Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc và những cung bậc xuân

Thứ Sáu, 01/07/2022, 15:19

Người chơi ghita có nhiều, nhưng đam mê dòng cổ điển như nghệ sĩ Phạm Văn Phúc thì không nhiều. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn đi giao lưu, cùng những nghệ sĩ thế hệ mình dạy cho các bạn trẻ. Ông bảo đó là cách để được sống trẻ và có ích, từ đó làm nên những mùa xuân trong âm nhạc cổ điển.

Tiếng đàn tuổi trẻ

Một ngày Hà Nội đẹp trời, tôi bỗng nảy ra ý định đi tìm nghệ sĩ ghita Phạm Văn Phúc, và tôi đã toại nguyện khi gặp ông đang chơi đàn ở quán cà phê quen. Ông có cặp mắt sáng, giọng nói sôi nổi, nhiệt tình kể cho tôi tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời và duyên nghiệp của mình với cây đàn ghita.

Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc sinh ngày 27/5/1939, là con cụ Phạm Văn Hiển, một nhà tư sản có tiếng ở Hà Nội từ hơn 60 năm trước. Tuổi thơ ông êm đềm trôi trong những kí ức đẹp của một công tử Hà thành. Cũng như bao đứa trẻ con nhà khá giả khác, cha của Phạm Văn Phúc cho con trai đi học đàn từ rất sớm, 14 tuổi đã bắt nhịp với những thanh âm đầu tiên dưới sự dìu dắt của nghệ sĩ Tạ Tấn.

“Lúc đầu tôi cảm giác học đàn còn là sự bắt buộc nhưng càng về sau càng mê và suốt 3 năm bên thầy Tạ Tấn, tôi đã học được rất nhiều điều tuyệt diệu trên phím đàn. Rồi tôi tự mày mò, học thêm để phát triển ngón nghề” - nghệ sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ.

untitled-15.jpg -0
Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc chơi guitar.

Cuộc sống khó khăn, việc học của ông bị ngắt quãng, ông phải dành thời gian cho mưu sinh. Rồi khi nhận thấy mình không thể thiếu tiếng đàn, thấy mình vô nghĩa khi xa cây đàn, ông lại tìm đến để nhỏ to tâm sự. Tiếng đàn ông rưng rức hơn, đôi lúc thê lương nhưng cũng bật lên những thanh âm của một sự lạc quan, một niềm khát khao giao cảm với đời.

Từ năm 1956, các nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm và Đỗ Trường Giang đã đi “kết nạp” các nghệ sĩ ghita tài tử và làm nên nhóm “Thất cầm” huyền thoại, nổi tiếng của Hà Nội. Nhóm gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Quang Tôn, Nguyễn Tỵ và Phạm Văn Phúc, là những người đã thắp lên phong trào học ghita cho giới trẻ Hà thành vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX.

Suốt từ năm 1956 đến năm 1972, các nghệ sĩ đã cùng nhau luyện tập và say sưa chơi ở những công trường lao động, những góc phố, công viên để phục vụ công chúng và người yêu ghita. Từ năm 1973, “Thất cầm” chính thức ra mắt khán giả trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và có nhiều đêm diễn ở rạp. Phạm Văn Phúc nói rằng, khi ông thôi học ở thầy Tấn, bắt đầu mày mò tự học và học ở bạn bè để có ngón nghề như hôm nay là vì ông không thể sống thiếu tiếng đàn. Ông cảm thấy mình may mắn trong những năm tháng được tham gia nhóm “Thất cầm”.

Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm, thành viên nhóm “Thất cầm” chia sẻ: “Nhóm chúng tôi sống trong không khí vui nhộn khi cùng nhau đi biểu diễn nhiều nơi, có ngày diễn đến ba buổi liên tiếp, nhất là những dịp xuân, lễ hội. Có đêm diễn ở Rạp Công nhân, Hà Nội, khán giả từ Hải Phòng thuê hẳn một chuyến xe lên tận nơi chỉ để nghe ghita”.

Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ thêm: “Nhiều đêm diễn, khán giả quá đông nên phải bắc loa ra ngoài rạp để những người hâm mộ không vào được trong rạp có cơ hội thưởng thức tiếng đàn”. Tên tuổi của nhóm cứ thế đóng đinh vào trí nhớ người dân, vào hình ảnh hài hòa của phố xá và những âm thanh phố phường. Ngay cả thời hiện đại bây giờ, tiếng đàn ghita vẫn có sức mạnh, vẫn có thể gạn lọc bụi bặm phố, làm giảm sự gấp gáp trong sự mưu sinh phố bằng những âm thanh kỳ diệu của nó.

Đam mê một nỗi

Từ năm 1956, Phạm Văn Phúc đã là một “thầy đồ” ghita. Niềm đam mê chơi, truyền dạy cho các học trò ngấm vào máu ông. Mỗi ngày ông vẫn dành nhiều thời gian cho việc chơi và dạy, ngày nào không được ôm đàn thì ông không thể ngủ ngon.

