Đại tá Phạm Hải Đăng: Người cán bộ Công an mang tâm hồn nghệ sĩ

Thứ Sáu, 20/05/2022, 08:30

Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu có niềm say mê làm thơ, chăm lan rừng. Trong cuộc trò chuyện bên lề Hội Lan tỉnh Lai Châu, anh nhắc tôi: "Đừng viết quá sa đà vào những chiến công mà hãy đi sâu vào tâm hồn, góc khuất của người chiến sĩ để nhân dân hiểu rõ hơn, đúng hơn, đủ hơn về người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND)".

Phải gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân

Tôi biết Đại tá Phạm Hải Đăng trước khi gặp anh ngoài đời. Thông qua một số cán bộ, chiến sĩ công tác tại Công an tỉnh Lai Châu, tôi được biết anh là người thẳng thắn, thân thiện, dễ gần và luôn giữ nguyên tắc làm việc là thực hiện nhiệm vụ phải luôn gần gũi với nhân dân, dựa vào dân để đánh án. Đặc biệt họ còn bảo anh không hề có khoảng cách với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền vì thế có những cán bộ, chiến sĩ mới vào ngành đã không ngần ngại trực tiếp vào phòng anh báo cáo như vụ vận chuyển cá thể hổ từ Nghệ An lên Lai Châu mà Công an tỉnh bắt giữ vừa qua. Khi tôi gợi lại câu chuyện đó, anh bảo: "Mình tạo sự gần gũi thì cán bộ, chiến sĩ sẽ tin tưởng mình hơn, từ đó sẽ đạt hiệu quả trong công việc. Trong công việc là thủ trưởng nhưng ngoài đời mình là người anh, người bạn của họ".

đại tá phạm hải đăng 2.jpg -0
Đại tá Phạm Hải Đăng.

Nghe anh kể chuyện, tôi lại hình dung ra chàng thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê và hoài bão khi quyết định bước chân vào ngành từ 30 năm trước. Sau gần 20 năm gắn bó với Công an địa phương và 10 năm làm việc tại Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Lai Châu (trong đó có 4 năm Phó phòng, 6 năm Trưởng phòng), tháng 4/2020 anh nhậm chức Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu.

Nghe anh kể một vài nét đủ thấy người chiến sĩ Công an miền biên viễn Tây Bắc đã và đang phải "căng mình" trong cuộc chiến khốc liệt thế nào và càng thấy chiêm nghiệm nguyên tắc dựa vào dân để đánh án của anh: "Lai Châu là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy. Thống kê cho thấy tỷ lệ người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép ma túy trên số dân, Lai Châu vào dạng cao so với cả nước (chiếm 1,4% dân số). Những năm qua, kế thừa truyền thống của Công an tỉnh, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an là không có vùng cấm, không có ngoại lệ rất nhiều chuyên án, vụ án lần đầu tiên đã được Công an tỉnh điều tra, triệt phá, như phá điểm tín dụng đen cho vay nặng lãi. Riêng trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy, mỗi năm Công an tỉnh đã điều tra, triệt phá được hàng trăm vụ" - anh nói.

"Rừng Tây Bắc xanh lại thêm xanh…"

Kiên cường khi đối mặt với tội phạm nhưng Đại tá Phạm Hải Đăng cũng đã nhiều lần gạt tay lau giọt nước mắt khi kể về người bạn của mình - Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, liệt sĩ, Trung úy Phạm Văn Cường. Sự hi sinh của đồng đội Phạm Văn Cường tại Km17 Tây Trang hơn 20 năm trước luôn ám ảnh, khắc khoải trong anh.

Sự xúc động lên tới đỉnh điểm khi anh kể: "Đối tượng đã dùng súng AK bắn liên tục vào Cường. Đau đớn thay, khi Cường ngã xuống, chúng đã dùng mìn nổ tung tất cả. Khi Cường mất, bố Cường đang đi tàu viễn dương nên không biết tin về con. Năm 2018, Công an tỉnh Lai Châu làm phòng thờ các anh hùng liệt sĩ có rước linh vị, chân hương của Cường, bố của Cường ở Hải Phòng lên và nói với mình: "Bằng tuổi con mà con đã phát triển và giữ cương vị như hôm nay còn Cường thì đã… hi sinh".

Rồi gần đây khi chứng kiến sự nhiệt huyết, dấn thân của lực lượng thanh niên Công an tỉnh Lai Châu dầm mưa dãi nắng trong 3 tháng sửa chữa làm mới 1.062 ngôi nhà cho bà con ở 14 xã thuộc huyện Mường Tè trong Đề án 245 (được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh Lai Châu 50 tỷ đồng), anh đã liên tưởng đến màu áo xanh, đó là màu áo của lực lượng CAND, màu của tuổi trẻ, của bình yên và cũng là biểu tượng của hy vọng, của sức sống, sự trường tồn…

Bởi thế, anh đã sáng tác bài thơ "Lặng lẽ xanh" cảm động và được nhạc sĩ Tô Văn phổ nhạc, phát trong chương trình "Giai điệu bình yên" với chủ đề "Tuổi trẻ CAND niềm tin tiếp bước" vừa qua. Từ câu chuyện của một cá nhân, bài thơ đã khái quát thành quyết tâm của cả một thế hệ áo xanh, nguyện tiếp bước cha anh giữ vững bình yên cuộc sống. Hình ảnh nhân lên của màu xanh từ chiếc lá xanh bé nhỏ ban đầu đến "đời bao la xanh", tự thân hình ảnh thơ đã có sự vận động nội tại của sự lan tỏa, nhân rộng màu xanh.

