Người đi cùng dân gian

Chủ Nhật, 28/11/2021, 09:11

Một lần tôi thấy ông ngồi im lặng bên cái bàn gỗ cũ kỹ, trong căn phòng ngập tràn ánh sáng trắng giữa hàng ngàn cuốn sách nặng trĩu những cuộc đời, con người…đang im lặng níu vào nhau, chen nhau bốn phía chung quanh. Tôi có cảm giác sự im lặng kia đang kéo ông lùi xa vào đâu đấy trong quá khứ cách xa muôn trùng với phố xá nhốn nháo, ồn ào thời kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập…

Sau lần ấy, nhiều lần nữa tôi đến nhà ông. Lần nào cũng vậy, nắng hay mưa, nóng hay lạnh thì ngôi nhà nhỏ bé và căn phòng chật chội sách vẫn đưa đến cho tôi một cảm giác về một cái gì đó vừa bí ẩn, vừa gần gũi, vừa xa xôi. Tôi bị ông ám ảnh và tôi đã không nguôi được những suy ngẫm về ông.

Ông là người ít ngao du, ít xuất hiện ở chốn đông người, ít bia rượu và hầu như không tham gia vào những luận bàn về thời cuộc. Mỗi lần ra khỏi nhà ông, tôi mang theo cái không khí lặng im và dăm, bảy mẩu chuyện ông kể một cách dè sẻn. Tôi đã chắp nối chúng lại với sự trân trọng của kẻ đi sau.

Lặng lẽ một dòng Di sản văn hóa Thái Kim Đỉnh -0
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Thái Kim Đỉnh.

… Trước cách mạng tháng 8-1945, khi tôi và lớp nhà văn chống Mỹ mới ra đời, Thái Kim Đỉnh đã làm Bí thư Thanh niên cứu quốc. Ông tham gia Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban kháng chiến xã, gia nhập Đảng Cộng sản đầu năm 1946. Năm 1947 lên Phòng Tuyên truyền huyện Đức Thọ.

Rồi từ ấy, Thái Kim Đỉnh làm đủ việc, những thứ việc không dính dáng gì đến Văn nghệ dân gian, đến văn chương, học thuật: Ban liên lạc Bắc Trung bộ, Bưu điện Liên khu 4, Công đoàn, Thanh niên Việt Nam huyện, Hội đồng cung cấp Trung Lào, Công trường Đê La Giang, cán bộ Ty tuyên truyền… đến cả việc đi thu gom sách của địa chủ trong Cải cách ruộng đất…

Người ta nhìn ra cái gì trong bản tính của ông, ông không biết, chỉ thấy niềm tin họ đặt lên vai ông nặng trĩu. Người ta cử ông đi nơi này, nơi kia, làm việc này, việc nọ. Sau chục năm sống ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên, bạn bè thấy ông thực thụ là một công chức mẫn cán, còn ông thì lại thấy mình chưa ở yên chỗ nào, chưa làm việc gì chuyên nghiệp.

Ông nói với tôi rằng, những năm tháng ấy xét cho cùng ông là kẻ lang thang và công việc có ý nghĩa nhất của ông là gom nhặt tri thức dân gian đang giấu mình trong sách vở, trong đời sống bình dân nơi thôn dã, kể cả của nả tinh thần thiên hạ để rơi rụng chỗ này, bỏ quên chỗ kia.

Mãi năm 1958, Thái Kim Đỉnh mới đặt chân vào giới văn nghệ với cái chức tổ trưởng Tổ sáng tác Văn nghệ của Ty Thông tin, thực thi đầy đủ nghĩa vụ của một viên chức Biên tập, xuất bản. Biên tập xuất bản Tập san Văn hóa quần chúng, Tập san Văn hóa Hà Tĩnh, Tập san Sông La. Năm 1970, ông trở thành Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và lần thứ hai có thêm chức Trưởng tiểu ban Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh.

