Nhạc sĩ Trần Tiến – Nửa thế kỷ phiêu bạt

Thứ Năm, 13/04/2023, 11:12

Khá lâu rồi, ông mới trở lại Hà Nội, sau những lần giành giật sự sống với căn bệnh ung thư. Âm nhạc, và chỉ có âm nhạc là một nguồn sống mạnh mẽ đã giúp người nhạc sĩ tài hoa ấy đi qua những chặng đường khó khăn, chông gai của cuộc đời và  đối diện với sinh tử. Âm nhạc của ông, vì thế mà đậm chất đời, nhưng cũng đầy ước vọng phiêu lãng, tự do.

1.Được mệnh danh là "gã du ca", hành trình nghệ thuật của nhạc sĩ Trần Tiến chịu ảnh hưởng rất lớn từ những chuyến rong ruổi với âm nhạc của ông. Những chuyến du ca ấy đã mang đến cho người nhạc sĩ nguồn cảm hứng và tư liệu để sáng tác ra những bài hát sâu lắng và rất đời, mang đậm cá tính của một Trần Tiến lãng tử mà khán giả vẫn luôn yêu mến.

"Nửa thế kỷ phiêu bạt" là đêm nhạc đánh dấu chặng đường hơn 50 năm sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến. Chương trình không chỉ đưa khán giả về với những ký ức tươi đẹp qua những bài hát thân thuộc, mà còn mang đến một không gian thủ thỉ, tâm tình về cuộc đời phiêu bạt trong nhiều thập kỷ của người nhạc sĩ.

ở tuổi 80, ông vẫn ôm đàn hát nhiệt thành,sôi nổi.jpg -0
Nhạc sĩ Trần Tiến trở lại khỏe mạnh sau cơn bạo bệnh.

Trong mấy năm qua, người nhạc sĩ già thỉnh thoảng xuất hiện ở một số chương trình, show diễn của đồng nghiệp... Lúc nào ông cũng nói cười rổn rảng, tếu táo và tràn đầy sức sống, như bệnh tật hay những muộn phiền của đời sống chưa từng ghé qua. Ông vẫn ngẫu hứng chơi đàn, giọng khỏe và dày, thăng hoa trên sân khấu. Không ai nghĩ rằng, nhiều năm qua, ông đã chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng với gần 30 lần xạ trị. Ông chứng kiến cảnh nhiều người ra đi vì không đủ sức chống lại sự hành hạ của những lần xạ trị, hóa trị... Và ở đó, ông cũng chứng kiến nhiều mảnh đời, có những người còn rất trẻ không vợ con, không gia đình và đã ra đi trong lần xạ trị 14, ngay trước sự chứng kiến của người nhạc sĩ già.

Thế nhưng chính trong giây phút đó, âm nhạc là liều thuốc đã giúp vị nhạc sĩ tài hoa vượt lên chính mình và vượt qua căn bệnh hiểm nghèo: "Chính lúc đó, những giai điệu âm nhạc đến với tôi, tự nhắc tôi rằng, "Trần Tiến ơi, đừng có hèn, dậy đi. Hãy tiếp tục sống". Từ đó, tôi đã viết nên bài hát "Không gục ngã" để động viên mình chiến đấu. Tôi có thể sống 200 năm nữa hay cũng có thể ra đi trong đêm nay. Vì thế, còn một ngày được sống, hãy sống thật trọn vẹn. Ai rồi cũng đi, quan trọng là mình phải luôn sống trong tâm trí mọi người", ông nói.

Âm nhạc là nguồn sống của người nhạc sĩ già trong những ngày tháng khó khăn. Ông chia sẻ, bí quyết thật đơn giản, ông viết nhạc và âm nhạc chính là nguồn sống của tâm hồn ông. Trong khoảng thời gian điều trị bệnh, nhạc sĩ sáng tác rất nhiều nhưng không bán, chủ yếu giữ lại cho riêng mình. "Tôi lúc nào cũng có sáng tác mới. Tôi không sáng tác cho ai cả, tôi sáng tác cho mình đỡ chóng chết. Tôi phải làm việc, hát hò, viết nhạc thì mới đỡ chóng chết. Tôi viết rất nhiều nhưng không phải để mang ra bán", ông nói.

Đêm nhạc "Nửa thế kỷ phiêu bạt" được chia thành 3 phần gồm Guitar (Câu chuyện về người lính, những phận người trong chiến tranh qua con mắt âm nhạc của chàng trai trẻ); Ngẫu hứng (Câu chuyện đời và tình yêu, những câu chuyện từ cuốn nhật ký của người đàn ông với trái tim yêu cuộc đời tha thiết) và Trắng đen (Những chiêm nghiệm của một cây đàn cũ, chứng kiến mọi thăng trầm của đời sống). Chương trình diễn ra vào ngày 13/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội như một cách tri ân với khán giả. Ông nói: "Tôi đã có thể có hơn 1.000 đêm nhạc nhưng chưa bao giờ tổ chức đêm nhạc cho riêng mình. Nhưng dù sân khấu có 6.000 khán giả, 25.000 người ngoài sân vận động hay sân khấu chỉ có vài người, tôi vẫn là tôi, hát say mê như một đứa trẻ".

