Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Chỉ còn mây trắng giăng hàng khuất che

Chủ Nhật, 16/07/2023, 09:04

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một gương mặt tác giả nữ tiêu biểu của văn chương Việt Nam, vừa qua đời lúc 5h sáng 7/6 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi. Vài năm gần đây, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mắc bệnh Alzheimer. Trí nhớ đã bỏ bà để ra đi, và bây giờ bà đã bỏ trần gian để ra đi, như chính câu thơ thuở nào của bà: "Ai tìm ai giữa mênh mang/ Chỉ còn mây trắng giăng hàng khuất che".

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18/9/1949 tại Lệ Thủy, Quảng Bình. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và chồng là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã gắn bó gần trọn cuộc đời với xứ Huế. Những năm gần đây, vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được con gái đưa vào cư ngụ tại TP Hồ Chí Minh để thuận tiện chăm sóc. Sau tuổi 60, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không còn sáng tác nữa, nhưng những vần điệu ân cần và yêu thương của bà đã ít nhiều giúp công chúng mường tượng chân dung một nữ sĩ tận tụy với buồn vui kiếp người trên dương gian.

trang 16 - lâm thị mỹ dạ.jpg -0
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã bay về miền mây trắng.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vụt sáng trong làng thơ Việt Nam từ giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973. Bài thơ nổi bật nhất vinh danh trạng nguyên thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là "Khoảng trời, hố bom". Bài thơ được cảm tác từ sự hy sinh của một cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường: "Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Lấy nước trời xoa dịu vết thương đau/ Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức/ Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi/ Ngày hôm nay bước tiếp chặng đường dài".

Giữa dòng thơ đầy nộ khí quen thuộc trong giai đoạn chiến tranh, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mang đến một giọng điệu đằm thắm, dẫu sau một trận càn dữ dội "Đêm qua bom nổ trước thềm/ Sáng ra, trời vẫn ngọt mềm tiếng chim/ Nghe hương cây vội đi tìm/ Hai chùm ổi chín lặng im cuối vườn", dẫu sau mất mát khôn nguôi: "Những nấm mồ xếp đều bên nhau/ Như những phím chiếc dương cầm của đất/ Rung lên những âm thanh lặng thầm không tắt/ Chỉ trái tim người mới nghe được mà thôi".

Đôi mắt đàn bà hiền lành và khoan dung, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không chỉ nhìn về đồng bào mà còn dành cho kẻ địch. Người lính phía bên kia không phải bản tính đã man rợ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã nghĩ vậy và đã lý giải "Khuôn mặt ẩn kín" thật độ lượng: "Tôi muốn làm con nai nhỏ/ Chạy hoài dưới trời cỏ xanh/ Đừng bắt tôi đi vào rừng rậm/ Tôi sẽ hóa thành chó sói dữ dằn/ Những mưu chước lưới đời ai lường được/ Sự dối lừa/ Trá hình trong giọng lưỡi ngọt ngon/ Tôi là con nai quá đỗi ngu đần/ Đã xa đi đồng cỏ tươi xanh/ Khuôn mặt tôi khuôn mặt chó sói/ Trong hang sâu, trong bóng tối lặng thầm/ Nghe ai gọi giật mình chợt tỉnh/ Nhớ một thời trong suốt mắt nai in/ Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới làn da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây!".

Vì vậy, khi hòa bình có dịp đến Mỹ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết bài thơ "Bức tường đen" chia sẻ với 580 nghìn lính Mỹ tử trận tại Việt Nam: "Bức tường đen - Những linh hồn chết/ Bức tường đen - Những con người/ Những cuộc đời/ đã biến thành khói/ đã biến thành bụi/ đã biến thành gió/ đã biến thành sương/ đã biến thành vết thương/ Trong ngực bà - người mẹ Mỹ…/ Tôi đã đến đây bằng trái tim người Mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mỹ mất con/ Ở đây chỉ có một màu đêm/ Những bình minh đã chết/ Tuổi trẻ đầu xanh đã chết/ Cái ác, sự ngộ nhận, niềm thơ ngây đã chết/ Những tâm hồn tắt lặng…/ Nhưng/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Bức tường đen như một vết thương/ Nằm im lặng giữa lòng nước Mỹ/ Nhức nhối/ Không bao giờ thành sẹo".

Sinh thời, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ quan niệm: "Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường, thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết. Vì vậy, có được một bài thơ hay vô cùng khó. Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình".

