Nhạc sỹ thầm lặng và sáng tác để đời
Nói “thầm lặng” vì người nhạc sỹ này hầu như không ai biết tới, ngay cả trong giới nhạc, nhiều người cũng xa lạ. Nhưng ông lại có một sáng tác để đời. Tác phẩm này hầu như ai cũng từng nghe và thích thú mà không biết ông là tác giả.
Vâng. Đó là nhạc cho điệu múa sạp của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Những dịp liên hoan, hội hè vui vẻ, trong nhiều trò vui giải trí của dân tộc này, không thể thiếu điệu múa sạp. Những cây tre dài chừng 4 - 5m được 2 người cầm hai đầu chập vào rồi mở ra rất nhịp nhàng để người khác nhảy vào, nhảy ra theo điệu nhạc. Nơi nào có nhạc tấu lên thì mọi người không cần hát (cả người nhảy, người cầm tre và người xem).
Nhưng phần nhiều hơn là không có nhạc thì hát lên một bài rất quen thuộc từ lâu nay: “Sòn sòn sòn đô sòn. Sòn sòn sòn đô rê. Rê rê rê mí đồ rê. Rê rê mí rê đô là. Đố là đố là son la. Đố la đố la son rề. Son rề son rề son la son la đố đố. Mi son lá son mi son rề…”. Toàn bộ phần âm nhạc chỉ có thế. Cứ hát đi hát lại đến khi nào dừng múa thì thôi. Sở dĩ hát nhạc vì không có lời. Mục đích chỉ để người múa cho đúng nhịp. Vậy nên cũng không cần phải đặt lời làm gì.
Từ bé tôi cũng đã nghe điệu nhạc “sòn sòn sòn đố sòn” này. Bởi đó là những năm 1953 -1954 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn tổng phản công. Bộ đội khắp nơi cứ liên hoan văn nghệ mừng chiến thắng ở đâu là lại tổ chức múa điệu này dù nơi đó không có bà con dân tộc Thái. Mãi về sau, khi đã trưởng thành, tôi mới biết tác giả bài nhạc ngắn gọn mà cực kỳ thú vị đó.
Tôi bắt đầu sáng tác ca khúc và có bài được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) từ khi còn đang là sinh viên. Nhưng kiến thức về lý thuyết sáng tác khi đó có thể nói là “ziro” (điểm O). Vậy nên sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, tôi liền theo học một lớp dạy sáng tác do Nhà Nghệ thuật quần chúng (thuộc Sở Văn hoá Hà Nội) tổ chức dành cho những người sáng tác không chuyên. Một trong những giảng viên đến dạy là nhạc sỹ Mai Sao. Và dịp đó, tôi mới biết ông là tác giả phần âm nhạc cái điệu múa dân gian nổi tiếng đó. Ông đã kể cho tôi nghe đầu đuôi vì sao bỗng dưng sáng tác nên tác phẩm âm nhạc để đời này.
Số là sau chiến thắng Hoà Bình Đông – Xuân 1951 – 1952, anh em văn công lượm được điệu múa sạp của đồng bào Thái ở Tây Bắc. Mai Sao là người lồng ghép nhạc cho điệu múa này. Nhưng khi xem múa, nhà thơ Hoàng Cầm khi đó là Trưởng đoàn Văn công Việt Bắc nói với nhạc sỹ Tử Phác là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (TCCT): “Nghe thấy loáng thoáng có chỗ là âm điệu cò lả, có chỗ lại trống quân là những điệu dân ca quá quen thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ của người Kinh. Đệm cho điệu múa của người Thái ở Tây Bắc như vậy không ổn, chẳng khác gì để các cô gái Thái đội nón thúng quai thao, mặc áo tứ thân”.
Tử Phác thấy đúng, bèn giao nhiệm vụ cho Mai Sao lúc này là diễn viên hát trong Đoàn TCCT tìm hiểu kỹ về dân ca Thái để soạn nhạc đệm cho điệu múa sạp này. Chấp hành nhiệm vụ, người nhạc trẻ (lúc này Mai Sao, 26 tuổi - sinh năm 1926) bèn lập tức lên Tây Bắc tìm hiểu dân ca Thái. Ông đắm mình vào nhiều làn điệu của dân tộc này và cuối cùng đã viết nên bài “Sòn sòn sòn đô sòn” trên. Về báo cáo với Tử Phác và anh em trong đoàn, cả thủ trưởng và toàn bộ diễn viên ai cũng khen. Vậy là múa sạp chính thức có nhạc đệm. Sau đó, giai điệu đã được nhiều nhạc sỹ phối khí công phu cho các loại nhạc cụ từ dân tộc cho đến hiện đại tuỳ theo tính chất các cuộc biểu diễn. Múa sạp được coi là một trong những “cái đinh” lớn, chủ chốt trong phần múa của nhiều chương trình biểu diễn của Đoàn.
Về sau, tiết mục múa đặc sắc này không chỉ của văn công TCCT mà tất cả các đoàn văn công quân khu khác trong lực lượng vũ trang và văn công “dân sự” ở khắp nơi đều dàn dựng.
Không chỉ phát huy tác dụng ở trong nước, múa sạp với phần âm nhạc của Mai Sao còn được nhiều đơn vị nghệ thuật đưa đi biểu diễn ở nước ngoài, đặc biệt là những kỳ Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới trước đây. Nhiều khán giả nước ngoài đã vô cùng thích thú khi xem múa sạp. Nữ phóng viên nổi tiếng người Pháp - Madelaine Riffaud nói: “Sạp đẹp và uy nghiêm như những bức tranh lễ hội Cơ đốc giáo ở Ý”.