2.Trần Tiến là một cây đại thụ của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Ông luôn sống trong tâm trí mọi người bởi chính tình yêu cuộc sống, chất lãng tử và đời thấm đẫm trong từng bài hát của ông. Cùng với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông đã góp phần làm nên "Bộ tứ Sông Hồng" đầy tài hoa, đóng một vị trí quan trọng trong nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Trong "Bộ tứ Sông Hồng", nếu như âm nhạc Phó Đức Phương vạm vỡ, thấm đẫm văn hóa truyền thống, Dương Thụ hào hoa, trữ tình, Nguyễn Cường hào sảng, đậm chất dân gian thì nhạc của Trần Tiến phiêu lãng, tự do và phóng khoáng.

Người nhạc sĩ già chia sẻ, phải dùng từ "phiêu bạt" với cuộc đời ông mới ra chất Trần Tiến. Vì gia đình ông từng rất giàu có nhưng sau một biến cố, gia đình ông mất hết không còn lại gì. Ông từng phải đi kéo xe, làm đủ nghề nuôi mẹ, nuôi em. Cuộc đời đẩy ông vào phiêu bạt. Thời trẻ, có thời gian ông sống lang thang trong những con ngõ nhỏ ở Hà Nội. Năm 16 tuổi, để có tiền trang trải cuộc sống, ông làm chân hậu đài cho Đoàn ca múa Hà Nội. Tại đây, ông thường xuyên được tiếp xúc với âm nhạc và học mót được thanh nhạc, biểu diễn. Rồi nhờ tài năng trời phú, ông được trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn ca múa Hà Nội, theo đoàn đi biểu diễn ở những vùng tuyến lửa. Trong quãng thời gian này, ông đã cầm bút viết những bài ca cách mạng.

nhạc sĩ  trần tiến trở lại khỏe mạnh sau cơn bạo bệnh.jpg -0
Ở tuổi gần 80, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn ôm đàn hát nhiệt thành, sôi nổi.

Đến năm 1978, Trần Tiến tốt nghiệp Khoa thanh nhạc và sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, những ca khúc đầu tiên của ông mang chủ đề yêu nước như "Giai điệu Tổ quốc", "Những đôi mắt mang hình viên đạn", "Vết chân tròn trên cát"... Năm 1987, nhạc sĩ Trần Tiến thành lập ban nhạc rock Đen-Trắng và lưu diễn dọc đất nước. Các bài hát của ông trong thời kỳ này có nội dung cổ vũ cho Đổi mới. Rồi sau đó, ông viết những ca khúc dân gian đương đại được đón nhận nồng nhiệt như "Ngẫu hứng Sông Hồng", "Quê nhà", "Mẹ tôi", đặc biệt là "Mưa bay tháp cổ" được ca sĩ Tùng Dương thể hiện thành công và giành giải Bài hát của tháng trong chương trình "Bài hát Việt". Còn bài "Mẹ tôi" của ông đến bây giờ vẫn là một trong những bài hát hay nhất về mẹ, dù đã có rất nhiều ca khúc viết về mẹ ra đời. Ông viết cho mẹ của mình nhưng ông cũng viết hộ nỗi niềm tha thiết ấy của hàng triệu con người. 

Thế hệ chúng tôi yêu nhạc Trần Tiến vì âm nhạc của ông đậm chất đời, chất phiêu lãng, yêu cả phong cách du ca đầy ngẫu hứng của ông, với chiếc mũ nồi và cây đàn ghita quen thuộc. Ông không thuộc về những sân khấu được trang trí lộng lẫy sắc màu, ông thuộc về những điều gần gụi, bình dị nhưng sâu lắng. Ở đó, ông đã chạm tới những miền xúc cảm của người nghe. Nhạc sĩ Thụy Kha từng nói: "Âm nhạc của Văn Cao là của trời cho, âm nhạc của Trịnh Công Sơn là do tâm cho, thì âm nhạc của riêng Trần Tiến lại là của đời cho". Chất đời đậm đặc trong từng ca từ, giai điệu của ông. Vì thế, nhạc Trần Tiến có biên độ khán giả rất rộng, từ trí thức đến những người bình dân.

Ông đang sống những ngày an cư ở thành phố biển Vũng Tàu cùng vợ. Hai con gái ở xa. Vợ chồng ông chọn cuộc sống bình lặng, trốn khỏi những khói bụi ồn ào của phố xá, để tìm về một chốn nương thân tĩnh lặng. Ở đó, hàng ngày, bên cây đàn, ông vẫn nghêu ngao hát những sáng tác mới. Vợ ông kể rằng, đó là công việc hàng ngày của ông, hát và sửa đi sửa lại khi nào thật ưng ý. Bỏ qua những thị phi, những lời đồn đại rằng ông đã chết, người nhạc sĩ già vẫn cần mẫn với thế giới của mình. Và những ngày này, khi đã ở tuổi gần 80, ông lại tiếp tục xuất hiện trước công chúng với tinh thần của một thanh niên, lại ôm đàn và nghêu ngao hát. Tự do, phiêu lãng. Bởi với ông, cuộc đời người nghệ sĩ, thật hạnh phúc khi được viết nhạc và hát. Ông nguyện: "Nếu có chết, tôi muốn chết bên cây đàn như gã cao bồi chết trên lưng ngựa".

V.Hà
.
.