Nhà thơ Vân Anh: “Nhóm đời ta làm củi''

Thứ Hai, 25/12/2023, 10:05

Có một sự thực là, nếu hỏi nhà thơ nào gắn bó với xứ Nghệ và thành danh trên đất Nghệ, chắc chắn hai cái tên được nhắc đến là nhà thơ Thạch Quỳ và nhà thơ Vân Anh. Bạn đọc Nghệ An tự hào về hai thi sĩ này. Trước thềm Noel 2023, nhà thơ Vân Anh hạnh phúc đón đứa con tinh thần chị dày công ấp ủ, đồng thờira mắt công chúng: “Vân Anh - Tuyển tập thơ”.

Niềm tự hào của chị khi cuốn sách vinh dự được nhà nước đặt hàng. Mừng cho chị, mừng cho đời sống văn học Nghệ An, và cũng mừng cho thơ ca hôm nay.

“Tuyên ngôn thơ” Vân Anh

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trân trọng trong đề tựa “Trên một con đường thơ” mở đầu cho tập thơ của chị bằng những nhận xét: “Mỗi bài thơ của nhà thơ Vân Anh là một cột mốc trên con đường đời, đường thơ của chị. Tất cả những gì chứa đựng trong những câu thơ của chị không phải chỉ nói về những riêng tư của chị, mà qua chị để nói về bao con người và nói về dân tộc này trong thời đại chị sống”. “Vân Anh - Tuyển tập thơ” gồm 200 bài thơ, được chị dụng công sắp xếp theo chủ đề. Chắc chắn, đó mới là một phần “gia tài thơ” Vân Anh. Nhưng chỉ chừng ấy, đã giúp người đọc hình dung về một gương mặt thơ của làng thơ xứ Nghệ.

Không “đao to, búa lớn”, nhưng phải khẳng định tâm hồn Vân Anh “đầm đìa” xứ Nghệ. Thơ chị “đầm đìa Nghệ”. Không có gì ngạc nhiên khi Vân Anh chọn bài “Xứ Nghệ” đặt ở vị trí mở đầu tuyển tập.

Nhà thơ Vân Anh: “Nhóm đời ta làm củi'' -0
Nhà thơ Vân Anh và hai con trai tại Lễ trao giải thưởng về đề tài biển đảo của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2020).

...

Xứ Nghệ...
Cho tôi câu thơ quăng quật kiếp người.
Những đứa trẻ đẻ rơi
Co ro trên luống cày vừa xới
hình hài cong dấu hỏi
oà nỗi đau chào đời

(Xứ Nghệ)

Yêu cố thổ, khát khao hạnh phúc nên mảng thơ viết về tình yêu, quê hương, gia đình là phần hay nhất trong thơ của chị. Là nhà thơ nữ, nhưng đọc thơ Vân Anh cho thấy, dù là nữ hay nam thì trách nhiệm của người sáng tạo không được phép tách rời số phận con người, số phận dân tộc. Nhiều bài thơ thế sự của chị cũng thu hút người đọc bằng những cảm xúc tươi nguyên, thể hiện những trăn trở đầy trách nhiệm công dân trước cuộc đời. Có thể kể ra, “Đất và Người miền Trung”, “Lời ru mùa đại dịch”, “Nhân dân gọi các anh về”, “Lời hẹn ước của người lính biên phòng”, “Dấu chân tuần tra”,…

Nói về “căn cước” Nghệ trong thơ Vân Anh, sẽ là thiếu, nếu không nhắc đến nhận định của cố nhà thơ Thạch Quỳ: “Vân Anh là tác giả có dấu vân tay điểm chỉ vào giấy khai sinh tác phẩm..., ghi đậm dấu ấn tâm hồn tác giả”.

Không chỉ “bó” trong các đề tài về quê hương, xứ Nghệ, thơ Vân Anh còn hướng đến Tổ quốc, đất nước ở biên độ lớn hơn. Có thể thấy qua các bài thơ “Tổ quốc”, “Đàn bà và chiến tranh”, “Giọt đau”, “Lỗi nhịp nhân gian”, “Trước ngôi nhà lịch sử”...

