Nhà thơ Thạch Quỳ, cốt cách Nghệ trong đời và trong thơ
Áp Tết Mậu Tuất năm 2018, tức tháng 1 năm 2019, tôi và hai nhà thơ Vương Cường, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa (nay đã mất) nhảy tàu về Vinh dự lễ ra mắt "Tuyển tập thơ Thạch Quỳ" do Nhà xuất bản Nghệ An tổ chức. Đó là một sự kiện văn hóa với những người làm văn học nghệ thuật Nghệ An.
Thạch Quỳ được UBND tỉnh Nghệ An "đặt hàng" tuyển tập thơ, giữa thời hễ nói đến thơ là mang tâm lý ái ngại nào đó. Sự ái ngại có lý do là người làm thơ nói chung, sản phẩm thơ nói riêng bây giờ nhiều quá.
Đêm thơ Thạch Quỳ có khác. Khuôn viên của Thư viện Nghệ An lộng lẫy. Tôi gặp đầy đủ các khuôn mặt văn nhân, thi nhân, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, và đông đảo công chúng yêu thơ sinh sống và làm việc ở Nghệ An. Thạch Quỳ với áo kẻ, quần xanh, mái tóc ''thế sự'' ngồi đó, chiêm nghiệm như mỗi ngày.
Nhà thơ Thạch Quỳ sinh ra và lớn lên ở làng Đông Bích, dưới chân núi Quỳ Sơn, dân địa phương thường gọi là rú Cuồi, thuộc xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học.
Thời niên thiếu, nhà thơ vừa đi học vừa chăn trâu dưới chân núi Quỳ. Những bài thơ đầu tiên ông làm lúc chăn trâu. Bây giờ lũ trẻ chăn trâu ở quê ông vẫn còn ê a: "Nhổ lác, nhổ từng cây/ Nhổ năn, măn từng rễ/ Nước teo da bàn tay/ Bắp chân đầm máu đỉa" trong bài "Bài hát của những người nhổ năn, cỏ lác ở vùng đồng chiêm trũng" của ông. Bút danh văn học Thạch Quỳ (tảng đá ở núi Quỳ) ra đời từ đó.
Nói chuyện về gia đình, dòng họ, nhà thơ Vương Cường - em trai Thạch Quỳ có lúc hào hứng: "Thì đấy, em xem, một dòng họ có ba hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều người khác là hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, cũng là kinh đấy chứ?". Vương Cường nhắc đến nhà thơ Vương Trọng, Thạch Quỳ và ông. Vương Trọng là "bậc trên" hai anh em Thạch Quỳ phải gọi bằng "chú" và xưng "cháu". Hội viên địa phương có cụ Vương Trâm, ông Vương Long...
Nói về truyền thống khoa bảng của dòng họ, có lần nhà thơ Vương Cường nói: "Họ nhà mình, cứ Tết đến, ông nào về nhà thờ Tổ mà kể chuyện có chục tỷ, trăm tỷ là mời ra ngoài ngay. Mình có trăm tỷ thì thiên hạ có nghìn tỷ, triệu tỷ... Phải nói chuyện học hành, đọc thơ, phú cho nhau nghe".
Cho đến nay, Thạch Quỳ đã cho ra mắt 9 tập thơ: "Sao và đất" (in chung năm 1967); "Tảng đá nhành cây" (năm 1973); "Nguồn gốc cơn mưa" (thơ thiếu nhi, năm 1978); "Con chim Tà Vặt" (năm 1985); "Cuối cùng vẫn một mình em" (năm 1996); "Đêm Giáng sinh" (năm 2004); "Tuyển thơ Thạch Quỳ" (năm 2009); "Bức tượng" (năm 2010) và "Tuyển tập thơ Thạch Quỳ" (năm 2018).
Nói đến thơ Thạch Quỳ, hẳn người yêu thơ, trước hết là xứ Nghệ đều thuộc bài thơ "Với con" của ông. Bài thơ này, Thạch Quỳ sáng tác năm 1979. Những tưởng sau năm 1975, đất nước sẽ có hòa bình vĩnh viễn. Nhưng không, dân tộc Việt Nam buộc phải bước vào hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Rất nhiều vấn đề từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội buộc con người phải suy nghĩ lại.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn
(Với con)
Tôi nhớ, sau đêm ra "Tuyển tập thơ Thạch Quỳ", Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An trong chương trình "Tác giả và tác phẩm" có phát phim phóng sự "Thạch Quỳ và dấu ấn thơ". Đúng như biên tập viên Thùy Linh khẳng định ngay từ đầu phim "Xứ Nghệ có rất nhiều nhà thơ, nhà văn thành danh nhưng phần lớn định cư ở Thủ đô; nhưng có một nhà thơ cả đời gắn bó với sông Lam vẫn làm nên một sự nghiệp thơ. Đó là Thạch Quỳ". Với "sự nghiệp" này không chỉ lãnh đạo địa phương, bạn bè văn chương mà công chúng yêu thơ đều nhận diện được. Không "đại ngôn" nhưng Xứ Nghệ có một đường thơ mang tên Thạch Quỳ, góp phần làm nên thương hiệu văn chương vùng đất này.
