Nhìn biển tên phố, nhớ một nhạc sỹ

Thứ Năm, 25/02/2021, 14:39
Cách đây mấy tháng, tôi có dịp vào TP Hồ Chí Minh. Đến quận 9, đang tìm con phố mình cần đến thì bỗng tôi nhìn thấy tấm biển đề: Phố Diệp Minh Tuyền. Tôi moi trong trí nhớ xem có danh nhân nào mang tên này không. Nhưng nghĩ mãi không ra. Liệu đây có phải tên người nhạc sỹ kiêm nhà thơ gắn với mấy bài hát trứ danh không?


Tôi hỏi một người làm ở Thành ủy TP Hồ Chí Minh thì họ nói đúng là Diệp Minh Tuyền nhạc sỹ - tác giả của hai ca khúc về người lính xếp vào hàng hay nhất trong những bài hát về người lính. Đó là "Bài ca người lính" và "Hát mãi khúc quân hành".

Biết đích xác tên con phố ở quận 9 ấy là tên người nhạc sỹ mình đã quen và biết rất rõ về anh, kỷ niệm đã lùi sâu vào quá khứ bỗng lại ùa về, hiện rõ mồn một trong tôi...

Cố nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền.

Đó là một ngày mùa thu năm 1964, tôi vừa vào học năm thứ nhất khoa Văn trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học KHXH&NV). Ngày ấy, trường đóng ở đường Chùa Láng (địa điểm trường Đại học Ngoại thương bây giờ). Chúng tôi vừa đi tập quân sự về thì có lệnh phải chuẩn bị gấp một đêm văn nghệ toàn khoa để chào mừng 10 năm ngày giải phóng thủ đô. Sẽ khoán tiết mục cho các lớp. 

Riêng tôi được cho là hát hay nhất khoa Xã hội (văn và sử) nên được trao trách nhiệm lĩnh xướng trong dàn hợp xướng toàn khoa. Phụ trách dàn dựng là hai người, trong đó một người vừa đảm nhiệm việc dạy bè 2 (bè đệm, rất khó hát), vừa đệm đàn ác-coóc-đê-ông được giới thiệu là Diệp Minh Tuyền. 

Anh này người gầy nhom, cao, nói tiếng Nam Bộ. Trông gầy yếu vậy nhưng anh ôm chiếc đàn gió to đùng, đeo trĩu vai và kéo rất giỏi. Cả dàn hợp xướng mấy chục người mà chỉ một cây đàn của anh đệm, chúng tôi hát vẫn rất bốc! Thế là từ đó, tôi và Diệp Minh Tuyền quen nhau. 

Anh học khóa 6 (1960 -1964), cùng lớp với một số người sau này trở thành các nhà thơ quen biết: Mã Giang Lân, Lữ Huy Nguyên, Lệ Thu, Nguyễn Văn Toại, Anh Ngọc. Tôi học khóa 9, sau anh 3 khóa, có nghĩa lúc tôi bắt đầu vào (1964) chính là lúc các anh đang học năm cuối cùng, chuẩn bị tốt nghiệp ra trường.


Bài hát "Hát mãi khúc quân hành" của nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền.

Cùng niềm đam mê văn chương, thơ phú, lại thêm năng khiếu âm nhạc nên tôi và Diệp Minh Tuyền trở nên nhanh chóng thân nhau. Khi ấy, tôi đâu có nghĩ anh về sau trở thành một tên tuổi trong làng nhạc, thơ. Chỉ thấy một người bạn hơn mình mấy tuổi, hiền, rất máu mê âm nhạc, kéo đàn phong cầm rất giỏi, thích hát nhưng hát không được hay. Song, anh rất thích sáng tác ngay từ những ngày ấy. 

Thỉnh thoảng, anh lại đọc thơ và hát cho tôi nghe những ca khúc anh viết lúc đó. Phần lớn đề cập đến nỗi nhớ quê hương miền Nam và nói đến tình yêu trai gái. Anh bảo vì tưởng tượng ra, chứ chưa yêu thật nên có lẽ vì vậy mà cả thơ và ca khúc viết ra chưa vừa ý. Có một số bài thơ làm xong, anh tự phổ nhạc luôn. 

Ngay từ ngày đó, tôi đã thấy anh viết được bài thơ "Mùa chim én bay" rồi tự phổ thành bài hát: "Khi gió đồng ngát thơm. Rợp trời chim én lượn. Cây nảy đầy chồi xanh. Mây trắng bay yên lành...". 

Anh nói tôi tập để hát. Nhưng tôi tập mãi không vào mặc dù bài thơ đã nhanh chóng thuộc. Bởi vì thơ thì quá hay, nhất là câu: "Em là cánh én mỏng chao xuống giữa đời anh". Còn giai điệu thì chưa thật thú vị, nghe có phần nhạt, chưa tương xứng với lời. Tôi không tiện góp điều đó với anh. 

Nhưng thấy tôi mãi chưa thuộc giai điệu nên anh hỏi: "Chắc Nguyễn Đình San không thích phần âm nhạc?". Tôi né câu trả lời và nói: "Bài thơ hay quá, hay là tôi ngâm?". Nhưng Diệp Minh Tuyền không thích thơ ngâm. Thế là bài phổ thơ đó coi như không ra đời. Chắc sau đó, anh cũng tự thấy chưa ổn về âm nhạc nên đã tự "khai tử". 

