Nhà thơ Lê Kim Giao: Ngày ấy... bây giờ

Thứ Sáu, 17/09/2021, 11:25

Tôi gặp nhà thơ Lê Kim Giao lần đầu năm 2006, trong một Giải thi đấu Cờ tướng mở rộng do Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức. Trong Giải đấu này, nhà thơ Lê Kim Giao đã nhận Giải Người cao tuổi có thành tích thi đấu tốt nhất, năm đó ông 63 tuổi. Tình yêu cờ tướng là điều đầu tiên khiến tôi gặp ông, để rồi sau đó biết nhiều hơn về ông, một người yêu thơ ca, say mê chữ nghĩa. Ông còn tự học nhạc và viết được nhiều ca khúc.

Lê Kim Giao đã có mấy năm trời phụ trách chương trình Làng Cờ trên VTV3. Năm 2008, ông cho in cuốn sách “Thi kỳ song tuyệt”, là một cuộc se duyên đầy thú vị giữa cờ và thơ. Sau mỗi thế cờ, ngoài lời giải thế cờ ấy sẽ là một lời bình của Lê Kim Giao từ góc độ thi ca. Tình yêu cờ tướng và tình yêu thơ của ông nhiều lần đã tạo được những tác phẩm đặc biệt, trong đó có bài thơ “Hội cờ xuân” được khắc vào bia đá tại Chùa Vua (Hà Nội): “Xe pháo qua hà giữa tiết xuân/ Cần chi phong tướng mới cầm quân/ Thoắt mang ngựa đến tan thành cổ/ Bỗng vẫy voi ra giấu mẹo thần/ Bỏ ngỏ đình cung mưu cả nghĩa/ Chăm lo sĩ tốt xét từng phân/ Tháng giêng ngày 9 dâng hương nguyện/ Một khúc quân hành bốn bể ngân”. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú chuẩn mực với những niêm, luật, đối ở từng cặp câu, tạo ra một âm hưởng vừa cổ kính vừa hào hùng, vừa thành kính vừa vang vọng.

ảnh lê kim giao.jpg -0
Nhà thơ Lê Kim Giao (bên trái) cùng tác giả bài viết.

Lê Kim Giao cũng là người có công trong việc phân tích và tìm hiểu nghệ thuật thơ Đường qua tập sách “Thần luật thơ Đường” (NXB Văn học, 2011). Theo đó, ông đưa ra một bộ định danh mới cho các cặp câu trong bài Thất ngôn bát cú. Theo truyền thống, giới nghiên cứu và giảng dạy thơ Đường thường dùng bộ khái niệm: Đề - Thực – Luận – Kết để gọi tên 4 cặp câu trong bài Thất ngôn bát cú thì nay, Lê Kim Giao đề xuất một cách tiếp cận mới, đúc rút từ việc nghiên cứu hàng ngàn bài Đường thi của ông.

Ông gọi tên 4 cặp câu trong bài Thất ngôn bát cú là: Duyên - Tài - Tình - Mệnh. Duyên tương ứng với hai câu Đề theo cách gọi truyền thống, theo Lê Kim Giao cần ý nhị, khéo léo, vừa đủ để gợi mở vấn đề. Tài tương ứng với hai câu Thực theo cách gọi của truyền thống, theo ông phải phát huy được khả năng sử dụng ngôn ngữ của tác giả, làm câu thơ vừa sát thực vừa sinh động. Tình tương ứng với hai câu Luận theo cách gọi truyền thống, cần lùi ra xa để nhìn sâu hơn, minh triết hơn, cảm xúc cũng đậm nét hơn. Và cuối cùng Mệnh, tương ứng với hai câu Kết theo cách gọi của truyền thống, theo ông là điểm quan trọng cốt tử của bài Thất ngôn bát cú để tạo ra một dư âm, để trút hết vào đó những tư tưởng, nỗi niềm, thậm chí là vận mệnh của chính thi phẩm và những sâu kín nhất trong lòng tác giả. Một bài Thất ngôn bát cú có thành công hay không, được coi là xuất sắc hay không chính là phần lớn nhờ vào hai câu kết này.

