Nhạc sĩ Thanh Bình: "Tình lỡ" cái tên ám vào số phận

Thứ Sáu, 24/09/2021, 17:02

Trong làng văn nghệ, có những tên tuổi khá đình đám, được nhiều người biết đến vì nhắc đến họ, rất nhiều người không lạ. Nhưng lại không đi liền với sức thuyết phục của tác phẩm họ viết nên, thậm chí không có được tác phẩm nào có sức lan tỏa trong công chúng. Ngược lại, có những tác phẩm được nhiều người rất ngưỡng mộ, mê đắm nhưng tác giả thì có vẻ như xa lạ với số đông công chúng. Có người còn có cuộc đời thật khốn khó, cơ cực để rồi từ biệt cõi đời một cách quá âm thầm, lặng lẽ. Thật là bất công. Song, đó là cuộc đời, là số phận, không thể khác!

Người nhạc sỹ tôi muốn nói đến trong bài viết này ở vào trường hợp thứ hai nói trên. Ông là Thanh Bình, có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Minh (1932 – 2014), quê gốc ở Bắc Ninh nhưng sau năm 1954, cư trú ở Sài Gòn. Đúng là nhắc đến tên ông, ngay cả giới nhạc sỹ cũng có nhiều người không biết. Nhưng nhắc đến bài hát “Tình lỡ” thì từ Nam ra Bắc, lứa ca sỹ ra đời trước năm 1975 (và một số người trẻ hơn) thì nhiều người biết: “Thôi rồi còn đâu chi anh ơi/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi…” và: “Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau/ Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau…”.

ydq4x6ok.jpg -0
Nhạc sỹ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết.
Bài hát này đặc biệt nổi tiếng với công chúng Sài Gòn và lan ra nước ngoài, được hầu hết ca sỹ Việt nổi tiếng nhất trình diễn trong các đại nhạc hội. Sức lan tỏa càng mạnh hơn sau khi được đạo diễn Lê Mộng Hoàng đưa vào bộ phim truyện có tên “Nàng” nổi tiếng với diễn xuất của hai tài tử điện ảnh lừng danh của Sài Gòn trước ngày giải phóng là Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang. Bài hát do Khánh Ly thể hiện.

Thanh Bình còn có nhiều ca khúc dạt dào tình yêu lứa đôi, tình cảm quê hương, chứa chất nhiều thương nhớ của người con xa nơi chôn nhau cắt rốn như: “Còn nhớ hay quên”, “Gặp gỡ duyên nhau”, “Đừng đến rồi đi”, “Những nẻo đường Việt Nam”, “Lá thư về làng”, “Chiều vàng trên sông”, “Mưa qua sông”, “Bông súng đồng quê”, “Thương nhau hát lý qua cầu”… Đặc điểm những ca khúc của Thanh Bình là giản dị, dễ hát, ngắn gọn, súc tích, có âm điệu sâu lắng, truyền cảm, dễ vào lòng người.

Nhìn người nhạc sỹ thời trẻ hào hoa phong nhã, rất điển trai, lại viết nên những ca khúc có giai điệu đẹp, mượt mà, thật khó hình dung ông có cuộc sống quá bĩ cực, đến phút từ giã cõi đời vẫn không gặp thái lai. Lên 10 tuổi, ông đã mồ côi mẹ. Người cha cũng qua đời vài năm sau, đẩy ông vào cuộc sống vất vưởng phải làm đủ nghề kiếm sống. Ông từng viết văn, viết báo kiếm tiền. Nhuận bút không đủ sống, phải đi bán phở dạo (gọi là phở gánh). Lớn lên, bập vào mối tình đầu với một cô gái tên Hằng ở Hà Nội thì bị gia đình cô tẩy chay, ép gả cho người khác. Thanh Bình đau khổ, bỏ vào Sài Gòn sinh sống và viết nên ca khúc nổi tiếng “Tình lỡ” với những lời lẽ khổ đau, tiếc nuối đã dẫn ở trên.