“Trải trường chinh giữ nước.../ Tình yêu của đàn bà/ Bom đạn của chiến tranh/ cùng vào trận!/ Hãy tặng đàn bà/ Bình yên!” (Đàn bà và chiến tranh). Với người Việt, truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, nhưng quán chiếu qua tâm hồn phụ nữ, hơn ai hết họ mong được bình yên. “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” (Svetlana Alexievich).

Đa phần thơ Vân Anh thi pháp tự do. Chị tìm thấy ở thể loại thơ này tâm hồn thơ được cởi bỏ, phóng khoáng. Dễ nhận ra trong thơ Vân Anh, đó là “cá tính thơ”. Thơ chị không “đèm đẹp” về câu chữ, vần vè như “muôn thuở”, mà đọc khá là “sắc cạnh” với lối tư duy khơi mở nhiều chiều.

Những ngọn núi lè tè ngạo mạn tự phong chót vót
Những ao hồ tù đọng kiêu căng luôn tự bão hòa
Những đường ray hoen rỉ tư duy định vị
Những vòng kim cô giáo điều tự ấn lên đầu làm khuôn mẫu
Những phẩm cách dàn hàng ngang đồng phục
Những dấu vân tay bản ngã đồng dạng nhạt nhòa

(Trăn trở).

Gió sáng tạo mang hùng khí lạ/ Sợ thổi lạc loài giữa sa mạc sáo mòn!”, hai câu kết của bài thơ này, không thể trăn trở hơn. Ai không mong muốn những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho sự phát triển của đất nước? Sự dồn nén của cảm xúc, thành câu hỏi. Người đọc tự ngẫm về câu trả lời.

Nhà thơ Vân Anh làm thơ từ hồi còn ở Phuống (năm 1969). Đến nay, chị đã công bố hơn chục tác phẩm thơ: “Hương thơm cỏ vắng”, (in chung), NXB Nghệ Tĩnh, 1987; “Trái muộn”, NXB Thanh niên, 1991; “Quê với mẹ và anh”, NXB Hội Nhà văn, 1996; “Bình minh muộn”, NXB Nghệ An, 2002; “Vọng về xứ Phuống”, NXB Hội Nhà văn, 2006; “Con sóng khát”, NXB Hội Nhà văn, 2009; “Mùi tuổi”, NXB Nghệ An, 2015; “Tìm trầm”, NXB Nghệ An, 2020. Chưa kể, Vân Anh còn có một số tác phẩm truyện ký phê bình và tiểu luận.

Đó thực sự là “Một con đường đầy gió bụi, đầy nước mắt và máu, nhưng là một con đường đã dựng lên vẻ đẹp nhân tính mà những người đi trên con đường đó có quyền kiêu hãnh. Và tôi hình dung một nhà thơ mang tên Vân Anh đã đi xuyên qua chặng đường dài với những riêng tư trong sâu thẳm tâm hồn nhưng hòa cùng số phận của đồng loại, của dân tộc và cụ thể hơn số phận một vùng đất đặc biệt về mọi nghĩa: Xứ Nghệ”, (Nguyễn Quang Thiều "Trên một con đường thơ").

“Phẩm cách thi sĩ” Vân Anh

Nhà thơ Vân Anh sinh năm 1947, Giáp Thìn này, chị đã 77 “mùa xuân”, vài năm nữa mừng bát thập. Lên chức bà nội, bà ngoại, vừa lên chức cụ ngoại, nhưng ngoài đời, nhà thơ Vân Anh trẻ trung, tâm hồn tươi xanh.

Vân Anh sinh ra ở Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An. Địa chỉ Phuống, là một địa danh bên dòng Ngàn Cả (sông Lam). Đó là mảnh đất gian khó, nhưng là nơi sinh cơ lập nghiệp và cư trú của nhiều dòng họ nổi danh, khổ mà học thành tài, để lại danh thơm cho quê hương, xứ sở.

