Nhạc sĩ của những nỗi buồn, cô đơn

Thứ Sáu, 06/01/2023, 14:42

Người ta vẫn nói buồn, cô đơn chính là những tâm trạng mang tính thẩm mỹ để nghệ sĩ viết nên những tác phẩm hay. Với nhiều người, đó chỉ là những khoảnh khắc nhất thời và cũng chỉ thoáng qua. Nhưng có một nhạc sĩ thì gần như là cả cuộc đời và ngay cả những giây phút hạnh phúc nhất, buồn và cô đơn vẫn xâm chiếm tâm hồn và lấn át tất cả. Đó là Lam Phương (1937 - 2020) - một trong những nhạc sĩ nổi tiếng, có đông công chúng nhất sống ở miền Nam nước ta trước năm 1975.

Những bản tình ca buồn man mác, trĩu nặng tâm tư của Lam Phương cho đến hôm nay vẫn len lỏi trong đời sống tinh thần của nhiều người, đặc biệt là bà con Việt kiều ở hải ngoại. Ca khúc của ông luôn xuất hiện trong những sinh hoạt cộng đồng của họ, đặc biệt trong các đại nhạc hội. Ông cũng là nhạc sĩ có nhiều bài được ngành Văn hóa đưa vào danh sách có thể trình diễn dưới mọi hình thức bởi tính thuyết phục của những giai điệu đẹp với lời ca chỉ thuần túy nói đến tình yêu lứa đôi và quê hương, đất nước.

nhac-si-lam-phuong-tac-gia-_651608701725.jpg -0
Cố nhạc sĩ Lam Phương.

Nếu bạn là người đa sầu, đa cảm, luôn thích sống với nội tâm, với những cảm giác trầm, buồn, lắng đọng hẳn là sẽ rất thích những ca khúc của Lam Phương. Ngay cả khi ông viết về thiên nhiên cũng vẫn toát lên tâm trạng như vậy. Ví như bài “Nắng đẹp miền Nam” ông vẽ nên một bức tranh bằng âm thanh thật đẹp về cái nắng đặc biệt của miền Nam lẽ ra phải vui, tươi sáng, vậy mà vẫn man mác buồn.

Một trong những ca khúc nổi tiếng, tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của Lam Phương được rất nhiều người ưa thích, hầu như mọi ca sĩ đều tìm đến để trình diễn là “Thành phố buồn”. Bài này tác giả viết khi xa người tình thứ ba là Hạnh Dung để lên Đà Lạt. Đó là năm 1970, Lam Phương có việc phải đến thành phố mộng mơ này ít ngày. Nỗi nhớ Hạnh Dung da diết đã thôi thúc ông viết nên ca khúc bất hủ: “Thành phố nào nhớ không em/ nơi chúng mình tìm phút êm đềm/ Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già/ Chiều đan tay nghe nắng chan hòa…”.

Ai đã từng ít nhất có một lần xa người yêu thương sẽ cảm nhận được hết nỗi bâng khuâng, da diết được thể hiện trong một giai điệu trầm lắng, u buồn này. Nghe kỹ hàng loạt bài khác như “Kiếp nghèo”, “Xin thời gian qua mau”, “Cho em quên tuổi ngọc”, “Trăm nhớ ngàn thương”, “Giọt lệ sầu”, “Xót xa”, “Thuyền không bến đỗ”, “Tình như mây khói”, “Tình người viễn xứ”, “Biết đến bao giờ”, “Biển tình”… ta đều có chung cảm giác Lam Phương lúc nào cũng trĩu nặng một nỗi buồn, u uẩn, khó có sự giải thoát. Chỉ nghe qua tên các bài cũng thấy rõ điều đó. Có lẽ hoàn cảnh, gia thế và cái “số” của Lam Phương đã tạo nên điều đó ở ông.