Vậy là ông có thêm một bản lý lịch. Bản lý lịch của những yêu thương, những say mê và những giấc mơ: Người nghiên cứu Văn hóa, Văn nghệ dân gian. Ông nói với những người trẻ tuổi rằng, ông thừa hưởng gia tài tri thức của người bác ruột uyên thâm Nho học, biết ít nhiều Tây học và cả tính cách thầm lặng của một ông đồ; rằng, những bước đi chập chững ban đầu của nghiệp văn hóa, văn chương ông may mắn, hạnh phúc gặp được những người vừa là thầy, vừa là bè bạn uyên bác, thâm nho như Nguyễn Đổng Chi, Trịnh Xuân An, Xuân Tửu, Hồ Tôn Trinh, Thanh Minh, Hoàng Nguyên Kỳ, Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao…

Ông nói những điều trên với một tâm trạng phấn chấn nào đấy. Tôi thấy gương mặt ông sáng lên và mắt ông rưng rưng. Người ta ca ngợi nhiều về vẻ đẹp của quan hệ thầy trò, của tình bè bạn trong giới văn nghệ thế hệ chống Pháp, chống Mỹ, nhưng còn ít lời bàn cho thấu nhẽ. Tôi nói điều ấy với ông, ông bảo bàn về cái tâm, cái tình nó vô cùng lắm, nó khó lắm. Rồi thêm là thời ấy có ít giả dối, đố kỵ, thời ấy nhiều người muốn làm học trò, chịu làm học trò. Nghe ông nói, bất chợt một suy nghĩ nhói lên trong lòng tôi: Sự thật là thế mà đã mấy ai chịu thấy thế. Văn hóa, văn nghệ sẽ ra sao nếu không một ai muốn làm học trò.

Lặng lẽ một dòng Di sản văn hóa Thái Kim Đỉnh -0
Ông là một người lặng lẽ tận hiến cho công việc.

Sinh ra ở làng Trường Xá, xã Đức Châu, phía Bắc giáp sông Lam, phía Nam giáp sông La, cái nôi của các làn điệu hát ví, hát giặm cổ truyền, của hội làng, của làng nghề truyền thống Xứ Nghệ. Lúc nào đấy, có chút men rượu, ông hé lộ cho tôi biết ông từng theo phường Bè lênh đênh trên sông Lam, sông La từ Đô Lương về Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên sang Hương Sơn, Đức Thọ… giữa mênh mang trời nước và ăm ắp giọng hò, giọng ví.

Văn nghệ Dân gian cám dỗ ông từ dạo ấy. Và như đã nói, ông được làm học trò của những người thầy có tên tuổi và cả không tên tuổi, học trò của dân gian, ông sớm có sự cẩn trọng, sâu sắc của nhà nghiên cứu, sự đa cảm của một nghệ sỹ. Và cùng với trí nhớ tuyệt vời, ông dựng dậy các Lễ hội, kể lại những gì cha ông đã kể từ thuở khai thiên tịch, ông khảm khắc lại những gì cha ông đã xây đắp trên mặt đất đầy biến động suốt hàng ngàn năm.

Ông miêu tả môi trường diễn xướng các làn điệu dân ca cổ truyền rồi thức chúng dậy bằng ngôn từ chân xác và thấm đẫm phong vị dân gian. Những Ca trù Cổ Đạm, Ví Phường vải Trường Lưu, Hát Giặm Thạch Hà, Ví Sông Lam, Ví Sông La, Sắc bùa Kỳ Anh, Hò Thạch Khê… Và rồi chính chúng trở lại dạy ông, cảm hóa ông, chung sống với ông hài hòa, vui vẻ và cả dằn vặt, đớn đau.

