Những nhà báo - nhà thơ làm rạng danh quê hương Xứ Đoài

Thứ Bảy, 01/07/2023, 08:31

Trong nền báo chí và thơ ca Việt, vùng Xứ Đoài nổi lên nhiều gương mặt tài danh, tỏa sáng văn đàn, góp phần đáng kể trong đổi mới và phát triển nền báo chí, thơ ca dân tộc, tiêu biểu như: Tản Đà, Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Bằng Việt…

1. Tản Đà (1889 - 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở xã Khê Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Xuất thân từ gia đình khoa bảng nhưng Tản Đà mồ côi cha năm mới 3 tuổi, được anh trai cùng cha khác mẹ nuôi ăn học. Năm 15 tuổi, Tản Đà nổi tiếng thần đồng vì học giỏi nhưng thi cử bị trượt nhiều lần.

Bậc đàn anh của nghề báo: Năm 1916, ông làm báo và văn thơ, lấy bút danh Tản Đà. Nghề làm báo thời nào cũng khó, khi đất nước bị mất chủ quyền càng khó hơn, vượt qua mọi trở ngại, Tản Đà sáng lập và làm chủ bút Tạp chí Hữu Thanh, ra số đầu ngày 1/8/1921, được các vị tiền bối là Phan Bội Châu, Bạch Thái Bưởi đóng góp trí lực, Tạp chí trở thành vũ khí lợi hại phục vụ dân sinh. Năm 1926, Tản Đà ra tờ An Nam tạp chí (năm 1927) và thường xuyên giữ vị trí cây bút chủ lực. Sau nhờ sự giúp sức của Ngô Tất Tố, An Nam tạp chí phát triển tuần/số và tồn tại đến năm 1933. Ngoài ra, Tản Đà còn cộng tác với: Đông Pháp thời báo, Ngày nay, Văn học tạp chí… Nhiều học giả đương thời trân quý, cảm phục tôn vinh Tản Đà là bậc đàn anh của nghề báo.

Ngôi chủ súy của Tao đàn. Những người yêu văn chương vẫn luôn ngưỡng mộ Tản Đà đặc biệt về thơ ca. Ông được đánh giá là thi sĩ có vai trò khai nền đặt móng cho sự phát triển của trào lưu Thơ mới. Trong những năm 1920 - 1930, Tản Đà là ngôi sao sáng trong bầu trời thơ Việt. Ở đâu thơ ông cũng được bạn đọc yêu mến bởi sự độc đáo, sáng tạo, khát khao hướng tới cuộc sống thoát tục, tự do, hạnh phúc. Ông viết nhiều thể thơ với nội dung đa dạng, đậm phong cách riêng. Những tác phẩm chính như "Khối tình con I" (1916), "Khối tình con II" (1916), "Tản Đà xuân sắc" (1918), "Còn chơi" (1921), "Thơ Tản Đà" (1925), "Khối tình con III" (1932). Một số bài thơ của ông được tuyển trong chương trình Ngữ văn bậc phổ thông trong nhiều năm qua và hiện nay như: "Thề non nước", "Muốn làm thằng Cuội". Nhà văn hóa lớn Nguyễn Tuân đánh giá: "Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy". Không những thế, Tản Đà còn là một dịch giả thơ Đường rất nổi tiếng. Khi Tản Đà quy tiên, Ngô Đức Kế đã viếng ông đôi câu đối: "Tản sơn hùng vĩ danh thiên cổ/ Đà thủy trường lưu đức vạn niên".

2. Quang Dũng (1921 - 1988), tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở xã Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Thời niên thiếu và mới lớn, ông học ở Trường Thăng Long, sau tốt nghiệp, làm thầy giáo dạy học tư ở Sơn Tây.

Những nhà báo - nhà thơ làm rạng danh quê hương Xứ Đoài -0

 Phóng viên mặt trận, biên tập viên: Ông tham gia vào quân đội, trở thành phóng viên của Báo Chiến đấu. Năm 1947, ông được cử đi học tại Trường Trung cấp quân sự ở Sơn Tây rồi làm Đại đội trưởng tiểu đoàn 212. Thời gian sau, Quang Dũng tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai và làm Phó đoàn Tuyên truyền Lào - Việt. Cuối năm 1948, ông giữ chức vụ Trưởng tiểu ban Tuyên huấn của Trung đoàn 52. Ngoài sáng tác truyện ngắn, kịch, nhạc, ông còn tham gia triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh khác. Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ và tiếp tục công tác trong ngành báo. Từ sau năm 1954, ông làm biên tập viên của Báo Văn nghệ rồi chuyển làm biên tập của Nhà xuất bản Văn học.

Tạc nên bằng thơ tượng đài người lính Tây Tiến bất hủ. Các tập thơ tiêu biểu của Quang Dũng: "Bài Thơ Sông Hồng" (1956), "Rừng Biển Quê Hương" (1957), "Mây Đầu Ô" (1986)... Trong đó, bài thơ "Tây Tiến" (1948) là đỉnh cao chói lọi của thơ ca viết về người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Trên bối cảnh Tây Bắc hùng vĩ, ông dựng nên chân dung người lính Tây Tiến với vẻ đẹp rất mực hào hoa giữa môi trường chiến đấu khắc nghiệt. Xuất thân là những chàng trai sinh viên  Hà Nội, các chiến sĩ nhìn đời bằng con mắt lãng mạn, tinh thần lạc quan trong tình yêu và trong cuộc sống. Tâm hồn những người lính giàu mơ mộng đắm say trong nỗi nhớ những ngày tháng gắn bó với con người và miền đất Tây Bắc. Tình yêu nước, yêu con người là cội nguồn sức mạnh để các anh chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Vẻ đẹp bi hùng ở người lính Tây Tiến được soi sáng bởi lí tưởng độc lập tự do Tổ quốc của lớp thanh niên thời kì kháng chiến chống Pháp. Với kiệt tác này, Quang Dũng đã tạc nên bằng thơ tượng đài lồng lộng và bi tráng và bất hủ về người lính.