Buổi biểu diễn đầu tiên của ông là vào năm 1959 tại Câu lạc bộ Lao động, trong dịp Liên hoan văn nghệ quần chúng với tác phẩm “Malagnera” của  Silio Rameri và được đánh giá cao. Ông đã chuyển soạn thành công các tác phẩm cho ghita: “Người ơi người ở đừng về” (dân ca Quan họ), “Ru em” (dân ca Xê đăng), “Làng tôi” (Văn Cao), “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (Nguyễn Tài Tuệ), “Vượt Cầu mây” (Nguyễn Thịnh), “Hà Nội yêu dấu” (La Thăng), “Ngôi sao và ước mơ” (Lương Vĩnh)… Ngoài ra, ông còn chuyển soạn không ít tác phẩm cho thiếu nhi như: “Mưa bóng mây”, “Ở trường cô dạy em thế”, “Ngày hội toàn thắng”, “Chỉ có một trên đời”, “Em đi trong tươi xanh”…

Bằng đam mê, tài năng, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc cùng các nghệ sĩ nhóm “Thất cầm” làm say lòng hàng vạn khán, thính giả Thủ đô, nhiều lớp học đàn được lập nên để đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ.

untitled-16.jpg -0
Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc (giữa) cùng hai nghệ sĩ nhóm “Thất cầm” chơi đàn bên Hồ Gươm.

Nghệ sĩ Phạm Việt Thắng, học trò của nghệ sĩ Phạm Văn Phúc cho hay: “Nhờ tinh thần của các nghệ sĩ, nhiều sinh viên của các trường đại học, cao đẳng “để mắt” đến ghita và thắp sáng đam mê của mình. Giống như chúng tôi đều muốn dấn thân “tầm sư học nhạc”. Từ đó ghita trở thành loại nhạc cụ phổ biến đối với nhiều người và chơi ghita trở thành thú chơi nghệ thuật giàu bản sắc”.

Còn nhớ, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày sinh của nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, cũng là kỷ niệm 45 năm ông gắn bó với cây đàn ghita, CLB Ghita cổ điển Hà Nội đã tổ chức một đêm nhạc hoành tráng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ghita như Đỗ Tuấn Việt, Nguyễn Thành Vinh, Phạm Anh Tuấn… Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc sớm tiếp cận được nhiều tài liệu quý của nước ngoài, gặp nhiều “cây” ghita giỏi đã từng đi học ở Tây Ban Nha, Nga, Tiệp Khắc… về nên tay nghề của ông ngày được nâng lên và ông có thể chơi nhiều thể loại của nhiều tác giả khác nhau.

Với uy tín của mình, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc được mời dạy các phong trào nghệ thuật quần chúng ở Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cũng như những chương trình nâng cao của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nghệ sĩ Nguyễn Tỵ - thành viên nhóm “Thất cầm”, chia sẻ: “Trong nhóm mỗi người có một thế mạnh. Phạm Văn Phúc là người chơi đàn tài tử và được nhiều khán giả quý mến. Ông ấy có nhiều học trò thành danh”.

Còn tiến sĩ ghita Nguyễn Văn Phúc, đã thốt lên về thầy mình: “Bác Phạm Văn Phúc có một kho bản nhạc chuyển soạn. Ngày còn là sinh viên, mỗi lần đi thi giải tôi đều xin bác Phúc bài để tập. Bác Phúc là người trẻ trung và luôn hết mình với công việc giảng dạy, truyền đạt tình yêu ghita cổ điển cho thế hệ trẻ. Và những người trẻ như chúng tôi lại dạy đàn cho các thế hệ kế tiếp, để phát triển dòng nhạc ghita cổ điển, tích cực thi đấu các giải trong nước và quốc tế”.

Những nghệ sĩ nhóm “Thất cầm” hiện còn bốn người sống và dạy đàn ở Hà Nội, là Nguyễn Tỵ, Vũ Bảo Lâm, Quang Tôn và Phạm Văn Phúc. Thế hệ của ông đã cao tuổi, tóc đã bạc, nhưng mỗi khi các nghệ sĩ dạo trên phố, cây ghita khoác trên vai, nhiều người vẫn nhận ra ở đó có phong thái của người nghệ sĩ tài tử, trẻ trung.

Tôi hỏi nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, điều gì đã khiến những nghệ sĩ tuổi hơn 80 như các ông vẫn linh hoạt ngón đàn, tính tình thanh niên và vẫn đi biểu diễn, giao lưu? Phạm Văn Phúc trả lời: “Đó chỉ có thể là tình yêu. Khi có tình yêu nghệ thuật thì tâm hồn luôn trẻ, gợi chất xuân và sức xuân. Khi trong lòng phơi phới thì sẽ có thể lắng nghe được tiếng gọi của các cuộc giao lưu và biểu diễn. Tâm hồn trẻ trung thì lại bồi đắp cho tiếng đàn. Tiếng đàn cứ thế mà trẻ mãi, xuân mãi. Tiếng đàn cùng người nghệ sĩ sẽ góp phần vào những cung bậc xuân vui của cuộc đời”.

Mấy năm vừa qua, vừa phòng chống dịch, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc vẫn tiếp tục chơi đàn, dạy và làm giàu có thêm kho tàng nghệ thuật của mình. Đặc biệt là thắp lên tình yêu âm nhạc cho các bạn trẻ, để từ đó khơi gợi sự sáng tạo, sống có ích.

Diên Khánh
.
.