Nhạc sĩ Phùng Chiến: Gửi tình “Nơi gặp gỡ đất trời”
Sinh ra và lớn lên tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), thế nhưng suốt hơn 30 năm qua, nhạc sĩ Phùng Chiến, tác giả ca khúc nổi tiếng "Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời" đã sinh sống, gắn bó và coi Lào Cai như quê hương thứ hai của mình. Trong đêm nhạc Phùng Chiến vào năm 2002, nhạc sĩ Trần Hoàn đến dự và đã khẳng định: "Nhạc sĩ phải có 4 yếu tố: tài, tâm, tầm và có thực tế thì Phùng Chiến có cả".
Sống ở vùng đất thơ, nhạc
Phùng Chiến yêu mảnh đất biên cương Lào Cai hơn bất cứ người con nào của vùng đất này. Ông có thể nói chuyện hàng giờ về những địa danh, về những nét đẹp trong văn hóa, tập tục, sinh hoạt của các dân tộc ở Lào Cai. Với ông, Lào Cai là miền biên cương rộng lớn và có sự gắn kết giữa các cộng đồng dân tộc, với sự khai phá, tụ hội của người dân mọi miền như câu ca: "Ai đưa ta đến chốn này/ Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai". "Lào Cai được thiên nhiên ưu đãi với vùng núi cao, thung sâu, suối sâu, thiên nhiên, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Con người sống hiền hậu, phóng khoáng và đặc biệt con gái thì rất trắng trẻo, xinh đẹp, dễ mến. Ai đến đây rồi cũng muốn ở lại, ai đến đây rồi sẽ lạc cả lối về", ông nhấn mạnh.
Chẳng thế mà trong sự nghiệp với khoảng 150 ca khúc, ông đã gần như dành hết cho các địa danh của tỉnh Lào Cai. Về Bát Xát, ông có "Đêm trăng Dền Sáng", "Chiều Mường Hum", "Bát Xát, điểm đến bốn mùa"… Về Bảo Thắng, ông có "Bảo Thắng, khúc hát tự hào"… Về Bắc Hà, ông có "Khát vọng sông Chảy", "Đi hội Lồng Tồng", "Mùa xuân đi chợ Bắc Hà"… Về thành phố Lào Cai, ông có "Thành phố tình yêu", "Thành phố nơi tôi sống"… Về Văn Bàn, ông có "Văn Bàn, miền thương nhớ"… Đặc biệt về Sa Pa, ông có "Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời"…
Yêu âm nhạc và có sáng tác từ rất sớm nhưng khi tách tỉnh Hoàng Liên Sơn, ông trở về Lào Cai công tác, sinh sống mới là "đất" để cho những "hạt mầm" âm nhạc trong ông nảy nở, sinh sôi. Ông bảo, ông có nhiều lợi thế so với các nhạc sĩ ở vùng khác là được sống trên mảnh đất có sẵn thơ và nhạc, và nhiệm vụ của người nhạc sĩ là đặt chúng "ngay ngắn" trên khuông nhạc. Chính vì mang nặng nghĩa tình với mảnh đất "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" nên ông muốn thông qua âm nhạc có thể giới thiệu đến bạn bè, công chúng trong nước và nước ngoài về miền đất còn nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Những ca khúc của ông như lời mời gọi ân tình, thắm thiết, thân thương, thể hiện tình đất, tình người Lào Cai nặng sâu, mến khách, chân tình.
Không muốn Sa Pa "đứng im"
Nếu có dịp đến với Sa Pa, du khách sẽ thấy đâu đâu cũng là thanh âm vui tươi, rộn ràng của "Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời". Và quả thực, ca khúc này đã góp phần đáng kể để nhiều người biết và tìm đến với Sa Pa. Đó là ca khúc ông thai nghén, ấp ủ từ năm 1993, hoàn thành năm 1998 và "bay lên không trung" vào năm 2000 sau khi ông sửa chữa đoạn cuối qua tiếng hát của ca sĩ Trọng Tấn. Ban đầu, ông viết hướng đến đơn ca thể hiện, sau đó "cặp đôi" Tuấn Anh - Tân Nhàn đã song ca mang lại cho người nghe sự thích thú, hứng khởi và đậm chất tình yêu lứa đôi ngọt ngào.
Dễ dàng có thể nhận thấy trong bài hát này, tác giả đã sử dụng những chi tiết, hình ảnh đầy chất thơ như ông khẳng định "đó đều là chi tiết, hình ảnh có thật nhưng tôi thi vị hóa cho đẹp hơn, để người nghe yêu đời, yêu cuộc sống và yêu quê hương của mình hơn". Như câu hát "Bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái" được ông giải thích đó là mùa nông nhàn con trai, con gái đi chợ tình, gặp nhau rồi hát gọi như một lời tán tỉnh. Hay câu hát "Mặt trời mọc lên từ má em" là hình ảnh mà ông ấn tượng mãi với đôi má ửng hồng của một cô gái 16, 17 tuổi năm nào mà ông từng gặp. Riêng cách dùng từ "Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời" như tác giả giải thích: "Sa Pa là nơi cao nhất của đất, thấp nhất của trời. Khi âm dương hòa hợp, "gặp gỡ" thì con người, cảnh vật sẽ sinh sôi, nảy nở, phát triển" đã được Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng tấm tắc ngợi khen.