Tác phẩm thực sự là sự khích lệ thế hệ chiến sĩ trẻ sống, chiến đấu, vượt qua những lợi ích tầm thường, bé nhỏ của cái "tôi", hướng tới lý tưởng lớn lao, tích cực của cái "ta" vì nhân dân trong thời đại mới: "Ai qua rừng Tây Bắc chiều nay/ Nhớ nhẹ bước thôi, bạn tôi vừa ngã xuống/ Sau chuyên án cơn mưa chiều rớt vội/ Rừng Tây Bắc xanh lại thêm xanh…".

đại tá phạm hải đăng 1.jpg -0
Đại tá Phạm Hải Đăng (người đội mũ) trao đổi với các cán bộ trong một vụ án.

Là người trực tiếp phụ trách Đề án 245 ngay từ buổi đầu với biết bao tâm huyết, trăn trở nên khi chứng kiến hình ảnh bà con phấn khởi nhận nhà, Đại tá Phạm Hải Đăng tiếp tục sáng tác bài thơ "Bản Mường vui đón anh". Bài thơ sau đó đã được nhạc sĩ Thành Chung phổ nhạc bằng những ca từ dung dị lời Việt và lời Mông và đã giành giải Ba trong cuộc thi "Sáng tác ca khúc về Lai Châu", năm 2021.

Bằng nhịp điệu vui vẻ, mang đậm chất liệu dân gian vùng miền, bài hát đã thể hiện niềm vui, niềm yêu mến của nhân dân với những chiến sĩ CAND "vượt núi cao đèo sâu đến với bản Mường vỡ đất làm nhà", "giữ bình yên cuộc sống, xây nhà mới đẹp tươi", giúp "bản Mường no ấm". Đó cũng là sự khẳng định mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa người chiến sĩ Công an với nhân dân.

Bình yên sau những cuộc đấu trí

Đại tá Phạm Hải Đăng khẳng định sau những cuộc đấu trí căng não, người chiến sĩ Công an luôn có cách để tạo ra những giây phút thư giãn cho mình. Với anh, ngoài làm thơ thì công việc yêu thích là chăm lan rừng. Anh bảo, chăm lan là một nghệ thuật, là thú vui để giảm căng thẳng trong công việc.

Đôi mắt lấp lánh niềm vui, anh kể: về nhà được cầm vòi tưới rồi nhìn những mầm lan nhú, lớn lên rồi ra hoa và nếu may mắn được giải trong các Hội thi hoa lan thì thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng, yên ả. Anh cũng hồ hởi cho biết, năm nay, anh đã giành 2 giải (giải Nhì, giải Ba) trong Triển lãm thi hoa lan "Hương sắc Lai Châu 5" do Câu lạc bộ hoa lan Lai Châu tổ chức.

"Năm nay điểm nhấn của Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Lai Châu là trưng bày hoa lan rừng. Tôi nghĩ với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như Lai Châu việc trồng lan là hướng đi đúng đắn, hiệu quả để bà con thoát nghèo bền vững. Lãnh đạo tỉnh cũng xác định lan là cây chiến lược cho sự phát triển lâu dài của tỉnh", anh nhấn mạnh.

Anh cũng tự đặt câu hỏi, tại sao trong cuộc sống mình không tìm nguồn vui? Chẳng là hồi làm Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh, anh là người lên chủ trương kết nối để Phòng Tham mưu Công an tỉnh kết nghĩa với Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Anh bảo, hai đơn vị kết nghĩa đã từng đi thiện nguyện đến tận A Pa Chải rồi thường xuyên có những buổi giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ.

"Đó là cơ hội tốt để nghệ sĩ hiểu về đời sống của lực lượng Công an, từ đó chuyển tải được tâm tư, tình cảm, nỗi lòng người chiến sĩ qua lời ca tiếng hát. Việc kết nghĩa với một đơn vị nghệ thuật sâu xa là công tác dân vận, là lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ CAND qua hình tượng nghệ thuật", anh khẳng định.

Chia tay Đại tá Phạm Hải Đăng, tôi còn ấn tượng mãi với nụ cười tươi tắn, với giọng nói ấm áp, chân tình và cả phút giây anh bật khóc khi xúc động kể về sự hi sinh của đồng đội… Đó chính là cuộc sống đời thường của người chiến sĩ CAND.

Ngô Khiêm
.
.