Nhà báo Trần Mai Hạnh gửi lại một“biên bản'' lịch sử

Thứ Sáu, 12/04/2024, 11:18

Nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời lúc 18h50' ngày 2/4 tại TP. Hồ Chí Minh, khi ông vừa kết thúc hành trình xuyên Việt thăm lại những vùng đất mà ông từng tác nghiệp với tư cách phóng viên chiến trường. Cuộc đời 82 năm của nhà báo Trần Mai Hạnh cũng là một "biên bản" lịch sử của đời sống truyền thông Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà báo Trần Mai Hạnh làm phóng viên chiến trường suốt 10 năm (1965-1975). Những ngày tháng ấy có thể cảm nhận qua cuốn sách "Thời tôi sống" của ông được viết khá thuyết phục: "Tắm mình trong những thử thách quyết liệt, sự đau khổ và cả những niềm vinh hạnh lớn lao của dân tộc, con người dù ở hoàn cảnh ngặt nghèo nào cũng không hề tuyệt vọng, không hề cảm thấy nhỏ bé và đơn độc. Chiến tranh là một cuộc thử thách nghiêm khắc và toàn diện đối với mỗi dân tộc và mỗi một con người. Trong chiến tranh, hơn lúc nào hết, con người được giao phó đến cao độ vận mạng của chính mình, và xử trí ra sao, cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người. Tuổi trẻ chúng ta không bao giờ được quyền nghĩ đến cái chết, mà chỉ được quyền nghĩ đến sự sống, giành giật lấy sự sống từ tay kẻ thù. Những mầm xanh mang sức sống mãnh liệt đang thức dậy trong tâm hồn tôi".

Nhà báo Trần Mai Hạnh gửi lại một“biên bản'' lịch sử -0
Nhà báo Trần Mai Hạnh (1/1/1943-2/4/2024).

Có thể xem nhà báo Trần Mai Hạnh như một chứng nhân lịch sử. Bởi lẽ, ông là một trong số ít nhà báo có mặt ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ông may mắn được chứng kiến những thời khắc lịch sử quan trọng, cũng như may mắn được gặp những con người để lại dấu vết trong thời khắc quan trọng này. Bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh có tên gọi "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" được phát trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam ngay trong đêm 30/4/1975, và được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng trong buổi thời sự đặc biệt trưa 1/5/1975.

Tuy nhiên, chính nhà báo Trần Mai Hạnh thổ lộ, đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" không phải do chủ ý chọn lựa của ông, và dường như cũng không phải do ông nghĩ ra: "Khi cờ chiến thắng vừa được kéo lên, tôi lao vào việc tìm hiểu các dữ kiện để viết bài tường thuật rồi ra cảng Sài Gòn. Dưới sông, tàu hải quân của quân đội Sài Gòn trúng đạn của Quân giải phóng, nổ tung, khói cuộn mù mịt. Trên bến, bà con cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn quân giải phóng tiến vào. Không khí cực kỳ sôi động, hoành tráng.

Cảng Sài Gòn, nơi năm 1911 Bác Hồ lưu luyến giã từ Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, ngày hôm nay đã rợp bóng cờ sao. Lúc ấy tôi rưng rưng nước mắt nghĩ đến Bác Hồ kính yêu, nghĩ đến khát vọng thống nhất mãnh liệt của cả dân tộc đã hoàn thành, nghĩ đến thời khắc hòa bình, chiến tranh chấm dứt, bom rơi đạn nổ không còn nữa... Khi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh huy hoàng của bến cảng Sài Gòn bừng hiện ngay trước mắt đã khiến tâm trí tôi chợt hiện lên dòng chữ: "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng". Và tôi đã dùng những dòng chữ đầu tiên ấy làm đầu đề bài tường thuật điện về Tổng xã ở Hà Nội ngay chiều 30/4/1975".