Có một điều “thiệt thòi” cho Mai Sao: Hầu như không bao giờ người ta giới thiệu ông là tác giả phần âm nhạc của sạp khi điệu này xuất hiện trên sân khấu. Thậm chí còn sẵn sàng nêu tên người phối khí, tức là từ giai điệu “sòn sòn sòn đô sòn” của ông mà triển khai cho dàn nhạc diễn tấu để đệm.
Mai Sao có tính cách hiền, điềm đạm, vui vẻ và hoà đồng. Ông có giọng hát tuy hơi yếu do tạng ông không được khoẻ nhưng rất “chuẩn” và truyền cảm. Cũng dễ hiểu bởi ông vốn dĩ là diễn viên hát trong Đoàn Văn công TCCT như đã nói.
Ông sinh năm 1926, quê Hà Nội. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ khi tròn 20 tuổi, ông đã hăng hái lên đường làm một anh chiến sỹ vệ quốc. Do hát hay và say mê âm nhạc, ông được làm công tác văn nghệ rồi biên chế trong Đoàn Văn công quân đội của TCCT dưới sự lãnh đạo của nhạc sỹ Tử Phác (tác giả ca khúc “Quay tơ” nổi tiếng). Về sau, do sức khoẻ yếu nên không thể tiếp tục hát mà chuyển sang làm cán bộ phong trào ở Nhà văn hoá Trung ương (thuộc Bộ Văn hoá) cho đến khi nghỉ hưu.
Tôi mến tính ông và cũng say mê học hỏi nên hai thày trò trở nên thân thiết. Ông rủ tôi đến nhà ông chơi khi đó ở phố Nguyễn Thái Học, gần cơ quan Nhà nghệ thuật quần chúng Hà Nội. Ngoài mọi chuyện về cuộc sống, ông hát cho tôi nghe những ca khúc do ông sáng tác về sản xuất, chiến đấu và nhiều bài tình ca. Quả là con người ta có “số” trong bất cứ chuyện gì, từ tình duyên, hôn nhân đến làm ăn, sự nghiệp… Tôi có phần ngạc nhiên khi nghe Mai Sao hát nhiều sáng tác khá hay mà không ai biết bởi chẳng được vang lên ở đâu. Những bài này của ông tôi thấy hay hơn hẳn so với không ít bài vẫn được vang trên Đài, thậm chí có bài còn “nổi tiếng”. Tôi hỏi ông:
- Nhiều bài của anh hay thế. Sao anh không gửi đến Đài phát thanh để nhiều người được nghe? Thế này thì “áo gấm đi đêm”, thật phí.
Ông chỉ cười - nụ cười hiền khô rồi nhỏ nhẹ:
- Nói thật, sau một vài bài đầu cũng được dùng, mình tiếp tục gửi đến nhưng rất nhiều năm mà chỉ được thu thanh một, hai bài. Mình nản. Cả nước chỉ có mỗi cái Đài Trung ương mà nhiều nhạc sỹ lui tới. Họ đã có danh và có thế lực nên gửi bài đến, Đài họ nể. Còn mình không thể chen chân được vào. Đã được thu quá ít, lại không được phát nhiều trên làn sóng nên không thể đến được với công chúng.
- Thế họ không biết anh là tác giả âm nhạc điệu múa sạp quá nổi tiếng à?
- Chắc là không, vì có bao giờ người ta giới thiệu tên mình gắn với điệu múa này đâu. Ngay San là người rất am hiểu về văn nghệ và giới nhạc sỹ mà cũng đâu có biết. Chỉ từ khi nghe mình kể ngọn ngành mới biết đó thôi.
Trong số những ca khúc Mai Sao sáng tác và hát cho tôi nghe, tôi rất để ý một bài có tên “Tiếng hát cô thợ nề”. Sở dĩ tôi đặc biệt “để ý” vì khi ấy, có một bài về đề tài này đang rất nổi tiếng là “Cô thợ nề Thủ đô” của Lưu Bách Thụ. Tôi thấy bài của Mai Sao hay hơn nhiều bởi giai điệu trữ tình, điệu đà, có phần lãng mạn hơn. Ông cho tôi biết bài này có gửi đến Đài nhưng không được sử dụng. Khi Lưu Bách Thụ chưa qua đời, một lần tôi nói với ông rằng anh Mai Sao cũng có một bài viết về các cô thợ nề hay lắm mà là thợ nề chung chứ không chỉ ở Thủ đô. Vậy mà anh ấy nói rằng gửi đến Đài nhưng không được sử dụng. Lưu Bách Thụ cho biết: Có được nghe Mai Sao phàn nàn việc này và tác giả “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh” cũng được Mai Sao hát cho nghe. Nhưng ông đã nói với Mai Sao rằng: Cái số nó vậy. Bài “Cô thợ nề Thủ đô” đâu có hay mà lại nổi tiếng trong khi chính Lưu Bách Thụ cũng có những bài khác hay hơn mà chẳng ai biết đến.
Năm 2013, Mai Sao qua đời. Đám tang ông cũng khiêm tốn, giản dị và thầm lặng như cả cuộc đời hoạt động âm nhạc của ông. Thiết nghĩ, mỗi khi điệu múa sạp được biểu diễn ở đâu, rất cần việc giới thiệu rõ Mai Sao là tác giả phần âm nhạc bởi đây là việc làm vẫn theo thông lệ, sòng phẳng và minh bạch. Cũng bởi đây là phần âm nhạc vào loại rất đặc sắc nếu không nói là đặc sắc nhất trong các điệu múa ở nước ta từ trước tới nay.