Lam Phương có tên khai sinh là Lâm Đình Phùng, ra đời ngày 20/3/1937 ở thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang trong một gia đình nghèo khó có 7 anh chị em mà ông là anh cả. Do gia cảnh quá khó khăn, năm lên 10 tuổi, ông được mẹ gửi lên nhà người bác ruột ở Sài Gòn. Tại đây, ông đã phải tự kiếm sống bằng đủ mọi nghề: bán báo, đánh giày… Tuy không sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc nhưng bỗng nhiên cậu bé Phùng rất yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Cậu tự mày mò học nhạc lý và vài thứ nhạc cụ thô sơ.

Năm 15 tuổi, cậu ham mê, bắt đầu sáng tác bài hát và đến bài thứ hai có tên “Khúc ca ngày mùa” được nhiều người tán thưởng. Không ai có thể hình dung một cậu thiếu niên mới 15 tuổi đã viết được bài tình ca “Chiều thu ấy” có lời lẽ rất ướt át, lai láng: “Chiều thu ấy, ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai/ Nhìn mây bay, chiều lâng lâng theo gió lay hương mùa say…”.

Biết tác giả là một thiếu niên, nhiều người ngưỡng mộ và tò mò hỏi cậu nguyên cớ viết nên bài hát thì cậu cho biết sáng tác để tặng một cô bạn bằng tuổi, rất quan tâm và hay giúp đỡ mình. Cô mến thương người bạn nam nghèo khó, xinh trai, lại biết đánh đàn và tính tình rất hiền. Mới chỉ là tình bạn vô tư, chưa thể “có gì” nhưng Lam Phương cứ tưởng tượng ra một tình yêu lãng mạn vượt lên tuổi của mình như thế. Sự việc này rõ ràng đã báo hiệu một cuộc đời rắc rối, vướng vào nhiều người đẹp, luôn lụy vì tình của người nhạc sĩ tài hoa suốt một đời buồn và cô đơn ngay cả khi có người tình bên cạnh.

bai-hat-nao-cua-lam-phuong-co-gia-gap-20-lan-xe-hoi-20-nam-luong-dai-ta-2.jpg -0
Nhạc sĩ Lam Phương lúc trẻ.

Quả đúng như vậy. Mới 18 tuổi, Lam Phương đã yêu người đầu tiên là ca sĩ Bạch Yến khiến ông viết nên một loạt bài: “Chờ người”, “Trăm nhớ ngàn thương”, “Tiễn người đi”, “Tình chết theo mùa đông”… Mối tình đầu này không được bao lâu, ông vướng vào người thứ hai tên Minh Hiếu cũng là ca sĩ. Một lần đến dự Nhạc hội được tổ chức tại Nha Trang, Lam Phương gặp và nhanh chóng si mê sắc đẹp và giọng hát quyến rũ của cô. Chàng nhạc sĩ điển trai đến làm quen rồi rủ Hiếu ra bờ biển đi dạo. Cô nhận lời. Thế là cuộc tình xảy ra như một tiếng sét. Tuy mối tình thứ hai này cũng ngắn ngủi nhưng đủ thời gian để ông viết được các bài “Biển tình”, “Biết đến bao giờ”, “Thao thức vì em”…

Cái “số” của Lam Phương là yêu những ca sĩ. Người tình thứ ba cũng như vậy. Nàng có tên Hạnh Dung, cũng rất xinh đẹp, tuy về hát không hay bằng hai nàng trước. Bài “Thành phố buồn” nổi tiếng khắp bàn dân thiên hạ đã nhắc ở trên chính là viết trong những ngày Lam Phương lên Đà Lạt, phải xa người tình dẫu chỉ vài ngày. Rồi thì hạnh phúc cũng chẳng tày gang. Nhạc sĩ lại chia tay người đẹp này để đến với người thứ tư là diễn viên kịch nổi tiếng Trương Ánh Tuyết với nghệ danh Túy Hồng.