Đất nước thống nhất, nhà báo Trần Mai Hạnh từng được giao nhiều trọng trách trong lĩnh vực báo chí. Thế nhưng, trên hết và sau cùng, nhà báo Trần Mai Hạnh là một nhân vật cầm bút. Ông đã chọn nghề viết, và nghề viết đã không phụ ông. Rèn luyện trong khói lửa, thành đạt trong hòa bình, Trần Mai Hạnh đón nhận không ít vinh quang và cũng nếm trải không ít nhục nhằn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là ông chưa bao giờ ngừng viết, dù lúc đương chức lãnh đạo truyền thông hay lúc về hưu thường dân áo vải.

Nhà báo Trần Mai Hạnh đi cả hai chân báo chí và văn chương. Những cái nóng bỏng và gai góc, ông chuyển đến độc giả bằng báo chí. Những cái sâu đằm và đôn hậu, ông chuyển đến độc giả bằng văn chương. Sau cuốn "Thời tôi sống" được xem như tự truyện văn chương, thì cuốn "Viết và đối thoại" có thể xem như tự truyện báo chí của Trần Mai Hạnh. Hơn 860 trang "Viết và đối thoại", Trần Mai Hạnh bộc bạch những quan niệm của ông về thế sự, về nhân sinh, về từng số phận chấp chới áo cơm, về tương lai dân tộc đang từng ngày hội nhập…

Trần Mai Hạnh bộc bạch: "Những tác phẩm trong "Viết và đối thoại", với tôi là lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại trong cuộc đời làm báo của tôi từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngày hòa bình đầu tiên, những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây cấm vận, đến những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập. Thực chất thì những tác phẩm báo chí thường chỉ có sức hấp dẫn và thu hút bạn đọc ở ngay thời điểm nó xuất hiện, thời gian càng lùi xa nó càng chìm vào quên lãng và không mấy ai nhớ tới. Tôi chọn in những bài báo còn lưu lại được trong tôi về những sự kiện, sự việc, cảnh ngộ con người đã trải qua một thời, còn với độc giả, nó có gợi nhớ được điều gì không thì lại là một câu chuyện khác".

Phía sau sự nghiệp của nhà báo Trần Mai Hạnh, không thể không nhắc đến người vợ tào khang là nhà thơ Bùi Kim Anh. Họ cưới nhau ngày 5/8/1972 tại Hà Nội, khi ông 29 tuổi vừa trở về chiến trường khu 5, còn bà 24 tuổi đang làm giáo viên ở Đông Anh. Hạnh phúc của họ bắt đầu giản dị và kham khổ, với căn hộ tập thể vỏn vẹn 6 mét vuông, chỉ đủ chui ra chui vào. Vậy mà mỗi đêm chồng vẫn miệt mài viết báo, vợ vẫn lặng lẽ soạn giáo án.

Rồi đứa con gái đầu lòng Trần Mai Anh cũng chào đời trong không gian chật chội ấy. Mọi cơ cực, chị gánh vác hết, cho chồng yên tâm công tác. Khi con chập chững biết đi, chị lại tiễn chồng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước hòa bình, khó khăn vẫn chồng chất. Nhà báo Trần Mai Hạnh tiếp tục rong ruổi trên những chặng đường tác nghiệp. Hai đứa con nữa chào đời, Trần Hiền Anh và Trần Mai Linh, nhà thơ Bùi Kim Anh vẫn tay năm tay mười lo lắng mọi thứ. Ngoài những giờ dạy văn trên trường học, nhà thơ Bùi Kim Anh nuôi heo và đạp xe đi bỏ mối hàng thủ công khắp phố phường Hà Nội. Đến khi chồng vinh hiển thành đạt, chị vẫn sống thanh đạm và khiêm nhường. Nhà báo Trần Mai Hạnh thổ lộ: "Sự nghiệp của tôi, hơn phân nửa từ may mắn có được người vợ hiền!".

