Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại:“Người nông dân” dấn thân

Thứ Sáu, 26/01/2024, 11:04

Nguyễn Sĩ Đại là nhà thơ yêu quê, yêu làng, trong hồn thơ ông có hồn làng. "Tôi là một nông dân, tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn và suốt đời da diết nhớ ngôi làng của mình", ông chia sẻ. Hằng năm, có cơ hội ông lại về cố thổ.

1. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại có gốc gác "nhà quê". Ông sinh ra, lớn lên ở Phú Lộc, một xã thuộc vùng Trà Sơn của huyện Can Lộc. Những năm gần đây, cuộc "cách mạng" nông thôn mới, vườn mẫu... làm cho "khuôn mặt" cả vùng đất bán sơn địa này thay đổi. Tuy nhiên vẫn lam lũ.

Can Lộc quê ông, quê tôi, gồm các xã có chữ "lộc" cuối trong tên gọi các đơn vị hành chính; với người chưa biết mà quan tâm đến cố thổ, thường hỏi: "Can Lộc thì anh/ chị ở Can gì?". Người Can Lộc thường trả lời: "Không can chi cả"; hoặc "Can rượu" và cười. Can Lộc là đất rượu "nút lá chuối" nức tiếng, có hẳn đại lý ở các thành phố lớn. Phú Lộc quê nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại lại là nơi rượu trắng ngon nhất.

z4588718274074_06676c4df279b37f79a28962de4e2cd3.jpg -1
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại phát biểu trong cuộc tọa đàm về nhà báo Thái Duy.

Rượu quê hương được chưng cất từ đồng đất thảo thơm, lắng lo của bà, của mẹ, từ đời này qua đời khác, mong no đủ, con cháu trưởng thành "bằng chị, bằng em". "Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày/ Lật hai phía đất mà xây mùa màng" (Cây lúa).

Báo chí từng ưu ái, "thiên vị" khi gọi Nguyễn Sĩ Đại là "Người nông dân kiêu hãnh". Ông từng có các bài thơ "Nông dân", "Ông tôi, cha tôi, và tôi", "Cây lúa", "Lá xanh"... thuộc top Những bài thơ hay nhất của Nguyễn Sĩ Đại. Trên trang thông tin điện tử Thivien.net, Nguyễn Sĩ Đại được chọn, giới thiệu 57 bài thơ, 36 tác phẩm dịch. Điều này không dễ, bởi những người chọn lựa không duy tình, "nhất thân, nhì quen". Bài thơ "Nông dân" của Nguyễn Sĩ Đại từng được ví như tuyên ngôn đẹp nhất, sâu sắc, tự hào nhất về người nông dân Việt Nam.

"Ba đời làm lính, ba đời nông dân/ Quê hương một mảnh đất cằn/ Cày sâu cuốc bẫm làm ăn bốn mùa", những câu thơ chân thực, có vị trí như một "trích ngang", đủ cho thấy Nguyễn Sĩ Đại tự hào về gốc gác. "Rưng rưng cây lúa quê nhà/ Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời" (Cây lúa). Nguyễn Sĩ Đại từng tốt nghiệp cử nhân văn học tại Trường Tổng hợp Hà Nội, về khoa học, ông là Tiến sĩ văn học. Người ta biết đến Nguyễn Sĩ Đại, trước hết là một nhà báo, hàm Phó Vụ trưởng ở Báo Nhân dân; sau đó là nhà thơ, nhà phê bình văn học. Ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khóa 2011 - 2015. Nguyễn Sĩ Đại cũng là người "nông dân dấn thân".

Dù ở "vai" nào, khi ông khoác lên mình bộ quần áo comple, hay lúc thời trang dân dã, điều dễ nhận ra ở Nguyễn Sĩ Đại là sự chất phác, hồn hậu. Nhìn Nguyễn Sĩ Đại, dẫu từ lâu là một trí thức, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng nhưng sự "tảo tần" nhà nông, "hồn làng" phảng phất trên khuôn mặt, nụ cười ông. Dẫu là nhà thơ nổi danh, nhưng có lần ông tâm sự, "Nhà thơ" đúng nghĩa là một danh hiệu quá xa vời đối với tôi, chắc chắn là tôi không đạt tới. Lịch sử văn học sẽ không nhắc tên tôi cũng như hàng trăm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khác. Điều ông nói thật khiêm tốn, nhưng thật đúng, trong hằng hà sa số tác giả, mấy người trở thành tác gia?