3. Ngô Quân Miện (1925 - 2008) vừa là nhà báo, nhà thơ và dịch giả. Ông sinh tại làng Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình nhà nho.

Những nhà báo - nhà thơ làm rạng danh quê hương Xứ Đoài -0

Tổng biên tập Báo Độc lập: Từ nhỏ Ngô Quân Miện đã sáng dạ, có thơ và truyện đăng báo khi mới 14 tuổi - năm 1939 - trên tờ Tin mới với những sáng tác viết về đề tài thiếu nhi. Trước Cách mạng tháng 8/1945, Ngô Quân Miện làm cán bộ kỹ thuật của Sở Canh nông Bắc kỳ. Ông lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, viết báo, làm thơ. Năm 1951 ông chuyển sang làm biên tập ở Báo Độc lập rồi làm Tổng biên tập của báo. Đến sau hòa bình 1954, ông học tại chức Ngữ văn, tiếp tục làm báo và sáng tác thơ. Ông được bầu vào ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa IV.

Hồn thơ đôn hậu mà tinh tế: vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979, ông gắn bó mối tình tri kỷ "bộ ba nhà thơ" cùng với Trần Lê Văn và Quang Dũng. Tâm hồn thơ ông đôn hậu, khiêm nhường nhưng có khả năng phát hiện vẻ đẹp mong manh, tinh tế trong cuộc sống. Hai mảng thơ chính của ông là thơ thiếu nhi và thơ trữ tình. Tác phẩm tiêu biểu như: "Bay chuyền" (thơ thiếu nhi - 1976), "Bông hoa cỏ, mặt gương soi" (in chung, 1981), "Đất ngọn nguồn" (in chung 1982), "Bóng núi" (1993)… Ông được nhận Giải Ba thơ Tạp chí Văn nghệ (1960 - 1961); Giải Ba văn học thiếu nhi với tập "Chú bé nhặt bông gạo" (1994). Một số bài thơ của ông được chọn đăng trong sách tiếng Việt bậc Tiểu học.

4. Bằng Việt (sinh 1941) tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 

Những nhà báo - nhà thơ làm rạng danh quê hương Xứ Đoài -0

Nhà báo sáng lập tờ Người Hà Nội: Bằng Việt tốt nghiệp khoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp Kiev, Liên Xô năm 1965, khi về nước, công tác tại Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Đến 1969, ông chuyển công tác về Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1970, ông vào công tác tại chiến trường Bình Trị Thiên với tư cách là phóng viên mặt trận. Hoàn thành nhiệm vụ, ông công tác tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1983 - 1989), là một trong những người sáng lập tờ Báo Văn nghệ Người Hà Nội, xuất bản từ 1985, nay là Tạp chí Người Hà Nội.

Nhà thơ lớn, dịch giả thơ với phong cách riêng: Bằng Việt có thơ đăng báo từ năm 13 tuổi. Thơ ông tạo cho người đọc cảm xúc khó quên bởi nội dung đa dạng, chứa đựng sâu sắc cảm hứng về tình yêu, đất nước, con người cả trong chiến tranh và thời bình. Cảm xúc thơ ông thường hướng về những kỷ niệm thời ấu thơ và tuổi trẻ, khơi gợi những mơ ước, khát vọng cao đẹp, giọng điệu vừa trữ tình sâu lắng vừa suy tư, triết lý. Nhà thơ có những sáng tạo và đóng góp đáng kể trong việc phát triển thể thơ tự do, xây dựng ngôn ngữ thơ hiện đại bình dị nhưng giàu mỹ cảm. Ngôn ngữ thơ ông giàu hình ảnh, không hoa mỹ, cầu kỳ, được chắt lọc từ thực tế đời sống, vận dụng khéo các biện pháp tu từ, có sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tác phẩm tiêu biểu: "Hương cây - Bếp lửa" (in chung 1968), có bài thơ "Bếp lửa" được chọn giảng dạy trong nhà trường phổ thông bậc Trung học cơ sở; "Những gương mặt, những khoảng trời" (1973); "Đất sau mưa" (1977); "Khoảng cách giữa lời" (1983)... Ông đoạt Giải Nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội  (1968), Giải thưởng Nhà nước về Văn học (năm 2011).

 Xứ Đoài với khí thiêng hội tụ, non nước hữu tình sinh dưỡng nên những tài năng văn chương hay chính những nhà báo - thi nhân ấy làm rạng danh quê hương núi Tản, sông Đà? Lớp người đi tiếp con đường các bậc tiền bối đã đi còn nhiều người khác nữa… Tin rằng nguồn mạch văn chương Xứ Đoài sẽ còn dào dạt chảy mãi.

Nguyễn Thị Thiện
.
.