Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương và cánh cửa bên kia trời

Thứ Bảy, 28/05/2022, 22:03

Ba năm rời Việt Nam sang Mỹ sống cùng con gái, giữa những bận rộn mưu sinh nơi xứ người, giữa những nỗi cô đơn, thơ là chốn nương thân cho chị, để trút bỏ những nỗi niềm, sẻ chia. Dù cuộc sống nhiều biến động, thăng trầm, thì thơ vẫn ở đó, là một góc tâm hồn chân thật nhất của chị, để sau 10 năm, tưởng như giấc mơ thơ đã ngủ yên đâu đó, lại trở về...

1. Có lẽ đây là khoảng thời gian bình yên nhất của chị sau những bộn bề của cuộc sống. Chị sống cùng con gái và cháu ngoại. Một khoảng lặng cần thiết sau những thăng trầm, những huyên náo của đời sống.

Đặng Thị Thanh Hương nói, 10 năm, từ 2012 đến 2022 là quãng thời gian nhiều biến động trong cuộc đời chị. Chị rời xa Hà Nội vào Sài Gòn rồi lại sang Mỹ sinh sống. Những biến động về thời gian, không gian, về tuổi tác và tâm lí… Tất cả đều để lại những dấu ấn khó phai mờ. Và cảm xúc ấy được ghi lại trong hơn 300 bài thơ chị đã viết. Sau tập thơ thứ 6: "Người đàn bà chơi dao sắc", Nhà xuất bản Văn học, 2012, năm nay, sau 10 năm, chị quyết định xuất bản tập thơ thứ 7 và là cuốn sách thứ 9 "Cánh cửa bên kia trời" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương và cánh cửa bên kia trời -0

Với 90 bài thơ được chọn lọc trong 300 bài mới viết được chia làm 3 phần: Phần 1: "Những giấc mơ đàn bà"; Phần 2: "Nắng vàng phương khác" và phần 3: "Cánh cửa bên kia trời". Phần 1&2 như những trang nhật kí về đời người đàn bà đã đi qua hết thảy những vui buồn nhân thế, những khát vọng, sự xác tín về khổ đau và hạnh phúc. Phần 3 mở ra cho chính người thơ và tất cả chúng ta về một cõi khác, nơi chúng ta chưa ai từng qua nhưng rồi ai cũng phải đi đến và dừng lại chặng cuối cùng. Nơi ấy: Phía bên kia trời…

Chị quan niệm: "Thơ ca, với bạn đọc là sự cảm nhận và chia sẻ, còn với nhà thơ chính là sự trải nghiệm trong trầm luân của tâm hồn người viết".

Đọc thơ chị, người đọc được trở về với những vấn đề thường thấy trong thơ, tình yêu, cuộc sống, giới tính nhưng bằng cách nói, cách thể hiện mới mẻ tạo cho thơ chị một giọng điệu riêng. Chị tự ví mình "Con tằm giăng tơ thành số phận/ Em- người đàn bà đa đoan với khát vọng kiếm tìm/ Ở đâu đó phía chân mây là ước mơ em". Thơ Đặng Thị Thanh Hương là tiếng nói nữ quyền phá tan mọi định kiến, rào cản. Một cái tôi đầy bản lĩnh vươn lên không cam chịu, không an phận, không muốn phải âm thầm gặm nhấm nỗi cô đơn. Thế giới của chị là thế giới của những khát khao đang bùng lên mãnh liệt. Nhưng ở "Cánh cửa bên kia trời", thơ chị đằm hơn, sâu lắng hơn. Đó là chiêm nghiệm của người đàn bà đã đi qua những giông bão của cuộc đời.