Nhà thơ, nhà lý luận phê bình Mai Văn Hoan có lý khi đánh giá, nhà thơ Thạch Quỳ thể hiện cái ý chí, nghị lực phi thường của người miền Trung trong thơ theo một cách rất riêng của mình. Điều dễ nhận nhất trong thơ Thạch Quỳ là cái khí chất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải: "Trơ trơ tảng đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết/ Lầm lì mồ côi" (Tảng đá). "Thạch Quỳ là một con người đầy kiêu hãnh - một sự kiêu hãnh rất chính đáng. Bởi anh rất trung thực bản tính và tài năng của mình" (Mai Văn Hoan: ''Cốt cách người miền Trung qua thơ Thạch Quỳ'').
Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khỏe
Tôi cao hơn đất đá mọi công trình
Tôi không phải sơ đồ bản vẽ
Tôi cao hơn người máy, thần linh
(Tôi)
Tất nhiên, không chỉ có thế. Thạch Quỳ là nhà thơ của những suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm trước thân phận con người, quê hương và đất nước và ngay cả với thơ. "Không phải sự sống đánh mất thơ mà sự cùn mòn của năm giác quan nhận thức, sáu giác quan cảm nhận, sự sống đang đánh mất nó... Các nhà thơ rất nhạy cảm trước các lý do mà thực tế cuộc sống đang buộc thơ phải đối diện", ông tâm sự. Về thân phận người trong cuộc đời, ông có các bài thơ tiêu biểu: "Những sợi dây ràng buộc", "Người trồng cây ngồi nghỉ dưới gốc cây", "Ông già về hưu"...; về thế sự, ông có: "Bức tượng", "Nguyễn Công Trứ", "Viết bên mộ Nguyễn Du", "Với con"... Nói như nhà thơ Phạm Thùy Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam: "Thơ Thạch Quỳ cúi xuống với từng phận người".
Lưỡi gươm ròng ròng máu tươi
Nước mắt ướt đầm yên ngựa
Chỉ có đất với trời và cỏ
Hiểu đường đi của giọt máu người
(Qua đền Cuông ghi chuyện cũ)
"Cuối cùng vẫn một mình em/ Nhưng anh đã khô kiệt cùng đá sỏi/ Như anh đã kêu kiệt cùng đá gọi/ Nhưng anh đã mơ cạn kiệt giấc mơ". Dù thất vọng đấy, nhưng cuộc sống luôn mở ra, nhú mầm hy vọng: "Anh nhận ra hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm/.../ Từng giây phút yêu nhau ta gắng gỏi/ Xóa tan đi cả quá khứ ưu phiền" (Cuối cùng vẫn một mình em). Đó không chỉ là ý thức với thơ, cả đời ông gắn bó, mà còn là ý thức của một công dân với đất nước mình. Không có gì ngạc nhiên khi xã hội càng đa biến, thơ Thạch Quỳ càng hay.
*
Bạn bè xứ Nghệ của Thạch Quỳ vẫn kể câu chuyện rằng, do ngưỡng mộ tài năng thơ ca và bản tính thẳng thắn, cương trực của ông nên một lần lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy gợi ý Mặt trận Tổ quốc tỉnh giới thiệu ông vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội. Hôm lấy ý kiến cử tri tại khu dân cư, Thạch Quỳ "kiếm cớ" vắng mặt. Nhờ sự "nhạy cảm" của ông mà bà con được góp ý thoải mái. Thật mừng cho ông, nhờ bà con không ưa ông, do không thường xuyên tham gia vệ sinh cầu thang nhà chung cư, ít thăm hỏi bà con khối phố mà ông được "gạch tên" khỏi danh sách đề cử. Ở chốn "ồn ào" không hợp tạng Thạch Quỳ.
Nhắc đến Thạch Quỳ, người ta không chỉ nhớ đến một tài thơ mà còn ngưỡng mộ một con người "ruột thẳng hơn ruột ngựa", tính cách rắn hơn những tảng đá núi Quỳ, quê hương ông. Nhà văn Đức Ban - Giải thưởng Nhà nước về VHNT, khi nhắc đến Thạch Quỳ, ông nhớ hồi ức thuở bài thơ "Với con" của Thạch Quỳ vừa ra đời. "Một thời ấu trĩ, một thời suy diễn. Người ta bảo bài thơ là chiếc bánh ngọt nhưng bên trong có thuốc độc", Đức Ban ngao ngán. Biết bao hệ lụy đã đến với Thạch Quỳ, nhưng ông trầm tĩnh, chờ đợi can qua.
Nguyên Tiêu năm 2016, tôi có dịp dự "Ngày thơ Việt Nam" do một câu lạc bộ thơ tổ chức tại Khách sạn Mường Thanh Luxury, Diễn Lâm, Diễn Châu. Anh chị em văn nghệ sĩ hạnh phúc, bởi có mặt của hai nhà thơ họ ngưỡng mộ là Nguyễn Trọng Tạo và Thạch Quỳ. Hai con người xứ Nghệ không chỉ nổi danh về thơ mà còn có tình yêu, trách nhiệm với quê hương, khác biệt.
Trước tất cả văn nghệ sĩ xứ Nghệ, những người yêu thơ, ông trải lòng về thơ, về sáng tạo. "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần trân trọng cái tôi, phấn đấu rèn luyện cái tôi ẩn chứa trong mỗi cá nhân với ý thức cái tôi đồng nghĩa với cá tính sáng tạo", Thạch Quỳ chia sẻ. Ông là người rất sớm trở về với bản ngã, cất lên tiếng thơ góp phần làm tươi tốt "cánh đồng" tâm hồn con người. Vẻ đẹp nhân vị, bao giờ cũng thuộc về con người.