Một gương mặt hài độc đáo

Thứ Bảy, 13/11/2021, 10:42

Xin được nói luôn: Độc đáo nói ở đây không hẳn với nghĩa người nghệ sỹ hài này có tài năng vượt trội hơn hẳn các “danh hài” khác, mà là cuộc đời và tính cách của ông chẳng giống ai. Cuộc đời ấy, tình cảnh ấy lẽ ra phải khiến ông trở thành một diễn viên sở trường với bi kịch hoặc chí ít cũng là chính kịch. Nhưng ông lại nổi lên bởi những vai diễn hài – một thứ hài rất dân dã, đại chúng.

Ông là cố NSƯT Văn Hiệp (1942-2013) – nguyên cán bộ của Nhà Văn hóa Trung ương (Bộ VH-TT&DL), trước đó có nhiều năm là diễn viên Nhà hát Kịch TW.

Có thể nói không người Việt Nam nào không biết Văn Hiệp, từ em nhỏ đến các cụ già vì ai cũng xem tivi, mà đã xem thì gương mặt của ông lại quá quen thuộc và đặc biệt ấn tượng. Có lẽ từ vai Trưởng thôn trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên VTV xuất hiện cách đây nhiều năm quá thú vị mà người ta nhớ mãi. Rồi tiếp theo là hàng loạt vai hài hoặc ít nhiều có chất hài xuất hiện trong hàng loạt phim truyền hình mà gương mặt của Văn Hiệp cứ thế “đóng đinh” trong trí nhớ người xem.

van-hiep-jpg-1365484802-1365485001.jpg -0
Cố NSƯT Văn Hiệp.

Thực ra, với thiếu nhi, Văn Hiệp trở nên quen biết từ lâu lắm khi trên Đài Tiếng nói Việt Nam có chương trình “Mỗi tuần một chuyện bổ ích và lý thú” dành cho các em vào sáng Chủ nhật hằng tuần. Văn Hiệp được mời làm người kể chuyện cho các bạn nhỏ bởi chất giọng vui nhộn, sôi nổi, hoạt náo nhưng tự nhiên, mộc mạc, không “diễn”. Và ông đã “đứng” vững ở chuyên mục này suốt nhiều chục năm cho tới khi kết thúc sứ mạng.

Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của Văn Hiệp có nhiều gập ghềnh, không xuôi chèo mát mái. Phải tới khi đã qua tuổi trẻ, ở vào chặng sau của cuộc đời, ông mới thực sự được số đông công chúng biết đến và mến mộ khi xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ với hàng loạt tiểu phẩm ở chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và các phim truyền hình. Văn Hiệp thường vào các vai nông dân hoặc những nhân vật có cuộc sống khắc khổ, lận đận, vất vả, bần hàn, lam lũ, có tâm, vị tha, sẵn sàng giúp người khác vô tư. Nhưng lại luôn lạc quan, đem lại tiếng cười, sự sảng khoái cho người xem. Hình ảnh một Văn Hiệp gầy gò, nhỏ thó với gương mặt khắc khổ, phong sương, phong cách xuề xòa, luôn kè kè chiếc điếu cày bên người, chỉ ít phút là lại rít thuốc lào sòng sọc, ngửa cổ lên trời, thả luồng khói trắng vào không trung rồi lim dim, khoan khoái đã trở nên quá quen thuộc với bè bạn, đồng nghiệp.

Khác với nhiều diễn viên khác, Văn Hiệp bắt đầu đến với màn ảnh nhỏ từ sau khi giã từ sân khấu kịch chuyên nghiệp chứ không phải lúc thịnh khi đang đứng trên sân khấu. Ông sinh năm 1942, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Học hết phổ thông hệ 10 năm, ông học khóa đầu tiên Trường Sân khấu Việt Nam (tiền thân của Trường ĐH SKĐA bây giờ), cùng khóa và cùng về Đoàn Kịch nói TW (bây giờ là Nhà hát Kịch Việt Nam) với các nghệ sỹ nổi tiếng như Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Thế Anh, Doãn Hoàng Giang… Do không có ưu thế về ngoại hình vì dáng người thấp bé nên ông không gặp thuận lợi trong việc vào các vai chính. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến những thành quả trên sàn diễn. Tuy nhiên, công chúng cũng nhớ mãi nhân vật Ốc trong vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” chuyển thể sang kịch nói từ vở tuồng nổi tiếng cùng tên do ông vào vai của đạo diễn Dương Ngọc Đức.