Nhà báo Trần Mai Hạnh không nói ngoa. Bởi lẽ, không có mấy người phụ nữ làm thơ nào lại phải đối diện với nhiều tai ương như nhà thơ Bùi Kim Anh. Năm 1982, hàng xóm bất cẩn gây hỏa hoạn, gia đình chị cũng bị vạ lây, bao nhiêu tài sản tích cóp bỗng thành tay trắng. Rồi nhà báo Trần Mai Hạnh bị tai nạn giao thông, chị phải đóng chốt tại bệnh viện suốt 2 tháng ròng rã để chăm sóc chồng. Rồi anh vướng vòng lao lý khi đang ở đỉnh cao danh vọng, chị lại vừa lặn lội thăm nuôi chồng vừa động viên tinh thần các con. Có lúc chị tưởng mình không thể chống đỡ nổi những cơn cuồng phong của số phận.

Thương chồng, thương con, chị bám lấy thi ca để vượt qua định mệnh khắc nghiệt: "Những vật vã đã qua đi lại đến/ Tuyến lệ đã khô, nước mắt lại đầy/ Buông tay để hạt thời gian lăn lóc/ Buông tay tất cả kệ bóng chiều sầm sập/ Một người đàn bà bỏ quên những câu thơ tình trong cuốn sổ tay vàng úa/ Một người đàn bà run rẩy trái tim mềm". Và chị cũng thầm ao ước một sức mạnh cho riêng mình: "Nếu tôi là đàn ông/ Tôi sẽ sống một ngày không cần biết đến thời gian, gia đình, bữa ăn, giấc ngủ, và cả những điều ấp ủ, tình yêu/ Và chính vì những ý nghĩ ngông cuồng này/ Tôi mãi là người đàn bà tội nghiệp".

Nhà báo Trần Mai Hạnh gửi lại một“biên bản'' lịch sử -1
Vợ chồng nhà báo Trần Mai Hạnh - Bùi Kim Anh trong đám cưới năm 1972.

Một dấu ấn nhà báo Trần Mai Hạnh để lại cho cộng đồng là tiểu thuyết tư liệu "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Chữ nghĩa của một cử nhân văn chương và khả năng thẩm thấu của một nhà báo chuyên nghiệp, Trần Mai Hạnh không làm độc giả thất vọng khi cầm "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Chính những chi tiết ngồn ngộn và sinh động đã làm nên sức hấp dẫn của "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Đã có nhiều người viết về sự tan rã của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhưng chưa ai có được nguồn tư liệu dồi dào như Trần Mai Hạnh.

Đọc "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", người đọc dễ dàng thấy được tác giả đã tập hợp được rất nhiều tài liệu có sức thuyết phục rất cao, gồm hồ sơ lưu trữ, biên bản lời khai và cả các bài phỏng vấn báo chí tiếng Việt lẫn báo chí tiếng Anh. Ưu điểm nữa của Trần Mai Hạnh là ông biết cách đối chiếu, so sánh và phục dựng kho tư liệu của mình thành những diễn biến lôi cuốn. Do đó, nhiều gương mặt tương đối mờ nhòe trong giai đoạn lịch sử này được Trần Mai Hạnh sử dụng một cách khéo léo để kết nối các tuyến nhân vật uyển chuyển và chặt chẽ hơn, mà ví dụ cụ thể nhất là Mai Anh - vợ Nguyễn Văn Thiệu. Do đó, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" dung hòa được hai yếu tố thông tin và thẩm mỹ.

Bây giờ, nhà báo Trần Mai Hạnh không còn nữa, mọi được mất chỉ như bóng mây thoáng qua một kiếp người. Cái ông theo đuổi là trang viết và cái ông còn lại cũng là trang viết. Rất có thể, vài chục năm nữa, chẳng ai còn nhớ nhà báo Trần Mai Hạnh từng làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và làm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam nhiều khóa, mà người ta chỉ nhắc nhà báo Trần Mai Hạnh cùng tiểu thuyết tư liệu "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Cái hạnh phúc bình dị ấy đối với một nhà báo, rất đơn sơ mà cũng rất kỳ vĩ.

Lê Thiếu Nhơn
.
.