Nhà văn Vũ Thảo Ngọc: Từ đêm chuyển mùa

Thứ Sáu, 28/04/2023, 10:38

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc kể: “Tối hôm ấy, khi ngồi trực vận hành máy bơm nước bên bờ moong, ngồi nhìn bầu trời đen kịt, dấu hiệu báo trước những trận mưa rào xối xả sắp đến, tôi vô cùng bồn chồn lo lắng vì nếu không kịp bơm thoát nước thì cả lòng moong đang khai thác than sẽ ngập trong biển nước”.

Trong cảm giác thao thức ấy, cô thợ vận hành máy bơm Vũ Thảo Ngọc đã không dám nghỉ, cô tự nhiên cầm lấy cây bút và những câu chữ cứ thế tuôn trào. Truyện ngắn “Đêm chuyển mùa” được hình thành. Vũ Thảo Ngọc cười: “Không dè đó là lại truyện ngắn đầu tay của tôi”. Tôi cũng cười góp: “Đúng là một sự chuyển mùa không gì tuyệt vời hơn để biến một cô thợ điện trở thành một nhà văn của vùng mỏ Quảng Ninh”.

a.jpg -0

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc vốn quê gốc ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Cô cho hay: “Từ nhỏ tôi đã yêu thích văn chương bởi được sinh ra ở một làng quê nổi danh “đệ nhất khoa bảng”. Mặc dù cha mẹ quanh năm chỉ làm ruộng (làng Mộ Trạch đến giờ vẫn là làng thuần nông) nhưng truyền thống hiếu học và đỗ đạt của làng đã gieo vào tôi những con chữ”.

Kể cũng lạ kỳ, năm vừa tròn 18 tuổi, cô học trò làng khoa bảng nộp đơn vào Trường Cơ điện Chí Linh (nay là Trường Đại học Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Cô được nhận vào trường và được phân học ngành điện dân dụng. Ra trường năm 1987, cô trở thành thợ điện ở Mỏ than Cọc 6. Mỏ than Cọc 6 là một mỏ than lộ thiên, công việc khai thác than tuy không khó khăn như các mỏ hầm lò nhưng lại bị tác động rất nhiều bởi thời tiết. Cả công trường khai thác than là một lòng moong rộng mênh mông và cũng sâu hun hút. Bởi thế những cơn mưa rào mùa hạ bao giờ cũng là một “kẻ thù” của công việc.

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc cho biết thêm: “Tối hôm tôi viết “Đêm chuyển mùa” cũng là buổi tối của tiết Cốc vũ. Tuy mỏ đã có những phương án để đảm bảo việc khai thác than trong lòng moong được bình thường nhưng ai dám chắc an toàn khai thác đã được đảm bảo. Bởi công tác vận hành bơm thoát nước cũng phụ thuộc nhiều vào máy móc và nhất là phụ thuộc vào trách nhiệm và sự kịp thời của người vận hành”.

Nghe cô kể thế tôi thấy ái ngại: “Kể thì đàn bà con gái làm vận hành máy bơm thoát nước có khi còn khó khăn hơn cánh đàn ông đào than, xúc đất ấy nhỉ? Và không hiểu sao lại liên quan đến viết văn được?”. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc nói: “Cũng bình thường thôi mà”. Nghe cô nói bình thường thôi nhưng tôi hiểu chính từ sự trăn trở và tinh thần trách nhiệm của một người thợ đã có 10 năm sống và làm việc tại mỏ đã thôi thúc cô cầm bút viết. Truyện ngắn “Đêm chuyển mùa” thực sự là một dấu hiệu báo hiệu rõ ràng về một nhà văn tương lai khi cũng từ đó cô thợ điện Vũ Thảo Ngọc hăm hở bước vào nghề viết văn.

Và cứ như là một “cỗ máy” đã được vận hành trơ tru, cô thợ điện trẻ đã trình làng tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Đêm chuyển mùa”. Tập truyện đó được NXB Phụ nữ ưu ái “đỡ đầu” và cho ra mắt năm 1997. Và tập truyện ngắn ấy như là một bài thi để cô được đặt chân vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Cô học Khóa 6, khóa cuối cùng đào tạo viết văn theo mô hình của Trường Viết văn M.Gorky bên Liên Xô.

Bốn năm cần mẫn “mệt mài kinh sử”, Vũ Thảo Ngọc ra trường và “báo cáo tốt nghiệp” bằng cuốn tiểu thuyết “Ba người đàn ông”. Sách do Nhà xuất bản CAND ấn hành năm 2003. Tôi trót lỡ mồm: “Những ba người đàn ông nên thảo nào”. Cũng may là tôi kịp khép mồm lại. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc cười rất vui, cô nói: “Nhiều quá hả anh?” - Nói rồi cô lại nói thêm - Vậy nên đến giờ em vẫn một mình với “Ba người đàn ông” ấy anh ạ”.

