Người ra đi, thơ còn lại

Thứ Năm, 09/06/2022, 18:15

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn trọng Tạo đã ra đi về cõi vĩnh hằng mấy năm rồi, nhưng những gì nhà thơ để lại vẫn sống trọn vẹn với thời gian, với nhiều người.

…Chia cho em một đời tôi
Một cay đắng, một niềm vui nỗi buồn
Còn tôi cái xác không hồn
Cái chai không rượu, tôi còn vỏ chai
  (Chia)

Bài thơ đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, giờ nhạc sĩ cũng ra đi theo nhà thơ về nơi thiên cổ. Nhưng, thơ và nhạc của hai người nghệ sĩ tài hoa này vẫn ngân vang trong hồn người.

Năm 1978, báo Nhân dân có mở một cuộc tuyển chọn những bài thơ hay nhất trong năm. Những người tham gia tuyển chọn thời đó là những nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Trong 10 bài thơ của 10 tác giả được chọn sau đó đăng trên báo Nhân dân có bài thơ “Đi trong rừng Cúc Phương” của tôi và bài “Làng có một ngày như thế” của Nguyễn Trọng Tạo, trong đó có hai câu thơ nay tôi vẫn nhớ:

Cái liềm cái hái, cái cối giã vừng
Cái kiềng chịu lửa, ta nào dám quên…

Hôm gặp mặt, nhận giải rất vui, tôi quen biết Nguyễn Trọng Tạo từ ngày đó.

nhà thơ nguyễn trọng tạo.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Lần ra mắt tuyển tập “Thơ và trường ca” của Nguyễn Trọng Tạo tôi đang ở TP Hồ Chí Minh, không đến được. Lúc ra Hà Nội, Nguyễn Trọng Tạo đã mang đến tận nơi tặng tôi tập sách và tôi đã đọc, nhiều bài hay. Tôi thích, nhất là phần thơ “Đồng dao cho người lớn”. Nhiều bài thơ, nhiều câu thơ giản dị mà sâu sắc, gợi và cảm, chân thật mà bay bổng… Tôi đã viết bài “Nguyễn Trọng Tạo - ứa nghẹn những bức bách đời thường” đăng trên một tờ báo.

Nhiều câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo đến nay tôi vẫn thuộc lòng:

…Sông Hương hóa rượu, ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say (
Huế 1)

…Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt
Một đứa vợ la, chục đứa kinh  (Huế 2)

…Có cánh rừng chết, vẫn xanh trong tôi
Có con người sống, mà như qua đời…
…Vẽ tôi mực rượu dấy trời
Nửa say, nửa tỉnh, nửa cười, nữa đau
Vẽ tôi thơ viết nửa câu
Nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về… (
Vẽ tôi)

…Trời chang chang nắng, ta về héo khô … (Chia)

Nói về thơ Nguyễn Trọng Tạo, sinh thời nhà thơ Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Trên bảng ghi công những văn nghệ sĩ đổi mới có hiệu quả, có tên Nguyễn Trọng Tạo”.

Nhà thơ Vũ Cao sinh thời cũng nhận định rất chính xác: “Ngòi bút anh thoải mái nói những điều không phải dễ nói ra”; còn Nguyễn Thụy Kha một người bạn thơ thân thiết với Nguyễn Trọng Tạo viết: “Thơ Tạo luôn ứa nghẹn những bức bách đời thường…”.

Có bài viết đăng trên báo gọi Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ “5 say”: Say văn, say nhạc, say đời, say họa và say rượu. Riêng tôi, thiển nghĩ, Nguyễn Trọng Tao còn nhiều cái say khác như say làm báo. Là một người không chỉ viết nhiều bài báo sắc sảo mà Nguyễn Trọng Tạo còn biết cách tổ chức một tờ báo, đúng hơn là một trang mạng với nhiều bài viết sinh động, hấp dẫn.

Say rượu, say thơ, say em… /say ngất ngưởng cả ngày /vẫn biết cách ngẩng cao đầu nói thật”, đó là một câu thơ trong bài thơ tôi viết tặng Nguyễn Trọng Tạo. Bởi tôi thiển nghĩ, với người làm báo chân chính thì nói ra sự thật và bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật quả không dễ, có khi còn nguy hiểm nữa. Nhưng, Nguyễn Trọng Tạo có lúc, có nơi, có  những bài viết đã thể hiện được điều đó.

Là một người nhiều cái say như vậy, lâu nay tôi cứ nghĩ người thơ đa tài này luôn lang bạt kỳ hồ, đâu có thời gian mà chăm sóc việc nhà, dạy dỗ con cái. Hóa ra, tôi đã nhầm.

Hẹn nhau mấy lần, rồi cũng có dịp đến ngôi nhà sàn của Nguyễn Trọng Tạo ở vườn sinh thái Vietnet, khu vực bãi giữa ngoài đê sông Hồng. Vừa bước vào sân, tôi đã nhìn thấy bốn pho tượng ở bốn góc vườn. Tôi nhận ra hai bức tượng quen quen. Tượng của thi sĩ Nga Ê Xê Nhin, một người say thơ, say rượu, say cái đẹp, đã thắt cổ tự vẫn khi mới 30 tuổi và để lại nhiều bài thơ hay cùng câu nói nổi tiếng “Vẫn biết chết chẳng có gì là mới/ nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn”. Bức tượng thứ hai là thi sĩ, nhạc sĩ Văn Cao. Cả hai thi sĩ tài năng này đều thích rượu.

