Chữ "ngồi" trong thơ Việt

Thứ Bảy, 20/08/2022, 21:33

Mỗi con người, trong một ngày cũng như trong suốt cuộc đời, luôn phải xác lập các tư thế khác nhau của mình trong sự trôi chảy xung quanh của đời sống, của vạn vật. Các tư thế ấy có thể biểu hiện sự vận động (đi, chạy), có thể biểu hiện sự nghỉ ngơi (nằm, ngồi), lại có những tư thế mang tính trung gian giữa vận động và nghỉ ngơi (đứng).

Những tư thế này được miêu tả một cách phong phú, sống động trong nhiều lời ăn tiếng nói của nhân dân cũng như được đi vào thi ca để có cơ hội trở thành những biểu tượng, góp phần diễn tả một thế giới tinh thần phong phú của con người. Bài viết này xin được bàn riêng về chữ NGỒI.

thien-la-gi-ngoi-thien-co-tac-dung-gi-3.jpeg -0
Ngồi thiền.
1.Theo Từ điển tiếng Việt, ngồi được định nghĩa là "tư thế đặt mông trên mặt nền hoặc chân gập lại để đỡ toàn thân, phân biệt với đứng, nằm". Như vậy, trong các tư thế không dời khỏi vị trí ban đầu, ngồi được xem là một trong ba tư thế cơ bản, có thể là làm việc mà cũng có thể là nghỉ ngơi, suy nghĩ. Trong đời sống người Việt, cùng là một tư thế ngồi nhưng có rất nhiều cách biểu hiện/ miêu tả khác nhau.
Ngồi xổm (ngồi chồm hổm) là tư thế ngồi gập hai chân lại, mông không chạm đất, thường gắn với việc người ngồi vẫn thực hiện một hoạt động nào đó. Khác với ngồi xổm, ngồi bệt hoặc ngồi dãi thẻ có tính nghỉ ngơi cao hơn. Nếu như ngồi bệt (ngồi phệt) là cách ngồi sát mông xuống đất (sàn), không kê lót gì bên dưới thì ngồi dãi thẻ là cách ngồi duỗi thẳng hai chân, thường nói về việc phụ nữ không phải làm gì cả. Lại có những cách ngồi lộ rõ tâm trạng của chủ thể, thường gắn với những suy tư, chẳng hạn ngồi bó gối.
Ngồi cũng có thể biểu hiện những cảm xúc khác nữa như sự ngại ngần, lo lắng hay e sợ. Ta có một loạt các đơn vị định danh như: ngồi khép nép, ngồi thu lu, ngồi rúm ró… Có những cách ngồi biểu thị sự tĩnh lặng ở cấp độ cao như: ngồi kiết già, ngồi thiền, ngồi đồng. Có những tư thế ngồi được cho là không đẹp mắt, đáng bị chê cười như ngồi dạng háng. Nhìn vào hành  động ngồi có thể đánh giá được tầm văn hóa của chủ thể hành động. Vì thế ngồi cũng được xem là một việc cần phải dạy bảo, từ thế hệ trước nhắc nhở thế hệ sau, như tục ngữ đã có câu: Ăn trông nồi ngồi trông hướng.
Ngồi còn đi vào nhiều thành ngữ, kéo theo những nhận định, đánh giá của người sử dụng. Chẳng hạn ngồi lê mách lẻo (ngồi lê đôi mách) là câu phê bình những kẻ hay nghe ngóng hóng hớt những chuyện của người này rồi đem mách cho người khác, thường là những chuyện riêng tư. Hay như câu Ngồi mát ăn bát vàng thường dùng để phê phán những kẻ bóc lột, không lao động mà lại được hưởng mọi sự sung sướng. Ngoài ra, còn có câu thành ngữ Hán Việt "Tọa sơn quan hổ đấu" (ngồi trên núi xem hai hổ đánh nhau) để nói về những kẻ tinh khôn, có phần ranh ma, chờ kết thúc một sự việc căng thẳng rồi nhảy vào hưởng lợi.

2.Trong thi ca Việt, ngồi đã đi vào vô số các tác phẩm từ cổ điển cho đến hiện đại, biểu hiện muôn vàn các trạng thái cảm xúc khác nhau của con người. Từ trong ca dao, ngồi đã biểu thị những mong nhớ, đợi chờ, phấp phỏng của những kẻ yêu nhau: "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than". Các thành ngữ như "đứng lên ngồi xuống, ra đứng vào ngồi" cũng biểu hiện sự lo lắng không yên của chủ thể. Trong những trường hợp thế này, ngồi rõ ràng không có chút nào của sự thả lỏng hay nghỉ ngơi.

Trong phần cuối của đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du tả Kiều ngồi đó mà lo lắng không yên, dự cảm về bao nhiêu bão giông sắp sửa kéo đến: "Buồn trông gió cuốn mặt duyềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". Bàn về ngồi trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, cũng không thể quên sáng tạo độc đáo của tác giả trong đoạn tả Mã Giám Sinh mua Kiều, chỉ qua một chữ mà lột tả được bản chất vô học, thất lễ, con buôn của gã họ Mã: "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng".

ngồi đọc sách dưới bóng cây.jpg -0
Ngồi đọc sách dưới bóng cây.