Cả 3 cuộc tình trước của Lam Phương diễn ra khi ông còn rất trẻ, mới 18 - 20 tuổi. Đến năm 1959, ở tuổi 22, ông quyết định cưới Tuyết, khép lại những năm tháng rong ruổi, phiêu lưu chốn tình trường. Lúc này nàng mới 19 tuổi. Những năm tháng đầu, họ sống hạnh phúc. Đánh dấu cuộc tình dẫn đến hôn nhân này, Lam Phương viết bài “Ngày hạnh phúc” với những nét nhạc tươi sáng, thoát ra được âm điệu buồn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi tác phẩm của ông: “Trời hôm nay xanh xanh/ gió đưa cành mơn man tà áo/ Làn mây xanh vây quanh ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin/ Đàn chim non tung tăng như đón chào niềm vui thế gian/ Chúc ai vừa tìm được bến mơ…”.

Sau năm 1975, Lam Phương đưa vợ con sang định cư ở Mỹ. Đến năm 1979, sau 20 năm chung sống, họ lại đường ai nấy đi. Rất đau buồn, ông viết những bài có cái “tít” chỉ một tiếng, tiêu biểu là “Lầm” và “Say”. Bài “Lầm” thể hiện sự hối tiếc với sai lầm lớn khi đưa vợ sang xứ người. Âm điệu bài hát day dứt, hối hận với sự tự trách mình thống thiết: “Anh đã lầm đưa em sang đây cho tâm hồn tan nát từng ngày”. “Say” có giai điệu thể hiện trạng thái chuếnh choáng như mất phương hướng trong giây phút đau khổ tột cùng: “Ta say, trời đất cũng say/ Ta điên vì những cuộc tình/ Ta buồn, ta chán cuộc đời vì đời bạc trắng như vôi…”.

Cũng như chuyện tình ái lúc tột đỉnh hạnh phúc khi tình yêu mới bắt đầu, khi xuống đáy sâu vực thắm lúc đổ vỡ, cuộc sống vật chất của Lam Phương cũng thật đặc biệt khi nghèo xơ xác, lúc lại rủng rỉnh tiền bạc. Mới sáng tác, ông phải vay mượn tiền để tự in những bản nhạc rồi suốt ngày gò lưng đạp xe để tự đi rao bán những bản nhạc mình viết ra. Nhưng vì còn vô danh, chưa ai biết đến nên không bán được. Dần dần, về sau, khi cái tên Lam Phương trở nên quen biết, tình hình mới được cải thiện. Đến khi bài “Thành phố buồn” xuất hiện thì trái ngược hẳn. Do bài hát quá hay, nổi tiếng, ông thu được rất nhiều tiền bản quyền, tậu được căn biệt thự có khuôn viên rộng 300 mét vuông ở Quận 10.

Lam Phương có hậu vận buồn. Quá nhiều cuộc tình trong đời với những năm tháng si mê, đắm đuổi rồi cũng nhanh chóng trôi qua để cuối cùng có được tổ ấm gia đình nhưng cũng chỉ được 20 năm. Sau khi rời bỏ người vợ Túy Hồng tại Mỹ, ông sang Pháp sống với người em gái. Đến năm 1995 lại trở về Mỹ, sống cô đơn. Đến năm 1999, ông bị tai biến, phải di chuyển bằng xe lăn trong suốt 21 năm để rồi ngày 22/12/2020, trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 83 tuổi.

Không phải ngẫu nhiên Lam Phương được công chúng phong tặng danh hiệu “ông vua nhạc tình”. Bởi vì mấy trăm ca khúc của ông chỉ nói đến tình yêu trai gái và thân phận con người. Người ta thuộc và ưa thích rất nhiều bài của ông. Hiện nay, ca khúc của Lam Phương vẫn thường xuyên được vang lên tại những tụ điểm ca nhạc ở TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là bà con Việt kiều ở nước ngoài rất ưa thích. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống rất lớn trong đời sống tinh thần của họ.

Nguyễn Đình San
.
.