Tôi vội lảng sang chuyện khác: “Dịp trước Tết vừa rồi anh có về làng Mộ Trạch của cô đấy. Làng mình vẫn vậy, đường vào làng chạy dọc giữa hai cánh đồng lúa. Hôm anh về làng thì cũng là dịp bà con mình đang thu hoạch lúa. Nhìn đâu cũng một màu lúa chín vàng rực. Thảo nào làng mình vẫn làm ruộng cho dù được biết huyện Bình Giang nhà cô hiện đã công nghiệp hóa tới hơn bảy mươi phần trăm. Cũng có nghĩa là người trồng lúa giờ rất ít. Thích nhất là về làng được ăn cơm gạo mới đúng nghĩa”. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc lại cười (cô thường cười rất thoải mái), cô bảo: “Ăn cơm gạo mới làng em dễ quên đường về nhà lắm”.

c copy.jpg -0
Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Thảo Ngọc.

Sau khi rời mái Trường Viết văn Nguyễn Du, Vũ Thảo Ngọc về lại “tỉnh nhà”, tức là cô trở lại vùng mỏ Quảng Ninh, làm biên tập viên ở Báo Hạ Long. Chả là ở các tỉnh, tờ báo văn nghệ đều được xác định là tạp chí nhưng ở Quảng Ninh thì khác. Mảnh đất bên bờ Hạ Long xinh đẹp này vốn là “đất phát” cho những nhà văn, những ca sĩ, hay nói cách khác thì Quảng Ninh là “cái nôi” sinh ra nhiều văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết. Tôi bảo: “Đúng là khi em thi vào Trường Cơ điện mỏ năm xưa giờ nghĩ lại thấy vô cùng “khôn”. Em được sống và được cống hiến ở vùng đất sản sinh và nâng tầm cho những người say mê văn học nghệ thuật”.

Chính những tháng ngày sáng tác và sống cùng không khí sôi nổi ở “vùng than thân yêu ơi” ấy, cây bút trẻ Vũ Thảo Ngọc đã trưởng thành lên rất nhiều. Cô vừa viết văn vừa phấn đấu công tác cho đến chức Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Ninh. Những tưởng như thế là ổn nhưng cô gái năng động này đâu chịu ngồi yên. Cô đầu quân làm công tác truyền thông cho Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam năm 2007. Thế là nhà văn Vũ Thảo Ngọc lại có dịp được chạy đi chạy lại giữa Quảng Ninh và Hà Nội.

Tôi hỏi xen ngang: “Vậy có thường xuyên về thăm làng Tiến sĩ của mình không đấy?”. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc nói luôn: “Có chứ anh. Chính nhờ sự khích lệ của truyền thống hiếu học và đỗ đạt của làng mình thì em mới có được như ngày hôm nay chứ”. Cô còn cho hay: “Tuy làm công nhân vận hành máy bơm thoát nước nhưng em có được cơ hội thường xuyên nghe đài truyền thanh của mỏ”. Thì ra, ở vùng than phong trào văn hóa văn nghệ rất sôi động với những câu lạc bộ công nhân. Những câu lạc bộ này là nơi để nhiều công nhân chính hiệu nhưng vô cùng yêu thích văn hóa nghệ thuật gặp nhau cùng trao đổi, cùng học hành và cùng sáng tạo. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa và ca sĩ đã từ những câu lạc bộ này đi lên. Và một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa đó là hệ thống đài truyền thanh của mỏ. Những buổi “lên sóng” của đài truyền thanh mỏ ngoài thông tin về tình hình và tiến độ lao động ra còn có những buổi đọc các tác phẩm văn học.

Cô thợ điện Vũ Thảo Ngọc đã thử sức, hay nói cách khác là thử bút của mình bắt đầu bằng những mẩu tin, những bài viết phản ánh công tác lao động khẩn trương của anh chị em công nhân. Được đà, Vũ Thảo Ngọc viết tin bài nhiều hơn. Cô gửi cho đài truyền thanh mỏ, rồi gửi cho các báo và đài tỉnh. Từ viết tin bài, cô mạnh dạn viết văn xuôi. Truyện ngắn “Đêm chuyển mùa” - tác phẩm đầu tay thực sự là một “tín hiệu” tốt để Vũ Thảo Ngọc viết văn xuôi nhiều hơn. Cô bảo: “Chính là nhờ các hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra thường xuyên và sôi nổi ở vùng mỏ đã khích lệ em viết văn”.

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, đã xuất bản trên 20 đầu sách, bao gồm các tập truyện ngắn, tập tiểu thuyết, tập thơ và các tập ký. Dường như các thể loại văn học cô đều viết và viết thành công. Về sự thành công phải kể đến các giải thưởng mà cô được nhận. Đó là Giải B do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trao năm 2010 cho tiểu thuyết “Ba người đàn ông”; Giải thưởng về ký, bút ký do Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ trao trong các năm từ 2008 đến 2009. Rồi Giải Nhì (không có Giải Nhất) năm 1996 cho tập truyện thiếu nhi “Hoa huệ tây viết lỗi”.

Còn có một “giải thưởng” nữa dành cho cô, đó là tính cho đến hiện nay nhà văn Vũ Thảo Ngọc là nữ nhà văn duy nhất ở Quảng Ninh và cũng là “nữ tiểu thuyết gia” duy nhất ở vùng mỏ. Cô là nhà văn công nhân chính hiệu bởi cô trưởng thành từ người lao động trực tiếp ở vùng mỏ. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc hiện đảm nhiệm vai trò là Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh.

Nguyễn Trọng Văn
.
.