Tình cảm đẹp giữa hai nhạc sĩ lớn

Thứ Sáu, 25/11/2022, 11:52

Người ta vẫn thường cho rằng giới văn nghệ sĩ ít phục nhau mà thay vì là mắc bệnh “văn mình, vợ người”, hay coi thường, “dìm hàng” đồng nghiệp. Ai nghĩ như vậy sẽ rất nhầm khi biết vẫn còn có nhiều người trân trọng, đánh giá cao người khác cũng làm công việc như mình bằng tình cảm thật đẹp. Tôi muốn nói đến hai trong những người như thế. Đó là Nguyễn Văn Tý (1925 - 2019) và Hoàng Vân (1930 - 2018).

Hai nhạc sĩ vừa nhắc ở trên hẳn là bạn đọc đã quá quen biết bởi đều là những nhạc sĩ lớn, nổi tiếng trong dòng nhạc truyền thống, cách mạng, đều là tác giả những bài hát vượt thời gian, sống lâu bền trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng như: “Mùa hoa nở”, “Dư âm”, “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Tiếng hát người xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre”…(Nguyễn Văn Tý) và “Hò kéo pháo”, “Quảng Bình quê ta ơi!”, “Tâm tình người thủy thủ”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Bài ca người thợ lò”, “Bài ca xây dựng”, “Tình ca Tây Nguyên", “Bài ca người giáo viên trẻ”…(Hoàng Vân). Đó chỉ là những ca khúc tiêu biểu nhất của hai ông. Ngoài ra, mỗi người còn có hàng trăm bài cũng rất quen biết khác mà trong phạm vi bài này, tôi không thể kể hết.

hv.jpg -0
Nhạc sĩ Hoàng Vân và Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Cả hai người đều được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT vào năm 2000.

Tôi có may mắn được quen biết cả hai nhạc sĩ và đều đến học về sáng tác ca khúc, đặc biệt là học cách khai thác những chất liệu dân ca các vùng, miền để tạo nên ca khúc mới bởi cả hai ông đều rất giỏi việc này. Tôi quen Hoàng Vân, có quan hệ với ông trước khi quen Nguyễn Văn Tý. Một lần, Hoàng Vân nói với tôi:

- San thuộc được nhiều bài dân ca các vùng miền, thế là rất tốt cho sáng tác ca khúc. Có hai nhạc sĩ rất giỏi việc nhào nặn dân ca để phát triển thành ca khúc mới là Phạm Duy và Nguyễn Văn Tý. Hai vị này được giới nhạc cho là sáng tác dân ca mới cực giỏi đấy. Phạm Duy thì ở trong Sài Gòn rồi. Chỉ có Nguyễn Văn Tý ở ngoài này. Hãy đến học thêm ở anh ấy.

Tôi bộc lộ sự ngần ngại vì nghe nói Nguyễn Văn Tý rất kiêu, không dễ tiếp xúc. Chắc chắn ông sẽ không tiếp những người xa lạ, lại còn trẻ như tôi.(tôi khi ấy vừa tốt nghiệp đại học). Hoàng Vân động viên tôi:

- Đó là sự hiểu lầm tệ hại của nhiều người về anh ấy. Người có tài hơn người thường rất tiếc thời gian. Họ không thể mất thời gian vô ích để tiếp những người vô bổ. Cậu hãy thể hiện cho anh ấy biết là cậu rất cầu thị, ngưỡng mộ và muốn học nhiều ở anh ấy. Cậu từng nói là cũng rất ngại trước khi đến gặp mình. Nhưng bây giờ chắc là đã hết. Hãy làm sao để anh ấy thấy hứng thú khi tiếp xúc, truyền dạy cho cậu. Đó là nghệ thuật của cậu chứ.