Tiệc rượu ở nhà thi sĩ “5 say” hôm ấy sắp tan, những chai rượu đã rỗng bạn bè ngồi lại chỉ còn vài ba người, những người chủ của các công ty tư nhân yêu thơ, yêu nhạc… Tôi tưởng Nguyễn Trọng Tạo đã say, nhưng khi mở đầu câu chuyện văn chương, chuyện con cái… người thơ Nguyễn Trọng Tạo lại rất tỉnh.

Trò chuyện, tôi mới biết Nguyễn Cẩm Ly (tên thật là Nguyễn Thu Hương) cô con gái đầu của Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1977, vốn thông minh, học giỏi, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân nay đã là Phó giám đốc một ngân hàng. Cậu con trai Nguyễn Vũ Trọng Thi, sinh năm 1987, lúc đó đang làm luận án Tiến sĩ ở Ý. Cô con gái út Nguyễn Vũ Bảo Chi, sinh năm 1992, lúc đó đang học năm cuối của Trường Kinh tế.

Tôi nhớ mười năm trước đấy, mỗi lần vào Huế, tôi đều ghé nhà Nguyễn Trọng Tạo uống rượu, đọc thơ. Hai người con của thi sĩ “5 say” còn đuổi nhau chạy quanh sân… Thời gian thấm thoắt. Hỏi Nguyễn Trọng Tạo dạy con điều gì? Nguyễn Trọng Tạo nói: “Dạy kiên nhẫn và khôn khéo”. Nguyễn Trọng Tạo vạch vào khoảng không chữ “Nhẫn”. Bây giờ, nhiều người treo chữ “nhẫn” trong nhà. Treo để nhắc nhở bản thân và để dạy các con luôn kiên nhẫn.

Với Nguyễn Trọng Tạo, dạy các con kiên nhẫn, chính là dạy cho các con tấm gương kiên trì nhẫn nại của chính mình và người ông nội của các con mình. Ông đồ Vận (Nguyễn Trọng Vận) thân sinh thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo dạy chữ Nho, biết tiếng Pháp, từng đóng vai Lý trưởng để hoạt động cho Cách mạng. Khi Cách mạng thành công, ông giữ chức Bí thư, kiêm Chủ tịch xã. Nhưng rồi những sai lầm của cuộc cải cách điền địa đã khiến gia đình ông khốn đốn. Gia đình trắng tay. Ông phải làm thợ cày, thợ mộc, làm đủ nghề để nuôi vợ con. Với sự kiên nhẫn của một người đã kinh qua những biến động khôn lường, ông nhẫn nại chịu đựng, nhẫn nại dạy các con nên người. Nhà ông có sáu người con, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là con đầu.

Điều tôi thú vị nhất là khi Nguyễn Trọng Tạo nói dạy các con mình “khôn khéo”. Khôn khéo mà thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói ở đây chính là sự khôn ngoan. Khôn ngoan là cái khôn của người có trí tuệ, cái khôn của sự khôn lớn. Nó khác hẳn khôn lỏi, khôn vặt, khôn ranh mà nay không ít người đang “khôn”. Trong Kinh Thánh, nói rất nhiều và đề cao sự khôn ngoan, “Sự khôn ngoan hơn sức mạnh” (trích Kinh Thánh). Thì ra Nguyễn Trọng Tạo đã đọc Kinh Thánh từ lâu.

Thi sĩ “5 say” Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, tại Diễn Châu (Nghệ An). Năm 1969, tham gia quân đội, từng là Trưởng đoàn văn công xung kích sư 341B. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1976, Nguyễn Trọng Tạo vào học ở Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 1). Năm 1981, do một bài viết đăng trên báo, Nguyễn Trọng Tạo đã bị “lên bờ xuống ruộng”, Nguyễn Trọng Tạo kể rằng cũng chính thời gian đó, Tạo đã gần như trầm cảm. Nhưng rồi những suy nghĩ tích cực, với tình yêu cuộc sống, niềm tin vào cuộc đời đã giúp ông vượt qua những chướng ngại tâm lý của bản thân. …

Chính “Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi và lấp lánh vô vàn cái chớp mắt”. Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến từng nhận xét như vậy.

Chợt nhớ có lần tôi và Nguyễn Trọng Tạo đến chơi với nhạc sĩ An Thuyên thời An Thuyên còn làm Giám đốc văn hóa một doanh nghiệp. Tôi đến bằng Taxi, còn Tạo đi xe của một người đẹp mà nghe nói cũng là doanh nhân; hai người sống với nhau như vợ chồng. Lúc về Tạo bảo tôi đi cùng xe do người đẹp chở…

“Phức tạp như Nguyễn Trọng Tạo” là tên bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Cũng phải. Một người đa tài, đa tình, đa cảm như Nguyễn Trọng Tạo hẳn phải sống nhiều con người trong một con người, nhiều tính cách trong một bản thể, nhiều sự phân thân trong sự bất phân thân… Điều quan trọng là người thơ Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi nhưng thơ còn ở lại với đời. Và không chỉ có thơ, nhiều ca khúc sống mãi cùng năm tháng như “Làng quan họ quê tôi”; "Khúc hát sông quê”… và cả lá cờ thơ do Tạo vẽ cũng đã ở lại với đời…

Tháng 5-2022

Nguyễn Trọng Tạo

Đồng dao cho người lớn

có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời

có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

Dương Kỳ Anh
.
.