Nhà văn Đoàn Hữu Nam - Đêm xòe xuân

Thứ Sáu, 05/05/2023, 17:08

"Không xòe cây lúa không thành bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi/ Câu hát đời xưa thành lời nhắc nhở/ Để đêm xuân này anh đi tìm em".

Nhà văn Đoàn Hữu Nam cho hay: "Quê tôi ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Hồi bé, tôi thường lùa trâu qua con sông Đào rồi giong qua cánh đồng lúa xanh rì, xanh mướt để lên núi Đùng chăn thả. Lên núi thích lắm, thanh vắng và linh thiêng (Sát chân núi Đùng có ngôi chùa Đùng nay là chùa Địa Tạng Phi Lai tự nổi tiếng). Lên đó mà nằm đọc sách thì tối mịt vẫn chưa muốn xuống núi". Nhà văn Đoàn Hữu Nam kể: "Đầu năm 1975, thanh niên cả nước náo nức đi khám tuyển bộ đội để mong được vào Nam đánh Mỹ, vậy mà tôi bị "trượt" chỉ vì cân cả quần áo mới chỉ được 37 cân. Tiếc hùi hụi anh ạ".

Lần thứ 2 cậu trai làng tên Nam lại đi khám và cũng suýt bị trượt. Đó là lần Công ty Cầu đường Yên Bái về xã tuyển người. Nam "rút kinh nghiệm" nên nhờ bạn cùng làng lên bàn cân "cân hộ", người bạn này khá hơn Nam những 2 cân nhưng may là hồi đó người ta cũng chấp nhận. Vậy là cậu trai người núi Đùng "đỗ" vào làm công nhân xây dựng cầu đường. Anh khoác tư trang đi một mạch lên Yên Bái, tới đó rồi thì được sung vào Công trình 6, đơn vị mở đường vào xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên tới vùng kinh tế mới. Đường chưa xong thì lại được chuyển sang mở con đường nối với đường lâm nghiệp để trồng rừng.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam - Đêm xòe xuân -0

Cái hồi làm "phu lục lộ" ấy tuy vất vả nhưng mà vui. Vui nhất là anh trai Đoàn Hữu Nam, tuy mới học xong lớp 8 hệ 10 năm nhưng làm thơ hay đáo để. Tranh thủ những khi nghỉ ngơi, tranh thủ những buổi vào bản tìm mua khoai sắn về nướng ăn đỡ đói lòng, anh công nhân mở đường đã được chứng kiến và cảm nhận những buổi tối "lửa trại" trong bản. Đấy là những buổi dân bản tổ chức đốt lửa giữa sân nhà để "xòe". Anh đứng xem các cô các chàng người dân tộc Tày nắm tay nhau nhún nhẩy trong ngày hội Lồng Tồng. Vậy là bài thơ "Đêm xòe xuân" ra đời. Nhà văn Đoàn Hữu Nam nói thêm: "Thế là từ đó trong tôi cứ tuôn trào những câu thơ".

"Tiếng tăm" làm thơ hay cứ "hữu xạ tự nhiên hương", tỏa lan khắp cung đường gập ghềnh sỏi đá, tỏa đến những ngôi trường mái lá đơn sơ rồi thấm vào lòng một cô giáo trẻ quê huyện Trấn Yên tên là Nguyễn Thị Hảo. Nhà văn Đoàn Hữu Nam thú nhận: "Vợ tôi đẹp lắm anh ạ. Chẳng hiểu sao cô ấy lại "thích" cái thằng học hành chưa đến đầu đến cuối là tôi". Tôi cười bảo: "Làm thơ và làm thơ hay thật quá lợi hại".

Nói vậy thôi chứ anh công nhân mở đường Đoàn Hữu Nam còn "dai dẳng" với công việc bạt núi, san đồi để cùng mọi người mở những con đường mới dẫn vào bản xa bản gần đủ 10 năm (1975-1984) thì mới "chuyển". Về công việc nặng nhọc vất vả đó Đoàn Hữu Nam đã tự trào: "Chiếc xe cút kít tự tay đẽo/ Chở mấy ngàn ngày ra tay không". Và anh "lục lộ" ấy với đôi bàn tay không được điều về  phòng Văn hóa huyện Bắc Hà để làm Thông tin lưu động. Có được việc làm "sang trọng" ấy như nhà văn Đoàn Hữu Nam thật thà cho biết thì "tại" do làm thơ hay.

Một lần xuống chợ Bắc Hà uống rượu anh đã tình cờ biết được phòng văn hóa huyện đang tìm người làm biên tập cho đội thông tin lưu động. Đoàn Hữu Nam mạnh dạn tới gặp ông Quang trưởng phòng để đặt vấn đề. Ông trưởng phòng dù đang cần người thật nhưng cũng yêu cầu Đoàn Hữu Nam phải "chứng minh năng lực". Sẵn "ý chí" trong lòng nên Đoàn Hữu Nam trở về nhà cầm bút và viết liền 3 bài tuyên truyền. Ba ngày sau anh đến gặp ông Trưởng phòng "nộp quyển". Ông Quang xem gật gù và gợi ý anh viết thêm thơ cho đài truyền thanh huyện.