Không được trao nhiều vai diễn trên sân khấu, tất nhiên là Văn Hiệp rất buồn. Nhưng ông lại có duyên với đài phát thanh. Ngoài vai trò người kể chuyện trong chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện bổ ích và lý thú” như đã nói, ông còn xuất hiện rất nhiều ở các làn sóng khác như Kể chuyện cảnh giác, diễn kịch truyền thanh vào các tối thứ 7 hằng tuần và đóng nhiều vai trong các câu chuyện truyền thanh. Lúc này, ông vẫn còn đang làm việc ở Đoàn Kịch nói TW. Tôi quen biết và trở nên thân thiết với ông từ đó.

Cũng từ những lần cùng đến Đài “đánh Pắc Chung Hy” (Pắc Chung Hy: Cựu Tổng thống Nam Triều Tiên. Lính Nam Triều Tiên từng đánh thuê cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hồi trước năm 1975 nên các nghệ sỹ được mời đi biểu diễn ở đâu thì gọi là đi “đánh Pắc Chung Hy”). Hồi đó, tôi hay được Đài mời đọc truyện cho thiếu nhi, cho người lớn và cũng từng “chốt” nhiều mục trên Đài nên nhiều lần cùng “diễn” với Văn Hiệp (thu thanh). Ông hay làm “bầu”, tức nhận trách nhiệm với Đài đi gọi các diễn viên. Ngoài các diễn viên kịch chuyên nghiệp, ông hay mời tôi giữ vai trò dẫn chuyện hoặc vào các vai có chiều sâu nội tâm, trữ tình do có giọng trầm, dày. Không ít lần, vì lý do nào đó, diễn viên bỏ cuộc, ông đã phải một mình vào nhiều vai. Ông thay đổi giọng khá giỏi để vào nhiều vai khiến thính giả phải tinh ý lắm mới nhận ra.

vhiep và vo ngay cuoi.jpg -0
NSƯT Văn Hiệp và vợ trong ngày cưới.

Mỗi lần nhận một cục tiền thù lao cho cả ê-kíp, Văn Hiệp bao giờ cũng chia đều mặc dù có người đảm nhận vai nhỏ, ít phải làm việc, có người như ông cáng đáng nhiều vai. Không ai thắc mắc gì nhưng ông vẫn nói với mọi người: “Thôi, vui vẻ cả nhé. Tham gia cho vui thôi, chứ có ai sống được bằng tiền này đâu”. Nói vậy để anh em thoải mái chứ thực ra ông đã sống nhờ vào những đồng thù lao ít ỏi này bởi lương diễn viên ở Nhà hát không đủ để có thể nuôi hai đứa con.

Văn Hiệp có cuộc sống vất vả cả về vật chất và tinh thần. Ông lấy vợ từ một tình yêu song phương đẹp và chung sống cũng hạnh phúc. Nhưng vì khó khăn mà người vợ đã sang làm ăn ở Đức và không hiểu vì lý do gì đã ở hẳn bên đó, để lại cho ông nuôi hai con nhỏ. Ai có ý quan tâm hỏi thăm chuyện riêng tư này, ông chỉ nói tinh thần là luôn tin ở vợ chung thủy, không có “vấn đề” gì và sẽ trở về một ngày không xa. Nhưng ngày đó là ngày nào thì ông không thể biết. Và ông cứ lủi thủi một mình với cảnh “gà trống nuôi con” như thế hết năm này sang năm khác đến khi chúng trưởng thành. Cũng có một lần người vợ trở về giữa chừng, nhưng chỉ là về thăm nhà, rồi lại tiếp tục ra đi. Lần này thì vợ ông đi cho đến khi ông qua đời mới về Việt Nam. Với ai, chị cũng thể hiện niềm thương, nỗi nhớ chồng.

