Họa sĩ vẽ hơn 1.000 chân dung người nổi tiếng

Thứ Bảy, 25/12/2021, 16:27

Vào một ngày hạ tuần tháng 10 Tân Sửu, tôi cùng mấy người bạn tâm giao đến thăm hoạ sĩ họ Hoàng tên Trúc tại đường Lam Sơn thành phố Vĩnh Yên. Từ lâu tôi đã nghe tin về ông, một hoạ sĩ đang vẽ tới hơn một nghìn bức chân dung những người nổi tiếng.

Ngoài 5 danh nhân thế giới đoạt giải Nobel cùng hơn 200 chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (mỗi vị hơn 100 bức) thì đều là chân dung một số chính khách còn hầu hết là các văn nghệ sĩ có danh ở xứ ta đã mất và đang sống tỉ như Lộng Chương, Hoàng Cầm, Văn Cao, Lưu Công Nhân rồi Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Ước...    

Nhà cửa là bộc lộ rõ phần nào tính cách chủ nhân. Nhà của hoạ sĩ Hoàng Trúc là ngôi nhà bốn tầng nằm ở một phố mang vẻ trầm mặc của thành phố Vĩnh Yên. Nhìn ngôi nhà bốn tầng mặt tiền có đôi cây sữa nghe chủ nhân nói đã trồng từ khi xây nhà vào năm 1995. Sau gần ba mươi năm đã mang dáng dấp cây lâu niên bình thản rủ bóng xuống ngôi nhà, không hiểu sao lại gợi tôi nhớ câu thơ “Tỉnh lẻ cô em nằm xem kiếm hiệp” của Yến Lan.

Bề ngoài đầy vẻ trữ tình tỉnh lẻ, vậy mà khi bước vào ngôi nhà có mặt bằng xấp xỉ 120 mét vuông tôi lại giật mình bởi sự hoành tráng và đa dạng mang vẻ một bảo tàng tranh. Không chỉ tầng thứ nhất mà cả bốn tầng ở trên bốn bức tường bao quanh mỗi tầng treo kín những mặt người cả quen mà lạ, khiến tôi bị hút vào thế giới người hiền bởi những cái nhìn cũng cả lạ lẫn quen toát ra từ những bức chân dung sơn dầu khổ to đang treo nghiêm ngắn trên tường.

Họa sĩ vẽ hơn 1.000 chân dung người nổi tiếng -0
Hoạ sĩ Hoàng Trúc tại xưởng vẽ.

Hoạ sĩ Hoàng Trúc sinh ra ở vùng đất trung du trong một gia đình hiếu học tại Tuân Chính, Vĩnh tường, Vĩnh Phúc, là em trai nhà thơ Hoàng Tá. 14 tuổi đã đam mê hội họa. Hoàng Trúc đã có một gia tài đáng nể: 1.100 bức chân dung những người nổi tiếng. Giải nhất triển lãm mỹ thuật Vĩnh Phúc năm 2005, giải ba khu vực III Tây bắc, Việt Bắc năm 2005, giải tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1999, giải ba văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc năm 2000 - 2005, triển lãm mỹ thuật toàn quốc các năm 2000, 2005, 2010, Triển lãm quốc tế ASEAN 1999.

Trong câu chuyện hàn huyên với tôi, hoạ sĩ bảo: “Em sinh giờ Dần, tháng Mão, năm Dần (1962). Hai con hổ ứng vào năm và ngày mạnh mẽ là vậy mà em càng có tuổi càng mê đắm vào nghiệp vải toan với cây cọ. Khi hiểu rõ về chàng hoạ sĩ sắp bước vào tuổi tròn tuổi 60 tôi càng ngạc nhiên khi sự say mê và nghề nghiệp của vị hoạ sĩ họ Hoàng này lại có vẻ vênh nhau đến thế.