Mãi tới sau này, rất lâu sau khi anh đã ra trường, vào Nam công tác, tôi nghe được bài hát này ở trên Đài do một giọng nữ người miền Nam hát nhưng người phổ nhạc lại là Hoàng Hiệp. Quả là giai điệu của Hoàng Hiệp rất hay, rất phù hợp với thơ của Diệp Minh Tuyền. Có cảm giác như lời ấy phải đi với nhạc ấy, không thể khác. 

Sau khi bài này trở nên nổi tiếng, được rất nhiều nữ ca sỹ hát, một lần vào TP. HCM, gặp Diệp Minh Tuyền, tôi hỏi anh đầu đuôi sự thay đổi này. Anh nói rất chân thành: "Ai cũng khen bài thơ nhưng đều chung cảm nhận như San là nhạc chưa sướng. Hoàng Hiệp đã phổ và rất thành công. Ông ấy đúng là một ông hoàng về ca khúc, về phổ thơ". Quả như vậy, tác giả "Câu hò bên bờ Hiền Lương" đình đám năm xưa còn phổ của Diệp Minh Tuyền một bài nữa là "Con đường có lá me bay" cũng khá hay ("Con đường có lá me bay/  Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về").

Tôi và Diệp Minh Tuyền chơi với nhau được mấy tháng ở đại học thì anh tốt nghiệp ra trường rồi về nhận công tác ở Ban Lý luận thuộc Viện Văn học. Sang năm thứ 2, tôi đi sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên. Hai chúng tôi ít có dịp gặp nhau như trước. Tuy nhiên, lâu lâu về Hà Nội, tôi cũng tìm cách gặp lại anh. 

Anh tâm sự với tôi rằng làm việc ở Viện buồn chán (mặc dù học Tổng hợp văn ra mà về Viện Văn học thì kể như là niềm mơ ước của nhiều sinh viên văn khoa tốt nghiệp lúc đó). Tôi hiểu là con người anh phù hợp với hoạt động sôi nổi và đặc biệt là anh rất thích sáng tác nhạc và thơ hơn là suốt ngày dán mắt vào những cuốn sách tư liệu dày cộp trong thư viện rồi ghi ghi, chép chép. 

Mà đã sáng tác thơ và nhạc thì không thể ngồi một chỗ. Thay vì là phải nay đây mai đó, "xê dịch" kiểu Nguyễn Tuân. Cha anh là Diệp Tư, khi ấy là Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp nên anh hoàn toàn có thể đi học thêm ở nước ngoài để đỗ đạt cao hơn. Nhưng anh đã đòi cha cho trở về miền Nam để tham gia chiến đấu và hoạt động văn nghệ. 

Hồi học xong trường miền Nam ở Hải Phòng, Diệp Minh Tuyền có nguyện vọng thi vào trường Nhạc nhưng cha anh khuyên vào học văn ở Đại học Tổng hợp. Anh đã nể cha mà nghe theo. Nay ông không thể lần thứ hai ngăn cản nguyện vọng của con nên đã đồng ý để anh rời Viện Văn học. 

Thế là sau 3 năm làm việc ở đây, Diệp Minh Tuyền khoác ba lô vào chiến trường (ngày ấy gọi là đi B). Tôi nhớ trước khi anh rời Viện mấy tháng, một lần gặp, anh nói với tôi: "Lâu lắm tớ chẳng viết được gì. Ca khúc lại càng bí. Ngồi một chỗ không thể viết được. Phải đi B thôi. Tớ có thằng bạn thân là Ca Lê Hiến học bên sử cũng đi rồi". (Ca Lê Hiến chính là Lê Anh Xuân - nhà thơ nổi tiếng, sau là liệt sỹ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND).

Diệp Minh Tuyền sinh năm 1941, quê ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sau hòa bình (1954), anh theo cha tập kết ra Bắc, học ở một trường dành cho học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Hết phổ thông, anh học Tổng hợp Văn, hệ 4 năm. Như đã nói, ra trường, sau 3 năm công tác ở Viện Văn học, anh lên đường vào Nam, biên tập tờ Văn nghệ giải phóng. 

Sau ngày miền Nam được giải phóng, anh làm Phó Tổng thư lý Hội Âm nhạc TP HCM kiêm TBT tạp chí Sóng nhạc. Ngoài hai ca khúc đình đám về người lính nói trên, anh còn có nhiều ca khúc khác và đặc biệt có hai bài thơ về đề tài Đảng, lãnh tụ được phổ nhạc trở nên rất nổi tiếng (Bài "Tình Bác sáng đời ta" do Lưu Hữu Phước phổ nhạc và "Màu cờ tôi yêu" do Phạm Tuyên phổ nhạc). Anh cũng chính là người dịch ra lời Việt ca khúc nổi tiếng của Nga "Triệu bông hồng".

Tại phường 8 ở TP Mỹ Tho - quê Diệp Minh Tuyền - cũng có một đường phố mang tên anh. Quê hương và nơi anh làm việc nhiều năm đã ghi công anh thật xứng đáng bằng việc đặt tên phố. Quá tiếc thương khi năm 1997, anh phải sớm vĩnh biệt tất cả khi mới 56 tuổi - độ tuổi còn rất sung sức với rất nhiều dự định sáng tác còn dang dở của mình.

Nguyễn Đình San
.
.