"Tôi làm thơ như một thôi thúc của tình cảm cá nhân, một ý thức dùng thơ ca để thể hiện tư tưởng, bổ sung cho việc làm báo nhằm phát hiện, bảo vệ lẽ phải, chia sẻ những cách nghĩ mới, hướng tới những tình cảm cao đẹp, tính hướng thiện của con người", Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.

2. Cuối năm 2023, tôi gặp vợ chồng nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại và Trần Kim Hoa tại sự kiện do anh chị đảm trách "3 trong 1": chủ dự án, tác giả kịch bản, tổng đạo diễn. Đó là ra mắt phim, trưng bày chuyên đề và tọa đàm về nhà báo lão thành Thái Duy.

Tại sự kiện này, Nguyễn Sĩ Đại tặng tôi tác phẩm: "Nguyễn Bính, hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp", (phê bình và tiểu luận). Trêu anh rằng, ông nhà thơ "nông dân" nghiên cứu về nhà thơ "chân quê" là lựa chọn hay và quá đẹp. Nguyễn Sĩ Đại chỉ cười hiền.

Cuộc sống hôm nay, con người đang "hoa mắt" tìm kiếm lợi ích vật chất. Nguyễn Sĩ Đại ngược lại, điềm nhiên. Ngay cả chốn danh vọng luôn lao xao. Những năm gần đây, ngoài công việc dành cho Truyền hình Nhân dân, với tư cách là cố vấn, ông dành thời gian nghiên cứu về những giá trị văn chương đã thành vật báu cùng thời gian. "Nguyễn Bính, hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" được hoàn thành trong tâm thế ấy.

"Thơ Nguyễn Bính có điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước. Sau gần một thế kỷ nhìn lại, thể thơ bảy chữ, lục bát truyền thống của dân tộc như "Tràng giang" của Huy Cận, như thơ Nguyễn Bính vẫn thuộc hàng hay nhất của Thơ mới", Nguyễn Sĩ Đại đánh giá.

Dường như để chứng minh cho ý kiến của mình, Nguyễn Sĩ Đại đưa ra con số, "Tuyển tập Nguyễn Bính" được in 40.500 bản, "Thơ Nguyễn Bính" 50.000 bản. Năm 1987, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh cho in 50.000 bản "Thơ tình Nguyễn Bính", 50.000 bản "Cây đàn tỳ bà". Suốt 35 năm qua, từ sau Đổi mới, hàng năm thơ Nguyễn Bính được in liên tiếp với nhiều dạng thức khác nhau nhưng đều bán hết.

Về nghiên cứu, hẳn nhiên, đã có rất nhiều tác giả thuộc lĩnh vực phê bình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính, tại sao Nguyễn Sĩ Đại tiếp tục làm công việc này? Câu hỏi xuất hiện, nếu được cầm trên tay tác phẩm "Nguyễn Bính, hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" của Nguyễn Sĩ Đại cũng là điều dễ hiểu.

"Nhà thơ Nguyễn Bính không chỉ chân quê. Mà chính là hiện đại trong sự chân quê. Nếu người ta coi hiện đại là cái sự mới lạ, chưa từng có, thì Nguyễn Bính cũng từng có những câu thơ như vậy: "Em hiền như nước mưa/ Em nhổ nước bọt xuống mặt biển/ Mặt biển thơm lên hai mươi bốn giờ"", Nguyễn Sĩ Đại quả quyết.

a.jpg -0
Nguyễn Sĩ Đại bên tác phẩm “Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

"Nguyễn Bính, hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" gồm 8 phần. Nguyễn Sĩ Đại không dụng công "bình thơ" mà là chứng minh các luận điểm từ "gia tài" Nguyễn Bính. Ông còn nghiên cứu về những "điểm mờ" trong hành trình "lãng du" của thi nhân, làm rõ thêm về cuộc đời Nguyễn Bính - con người mà ông khẳng định "một lãng tử, một lãng du chưa từng có trong văn học cổ điển". Nguyễn Sĩ Đại làm việc với thái độ, phương pháp của một nhà khoa học, về một tác gia tiêu biểu của văn học trung đại.

