Nguồn cảm hứng hôm nay

Thứ Bảy, 20/11/2021, 22:41

Hôm rồi, tôi được biết tin, các văn nghệ sĩ: Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Chế Lan Viên, Huy Du sẽ được đặt tên phố ở Hà Nội. Cũng như những cái tên Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Nam Cao... những con phố mới mang tên các nghệ sĩ tài năng này sẽ mang lại một nguồn cảm hứng với mỗi chúng ta khi nhắc đến, mỗi khi chúng ta đi qua.

Bởi, tên đường phố đâu chỉ là sự định danh, cách kí hiệu mà còn là một cách để giáo dục về văn hóa, lịch sử... Những điều đáng nghĩ, đáng nhớ đó được ví như một nguồn năng lượng tích cực thay vì chúng ta chỉ tò mò, hiếu kì với những chuyện “u ám” được bàn luận nhiều.

Sau gần hai năm quyết liệt chống các đợt dịch và phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, chúng ta rút ra những bài học bổ ích. Giữa tháng 10 vừa qua, có thông tin cho rằng: mạng xã hội Facebook đang có dự án với tên gọi là Ego4D với mong muốn trí tuệ nhân tạo AI (artificial intelligence) sẽ liên tục phân tích cuộc sống của người sử dụng thông qua các video góc nhìn thứ nhất, ghi lại những gì họ thấy, làm và nghe, từ đó giúp cải thiện các công việc hàng ngày. Tuy nhiên, có những điều tự bản thân mỗi người có thể tìm ra cho riêng mình, lại có những điều cần đến sự lan tỏa từ nguồn năng lượng tích cực của xã hội. Một việc làm mà có lẽ bản thân nền tảng của mạng xã hội khó thay thế được.

Không chỉ riêng trong tháng 11 với ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” chủ đề người thầy và giáo dục mới được bàn luận sôi nổi. Từ khi khái niệm “học trực tuyến” trở thành phổ biến, khi số hoá được đẩy mạnh trên thế giới, từ khi chúng ta hy vọng vào nền tảng kết nối công nghệ sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm… đã thực sự đặt ra với chúng ta câu hỏi: Phạm vi ảnh hương của người thầy có bị thu hẹp; có bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo AI hay không? Giáo dục hôm nay đã biến đổi, đã mang một nội hàm rộng lớn như thế nào?

Nguồn cảm hứng hôm nay -0
Cô Đặng Hoàng Hà, giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm phim hoạt hình để truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh.

Theo cách nghĩ của người viết, giờ đây chúng ta không nên bó hẹp giáo dục khái niệm người thầy trong phạm vi “gõ đầu trẻ”. Hay nói cách khác, giáo dục còn là việc truyền cảm hứng cho xã hội. Vậy xã hội có thực sự cần đến nguồn cảm hứng không? Nguồn cảm hứng ấy có khi nào bị suy giảm không?

Người viết xin kể một câu chuyện khác tưởng như chẳng liên quan gì. Trước trận đấu giữa Đội tuyển Bóng đá Việt Nam gặp Đội tuyển Bóng đá Nhật Bản ở vòng loại cuối cùng Word Cup 2022, hàng loạt báo đưa tin về giá vé của  chợ đen khiến nhiều người bất ngờ như: “Bán giá cắt lỗ nhưng...vẫn ế”, “rẻ như cho”, “giảm... thủng đáy!”. Điều này có phải là hậu quả của đại dịch COVID-19 nên khán giả ngại đến sân, lo sợ nguy cơ lây nhiễm chăng? Thật ra, đó có thể chỉ là một phần.

Nó còn xuất phát từ một quan điểm xem bóng đá của người Việt mà HLV Park Hang-seo từng nhắc đến: “Người Việt Nam yêu thích bóng đá nhưng chỉ là bóng đá chiến thắng thôi”. Hoá ra, những cuộc “đi bão” sau mỗi kì tích hay biển người đi đón Đội tuyển Bóng đá U23 lập “kì tích Thường Châu” trở về vẫn chưa phải xuất phát từ nguồn cảm hứng đích thực. Thậm chí, tiềm ẩn đâu đó còn đặt niềm tự hào dân tộc dưới mưu mô cá độ, ăn thua. Nó có cái gì đó giống với việc nhiều người từng tung tin hoang mang như “toang” chỗ này, chỗ kia trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát. Chúng ta đang tự đánh mất nguồn cảm hứng tốt đẹp của mình.

Gần đây, tôi thấy nhiều người thường bắt đầu nội dung bài giảng của mình bằng hai từ “chia sẻ”. Họ chia sẻ trên giảng đường đại học, chia sẻ trong các buổi nói chuyện trực tiếp, trong buổi livestream trên mạng xã hội hoặc tại một quán café… Hôm nay, có thể bạn là người chia sẻ với đám đông nhưng chỉ ngày mai, chính bạn lại ngồi lắng nghe ai đó chia sẻ một tri thức nào đó. Thế mới biết ngôi thứ, vai vế trong một xã hội thông tin, một xã hội học tập chỉ mang tính nhất thời và tương đối, quan trọng là cách bạn tiếp cận và nhân lên nguồn cảm hứng ấy như thế nào.