Thanh Chương, nơi có 25 vị khoa bảng trên tổng số 150 vị khoa bảng của Nghệ An, thời thi cử dưới chế độ phong kiến. Trong các dòng họ khoa bảng của đất Thanh Chương có dòng họ Nguyễn của nhà thơ Vân Anh. Chị là hậu duệ của hai vị tiền bối có công với nước là cụ Nguyễn Doãn Giáp, cụ Nguyễn Doãn Văn được lập đền thờ ở Phuống là Đền Kẻ Nghe.

Nhà thơ Vân Anh: “Nhóm đời ta làm củi'' -1
Bìa Tuyển tập thơ của nhà thơ Vân Anh.

Vân Anh được hưởng tinh hoa của quê hương, truyền thống và ý thức gìn giữ. Nếu như Nghệ An, trong lịch sử có “Đồ Nghệ” thì Vân Anh đúng là một “Bà đồ Nghệ”.

Tôi nhớ có lần nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nói, về khoảng cách giữa tác phẩm và đời sống; tác phẩm hay đã cần, nhưng bạn đọc luôn quan tâm đến nhân cách nhà văn.

Vân Anh vốn là cô giáo dạy Văn. Dù trải qua nhiều cơ sở giáo dục, nhưng thời kỳ “oanh liệt” đã được đứng trên bục giảng ngôi trường danh giá ở xứ Nghệ, có tên trường Chuyên Năng khiếu Vinh, là vườn ươm nhân tài cho đất nước. Không ít tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ gốc Nghệ tiêu biểu đã có những năm tháng “học đường” ở đây.

Trong thơ hay đời, Vân Anh luôn hướng tới truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về năng lượng sống tích cực, một thái độ sống nhân văn từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Nhiều bài thơ của chị như “Bản nháp”, “Trước ngôi nhà thời gian, “Nhà giáo- Bài thơ viết mãi”, “Trước ngôi nhà lịch sử” được sử dụng trong trường học. Đặc biệt, bài “Bản nháp”, năm 2023, được các Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Sóc Trăng chọn làm ngữ liệu ra đề thi thử tốt nghiệp THPT môn ngữ văn.

Nhà thơ Vân Anh là hội viên các hội: Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp VHNT Nghệ An. Chị là Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An đồng thời Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sĩ Nghệ An. Đây là câu lạc bộ, hàng năm đều có hoạt động trao đổi nghiệp vụ, đi thực tế sáng tác, phát hiện bồi dưỡng tài văn cho văn chương Nghệ An.

Chị từng bày tỏ, văn chương là “duyện nợ”; và “Người văn bén duyên sáng tạo văn chương là được nhận một sự ưu đãi và tự thấy mình mắc nợ với mình, mắc nợ với mọi người”.

Giữa chị em sinh hoạt tại Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sĩ Nghệ An, Vân Anh thơm thảo, nhịn nhường. “Làm anh phải khiêm tốn, làm chị phải hiền”, câu thành ngữ Nghệ vận vào chị.

Ta hái cả đời ta làm củi nhóm
Nhen tro than lạnh lẽo dâng đời
Khi lửa bén bùng lên thành ngọn
Lửa thiêu ta hóa nắm tro tàn

(Dâng hiến)

Bóc dần vỏ bọc thời gian/ Giữa đời ngậm ngải tìm trầm... Nghĩa nhân”, đó cũng là “tuyên ngôn” không chỉ trong thơ mà cả trong đời sống của nữ nhà thơ Vân Anh.

“Nỗi trăn trở luôn ám ảnh một đời cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa là sợ tâm hồn mình cằn cỗi, sợ trái tim mình khô hạn và đời văn thành “nợ xấu” với kỳ vọng của bạn đọc gần xa”, chị cười, nhẹ như mây.

Ngày 10/12/2023

Sông Nghèn
.
.