Tại “Hòn ngọc của Viễn Đông” này, mãi tới năm 1973, khi đã ở tuổi 41, ông mới lấy vợ - một cô gái xinh đẹp. Họ mở một quán cơm bình dân ở quận 1 để kiếm sống. Nhưng rồi sau khi cô ta sinh được cho ông đứa con gái tên Mộng Ngọc, đã bỏ đi theo tiếng gọi của kẻ giàu có khác lúc Ngọc mới lên 3. Thế là ông trở thành gà trống nuôi con nhưng đến khi nó lớn lên không báo đáp được gì, còn gây cho ông buồn phiền, đau khổ.

Nó có hai đời chồng. Chồng đầu có cưới xin hợp pháp nhưng không bền, sớm ly hôn. Đời chồng thứ hai không hôn thú. Gắn bó được ít ngày thì Ngọc lao vào con đường làm ăn, huy động vốn của nhiều người nhưng đổ bể, không trả được nợ nên phải vào tù. May mà sau đó có đứa cháu gái gọi bằng cậu tên là Phượng đưa ông về, cưu mang.

Nhà Phượng cũng nghèo. Trong căn phòng đơn sơ chật hẹp, ông ốm đau, buồn bã, cô đơn, suốt ngày nghĩ về đứa con gái đang ở tù. Nhiều lần Phượng thấy ông khóc, hỏi thì ông nói thương nhớ Mộng Ngọc, không biết đến khi ông ra đi có còn gặp được đứa con gái duy nhất hay không. Phượng phải “dỗ” cậu mình: “Cậu ơi! Đừng khóc. Cháu sẽ cố thu xếp công việc đưa cậu đến thăm em nó”. Nhưng đứa cháu chưa kịp thực hiện lời hứa thì ông qua đời. Đó là hồi 4h10 phút sáng 23/5/2014. Hôm đó, người nhạc sỹ tội nghiệp trở dậy đi vệ sinh, không may bị ngã. Thế là ông “đi” luôn, hưởng thọ 82 tuổi.

cad3e8c1-db6b-4d68-8fd3-4d53d1fb264d.jpg -0
Cố nhạc sỹ Thanh Bình và bản nhạc “Tình lỡ”.

Nhạc sỹ Thanh Bình có hoàn cảnh quá nghèo, lại cô đơn, đứa con gái duy nhất ở tù, còn một người em gái sống ở Pháp nhưng từ rất lâu không có liên hệ gì nên đám tang của ông chỉ lèo tèo khoảng chục người có mặt.

Thanh Bình vốn dĩ đã không phải “típ” người sống sôi nổi mà hướng nội. Sau cuộc tình đầu đổ vỡ rồi cuộc hôn nhân cũng không trọn vẹn, bị người vợ phản bội, ông trở nên trầm lặng, sống khép kín, hầu như không bộc lộ với ai. Cũng từ sau khi người vợ bỏ đi, phải bươn chải mưu sinh để kiếm tiền nuôi con gái, ông không sáng tác ca khúc nữa mà kiếm sống bằng các nghề dạy tiếng Anh và Pháp.

Tuy sống khép kín nhưng Thanh Bình có nhiều ca sỹ và công chúng ngưỡng mộ, cảm thương. Có người là Việt kiều từng yêu thích bài “Tình lỡ” đã gửi tiền về nước tặng ông. Tiêu biểu nhất cho giới ca sỹ là Ánh Tuyết. Chị là người luôn gần gũi, động viên an ủi và mỗi khi có dịp là lại giúp đỡ ông về vật chất. Đi diễn ở Vũng Tàu về, chị đến biếu ông tiền. Cảm thương người nhạc sỹ tài hoa nhưng có cuộc sống quá bi đát, chị đã tổ chức một đêm nhạc gồm toàn những bài hát của ông. Số tiền thu được cộng thêm với khoản quyên góp của nhiều người khác được 230 triệu đồng, chị làm sổ tiết kiệm tặng ông.