Nhà thơ Nguyễn Quyến viết: "Giữa lúc thơ ca đang hỗn loạn bởi view và like, "Cánh cửa bên kia trời" xuất hiện. Trái tim một người đàn bà xa xứ, những người đàn ông không còn là đích ngắm, mà chỉ còn là hồi tưởng, các động từ đã hướng vào bên trong, chữ yêu đã nhuốm chút tà mị. Chính ở đấy, ở nơi chiến trường mà tình yêu cứ ngỡ chỉ còn là hồi ức mênh mang, Đặng Thị Thanh Hương khiến ngôn ngữ một lần nữa thức dậy, hút lấy chất tủy sống của thời gian, xóa bỏ cái màn ngăn cách hư ảo của ký ức để một lần nữa trút xiêm áo ngôn từ với tình yêu thơ ca".

2. Cách đây 3 năm, khi đang thành công ở thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là một nhà báo, nhà truyền thông và kinh doanh, Đặng Thị Thanh Hương rời Việt Nam sang Mỹ đoàn tụ cùng con gái. Đó cũng là 3 năm thế giới trải qua nhiều biến động do đại dịch COVID-19. Chị đã trải qua những tháng ngày cô đơn do cách ly, rào cản về ngôn ngữ và dày vò bởi nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè.

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương và cánh cửa bên kia trời -0

Chị vốn là người của những cuộc vui bạn bè, ưa dịch chuyển, thay đổi. Thế nhưng có những quãng thời gian chị đã phải tĩnh lặng, sống chậm lại. Đó cũng là quãng thời gian cần thiết trong cuộc đời náo động của chị, dù buồn, cô đơn. Với bản năng của một người phụ nữ năng động, chỉ mất một thời gian ngắn, chị đã biết cách để hòa nhập vào cuộc sống nơi xứ người. Chị tham gia làm báo, làm truyền hình cho các kênh người Việt ở Mỹ, kết nối bạn bè, đi học tiếng Anh.

"Cách đây 5 đến 10 năm, tôi sẽ trả lời bạn rằng: Phụ nữ chồng con là quan trọng nhất! Nhưng tôi của hôm nay sẽ nói rằng: Một người phụ nữ họ lựa chọn thế nào cũng đúng miễn là họ thấy mình hạnh phúc và độc lập. Tôi bây giờ là thế, tôi thấy mình sống như thế này lại hay. Không tình yêu, không vướng bận áo cơm phục vụ chồng. Tôi tự do trong thế giới của mình và làm chủ tất cả những cảm xúc ấy. Thật là tuyệt khi tới một tuổi nào đó, bạn sẽ chẳng còn biết đau buồn vì một người đàn ông nào khác. Mối quan tâm của tôi bây giờ chỉ có cháu ngoại, con gái tôi và gia đình của tôi. Tôi chỉ mong những người thân yêu của mình mạnh khỏe và hạnh phúc".

Là một người đàn bà mạnh mẽ, luôn lăn xả vào đời sống, nên dù ở bất cứ đâu, chị vẫn luôn làm chủ được cuộc đời mình. Hai mẹ con thuê một ngôi nhà rộng ở quận Cam, hàng ngày chị làm vườn, cuốc cỏ, trồng cây. Vườn chị lúc nào cũng có hoa trái nở đầy, để cảm nhận rằng cuộc sống vẫn bình an. Chị cũng học và lấy bằng lái xe ở Mỹ, để chủ động trong việc đi lại.

Cứ mỗi sáng thứ bảy, chị lại lái xe đến quán cà phê của nhạc sĩ Tuấn Khanh, ăn một bát phở Việt, nhâm nhi ly cà phê rồi lái xe đi học tiếng Anh. Cuộc sống giản dị như thế. Thế giới của chị cũng trở nên bé nhỏ quanh cháu ngoại, con gái và công việc làm báo online. Nhưng chị trân quý từng giây phút giản dị của cuộc sống, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Có lẽ đây cũng là khoảng lặng cần thiết cho cuộc đời nhiều vất vả của chị.