Về học vấn chuyên môn Hoàng Trúc tốt nghiệp Đại học Luật 1998, nhưng ngay sau khi đi làm công chức thì niềm say mê thầm kín về hội hoạ đã khiến ông  xin vào theo học Trung cấp Mỹ thuật Vĩnh Phúc. Khoá 1984-1988. Vừa là luật gia, vừa có máu và cả niềm say mê hội hoạ Hoàng Trúc lại được phân công tác làm nhân viên văn phòng Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc.

Lại thêm một sự run rủi của nghệ thuật là vào thời gian những năm đầu của thập niên 90 khi ông đang làm nhân viên văn phòng Tỉnh uỷ thì hoạ sĩ danh tiếng Lưu Công Nhân đến thực hiện chuyến thực tế sáng tác tại Vĩnh Phúc. Quá hâm mộ tài năng nhà danh hoạ, và cũng muốn được danh hoạ hướng dẫn, bổ sung thêm tay nghề, Hoàng Trúc liều đến gặp Lưu Công Nhân xin thụ giáo. Nhưng vị hoạ sĩ tài danh này không nhận.

Rất may lúc đó có sự kiện xã hội bất ngờ xảy ra. Đó là vào ngày 10/3/1991 Đại Tướng Võ Nguyên Giáp sau khi đi thăm đền Hùng về lưu lại ở Vĩnh Phúc. Nhân viên văn phòng Hoàng Trúc nhận nhiệm vụ hậu cần lo ăn nghỉ cho đoàn của Đại tướng. Trong đoàn có nhạc sĩ Văn Cao. Thấy trang thanh niên nhân viên văn phòng chu đáo, cẩn thận lại có những biểu hiện tài hoa nên sau khi biết Hoàng Trúc muốn được hoạ sĩ Lưu Công Nhân bồi dưỡng nghiệp vụ, nhạc sĩ Văn Cao bèn viết lá thư giới thiệu Hoàng Trúc.

Cầm lá thư đến gặp danh hoạ, nhưng Lưu Công Nhân vẫn không tin đó là lá thư thật của Văn Cao. May sao, đúng vào lúc đó ông Lê Ngọc Quá, Chủ tịch Mặt trận Vĩnh Phúc, Bí thư Thành uỷ Vĩnh Yên đã xác nhận vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao có nghỉ trưa tại nhà nghỉ của Thành uỷ Vĩnh Yên còn Văn Cao có viết thư cho Lưu Công Nhân hay không thì không biết. Hoạ sĩ Lưu Công Nhân nghe xong, lại thấy sự nhiệt tình của Hoàng Trúc bèn chấp nhận cho chàng thanh niên ham vẽ vào xưởng vẽ của ông và trò chuyện.

Họa sĩ vẽ hơn 1.000 chân dung người nổi tiếng -0
Các tác phẩm chân dung người nổi tiếng của họa sỹ Hoàng Trúc.

Có thể nói sự kiện này đã đánh dấu một trong những bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác hội hoạ của Hoàng Trúc. Gần tròn ba thập niên mà hôm ngồi với tôi, hoạ sĩ Hoàng Trúc dường như vẫn đắm say vào những câu chuyện của hai thầy trò. Một danh hoạ, một người đang tập toạng vào nghề với bao khát khao.

Vào thời giờ đó Hoàng Trúc thực sự vừa là học trò vừa là một trợ lý cần mẫn, chu đáo cho danh họa Lưu Công Nhân. Trúc đi mua bút vẽ, toan và cả bánh chưng cho hoạ sĩ. Trúc bồi hồi nhớ lại “Cụ rất thích ăn bánh chưng”, và nhất là chuyện kì khu đi tìm bằng được người mẫu cho hoạ sĩ.

Câu chuyện về người mẫu này vừa thể hiện sự tận tuỵ của chàng hoạ sĩ trẻ vừa thể hiện bản lĩnh và tình cảm, ân tình của danh hoạ Lưu Công Nhân đối với người mẫu. Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỉ trước, lại ở một thị xã nhỏ, tìm được người mẫu để vẽ tranh khoả thân là cả một quá trình gian nan. Cuối cùng chàng hoạ sĩ trẻ Hoàng Trúc đã tìm được. Đó là một cô gái từ một vùng quê Vĩnh Phúc chưa có việc làm. Sau khi hoàn thành xấp xỉ 50 bức tranh phần nhiều là khoả thân thì danh hoạ Lưu Công Nhân đã đền đáp sự nhiệt tình vượt qua mọi rào cản về sự tự ti, mặc cảm. Ông xin việc cho cô (người mẫu trở thành giáo viên  tiểu học), mua máy khâu để ngoài giờ dạy học cô có việc làm để kiếm thêm.