Được Hoàng Vân cổ vũ, tôi có phần vững tin hơn khi đến gặp Nguyễn Văn Tý. Để tôi thực sự yên tâm, ông còn biên mấy chữ cho nhạc sĩ họ Nguyễn có ý giới thiệu tôi. Tôi vẫn giữ mãi lá thư này có ý làm kỷ niệm đến mãi gần đây, khi dọn nhà, mới để mất. Hoàng Vân dặn tôi thêm;

- Chớ định kiến về Nguyễn Văn Tý như lời thiên hạ đồn đại. Anh ấy là người rất trí tuệ và thông minh. Hiểu con người và thẩm thấu hết được tác phẩm của anh ấy thì anh ấy trở nên cực kỳ tình cảm và giúp đỡnhiệt tình.

Hồi những năm 1956 -1957, Nguyễn Văn Tý có dính líu chút ít đến Nhân văn - Giai phẩm nên sau đó ông phải đi thực tế ở Hưng Yên làm những công việc đơn giản ít cần đến tài năng nghệ thuật. Nhưng chính nhờ những ngày tháng này mà ông viết nên bài hát hay về Hưng Yên được bà con rất thích là “Chim hót trên đồng đay”: “Trên cánh đồng đay, con chim chiền chiện, nó hót rằng bà con ta có biết…”.

Cho tới hôm nay, có thêm rất nhiều bài hát mới về tỉnh này mà vẫn không có bài nào vượt lên được ca khúc này. Hoàng Vân tỏ ra rất mến phục chi tiết này của Nguyễn Văn Tý. Ông nói: “Người khác dễ thấy thế là hết sự nghiệp, sẽ sụp đổ trong buồn phiền, đau khổ. Nhưng Nguyễn Văn Tý thì lại biến thành một cơ hội để hiểu biết thêm về nông thôn mà sáng tác. Và đã ra được bài thật hay về Hưng Yên”.

Qua sự việc này, Hoàng Vân cho rằng Nguyễn Văn Tý chẳng những có tài đặc biệt về sáng tác mà còn có nghị lực, ý chí đáng nể, không phải ai cũng dễ có được. Trong khi đó thì khi hỏi về những ngày ở Hưng Yên này, tôi được Nguyễn Văn Tý cho biết: Ông biết Hoàng Vân từ lâu, từ trong kháng chiến chống Pháp và đặc biệt đánh giá rất cao bài “Hò kéo pháo”. Ông nói: “Một chàng trai mới có 23 tuổi mà đã viết nên được một bài hát để đời khiến bộ đội rất ưa thích. Chính bài này đã góp phần lớn lao động viên tinh thần bộ đội khắc phục khó khăn để chiến đấu và chiến thắng trong chiến dịch Điên Biên Phủ”.

Ông cũng tâm sự rằng: Hồi bị điều về Hưng Yên, đã ám ảnh mấy câu hát của Hoàng Vân mà vượt lên được bao buồn phiền, cay đắng để đứng dậy, tiếp tục sáng tác thành công. Đó là những câu trong bài “Hò kéo pháo”: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”.

Đến khoảng năm 1965, đến lượt Hoàng Vân gặp “sự cố”. Vì không đi B theo điều động của tổ chức nên bị điều chuyển từ Đài Tiếng nói Việt Nam sang “ngồi chơi xơi nước” ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từ một nhạc sĩ tài năng, suốt này bận rộn với việc phối khí, dàn dựng, chỉ huy ca nhạc, sang ngồi ở Hội không có việc gì, tất nhiên là một cực hình đối với Hoàng Vân. Nguyễn Văn Tý rất thương, ra sức thanh minh cho Hoàng Vân: “Anh ấy nào có thoái thác nhiệm vụ, chỉ là đề nghị được vào B đợt sau vì hiện có con còn quá nhỏ. Để vợ và con ở nhà một mình, không thể yên tâm”.

Hồi đó, vụ việc này lan truyền khá rùm beng chẳng những trong giới nhạc sĩ mà còn loang cả ra bên ngoài. Ai hỏi, Nguyễn Văn Tý đều nói như vậy. Cũng bằng nghị lực, ý chí, giống như Nguyễn Văn Tý ở vụ về thực tế tại Hưng Yên, sau đó, Hoàng Vân đã chứng minh mình ở đâu cũng hữu ích cho xã hội bằng việc cho ra đời hàng loạt ca khúc có giá trị mà “Quảng Bình quê ta ơi!” và “Bài ca Vĩnh Linh” là hai bài tiêu biểu rất đình đám ngay từ khi xuất hiện.

