Nguồn cảm hứng cho tương lai

Thứ Sáu, 17/09/2021, 14:32

Dù không còn làm trong ngành giáo dục đã lâu nhưng mỗi khi đến ngày khai trường, tôi vẫn dành cả buổi sáng để theo dõi tin tức trên báo điện tử và và mạng xã hội facebook. Nếu như mọi năm, sự khởi đầu của năm học mới ở mỗi vùng quê tạo nên muôn sắc màu của một xã hội học tập thì năm học này điều ấn tượng lại được thay bằng những chấm phá. Bởi, trong không khí khai trường rộn rã, ở nhiều nơi các em học sinh bước vào năm học mới ở chính ngôi nhà của mình, cùng thầy cô, bạn bè khai giảng qua màn hình máy tính.

Sớm nay, tôi dừng lại rất lâu ở status của một người anh từng học trên tôi mấy khoá ở trường đại học. Anh hiện giờ là một tiến sĩ ngành KHXH. Lâu nay, tôi rất khâm phục anh bởi tài năng và sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của một người xuất thân từ làng quê. Trong bức hình mà anh đăng lên trang cá nhân là căn phòng làm việc nhỏ với lá quốc kì được cắm ngay ngắn, hai chiếc laptop được bật lên, hai cậu con trai anh đứng nghiêm trang như đang tham gia lễ chào cờ ở sân trường.

Và, điều xúc động nhất là người cha ăn mặc chỉnh tề, đứng khiêm nhường phía sau các con. Tôi nghĩ, nếu như ngày khai giảng diễn ra bình thường như mọi năm, anh đâu được dự cùng các con anh như thế. Người cha ấy vừa như một người bạn của các bé ngày hôm nay, vừa gợi lại hình ảnh của anh ngày xưa. Với người tri thức, càng học càng thấy cuộc đời rộng lớn, họ mãi mãi giữ cho mình vị thế của người học trò khiêm nhường mà tự tại chăng?

Nguồn cảm hứng cho tương lai -0
Giáo viên, phụ huynh và học sinh Thủ đô theo dõi lễ khai giảng qua truyền hình và thực hiện nghi lễ chào cờ.

Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến những hình ảnh khá thú vị của cha mẹ, ông bà của chúng ta trong bài hát: "Cháu đi mẫu giáo" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (sáng tác năm 1976): "mẹ trồng cây trái, ba vào nhà máy, ông bà vui cấy cày"; và ở bài thơ "Đi học" của Hoàng Minh Chính là: "Hôm nay mẹ lên nương/Một mình em tới lớp". Gần 50 năm qua những hình ảnh này vẫn gần gũi, không hề lạc đề với hiện thực trung tâm của tác phẩm là mái trường. Phải chăng, chính cha mẹ, gia đình và rộng hơn nữa là xã hội bấy lâu nay là nguồn động viên tinh thần để các em tới lớp. Trong bối cảnh chúng ta đang tập trung trí lực cho cuộc chiến chống dịch bệnh, điều đó còn là điểm tựa vững chắc phía sau để các em vượt lên những khó khăn trong học tập.

Trước đây, tôi từng dành thời gian để đọc những câu chuyện về chủ đề này. Trong bức thư gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai mình đang học, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln viết: "…Xin thầy hãy giúp cháu có niềm tin chính đáng vào bản thân dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến của cháu là sai lầm - Dạy cho cháu biết cách lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng biết cách sàng lọc qua tấm lưới của chân lí để đón nhận được những điều tốt đẹp - Xin giúp cháu có được sự dũng cảm để không dung thứ sự sai trái và bền chí để là người dũng cảm - Xin dạy cho cháu biết rằng phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân nhờ thế cháu mới có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại. Đó là yêu cầu quá lớn, nhưng xin thầy hãy cố gắng, và như thế con trai tôi quả thật là cậu bé hạnh phúc". Và rồi, chính những mong mỏi trong bức thư của ông cũng trở thành một bài học nhiều thế hệ khi được nhà trường đưa vào nội dung giảng dạy (Ngữ văn 12, Chương trình chuẩn).

Nguồn cảm hứng cho tương lai -0
"Ranh giới" của ngày hôm nay sẽ là bài học, là nguồn cảm hứng về sự nhân văn cho tương lai.

Mấy ngày qua, bộ phim tài liệu phóng sự "Ranh giới" (Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) trên VTV1 đã gây một ấn tượng mạnh mẽ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long đã gửi thư cảm ơn đoàn làm phim của Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN). Bộ phim không có lời bình, không bị chi phối bởi ý tưởng kịch bản, của đạo diễn nhưng toát lên được sự căng thẳng, kịch tính, vừa thể hiện sự bình tĩnh, tỉnh táo của người trong cuộc.