"Phụ nữ càng độc lập càng vất vả. Nhất là thời bây giờ khó có ai thích một cuộc sống phụ thuộc. Tôi cũng thế thôi, đơn thương độc mã trên tất cả quãng đường mình đã đi và suốt một đời tôi chưa tìm thấy cho mình một bờ vai dựa vào lúc mệt mỏi. Chắc đấy là nỗi vất vả nhất mà tôi nếm trải".

Nhưng chị không oán trách số phận. Sau những mỏi mệt, chị tìm sự bình yên bên gia đình nhỏ, và thiên nhiên. Một ngày bên Mỹ với nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương như trôi đi rất nhanh. Buổi sáng, chị và con gái cùng dậy chuẩn bị đưa cháu ngoại đi gửi trẻ. "Rồi tôi đến đài nơi tôi đang làm Giám đốc nội dung. Công việc làm chương trình cho một đài tivi tại Mỹ khá bận rộn nhưng cũng rất thoải mái và vui vẻ. Bên này khó làm giàu như ở Việt Nam nhưng để có một cuộc sống thoải mái thì rất dễ".

Chị còn nhận công việc làm thêm, dắt chó đi dạo. Ngày nào cũng nhận một đến hai em về chăm sóc, cho chúng ăn và dắt đi dạo. Một công việc có vẻ lạ và xa xỉ ở Việt Nam, nhưng lại không hiếm gặp ở Mỹ.

Và giữa những khoảng lặng của cuộc sống, chị vẫn làm thơ. Những bài thơ chị viết đằm hơn, sâu lắng hơn, giàu chiêm nghiệm của một người đàn bà đã đi qua đủ những hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Thơ vẫn ở đó, bên cạnh chị, như một người bạn tri kỷ để chị trút bỏ những nỗi niềm. Quãng thời gian 3 năm sống ở Mỹ chị viết khá nhiều. Cũng là nỗi nhớ, tình yêu, nhưng giờ đây, nỗi nhớ ấy, tình yêu ấy rộng hơn, bao dung hơn.

"Giờ nắng đã vàng phương khác/ Bao giờ trở lại mùa xưa/ Những mặt người xa lạ quá/ Nhớ Sài Gòn từng chiều mưa/ Ta đi qua miền lá đổ/ Ta đi qua mùa bão giông/ Chiều nay ta ngồi nhìn nắng/ Chợt hỏi lòng có buồn không/ Hình như không còn biết khóc/ Hình như lâu rồi không mơ/ Chập chờn những đêm khó ngủ/ Ta nghe quá khứ xa mờ/ Giờ đã không trở lại/ Mùa thu vàng phai cuộc đời/ Chẳng màng bon chen danh lợi/ Ta thành ngọn gió rong chơi". (Nắng đã vàng phương khác). 

Hay "Bóng chim rồi mù tăm nơi nào đó/ Tuổi trẻ như hoa rã cánh nhụy tàn/ Chiều nay bên cửa mùa đông đến/ Tấm áo che mình vẫn lạnh lúc sương tan/ Giờ chỉ sống cho mình thôi đủ mệt/ Ngày qua ngày chật chội giấc ban trưa/ Nhưng cơn mơ đã không còn ẩm ướt/ Và câu thơ sao khô khốc bơ phờ"... (Rồi chúng ta đều thế).

Thơ chị dù có buồn đấy, đau khổ đấy nhưng không bao giờ bi lụy. Nó cũng như chính con người chị, luôn nỗ lực và không ngừng cố gắng, từng ngày. Chị nói, chị đã bước qua bên kia cánh cửa cuộc đời, của những vui buồn nhân thế... Nhẹ nhõm và bình an. Bước qua cánh cửa ấy, cũng là cách chị đi qua những phiền muộn, cô đơn của cuộc đời một cách nhẹ nhõm nhất. Và cuối cùng, đi qua cánh cửa ấy cũng chính là để trở về, với Hà Nội, với mảnh đất chị gắn bó, với bạn bè, quê hương, trong một ngày không xa.

V. Hà
.
.