Mối quan hệ thầy trò - bạn vong niên giữa Lưu Công Nhân và Hoàng Trúc ngày càng mật thiết, gắn bó. Trên bức tường ở tầng một, giữa bạt ngàn những chân dung văn nghệ sĩ do Hoàng Trúc sáng tác, ở vị trí trang trọng, có bức chân dung thân mẫu của Hoàng Trúc do hoạ sĩ Lưu Công Nhân vẽ. Bằng bút pháp hội hoạ bậc thầy, bức chân dung bà mẹ Hoàng Trúc đã trở thành điển hình cho bà mẹ Việt Nam vùng châu thổ sông Hồng. Tấm áo nâu sồng, chiếc khăn mỏ quạ và nhất là khuôn mặt phúc hậu, hiền hòa mà kham khổ của bà được đặc tả thần tình qua những nếp nhăn. Hoàng Trúc bảo “người yêu tranh đã trả em hơn 400 triệu bức chân dung mẹ em mà em nhất quyết không bán vì đó là kỉ niệm quý báu của hoạ sĩ Lưu Công Nhân, là báu vật của gia đình em”.

Cũng cần nói, trong giai đoạn bắt đầu cầm bút vẽ, Hoàng Trúc chưa định hướng được phong cách, hướng đi và nhất là đề tài. Trong lúc đang băn khoăn như vậy thì ông gặp hoạ sĩ – Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng, người tốt nghiệp mỹ thuật công nghiệp mà đã có nhiều tranh trong bộ sưu tập của người sưu tầm tranh trong nước và nước ngoài. Thế Hùng đã khuyên chàng hoạ sĩ trẻ trong điều kiện và khung cảnh Vĩnh Phúc này nên tập trung vào đề tài làng quê. Chấp nhận lời khuyên của Thế Hùng, Hoàng Trúc bên cạnh dòng tranh chân dung là dòng tranh nông thôn có thể nói khá thành công. Và hoạ sĩ Lưu Công Nhân khi xem tranh về đề tài này đã tỏ ý khen ngợi rất nhiều. Cũng vào buổi sáng hôm đó sau khi xem hơn trăm bức tranh vẽ về nông thôn tôi đã thấy rõ sự am hiểu thấu đáo một vùng quê thân thiết của Hoàng Trúc với sự phối mầu, và mảng miếng khá thành công khi thể hiện những nhân vật làng quê trong đó nổi bật hình tượng con trâu dưới nhiều góc độ và nhiều cách thể hiện khi hiện thực, khi trừu tượng.

Trả lời câu hỏi của tôi vì sao Hoàng Trúc lại chuyên về dòng tranh chân dung văn nghệ sĩ, ông cho biết, qua vài năm tiếp xúc, sinh hoạt, làm việc và được danh hoạ Lưu Công Nhân chỉ bảo, ông nhận ra văn nghệ sĩ là một loại người đặc biệt. Ở họ nổi lên lòng say mê cái đẹp và sự đa dạng sinh động trong biểu cảm trên khuôn mặt. Hoạ sĩ Hoàng Trúc mến mộ, kính trọng và cảm phục họ và mong ước cả đời mình chỉ hi vọng lần nào đấy thể hiện được đúng biểu cảm đó. Còn một số danh nhân thế giới đoạt giải Nobel Hoàng Trúc hoạ lại với hi vọng người xem và nhất là các cháu thanh, thiếu niên nhìn thấy sẽ thắp lên ước vọng làm sao đạt được những thành tựu vẻ vang để làm rạng rỡ Tổ quốc ta.

Hà Nội 14/12/2021

Nguyễn Hiếu
.
.