Tưởng gì chứ làm thơ thì "đó là sở trường" rồi, Đoàn Hữu Nam lập tức "phun châu thả ngọc". Những bài thơ lần lượt được chuyển tới tay ông Trưởng phòng và được đài truyền thanh huyện đọc trên loa phóng thanh. Lại tình cờ như duyên số vậy, một bữa có ông Trưởng phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh tỉnh Hoàng Liên Sơn ghé về huyện Bắc Hà (độ ấy tỉnh Lào Cai, tỉnh Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái được sáp nhập lại thành tỉnh Hoàng Liên Sơn). Ông Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tỉnh được ông Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Hà đưa cho xem mấy bài thơ của một "cây bút" công nhân mở đường.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam - Đêm xòe xuân -0
Một số tác phẩm của nhà văn Đoàn Hữu Nam được Bộ Công an trao thưởng.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam kể: "Mấy hôm sau tôi nhận được thư của ông Trưởng phòng Văn nghệ Đài phát thanh tỉnh. Ông ấy thông báo rằng thơ của tôi sẽ được ngâm và phát sóng trên đài. Sướng quá anh ạ. Tôi vội vàng "chạy" bộ 10km từ bản mà anh em công nhân đang đóng quân để xuống chợ Bắc Hà. Tới chợ vẫn còn chưa tới giờ phát sóng như đã được thông báo. Tôi không dám đi đâu mà đứng ngay dưới chân cột điện có mắc loa. Tôi cứ đứng đó ôm chặt cây cột điện mà chờ nghe".

Nhà văn Đoàn Hữu Nam cười rất vui: "Sau đó tôi chính thức được nhận vào làm biên tập cho Đội thông tin lưu động của Phòng Văn hóa huyện Bắc Hà". Được biết lần chuyển công tác này anh công nhân làm đường Đoàn Hữu Nam còn được "ưu ái" nâng một bậc lương sau 9 năm giữ mãi một bậc lương công nhân.

Lại được hay, chỉ 3 tháng sau thì Đoàn Hữu Nam lên chức Đội phó Đội thông tin lưu động. 3 tháng nữa thì lên chức Đội trưởng. Và lại một năm rưỡi sau thì lên đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Văn hóa huyện. Tôi đùa: "Quan lộ hanh thông có khác. Lên chức vùn vụt". Nhà văn Đoàn Hữu Nam ghé tai tôi nói nhỏ: "Lên Phó phòng rồi nhưng trình độ văn hóa của tôi vẫn là 8/10 anh ạ".

Không vấn đề gì. Những tháng ngày công tác tại Phòng Văn hóa huyện đã tạo điều kiện cho cây bút trẻ Đoàn Hữu Nam tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học. Anh hở ra là ngồi lì trong thư viện huyện để đọc sách. Nhà văn Đoàn Hữu Nam thú thật: "Tôi đã học nhiều từ những cuốn sách đã đọc". Cũng từ cơ hội được đọc và được học ấy, Đoàn Hữu Nam bắt tay vào viết văn xuôi. Hiềm nỗi chữ viết tay lại không được rõ ràng (chữ hơi xấu) nên những truyện viết xong rồi gửi đi chả thấy báo nào in cả. Để duy trì "tiếng tăm" đã có, Đoàn Hữu Nam tích cực làm thơ để gửi đi đăng báo. Dĩ nhiên bài thơ số lượng chữ không nhiều nên viết tay cũng "nắn nót" hơn, biên tập viên tòa báo nhận được và đọc được nên cho đăng

Như hạt mầm được gieo vào đất tốt, Đoàn Hữu Nam kiên trì viết văn xuôi, nhất là khi ông được "điều lên" Hội Văn nghệ tỉnh. Ông Chánh văn phòng Hội Văn nghệ đã tranh thủ học đánh vi tính để "cải thiện" chuyện chữ viết khó đọc của mình. Và tiểu thuyết đầu tay về thể loại và đầu tay đánh máy vi tính đã ra đời. Tiểu thuyết "Tình rừng" được NXB Quân đội nhân dân đưa vào biên tập và xuất bản năm 1999. Câu chuyện thấm đẫm chất núi rừng Tây Bắc trong tiểu thuyết "Tình rừng" đã "lọt mắt xanh" đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện. Ông đạo diễn đã khuyến khích tác giả tự chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình dài tập. Bộ phim "Tình rừng" dài 2 tập được Điện ảnh Chiều thứ 7 cho sản xuất và được trình chiếu trên VTV.

Và như một "liều thuốc kích thích", Đoàn Hữu Nam tích cực viết kịch bản phim truyền hình. Tôi nói vui: "Ông hợp với phim truyền hình hay sao mà tôi hễ cứ bật tivi lên là thấy phim do ông viết kịch bản. Chắc "kiếm" cũng đầm đậm đây". Nhà văn Đoàn Hữu Nam cũng vui đáp lại: "Cũng tàm tạm thôi".

Cho tới nay, Đoàn Hữu Nam đã viết kịch bản cho 8 bộ phim truyền hình với gần 100 tập phim. Đề tài miền núi với công cuộc phòng chống tôi phạm, đặc biệt là tôi phạm ma túy đã được ông khai thác. Thế mạnh nhờ những tháng năm sống, làm việc và viết tại biên cương Tây Bắc đã cung cấp cho ông nhiều tư liệu sống động và khá chân thực. Nhà văn kiêm tác giả kịch bản phim truyền hình Đoàn Hữu Nam cho hay: "Các kịch bản của tôi đều được VTV đón nhận và sản xuất".

Nhà văn Đoàn Hữu Nam đã xuất bản 22 đầu sách: Với 7 tiểu thuyết, 4 trường ca và 3 tập thơ, 3 tập truyện ngắn cùng nhiều tác phẩm khác. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005. Ông đã nhận Giải Nhất của NXB Văn hóa dân tộc; Giải A Cuộc thi kịch bản phim truyện của Bộ VHTT; Giải A do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trao năm 2019 cho tiểu thuyết "Rễ người"; Giải A cho tiểu thuyết Thổ phỉ năm 2004 do Hội VHNT các DTTS Việt Nam trao.

Nguyễn Trọng Văn
.
.