Và bà đã chứng minh bằng tháng ngày vượt qua không ít bẽ bàng, đã vượt qua không ít buồn thương để sống và viết những câu thơ hội đủ phẩm chất một người đàn bà đức hạnh: "Thơ như máu thắm/ Tan vào hư vô/ Đời bao phúc họa/ Gieo gặt bất ngờ/ Mỏi không thể nghỉ/ Mệt không thể kêu/ Người im như bóng/ Tôi về với tôi/ May có đứa trẻ/ Còn ở trong hồn/ Cái nhìn xanh biếc/ Lung linh cội nguồn/ Trái tim thơ dại/ Tôi về với tôi". Bây giờ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã xuôi tay về miền mây trắng, gửi lại cho dương gian một chân dung run rủi xa vắng: "Ôi trái tim/ Sao em lại mang dáng lưỡi cày/ Để suốt đời không bao giờ yên ổn/ Để suốt đời cày lên/ Cày lên/ Đớn đau và hạnh phúc".

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Trên hành trình sáng tạo nhọc nhằn và thăng hoa, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng tâm sự: "Ngày xưa khi còn rất trẻ, chỉ cần gọi một tiếng là tôi có thể lao vào nơi nguy hiểm, đó là vùng đất rất ác liệt, con đường loang lổ vết đạn bom... Tôi đã sống với những thực tế mà chính nó đã là bài thơ hùng tráng mà không cần phải lao động, sáng tạo nhiều. Còn bây giờ khi đã thành một người vợ, người mẹ, người làm thơ thì tôi không còn sống cho riêng thơ được nữa. Làm vợ, làm mẹ đã khó mà làm thơ lại càng khó hơn. Cái khổ của người làm vợ, làm mẹ là cái khổ của thân xác đồng hành cùng hạnh phúc, là cái khổ, niềm hạnh phúc có thể chia sẻ được. Còn cái khổ cũng như hạnh phúc của người làm thơ là mình tự biết mình, không ai chia, không ai gánh".

Sự phân vân và độ lượng ấy, chính bà viết thành thơ an ủi bản thân: "Trái tim có mấy phần buồn/ Mấy phần vui sướng, nhớ thương mấy phần/ Phần yêu em gửi cho anh/ Còn phần hy vọng em dành cho con", dù lắm lúc thảng thốt "Đời sống chật chội ơi/ Hạnh phúc dịu dàng ơi/ Thời gian một đời người không lặp lại/ Một ngày ta dần mất ta/ Từng chút, từng chút một" và lắm lúc trầm tư "Ước gì ta được là sông/ Để ra đến biển là không còn mình".

Khi chồng - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm trọng bệnh vào năm 1998, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã dẹp bỏ hết mọi đam mê thi ca để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho đấng lang quân. Trong bài thơ "Dù năm dù tháng", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng thổn thức "Anh hái cành phù dung trắng/ Cho em niềm vui cầm tay", nên nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã hồi đáp bằng bài thơ "Buổi sáng trong vườn" viết tháng 6/2000: "Choàng mở mắt cánh hồng rưng ngấn lệ/ Biết mình còn mắc nợ đóa phù dung". Đồng thời, bà tự nhủ: "Rồi cỏ sẽ xanh trên tên tuổi chúng ta/ Dòng sông sương mù trôi mãi/ Những tứ thơ không bao giờ trở lại/ Tôi đã ném đi rồi qua cửa sổ đời tôi".

Hoàng Vũ Thuật

Viết cho em ngày ra đi

       Gửi hương hồn nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Cái đẹp đã ra đi
mùi hương còn mãi đâu đây
ai cũng nhận ra như hàng cây trong đêm lặng lẽ
anh thấy những đám mây quàng trên cổ em mong manh dải lụa mềm
những đám mây vọng lời em
​​găm vào ngực anh

bước êm & thong thả
chẳng ngoái mặt về phía anh
nước mắt đưa tiễn quỳ như ngọn cỏ ngày mưa
phút giây này anh thuộc về đám cỏ dưới chân con bò tơ thiếu sữa
thảng thốt ve kêu mùa hè

cái đẹp không còn cô đơn
muôn dòng sông cuối cùng cũng ra bể lớn
trong bể lớn anh nhìn thấy những con sóng tinh khôi của em dài bất tận
những con sóng miên trường
thao thức
phía mặt trời lên

những ngón tay em dịu dàng lá xanh thanh khiết
ôm ấp "trái tim sinh nở" (*) muôn hoa
anh tin
cái đẹp chẳng bao giờ chết
sáng nay em ra đi vĩnh viễn không quay về khác những khi ra chợ
dù vầng trăng khuya lơ lửng đợi chờ.

                                                    6/7/2023

--------

(*) Tên một bài thơ của LTMD.

Lê Thiếu Nhơn
.
.