Những năm 2000 trở về trước, gần như Sa Pa còn là mảnh đất đầy bí ẩn còn giờ đây thì hầu như ai ai cũng biết đến. Sa Pa hôm nay đã phát triển vượt bậc, từ huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nay đã trở thành thị xã, mỗi năm thu hút lượng lớn du khách. "Những năm trước đây, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành văn hóa của tỉnh đến dự hội nghị ở các tỉnh khác đã đưa theo cả ca sĩ để bài hát "Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời". Các đồng chí đều khẳng định, ca khúc đã như một sự quảng bá, giới thiệu không thể đầy đủ, chi tiết hơn về con người, cảnh vật nơi này. Ca khúc dễ hát, khúc thức âm nhạc không quá lắt léo, lời ca dễ cảm nhận nên nhiều ca sĩ chuyên và không chuyên đã thể hiện thành công. Có lẽ vì thế mà ca khúc được lan tỏa", ông nhấn mạnh.
Trước ý kiến trái chiều về sự phát triển của Sa Pa phá vỡ sự hoang sơ vốn có, nhạc sĩ Phùng Chiến khẳng định, đó là quy luật của sự phát triển, người dân Sa Pa xứng đáng được hưởng điều đó, tất nhiên không nên bỏ đi những gì truyền thống. "Quan trọng là người miền núi nhận thức được dù phát triển nhưng vẫn giữ được cách ăn, mặc, cách chế biến các món ăn độc đáo, các lễ hội truyền thống…, còn sinh hoạt con người thì phải văn minh và họ có quyền hưởng cơ sở vật chất hiện đại. Tôi không muốn Sa Pa "đứng im" như ngày xưa", ông nhấn mạnh.
Có người nói "bê tông hóa" là phá vỡ không gian cổ kính của Sa Pa nhưng nhạc sĩ Phùng Chiến lại nghĩ nên xây dựng không gian riêng để du khách cảm nhận về một Sa Pa xưa. "Bây giờ giới trẻ có quyền hưởng thụ và sáng tạo ra những cơ sở vật chất văn minh của thời đại nên có thể nói Sa Pa phát triển hiện đại là điều tất yếu. Những giá trị truyền thống chỉ trong phạm vi tư tưởng của số ít người, chủ yếu trong giới nghiên cứu khoa học. Có phải ai cũng thích đến xem bảo tàng đâu mà chỉ có người trong nghề, hiểu biết, nhưng số này không nhiều. Theo tôi, chúng ta nên xây dựng không gian cụ thể, chứa đựng không gian cuộc sống ngày xưa còn quy luật trong xã hội thì chúng ta không thể kìm hãm được", ông nói thêm.
Âm nhạc phải phục vụ đời sống
Sáng tác đa dạng về đề tài, thể loại âm nhạc nhưng nhạc sĩ Phùng Chiến lại chưa có một ca khúc tặng vợ. Nói về thông tin thú vị này, ông bảo: "Những tác phẩm phải phục vụ đời sống con người, quê hương, đất nước, trong đó có sự gửi gắm và những trăn trở. Còn vợ, tôi đã gửi tặng cả thân xác và cuộc đời rồi (cười). Mình là người sống chân thật, hồn nhiên nên đối với gia đình, vợ con mình cứ sống thật với những gì mình có và mãn nguyện với hạnh phúc giản đơn".
Trên vai trò Chi hội trưởng Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lào Cai, nhạc sĩ Phùng Chiến luôn trăn trở làm sao để các nhạc sĩ trẻ của mảnh đất này phải luôn mày mò, sáng tạo, trau dồi kỹ thuật âm nhạc và đặc biệt là phải "bám rễ" vào dân ca các tộc người ở Lào Cai để cho ra những tác phẩm mới, độc đáo lạ, hấp dẫn với người nghe. "Có những bài hát về địa phương đã vượt ra khỏi biên giới, tức là khi đó không những đạt được cái tầm nội dung quê hương mà còn đạt được cái tầm của dân tộc, biểu cảm được cả tinh thần của cả dân tộc. Sự độc đáo về âm nhạc, mới lạ về nội dung thì ca khúc tự nhiên sẽ nổi tiếng thôi", ông nhấn mạnh.
Có thể nói với tình yêu tha thiết, mặn nồng dành cho con người và vùng đất Lào Cai, nhạc sĩ Phùng Chiến đã là "người trung du bán linh hồn cho miền núi".