3. Nguyễn Sĩ Đại là nhà thơ yêu quê, yêu làng, trong hồn thơ ông có hồn làng. "Tôi là một nông dân, tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn và suốt đời da diết nhớ ngôi làng của mình", ông chia sẻ. Hằng năm, có cơ hội ông lại về cố thổ.

Ông và phu nhân - nhà thơ Trần Kim Hoa, trong nhiều điểm chung có tình yêu với cội nguồn. Có lẽ đây là một trong các nguyên nhân, Nguyễn Sĩ Đại được nhiều người ở Hà Tĩnh, Can Lộc, từ quan chức đến bạn bè hay nhắc đến với tình cảm trìu mến.

"Nơi em về, xuân tím nụ vườn chanh/ Hoa xoan tím, hoa lục bình cũng tím/ Cành tre nhỏ có ngày chim khách đến/ Tận bây giờ chờ đợi vẫn rung rung..."; "Nơi em về, mương nhỏ cỏ còn xanh/ Dòng mực tím đã trôi về dĩ vãng/ Vẫn còn đó hoàng hôn ngời sắc rạng/ Trên cỏ nằm mắt uống những sao xa" (Nhà xưa).

Tôi cũng là người gốc gác nhà quê, viết thơ về làng quê như Nguyễn Sĩ Đại, nhưng khi đọc những cây thơ này của ông, lòng không khỏi rưng rung.

Đối với Nguyễn Sĩ Đại, "Hồn tôi là một cánh đồng xanh mượt lúa ngô, là bờ sông thổi gió, là khói bếp la đà mái rạ, là hoa xoan tím, hoa lục bình cũng tím, hoa chanh thơm, hoa bưởi cũng thơm; là râm ran tiếng chợ trưa về, là ngọt ngào bởi lời chào thưa thăm hỏi của cô bác xóm giềng đầu ngõ; là mơ màng huyễn hoặc, hoặc những câu chuyện ngày xưa bên bếp lửa đêm đêm...". Vì thế ông không chỉ sáng tác thơ, Nguyễn Sĩ Đại còn nghiên cứu về làng thấu triệt.

Trong tác phẩm "Nguyễn Bính, hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp", Nguyễn Sĩ Đại có quán chiếu làng qua thơ Nguyễn Bính và kết luận "Nguyễn Bính viết về làng Việt hay nhất".

Người yêu thơ Việt Nam, có lẽ đều thuộc câu thơ "Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh'' của ông; hẳn nhiên, có thể không biết đến tác giả. Đó là hai câu trong bài thơ "Lá xanh" (viết năm 1997, sau này đổi thành "Lá") của ông. Ngoài đời sống của câu thơ, đã thuộc về con người; đối với Nguyễn Sĩ Đại là "tuyên ngôn" của ông về đời sống cũng như "đời viết".

Không ai được sống quá phần mà số phận mình cho phép được hưởng. Để giản dị hóa được đời sống, con người ta phải được "va đập", quan sát và chiêm nghiệm.

"Người ta có thể chiến thắng mọi thứ trừ thời gian... Nhưng có một thứ có thể làm cho quá khứ, tương lai đồng hiện với hiện tại. Đó là nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca... Thơ ca là sợi dây mong manh mà bền chặt níu ta vào đất nước, vun ta vào cội nguồn dân tộc", Nguyễn Sĩ Đại triết luận.

Làm thơ từ bé, có thơ đăng báo cách đây gần nửa thế kỷ, đến nay Nguyễn Sĩ Đại vẫn chung thủy với thơ. Bởi, thơ níu ông vào nguồn cội.

Sông Nghèn
.
.