Trên Vietnamplus.vn, nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ: "Chắc chắn ai cũng cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến đấu với giặc COVID-19 để giành lại sự sống cho con người, mà điều đặc biệt nhất, khiến cho chúng ta gai người và cảm thấy hồi hộp, kịch tính nhất, chính là việc cứu chữa các sản phụ. Có người được cứu sống, nhưng cũng có những người đã không thắng nổi Thần Chết".

Điều đặc biệt sau những bộ phim này là nó không làm cho chúng ta thấy ghê sợ, bi quan, chán chường từ hiện thực mà khiến chúng ta cảm thấy trân trọng sự bình yên mà mình đang có và khát vọng tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn, ủng hộ tích cực hơn để bảo vệ tính mạng của đồng bào mình.

Bất chợt, người viết nhận ra, giữa những mảng sáng ấy có một sự gắn kết, một mối dây liên hệ. Có một điểm chung, một sợi dây xuyên suốt đó là chính là nguồn cảm hứng của cuộc sống. Mai sau, khi các em học sinh lớn lên sẽ nhớ mãi ngày khai giảng trong gian khó nhưng ấm áp trong sự nâng niu của toàn xã hội. Mai sau, những em bé ra đời từ những chiến công ngay trên "ranh giới" mà các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã tạo nên sẽ cảm nhận như thế nào về ngày hôm nay. Những người con khi thành đạt sẽ thấu tỏ những mong mỏi từ chính cha mình khi xưa mà Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nhắc đến.

1.Đó là "nhựa sống", một cảm hứng lương thiện, nhân ái để chăm bẵm, vun đắp các em như thế. Đã có lúc, chúng ta từng lo âu: chiến tranh đã lùi xa mấy thập niên, liệu trong cuộc sống đời thường con người Việt Nam (nói chung) và thế hệ trẻ (nói riêng) còn mang trong mình tinh thần dân tộc, còn sự gắn kết và có dám hy sinh vì nghĩa lớn? Hôm nay, chúng ta đã có được trả lời bằng những việc làm lặng lẽ nhưng mạnh mẽ, đanh thép của những bạn trẻ nơi tuyến đầu chống dịch.

2.Cảm hứng chính là nguồn năng lượng tích cực để mỗi người có ý thức, có sự chủ động, là cách hóa giải những áp lực, lo âu, sợ hãi, chán nản. Trong năm học mới này, nguồn cảm hứng đến với các em không chỉ đến từ bài giảng, từ một người thầy mà đến từ chính những việc làm nhỏ bé nhất. Một cơ hội thoát "văn mẫu", một cơ hội trải nghiệm cuộc sống ngay chính từ ngôi nhà của mình, với chính cha mẹ của mình. Bấy lâu nay chẳng phải chúng ta luôn trăn trở kiếm tìm nguồn năng lượng ấy để giúp con trẻ tránh xa cái xấu, hướng đến nguồn sáng lương thiện, luôn tìm cách "giải thoát" các em khỏi học thêm, dạy thêm đó sao?

3.Thiết nghĩ giáo dục là một khái niệm có nội hàm rộng lớn hơn một người thầy, một mái trường, một ngành bởi đó là trách nhiệm với tương lai của mỗi chúng ta. Tùy vào cách bạn bắt đầu với hôm nay mà sự nghiệp học hành của con cái, mà những quả ngọt trong ứng xử xã hội, những ý tưởng nhân văn xây dựng xã hội sẽ xuất hiện trong tương lai. Tôi bất giác nhớ đến lần ghé thăm một làng quê ở ngoại thành Hà Nội khi nhìn các em học sinh đi học về dưới tán cây râm mát do các thế hệ trước trồng và giữ gìn; khi tôi đi trên con đường khang trang do một người hiến đất, tôi nghĩ nó mang ý nghĩa nhiều hơn giá trị sử dụng thông thường. Đi trên con đường đó, người ta sẽ có những ý nghĩ tử tế hơn, biết chia sẻ, bao dung hơn. Bài học về cuộc sống có thể theo người ta đi suốt cuộc đời. Nguồn nhựa sống nhân văn có thể giúp người ta vươn lên thành người tốt trong cuộc đời.

Hôm nay, người cha cùng bên các con khai giảng trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Có thể anh chị phải vay mượn, lo toan mới có được chiếc laptop cho con học bài, có thể phải gác lại bao ngổn ngang trong công việc để cùng con vui đón năm học mới… Người viết tin rằng trong cuộc sống hôm nay đang có nhiều câu chuyện truyền cảm hứng như thế, một nguồn năng lượng nằm ngoài tất cả các chương trình, bài giảng; không gắn với trách nhiệm của bất kì ai nhưng lại vô cùng cần thiết trong cuộc sống này…

Việt Phương
.
.