NSND Đào Đức: Dâng hiến mạnh mẽ trong yên lặng

Thứ Năm, 28/04/2022, 11:15

NSND Đào Đức thuộc lớp họa sĩ kháng chiến đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc, là học trò của danh họa Tô Ngọc Vân. Cuộc đời ông lại gắn bó với điện ảnh, là họa sĩ thiết kế của Hãng phim truyện Việt Nam, tên tuổi ông gắn liền với những bộ phim Cách mạng nổi tiếng, "Chung một dòng sông", "Mối tình đầu"... Nhưng có lẽ, ẩn giấu trong tâm hồn ông vẫn là một Đào Đức của hội họa với gia tài để lại mang đậm dấu ấn một thời. Ông đã "dâng hiến mạnh mẽ trong yên lặng".

Ông sinh ra trong một gia đình Nho học ở Nam Định. Bố NSND Đào Đức là một nhà Nho, có 5 người con và ông cụ trực tiếp dạy chữ Quốc ngữ cho các con. Có lẽ gen hội họa của NSND Đào Đức được di truyền từ người cha của mình, ông cụ xưa vẽ rất giỏi. NSND Đào Đức tốt nghiệp khóa Mỹ thuật kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc từ năm 1949 do danh họa Tô Ngọc Vân giảng dạy.

Với người họa sĩ, nghệ sĩ tài hoa này, nghề đến với ông như là duyên phận. Ông trở thành họa sĩ thiết kế đầu tiên của phim truyện Việt Nam và cả cuộc đời gắn bó với điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến, họa sĩ Đào Đức tham gia thiết kế mỹ thuật cho rất nhiều bộ phim nổi tiếng thời chiến như "Chung môt dòng sông", "Vũ kịch ngọn lửa Nghệ Tĩnh"...

Những năm 1970 ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và đã tham gia làm hàng chục bộ phim truyện nhựa, đoạt 4 giải thiết kế mỹ thuật phim truyện nhựa xuất sắc như "Đến hẹn lại lên" của đạo diễn Trần Vũ, phim "Mối tình đầu", "Đất mẹ", "Đêm hội Long Trì" của đạo diễn Hải Ninh. Năm 1984, lần đầu tiên Việt Nam hợp tác với Liên Xô cũ, ông tham gia làm phim "Tọa độ chết" và với tác phẩm này ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.

img_3236.jpg -0
NSND Đào Đức

Đạo diễn Lê Đức Tiến, cộng tác với ông trong bộ phim "Thằng Bờm" chia sẻ: "Ông là người khiêm nhường, dù ông có rất nhiều thành tựu. Những hiểu biết của ông về đồng bằng Bắc bộ rất có ích giúp chúng tôi tìm được bối cảnh, ông tinh thông nghề, giản dị, khiêm nhường nhưng tinh tế, làm phim với ông thấy ấm áp, bình đẳng, chan hòa, đó là cội nguồn của sáng tạo. Ngoài là bậc cha chú, ông còn là người bạn với nụ cười ý nhị, hài hước của một trí thức".

Thành danh trong lĩnh vực điện ảnh nhưng NSND Đào Đức còn để lại một gia tài tranh, ký họa. Nhiều người trong giới chuyên môn nói rằng, chính những thành công trong lĩnh vực điện ảnh đã vô tình che lấp những giá trị trong hội họa của ông. Ông dường như muốn giấu kín con người nghệ sĩ của mình để đóng góp cho sự nghiệp chung.

NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: "NSND Đào Đức là họa sĩ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp nên anh có một gu thẩm mỹ rất tinh tế. Anh trước hết là một họa sĩ, lớp học trò của danh họa Tô Ngọc Vân, rất chuẩn mực, nổi bật nhất là ký họa, nếu nhà làm phim tài liệu nào gom những bức ký họa đó sẽ thành một bộ phim tài liệu sinh động về cuộc kháng chiến của chúng ta. Anh là người ôn hòa, lặng lẽ".

Con trai ông, họa sĩ Đào Hải Phong kể lại rằng, thuở bé, anh hay ghé qua phòng làm việc của cha ở cái buồng nhỏ nằm cạnh mép nước Hồ Tây, Thụy Khuê, gọi là xóm nhà lá. "Tôi hay trốn lên chơi với ông, mỗi lần tôi vào, ông cứ sợ tôi bị lạc. Buồng ngổn ngang đồ vẽ, những cuộn giấy, khung tranh dở dang, vẽ với ông chỉ là tranh thủ thôi, đồ đạc chắp vá, tận dụng lại của xưởng thiết kế, ông hay vẽ vào đêm và các tác phẩm ra đời từ chính căn buồng ngổn ngang này. Ông thích vẽ tranh cổ động, áp phích, ký họa nên sau ông vẽ bối cảnh rất nhanh. Tranh ông vẽ người rất nhiều, nên sau này tôi gần như không vẽ người. Tranh của ông cũng rất điện ảnh, trong tranh ông có tiền cảnh, hậu cảnh rất rõ ràng. Tôi nghĩ làm điện ảnh không phải là điều ông đam mê vì tính độc lập không cao như hội họa, ông vẽ phác thảo kỹ vì có tay nghề, những đạo diễn rất thích làm phim với cha tôi vì ông vẽ hết cho họ bối cảnh một cách kỹ lưỡng. Cha tôi dành cả cuộc đời cho điện ảnh".