Với ông, tiền cũng rất quý. Nhưng cái quý hơn là được nghe lại những sáng tác của mình sau rất nhiều năm bị bỏ bẵng. Ông nói với Ánh Tuyết trong rưng rưng nước mắt: “Cả đời tôi chưa bao giờ được xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ nếu có chết, tôi cũng mãn nguyện”. Đêm nhạc này diễn ra vào đầu tháng 1/2014 thì chỉ hơn 4 tháng sau, vào ngày 23/5/2014, Thanh Bình qua đời, không kịp gặp lại đứa con gái vẫn đang ở trong tù.

Tôi có hai lần may mắn được tiếp xúc với nhạc sỹ Thanh Bình. Lần thứ nhất là cuối năm 1975. Đây là lần đầu tiên tôi vào đây. Lúc này, Sài Gòn vừa được giải phóng mấy tháng. Mọi thứ vẫn còn bề bộn, còn mang nhiều dấu ấn của xã hội trước đó. Nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp tên tuổi ở ngoài Bắc chưa kịp trở lại quê hương mình. Tôi nói với một người bạn mới quen biết là hãy đưa tôi đến chơi với một nhạc sỹ nào đó sống ở Sài Gòn từ trước.

Nghĩ một lúc, người bạn nói với tôi: “Tôi sẽ dẫn anh đến thăm một nhạc sỹ khá đặc biệt có bài hát ai cũng biết và ưa thích. Ông này là người Bắc. Anh biết nhạc sỹ Thanh Bình chứ?”. Tôi nói chưa nghe tên này ở trong Nam bao giờ. Người bạn lại hỏi: “Vậy anh có biết bài hát “Tình lỡ” không?”. Tôi nói có biết và hát luôn mấy câu cho bạn nghe rồi nói với bạn: “Thanh Bình là tác giả bài này à? Mình biết và thuộc nhiều bài của các nhạc sỹ ở trong này, nhưng không biết hết tên các tác giả. Bài này thì quá nổi tiếng rồi”.

Thế là chúng tôi đến thăm Thanh Bình. Lúc này ông ở tuổi 43, còn rất điển trai, phong độ vì mới sinh cô con gái Mộng Ngọc, bên cạnh người vợ xinh đẹp. Ông đang hạnh phúc nên vui vẻ, thấy tôi là người Bắc, lại càng vui hơn. Ông nói chuyện chân tình, cởi mở. Ông sẵn sàng hát cho tôi nghe mấy bài sáng tác sau khi quen người vợ nhưng chưa cưới. Tôi hỏi chuyện về duyên cớ ra đời bài “Tình lỡ”, ông kể lại kỷ niệm buổn trong quá khứ rồi hoàn chỉnh bài này vào năm 1956. Lần gặp gỡ đầu tiên này để lại trong tôi ấn tượng về một nhạc sỹ hào hoa nhưng bình dị, chân tình, có cuộc sống bình yên.

Lần thứ hai là năm 2010 trước khi ông qua đời 4 năm. Lúc này ông đã rất ốm, đang ở nhà đứa cháu gái tên Phượng trong cảnh cô đơn sau khi vợ bỏ đi, con gái đang ở tù. Tôi không thể nhận ra ông từ một chàng đẹp trai, hào hoa biến thành một ông già quá dặt dẹo và thiểu não. Ông cũng không nhận ra tôi và quá trầm lặng, có vẻ như không muốn nói bất cứ chuyện gì gợi lại quá khứ.

Người nhạc sỹ tài hoa chẳng những đã lỡ trong tình duyên mà là cả một đời vì số lượng bài hát ông để lại không tương xứng với tài năng và nhiệt huyết thuở ban đầu. Nhưng “Tình lỡ ” thì đã sống mãi trong lòng nhiều thế hệ công chúng.

Nguyễn Đình San
.
.