Suốt chừng ấy năm sống độc thân, lại là nghệ sỹ nhưng Văn Hiệp không có điều tiếng gì trong quan hệ với phái má hồng. Tính cách của ông vui vẻ, xuề xòa, mọi mối quan hệ với các chị em đều vô tư, không có “màu sắc” gì đặc biệt. Gặp bạn tâm giao, ông kể về cuộc tình với người vợ có tên Văn Kim Dung. Nghe thì thấy đó cũng là một thiên diễm tình đáng ngưỡng mộ, không dễ có.

Số là lúc trẻ, cô gái Văn Kim Dung từng học đàn người chị gái của Văn Hiệp. Thấy cô hay hay, anh chàng để ý và sắm luôn chiếc “cưa”. Cô nàng thì thấy chàng Hiệp vui tính, chân thành, thật thà nên đã dễ dàng “đổ”. Hồi trẻ, Văn Hiệp bảnh trai chứ không xù xì, trông “lão nông” như lúc về già, lại là dân nghệ sỹ nên lúc đầu bị cha của Dung từ chối, không cho con gái quan hệ. Ông vốn dị ứng với dân văn công, lại còn nói với con là phải cảnh giác với cái thằng bảnh trai, bẻm mép đó. Nhưng Dung vẫn một mực đòi lấy Hiệp, nói với cha rằng nếu không chấp nhận thì sẽ không lấy ai. Rồi thì ông cũng phải gật đầu.

Lúc hai người đèo nhau bằng xe đạp đi chơi (hồi đó chưa có xe máy), thường thì Hiệp chỉ cầm lái một tay, một tay nắm tay người yêu. Một lần, đến đường Đại Cồ Việt, chàng cao hứng hát nghêu ngao rồi hai người cùng cười rúc rích khiến xe đâm sầm vào một bụi cây, ngã bổ nhào. Có lần họ vào công viên ngồi chơi, bị người bảo vệ đeo băng đỏ tuýt còi mặc dù chẳng làm gì, chỉ có ngồi sát gần nhau. Hóa ra cái lý do họ bị thổi còi là vì ngồi vào chỗ quá tối. Có một thời, trật tự ở các công viên được kiểm soát một cách quá “nghiêm” như thế, chẳng bù cho sau này có thời xuống cấp về trật tự, trị an đến mức công viên chính là tụ điểm của những tệ nạn xã hội.

Có lần khi đã cưới nhau, Văn Hiệp còn “đánh rơi” vợ khi cắm cổ đèo vợ lên dốc cầu Long Biên mà không chịu dắt xe. Chỉ khi có người kêu to khi thấy Dung rơi xuống đất thì Hiệp mới biết. Vừa mệt thở phì ra tai, chàng vừa quay lại đón vợ. Những kỷ niệm kiểu như thế rất nhiều, Văn Hiệp không thể nào nhớ hết.

Biết mình chỉ cao 1m59, không vào được nhiều vai trên sân khấu kịch chuyên nghiệp, ông đã xin chuyển sang làm công tác văn hóa quần chúng tại Nhà Văn hóa Trung ương. Chính thời gian này, ông đã có điều kiện đóng nhiều phim truyền hình và trở nên rất nổi tiếng với hàng loạt vai hài mà chúng ta đã biết. Bạn bè đều nói về ông: “Văn Hiệp không là NSND, NSƯT nhưng đông đảo nhân dân đã yêu quý ông và coi ông là nghệ sỹ của họ, tức Nghệ sỹ của nhân dân”. Tuy nhiên, sau khi ông qua đời vào năm 2013, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu NSƯT cho ông.

Nguyễn Đình San
.
.