Hồi tôi còn phụ trách trang Âm nhạc trên Báo Văn hóa - Nghệ thuật (cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa), Nguyễn Văn Tý có gửi cho tôi một bài báo viết về “Mấy kỷ niệm với Hoàng Vân” có đoạn như sau: “Sau vụ Hoàng Vân bị chuyển sang Hội Nhạc sĩ, thực chất là ngồi chơi xơi nước, anh rất buồn. Thế là tôi và anh cùng cơ quan. Chúng tôi thường xuyên đàm đạo chuyện đời, chuyện sáng tác.

Trong một cuộc họp tại cơ quan Hội Nhạc sĩ, tôi đã nói thẳng: “Rồi Tổ chức sẽ thấy điều động Hoàng Vân đi B lúc đó là một sai lầm vừa ở khía cạnh riêng tư của Hoàng Vân vì có con còn quá nhỏ, vừa ở khía cạnh công việc là nếu vậy, làm sao anh ấy có thể viết ra hàng loạt bài có giá trị như ta đã thấy…”. Sau hàng loạt tác phẩm nổi tiếng trong một thời gian ngắn, Hoàng Vân đã dần đính chính được sự hiểu sai về ông qua sự việc đó.

Nguyễn Văn Tý có lòng tự ái rất cao. Chưa cần chê, chỉ cần không ghi nhận tác phẩm của ông là ông tỏ ra rất khó chịu, sẵn sàng tỏ sự bực mình với đối tượng trước mặt. Có lần, sau khi sáng tác xong một bài, ông hát cho một cô gái nghe rồi hỏi cảm tưởng của cô. Cô ta thẳng thắn nói là chưa thích, bài mới đó không bằng những bài trước, Nguyễn Văn Tý nói vỗ mặt cô: “Đúng là đàn gẩy tai trâu” mặc dù cô này cũng là dân văn nghệ chứ không phải ngoại đạo.

Vậy mà với Hoàng Vân do rất quý mến mà ông sẵn sàng “chịu đựng” những lời góp ý không dễ nghe chút nào. Tôi chứng kiến có lần Hoàng Vân nói với Nguyễn Văn Tý: “Đến bây giờ mà anh vẫn cứ luẩn quẩn mãi với những í a, à ơi thì thật lạ”. Một lời góp ý quá “sốc” đối với tác giả “Dư âm”. Mặt ông tái đi. Nhưng sau đó, ông cười và nói với Hoàng Vân: “Có lẽ cậu nói đúng. Đã đến lúc mình cần xem lại và nắn chỉnh”. Rồi sau đó ông nói với tôi: “Hoàng Vân rất sắc sảo và tinh tường. Cậu ấy không dễ góp ý. Phải quý lắm mới góp mà đã góp thì nói thẳng ý nghĩ. Cậu ấy chê khiến tớ nghe còn thích hơn những người dốt chỉ khen nịnh mà không biết gì”.

Những năm cuối đời, Nguyễn Văn Tý ốm yếu, gần như nằm tại chỗ, không ra khỏi căn phòng của mình ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần vào đây, Hoàng Vân đều tranh thủ đến thăm và biếu tiền. Nhưng Nguyễn Văn Tý nhất định không lấy, nói: “Vân còn cần, chứ mình tiêu gì đâu mà cần. Tiền hưu, tiền tác quyền hàng tháng quá đủ rồi”.

Ra đời sau, nhưng Hoàng Vân lại ra đi trước Nguyễn Văn Tý. Năm 2018, Hoàng Vân mất. Lúc này Nguyễn Văn Tý đã yếu lắm, không còn nhận biết gì được thế giới xung quanh. Bây giờ cả hai ông đã cùng bềnh bồng phiêu du cõi vĩnh hằng mang theo những tình cảm thật đẹp về tình bạn hiếm có của hai tài năng lớn.

Nguyễn Đình San
.
.