Lê Kim Giao đã có những minh chứng thú vị cho công thức Duyên - Tài - Tình - Mệnh của ông qua việc phân tích hàng loạt bài Đường thi tiêu biểu, chỉ ra sức nặng của thi phẩm bao giờ cũng dồn đọng vào hai câu cuối. Và một bài thơ thành công, theo ông, càng diễn biến phải càng hay, càng có sự đẩy lên về cao trào, chứ không bao giờ có tình trạng những câu đầu hay còn càng về sau các câu lại càng dở.

Lê Kim Giao đã có chùm thơ 12 con giáp viết theo thể Đường luật rất đặc sắc, mà ở đây, vì dung lượng có hạn của bài viết, tôi chỉ xin trích một bài tiêu biểu: “Theo sau thím Tuất dáng thong dong/ Ủn ỉn quanh năm chốn hậu phòng/ Tấm cám đã quen tình nước lửa/ Bèo rau đâu quản tiết thu đông/ Ngại quyền tránh kẻ tìm khoanh cổ/ Ngóng bạn mời ai nếm tấc lòng/ Tranh Tết tươi cười xanh lộn đỏ/ Gặp xuân là hết kiếp long đong” (Năm Hợi).

Nhưng Lê Kim Giao không chỉ thành công ở thơ Đường luật. Bài thơ lục bát Dịu dàng của ông có hai câu đề từ đã được báo Tiền phong hai lần sử dụng để làm phần thi ứng xử cho các cuộc thi hoa hậu, và từng bị nhầm là…ca dao: “Có ai bán cái dịu dàng/ Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên”. Nhiều báo và các chương trình trên Đài Truyền hình cũng nhầm theo. Sau đó, Tạp chí Truyền hình số 76, phát hành tháng 4/ 2006 đã đính chính và công nhận bài thơ “Dịu dàng” cùng hai câu đề từ là tác phẩm của Lê Kim Giao. Tôi xin chép lại sau đây phần nội dung chính của bài thơ: “Dịu dàng là cánh chim câu/ Bay lên mà chẳng làm đau khoảng trời/ Dịu dàng là áng mây trôi/ Lững lờ mà chẳng hẹn người về đâu/ Dịu dàng là ánh trăng thâu/ Lúc vui thêm đẹp, khi sầu càng xinh/ Dịu dàng là men của tình/ Nhấp môi đầy, uống cả bình lại vơi/ Có ai tìm nấm mồ tôi/ Chắc rằng sẽ gửi ở nơi dịu dàng”.

Xuất thân là một giáo viên dạy Toán, Lê Kim Giao đã có tứ thơ độc đáo qua bài “Đường tiệm cận”, bài thơ từng góp mặt trong nhiều tuyển tập thơ tình: “Đừng là đường cắt nhau/ Gặp mặt một ngày/ Chia tay vĩnh viễn/ Đừng là đường song song/ Khoảng cách suốt đời/ Không lời ước hẹn/ Xin làm đường tiệm cận/ Mỗi ngày một gần thêm…”.

Ông còn được mời viết những lời thơ hào hùng mở đầu cho chương trình “Trống hội Thăng Long” chào mừng Đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội ngày 01/10/2000 tại Nhà hát Lớn: “Nhớ ngày ấy/ Ngũ sắc mây thiêng lòng trời rộng mở/ Thấp thoáng Phong Châu: Voi trắng, trống đồng/ Hồn Lạc Việt muôn năm về tụ hội/ Đại La xưa bay một bóng Linh Rồng/ Để hôm nay/ Thiên kỷ Việt ngàn năm trang sử mới/ Đất trời Nam rung Trống hội Thăng Long”.

Lê Kim Giao đã yêu đã say mê cái gì là yêu đến tột cùng và bao giờ cũng tạo được những thành quả khiến mọi người ngỡ ngàng. Ngoài cờ, thơ, nhạc, ông còn say mê với việc giải câu đối trong nhiều cuộc thách đố, thử tài của bạn bè văn nghệ.

Ai cũng biết “Da trắng vỗ bì bạch” là vế đối rất khó, tương truyền do Đoàn Thị Điểm đưa ra để thách Trạng Quỳnh đối lại mà Trạng Quỳnh chịu không đối được. Sau này, có một số phương án được đề xuất nhưng vẫn chưa thực sự thuyết phục: “Rừng sâu mưa lâm thâm” (tương truyền của GS Nguyễn Tài Cẩn), “Đàng hoàng ngồi nhà vàng”; bởi lẽ giữa vế ra và vế đối không tạo được sự liên hệ về mặt ngữ nghĩa. Người đọc không thấy mối liên hệ gì giữa hai việc người con gái đang tắm (vế ra) với việc mưa ở trong rừng cũng như việc ngồi ở trong nhà.