Nguồn cảm hứng hôm nay -0
Hai ca sĩ Tuấn Hưng và Tùng Dương biểu diễn kêu gọi ủng hộ để phòng, chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang.

Mạng xã hội (Social Network) đang là một nền tảng, một xa lộ thông tin được khai thác. Thậm chí, người ta còn ví sự liên kết đó như một hệ sinh thái (Ecosystem). Không chỉ Coca cola từng quảng cáo: “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống Coca cola”, người ta buôn bán, tìm tình yêu, báo tin hiếu, hỉ, “cúng face” và cũng “nhận gạch đá” từ face. Hệ sinh thái “ảo” ngày càng có vai trò quan trọng nắm giữ phần tinh thần. 

Thực ra, cách đây vài thập niên, khái niệm truyền thông xã hội (social media) đã được nhắc đến ở các nước phát triển. Ngày nay, với sự nhìn nhận đúng đắn và khai thác hợp lý, mạng xã hội đã trở thành công cụ đắc lực chuyển tải những thông tin chính thống, đem lại hiệu quả cao. Trong bài viết: “Tận dụng ưu thế mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đảng”, trên Tạp chí Tuyên giáo, TS. Lương Ngọc Vĩnh và Đại tá, ThS. Ngô Thành Khiên nhận định: “Với công nghệ hiện đại, thông qua lập các trang fanpage, group, kênh Youtube, mạng xã hội hoàn toàn có thể trở thành cánh tay nối dài của báo chí trong cung cấp thông tin chính thống và định hướng kịp thời những vấn đề quan trọng, nhạy cảm”.

Trên phương diện văn hóa, trong các đợt dịch COVID-19, các văn nghệ sĩ đã sử dụng những ưu thế của nền tảng này để thực hiện buổi biểu diễn trực tuyến trên mạng xã hội. Cụ thể như khi ca sĩ Tuấn Hưng và Tùng Dương từng thực hiện kêu gọi mọi người ủng hộ, chung tay, lan toả tinh thần đoàn kết cùng các y, bác sĩ và người dân Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch. Ca sĩ Tùng Dương cho biết: “Quan điểm của tôi khi dùng mạng xã hội là nơi để chia sẻ những câu chuyện cá nhân, những mối quan tâm của mình, hay những kiến thức về xã hội. Nhưng tôi tuyệt nhiên không nói điều gì mình không hiểu, không biết. Nghệ sĩ cần dùng mạng xã hội để sống đẹp, sống có ích mỗi ngày, khơi dậy những điều tốt đẹp ở mọi người”.

Với những hiệu quả trong việc “định hướng kịp thời”, hay “khơi dậy những điều tốt đẹp”, có thể giúp chúng ta có những suy ngẫm thú vị.

Giáo dục không chỉ bó hẹp trong phạm vi của trường học (tất nhiên nhà trường là không thể thiếu trong giáo dục); người truyền cảm hứng, nguồn cảm hứng là khái niệm linh hoạt, rộng hơn một người thày. Chỉ từ một chủ trương, một triết lí sống có lý lẽ, có sức thuyết phục cũng góp phần thúc đẩy xã hội.

 Trong một xã hội bùng nổ thông tin và sự kết nối, học tập không chỉ là việc của người đi học, người được đào tạo mà với bất kì ai cũng có thể tiếp cận với những nguồn cảm hứng tốt đẹp. Đó là bài giảng thấm thía nhất, sâu sắc nhất trong cuộc đời. Nguồn cảm hứng không trực tiếp trang bị kĩ năng,  nhưng giúp bạn có những sáng tạo, những thay đổi tích cực.

Mỗi người chúng ta cần phải thay đổi để không chỉ là người đón nhận, không tự bó buộc, thụ động với những gì được học để tiếp thu tri thức mới, thông tin mới và trở thành nguồn phát, nguồn lan tỏa những cảm hứng ấy.

Trong suốt mấy tháng giãn cách xã hội vừa qua, nhiều phụ huynh chia sẻ mình đã phải học cùng con, thậm chí mày mò học lại các môn học để phụ giúp thầy, cô giáo. Điều đó nói lên một tín hiệu tích cực: giáo dục không chỉ là chuyện “khoán trắng” cho nhà trường. Chỉ khi gia đình và xã hội cùng lan truyền nguồn cảm hứng ấy, tham dự vào không khí học tập ấy mới đem lại hiệu quả. Nguồn cảm hứng của hôm nay cần bạn đón  nhận và nhân lên để rồi chính bạn lại được thụ hưởng điều đó… 

Mai Phương
.
.