Từ năm 1970 mãi về sau này, ông liên tục có công trình, tác phẩm Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, Địa chí, Lịch sử, Dịch thuật, Văn học… Bắt đầu từ tập Truyện Dân gian: “Cá gáy hóa rồng” in năm 1972 đến “Chùa Hà Tĩnh” (Khảo cứu văn hóa) in năm 2016, ông đã cho ra mắt bạn đọc 90 tác phẩm in riêng, chủ biên, in chung, soạn chung và 14 tác phẩm chép tay hoặc đánh máy vi tính xếp trên tủ gỗ cạnh bàn làm việc.

Tôi chợt nhớ ông từng in thơ với bút danh Vũ Hoàng. Những câu thơ ngọt ngào, đằm thắm: “Chiều chiến trường mông mênh/Một ngôi sao đã hiện/ Ngôi sao xanh lấp lánh / đợi anh đầu làng/Cỏ mật thơm lừng không gian”. Và đau đời nữa: “Giữa mùa nước sóc tháng ba/ Bọt bèo thì nổi, phù sa thì chìm”. Văn thì “Kiếp ba đào” phảng phất hương vị văn chương lãng mạn những năm 30-45, chứa đựng bao trắc ẩn thân phận con người.

Ông nói ông còn hai tập thơ “Ký họa năm tháng”, “Nhật ký người đi bộ” trên hai trăm bài, mấy cuốn địa chí huyện, xã, mấy tập sách dịch chữ Pháp, chữ Hán và một chuỗi bài nghiên cứu làn điệu Dân ca Nghệ Tĩnh chưa in được. Nhọc nhằn lắm mới làm ra một khối lượng chữ lớn như thế. Ông là con người của công việc, của những quan tâm đến mê đắm, của những phụng thờ linh thiêng các giá trị văn hóa truyền thống được cha ông tái tạo, gìn giữ chuyển tiếp dọc quá khứ của dân tộc.

Những cái ấy bây giờ ta gọi là di sản văn hóa. Di sản văn hóa và những gì mang bản chất của văn hóa đã cho ông nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt. Ông mang vẻ đẹp của di sản trong lòng để đi, đọc, xem, suy ngẫm, hình dung, tưởng tượng, ghi chép… Không biết cưỡi xe đạp, xe máy, không ngồi ôtô, ông chỉ mỗi đi trên đôi chân của mình, một đôi chân trần, bụi bặm, có lúc tứa máu.

Tính đến nay, ông đã đi bộ gần thế kỷ, suốt cuộc đời, dọc quá khứ của xứ sở ông, qua những hiện thực ngổn ngang những vui sướng, khổ đau. Tôi thấy ra, rõ ràng bàn chân trần ấy, in dấu ở đất, đá, vôi vữa, địa y, rêu và cỏ… đây, đó, xa, gần. Và dưới tất cả những cái đó, lặng lẽ một dòng Di sản văn hóa

miệt mài chảy, lặng lẽ một tình yêu người anh em, tình yêu quê hương, đất nước, lặng lẽ một cuộc kiếm tìm những giá trị truyền thống, không ngưng nghỉ, nguôi ngoai những suy ngẫm sâu sa về lẽ đời, nẻo người.

Lúc tôi viết những dòng này, Nhà xuất bản Trẻ vừa in xong cuốn sách thứ 90 của ông: “Hà Tĩnh - Đất văn vật Hồng Lam”. Đấy là một phác họa chân dung vùng đất Hà Tĩnh “giang sơn tụ khí”. Tôi chợt nghĩ, ông đã phác họa bao nhiêu chân dung chung quanh ông mà đã có ai phác họa tử tế chân dung ông. Ông như không quan tâm tôi đang nghĩ gì. Run run những ngón tay gầy trên bìa sách, ông nói, cuốn này tôi viết cả đời và cuốn nào cũng thế, cũng viết cả đời… Nói xong thì mỉm cười, rồi rót nước trong cái ấm sứ đặt trong cái giỏ tre ra hai bát sứ, xong bước khẽ đến ngồi xuống cái ghế gỗ có tựa. Lặng lẽ.

Đức Ban
.
.