Họa sĩ Đào Hải Phong chịu ảnh hưởng nhiều từ những tư tưởng của bố, sự chỉn chu trong nghề, lòng tự trọng và sự quyết liệt theo đuổi đam mê của mình. Cha rất sợ anh "hư hỏng" nên thường gửi thư về nhắc con trai học hành, động viên con bằng những câu chuyện. Và từ những ngày còn bé ấy, anh đã ngấm vào người những cuốn sách cha mua, những bản nhạc mà cha anh thường nghe. Những lúc rảnh, ông thường chở con trai trên chiếc xe đạp cũ, đến thăm những người bạn lớn của ông.

untitled-8.jpg -0
Tác phẩm "Nẻo đường kháng chiến" của NSND Đào Đức.

"Tuổi thơ ấy đã giúp tôi rất nhiều. Ông hay cho anh đi xem triển lãm, lúc tôi trưởng thành ông mới nói, các con hạnh phúc vì được vẽ những điều mình thích, tôi vẫn thấy ông tiếc nuối điều gì đó, vì ông đam mê vẽ nhưng phải đi làm điện ảnh do xã hội phân công. Xem lại tranh và ký họa của ông tôi thấy đó là một người được học bài bản, nhưng nghệ thuật muốn có thành tựu phải liên tục không được ngắt quãng. Cha tôi mạnh về ký họa, ghi chép, những chuyến đi, những dấu chân ông đi qua đều được ghi lại trong những ký họa của ông. Đó chính là bài học hữu ích cho tôi bây giờ".

Năm 2006, lần đầu tiên NSND Đào Đức có một triển lãm của riêng mình, mang tên "Sổ tay Đào Đức', giới thiệu những bức ký họa của ông với công chúng. Có lẽ, cả cuộc đời, ông không bao giờ nghĩ rằng, một gạch đầu dòng lớn trong cuộc đời ông là ký họa. Trong những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã có mặt và 50 bức ký họa sống động về những thời khắc lịch sử ấy của dân tộc đã ra đời. Đó là lịch sử chiến tranh bằng hội họa. Ông vẽ trong những lần đi thực địa với đoàn làm phim. Những bức ký họa bằng bút sắt, chì than, mực nho và màu nước trên những tờ giấy đã ngã màu, với một lối vẽ hết sức chân thực sau gần nửa thế kỷ nằm trong sổ tay, khi đến với công chúng vẫn xúc động.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, một người gắn bó thân thiết với gia đình NSND Đào Đức chia sẻ: "Ông là người lính xung kích ở mảng tranh cổ động. Năm 1968, ông có bức "Giặc cứ phá ta cứ đi" đoạt giải thưởng ở Ba Lan cho mảng tranh cổ động. Một tác phẩm được vẽ theo bố cục tung hoành, tôi không hiểu sao hồi đó ông có tư duy hiện đại như thế. Với NSND Đào Đức, nghệ thuật đồ họa không chỉ đáp ứng nhiệm vụ cấp bách mà nó là nét đẹp của văn hóa Việt được ông vẽ. Cuộc đời ông yên lặng làm việc, yên lặng cống hiến và yên lặng mà nuôi dưỡng tâm hồn lành sạch đến cuối đời. Ông là ngòi bút tài hoa chưa có điều kiện bộc lộ ra". Và có lẽ, ngắm những ký họa của ông, để thấy hôm nay, dù nhiều trường phái, cách tân, đổi mới, nhưng hội họa có phần đi xa đời sống.

Họa sĩ Đào Hải Phong xúc động nói: "Những gì tôi có ngày hôm nay từ cha tôi. Bạn của cha tôi vẫn thường nói, cha cháu là ngọc trong đá, người nào thân hiểu mới nhìn thấy giá trị của ông. Cuối đời, ông hay nói rằng mọi thứ phù du, ông không đòi hỏi gì ở tôi về vật chất. Đó là những điều tôi học được ở cha, có hiếu với cha mẹ là làm được gì đó để cha mẹ không xấu hổ. Mỗi lần tôi làm gì đó, cha tôi nhắc nếu như học nghệ thuật mà thấy chán thì nghệ thuật đó chán anh từ lâu rồi, điều đó ám ảnh tôi cả cuộc đời. Ông chú trọng cảm xúc, không có cảm xúc không thể làm nghệ thuật được".

Cảm xúc, có vẻ như đang dần thiếu vắng trong đời sống hôm nay khi xã hội phát triển quá nhanh và hội họa đã đi quá xa với đời sống. Nhưng những vẻ đẹp tinh thần ấy vẫn luôn ấn giấu trong các tác phẩm của NSND Đào Đức, một thế hệ "sống thật thà, làm nghệ thuật cũng thật thà". Tôi ngắm rất lâu bức tranh NSND Đào Đức vẽ về biển, với những hàng cây phi lao và con sóng trắng xóa, lặng lẽ. Nhiều người cho rằng, dường như đó cũng là bức tự họa về cuộc đời ông, một cuộc đời "dâng hiến mạnh mẽ trong yên lặng", đó là phẩm chất đáng quý của một tâm hồn nghệ sĩ.

V.Hà
.
.