Thì đây, chính Lê Kim Giao đã tìm ra được một phương án mà theo tôi là khả thi hơn cả: “Chuột tơ dòm tí ti”. Vừa đảm bảo được yêu cầu chơi chữ giữa hai tiếng đầu và hai tiếng cuối: tí là chuột, ti là tơ; “tí ti” cũng được coi là một đơn vị láy giống “bì bạch”. Nhưng hơn thế nữa, vế đối đã tạo được sự liên kết ngữ nghĩa với vế ra. Nếu như vế ra nói về một cô gái đang tắm thì vế đối là hình ảnh con chuột đang lấp ló dòm vào, đầy hóm hỉnh và tinh nghịch.

Một lần khác, Lê Kim Giao đã ẵm một món tiền to khi đối lại một vế khá hóc hiểm: “Đàn bà cầm Tỳ bà cầm”. Ông đối lại sau một đêm suy nghĩ: “Chuột bạch thử Trinh bạch thử”. Lê Kim Giao tâm sự, ông đã vượt qua những “chướng ngại” rất nan giải như thế là nhờ phương pháp thiền định để tạo ra độ tập trung của tư duy và kích thích những đột sáng. Ông đã sẵn lòng chia sẻ phương pháp thiền cùng nhiều phép dưỡng sinh độc đáo khác cho tôi và các bạn hữu quý mến.

Cách đây hai năm, nhà thơ Lê Kim Giao bị một trận tai biến nặng. Mặc dù được cấp cứu kịp thời nhưng một bên tay và chân ông bị liệt, cử động không được như xưa, trí nhớ cũng bị suy giảm rất nhiều. Tôi đến thăm ông và ngỡ ngàng trước mái tóc bạc trắng như cước. Khi nghe tôi ngỏ lời sắp làm một chương trình trò chuyện về chân dung thơ Đồng Đức Bốn – người bạn thân của ông trên sóng phát thanh, ông rất hào hứng kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm giữa ông và thi sĩ họ Đồng. Và những bài thơ, câu thơ năm nào lại ùa về trong ông.

Trước khi chia tay, ông đọc tặng tôi một bài lục bát mới nhất, ông viết trong những ngày dưỡng bệnh tai biến. Một bài thơ xúc động dành cho trẻ em, về lời mẹ ru. Xin được dùng bài thơ này để khép lại bài viết nhỏ của tôi, cầu chúc cho ông thêm sức khỏe, mọi điều bình an và sẽ còn nhiều sáng tạo: “Ngủ đi cánh võng la đà/ Ngủ đi cái ngủ đang sà quanh nôi/ Ạ ời ơi, ạ ời ời/ Giấc thơm bé ủ cho đời men say/ Nhện giăng tơ mỏng cho dày/ Mưa vơi dạ khát gió đầy lòng không/ Của chim, trắng bạc cá đồng/ Của con, trắng muốt trắng trong cánh cò/ Của mây, tiếng sáo i o/ Của trâu, chú nghé ăn no bụng kềnh/ Ngủ đi cánh võng lênh đênh/ Ngủ đi cái biển bập bềnh trong nôi/ Cơn giông đen tự chân trời/ Cánh buồm trắng tự bãi bồi làng ta/ Dẫu mai gió ngã mưa sa/ Sấm kêu đầu lúa, chớp nhòa ngõ đông/ Mẹ còn khêu ngọn bấc hồng/ Treo vào nỗi nhớ nỗi mong nỗi chờ/ Đêm qua mẹ lại nằm mơ/ Bố về đưa võng đọc thơ ru hời/ Đàn chim Việt giữa mây trời/ Còn dành một chỗ cho người mẹ ru/ Ngủ đi cho phượng đỏ hồ/ Cho xuân xanh đất, cho thu vàng trời/ Ạ ời ơi, ạ ời ời/ Ngủ đi cho gặp cả lời mẹ ru…”.

Đỗ Anh Vũ
.
.