Sang thơ Việt thời hiện đại, vẫn là một chữ ngồi đã kéo theo bao nhiêu tâm trạng của chủ thể hành động. Phải chăng nếu so sánh trong tương quan với hai trạng thái không rời vị trí còn lại là đứng và nằm, ngồi được sử dụng để bộc lộ cảm xúc nhiều hơn. Trong Thơ Mới lãng mạn (1932 - 1945), ta có một động từ ngồi trong thơ Nguyễn Bính để diễn tả nỗi nhớ mong trong tình yêu: "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người". Cũng vẫn là chữ ngồi ấy, trong Lỡ bước sang ngang lại hiện lên hình bóng đáng thương của người chị cô đơn, tuyệt vọng đến héo hon: "Tháng ngày qua cửa buồng the/ Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa".

Nguyễn Bính cũng dùng chữ ngồi để nói về chính ông, một lãng tử giang hồ, một nghệ sĩ khát khao tìm kiếm tri âm, giăng mắc trong đó những nỗi buồn thời đại: "Ta đi những biết về đâu chứ/ Đã dấy phong yên khắp bốn trời/ Thà cứ về đây ngồi giữa chợ/ Uống say rồi gọi thế nhân ơi!" (Hành phương Nam). Trong "Ông đồ" của Vũ Đình Liên, ta cũng bắt gặp một nghệ sĩ cô đơn với nỗi buồn về một vẻ đẹp văn hóa có tự ngàn đời nay bỗng bị lãng quên: "Ông đồ vẫn ngồi đó/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay".

Ngồi không chỉ được miêu tả như tư thế/ biểu hiện của một cá thể. Ngồi có lúc còn gắn với sự có mặt của nhiều người, cũng là một cách để sẻ chia tâm sự: "Tối đen thành phố đêm lưu lạc/ Máy bay giặc rít ở trên đầu/ Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu" (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn - Lưu Quang Vũ). Sau này, trong thơ Việt sau 1975, ngồi còn gắn với tử biệt sinh ly: "Mẹ ngồi bên nấm mộ con/ Là ngồi bên tấm nôi tròn ngày xưa/ Xót đau biết mấy cho vừa/ Hoàng hôn đời mẹ cơn mưa lại về" (Lời ru cỏ non - Kim Châu).

Còn với Nguyễn Bính, thi sĩ phải mất một đêm thao thức để tìm ra một chữ ngồi đắc địa, miêu tả việc mầm mạ được gieo xuống rồi bén rễ trỗi dậy: "Mộng một đêm qua mạ đã ngồi".

3.Trong các nhạc sĩ Việt Nam hiện đại, theo quan sát của tôi, Trịnh Công Sơn có lẽ là người đưa hành động ngồi vào các lời ca của mình nhiều hơn cả. Ngồi trong những bài hát của Trịnh Công Sơn chất chứa và đầy ắp những suy tư. Ngồi có mặt và trải khắp trong các thời kỳ sáng tác của Trịnh. Có khi ngồi gắn với sự bơ vơ hoang hoải của tuổi trẻ trong một hành trình kiếm tìm: "Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi" (Lời thiên thu gọi). Và rồi ngồi là một khát khao bình yên, khát khao được trở về: "Nhiều đêm muốn đi về con phố xa/ Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà".

Ngồi trong nhạc Trịnh gắn với nỗi cô đơn, nuối tiếc về những gì đã qua, về sự trôi chảy của thời gian cuốn theo bao bóng hình: "Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại/ Cuộc tình nào mãi ra khơi ta còn mãi nơi đây" (Tình xa). Ngồi có khi như một mộng du, một tỉnh thức ngỡ ngàng: "Lòng thật bình yên mà sao buồn thế/ Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ" (Bên đời hiu quạnh).

Cũng có lúc trong bài hát của Trịnh, ta bắt gặp những chữ ngồi như có chút reo vui, như muốn lạc quan hơn dù ngày mai còn mờ mịt: "Nhật nguyệt í a trên cao/ Ta ngồi ối a dưới thấp/ Một đường í a cong queo/ Nắng vàng ối a đột ngột" (Cũng sẽ chìm trôi). Sau này, ngồi trong nhạc Trịnh càng lúc càng bình lặng hơn. Ông như gửi vào đó những chiêm nghiệm nhân sinh, muốn thấu suốt từ quá khứ đến hiện tại: "Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà/ Chờ xem thế kỷ tàn phai…/Đôi khi một người dường như chờ đợi/ Thật ra đang ngồi thảnh thơi" (Tự tình khúc).

Không chỉ có một Trịnh Công Sơn nhạc sĩ, chúng ta còn có Trịnh Công Sơn thi sĩ trong một bài thơ tứ tuyệt, là một hoài niệm về mối tình đã qua. Chữ "ngồi" bây giờ không phải nói về mình mà là dành cho người con gái của ngày xưa: "Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm/ Anh gối lên và ngủ một giấc dài/ Em có hiểu đời cho em là mộng/ Nên anh về cứ tưởng một thành hai" (Mộng tưởng)

Cùng là một tư thế ngồi, không rời khỏi vị trí mà có thể mang trong đó bao sự kiện, thông điệp, tâm trạng, nỗi niềm. Tưởng như nghỉ ngơi mà không hề ngơi nghỉ. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới một bài thơ bốn câu nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà ở đó, ngồi không phải dừng lại mà là một khởi đầu mới. Xin được dùng bài thơ ấy để khép lại bài viết này: "Cái vết thương xoàng mà đi viện/ Hàng còn chờ đó tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo" (Nhớ).

Đỗ Anh Vũ
.
.