chị với sân khấu chèo?
+ Thật ra, ghi dấu ấn của tôi với sân khấu chèo chính là vai Châu Long trong "Lưu Bình Dương Lễ". Và đây cũng là vai tôi diễn đi diễn lại nhiều nhất. Khi tôi được giao vai Châu Long thì mới 20 tuổi, mà dạo gần đây khi có dịp diễn lại vở thì vẫn được giao đóng vai Châu Long. Sau đó, tôi được cô Diễm Lộc truyền lại cho vai Súy Vân cùng lời cổ vũ: "Em mà đóng được Súy Vân thì sau làm các vai khác nó dễ lắm!". Tôi đã cố gắng rất nhiều, không chỉ học từ cô Diễm Lộc, tôi còn chắt lọc cả những gì phù hợp với mình từ cô Dịu Hương, chị Thúy Ngần để tìm ra một Súy Vân của riêng mình. Và đến nay, Súy Vân cũng là vai diễn mà tôi thích nhất, ấn tượng nhất của tôi.
- Vậy là trong cuộc đời diễn viên chèo, chị đã được hóa thân vào những vai diễn đặc sắc nhất mà bất cứ diễn viên nữ nào cũng mơ ước. Có khi nào chị nghĩ, nếu không trở thành một diễn viên chèo thì chị sẽ làm gì không?
+ Tôi cho rằng, đối với riêng tôi đúng là "nghề đã chọn người". Sau khi tốt nghiệp PTTH, tôi thi vào Trường Cao đẳng Nhạc họa TW. Học được gần 1 năm, tôi phát hiện ra là tôi không thích nghề làm cô giáo, nên quyết định nghỉ học. Trong lúc ở quê chờ đến dịp thi tuyển vào một trường khác thì bất ngờ có Nhà hát Chèo Việt Nam về tuyển học viên ở quê tôi. Mặc dù sinh ra lớn lên ở Thái Bình, nhưng ngày nhỏ tôi không hề thích chèo, cũng không có ý định thi tuyển mà chỉ là đến đó chơi.
Tôi thích dân ca hơn, ngay cả lúc tuyển là do NSƯT Thanh Mạn thấy đứng lơ vơ ở đó thì gọi vào bảo tôi hát thử một làn điệu chèo. Nhưng tôi không biết làn điệu nào, nên đành hát bài dân ca quan họ "Người ở đừng về" và "Bèo dạt mây trôi". NSƯT Thanh Mạn khen tôi có chất giọng và gương mặt phù hợp với chèo nên tôi đã trúng tuyển và trở thành diễn viên chèo một cách tình cờ như thế. Sau này khi vào học rồi, càng học càng ngấm thì lại càng yêu chèo, càng muốn góp một phần nhỏ bé để giữ gìn vốn cổ truyền thống cha ông. Ngoài học hỏi từ các thầy cô, tôi tìm những đĩa CD của các cụ ngày xưa như Minh Lý, Dịu Hương để nghe, để tự đúc rút ra những bài học cho mình.
- Có vẻ "nghề đã chọn người", nhưng với chị dường như nghề cũng không phụ người đúng không? Chị đã nhiều lần được tỏa sáng trên sân khấu...
+ Tôi cho rằng, nghề sẽ không phụ người yêu nó và hết lòng vì nó, dồn tâm huyết cho nó. Cái "tạng" của tôi là vào các vai "nữ chín" mà các vai diễn ấy đem đến cho tôi những vinh dự, những giải thưởng cao trong nghề diễn như Thiệt Thê trong "Nàng Thiệt Thê", đào Huế trong "Tuần Ty - Đào Huế", Trinh trong "Chinh phụ hai chồng", Nhường trong "Bắc Lệ đền Thiêng". Tôi cũng may mắn có được những vai diễn trong các vở chèo cổ mà đều là những "vai thuận" nên tôi rất hào hứng, diễn xuất tự nhiên chứ không phải lên gân hay gò ép. Tôi thấy rằng, nghề đã nuôi mình, ưu đãi mình nên tôi vẫn luôn mong muốn được làm việc, được cống hiến hết mình cho nghệ thuật chèo.
- Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, trong đó nghệ thuật sân khấu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó nghệ thuật sân khấu truyền thống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chị đã làm gì để duy trì niềm đam mê của mình?
+ Dịch bệnh khiến tôi và các bạn đồng nghiệp không được gặp nhau trong thời gian giãn cách, không thể đi diễn, thực sự là rất buồn, nhớ nghề, nhớ sân khấu và thèm được biểu diễn lắm. Nhà hát Chèo Việt Nam may mắn có một người "thuyền trưởng" là NSND Thanh Ngoan luôn tạo ra động lực, tạo ra "lửa nghề" cho các nghệ sĩ. Năm nay tuy dịch bệnh không được biểu diễn trước khán giả, không có nhiều "sô" nhưng nhà hát lại dựng được rất nhiều chương trình, ghi hình được 7 vở diễn và nhiều làn điệu để lưu giữ lại và phát sóng trên truyền hình như "Lưu Bình Dương Lễ", "Quan âm thị Kính", "Nàng Thiệt Thê", "Trinh nguyên"...
Tôi cho rằng, nghệ thuật truyền thống dù có khó khăn thật, nhưng nó không thể "chết" được, bởi vì đó cũng là cốt lõi của văn hóa, thậm chí mất nước mà văn hóa còn không mất. Vì thế, tôi cho rằng, mình cứ làm nghề, vui với nghề, cứ chau chuốt với nghề và giữ được "lửa nghề" thì chắc chắn nghệ thuật truyền thống vẫn có tương lai.
- Năm nay do yếu tố dịch bệnh, các nhà hát đều triển khai nhiều buổi biểu diễn online. Là người biểu diễn, chị thấy tâm trạng của việc biểu diễn online và biểu diễn trực tiếp khác nhau như thế nào?
+ Là diễn viên, ai cũng thích được biểu diễn trước khán giả, dù trong nhà hát quy chuẩn hay chỉ là một chiếu chèo ở trước sân đình nhân ngày hội làng. Với các chương trình biểu diễn online, nghệ sĩ thường có cảm giác căng thẳng hơn, phải kỹ lưỡng hơn, vì sợ những sai sót nào đó có thể xảy ra khiến cả ekip phải làm lại. Việc biểu diễn trực tiếp với những va đập cảm xúc với khán giả có thể thả lỏng, diễn xuất tự nhiên hơn, có thể thay đổi sáng tạo một chút ngay trên sân khấu. Với sự tương tác và cổ vũ của khán giả, sẽ đem đến cho nghệ sĩ sự hào hứng, nâng cánh cho nghệ sĩ diễn xuất thăng hoa hơn...
- Xin cảm ơn NSƯT Kim Liên!