Mộng hồ sương thơm hương phố

Thứ Bảy, 25/05/2024, 12:50

Theo dòng sông Tô Lịch cũ (khởi nguồn từ bến chợ Gạo), phố Quán Thánh chính là đầu nguồn nước rẽ ngang từ Hàng Lược đổ về tận Bưởi. Với chiều dài 1.360 mét, phố Quán Thánh có hình thù cong lượn vài khúc từ đầu Hàng Cót tới đường Thanh Niên.

Sau khi người Pháp lấp sông Tô (năm 1889) hai bên đường phố mọc lên hàng trăm ngôi biệt thự hiện đại ven thành cổ. Từ đó không còn cảnh: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh...” của một thời kẻ chợ.

Chập chờn cánh bướm hồ sương

Đường Quán Thánh có ba khúc cong theo hình thù sông Tô Lịch cổ, tới ngã tư Nguyễn Biểu thì phố chạy dọc bên hồ Trúc Bạch tới đầu hồ Tây. Vào mùa thu hay sang đông, khối mây sương từ hồ Tây tràn qua phố tạo nên cảnh huyền ảo thơ mộng. Cứ buổi chiều tối thường có những đàn bướm bay chập chờn trong khu vườn đền Quán Thánh. Hẳn chăng hình ảnh đó gợi nhớ không gian ám ảnh trong câu chuyện “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng một thời.

1-đầu phố quán thánh.jpg -0
Đầu phố Quán Thánh.

Bởi lẽ trụ sở của “Tự lực văn đoàn” (TLVĐ) ở số nhà 80 Quán Thánh tới 10 năm (1934-1944). Địa chỉ này được coi là trung tâm khai phá xu hướng văn học lãng mạn đầu tiên với những cây bút Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam và Hoàng Đạo. Nhà số 80 còn là trụ sở của hai tờ Báo Phong hóa, Ngày nay và NXB Đời nay. Đó là những phương tiện để in ấn phát hành có bài bản quy mô của TLVĐ. Ngày đó nơi đây luôn rộn ràng văn nhân đương thời viết bài cho Báo Phong hóa, sau đó là Ngày nay.

Đặc biệt bộ biên tập của TLVĐ ngoài những cái tên kể trên còn có Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ và họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Họ là một ê-kíp có sức thu hút tạo nên một nguồn mạch văn học hiện đại bên cạnh phong trào Thơ mới đang phát triển sôi nổi. Trong số đó, Thế Lữ được coi là ngọn cờ của phong trào Thơ mới cùng Xuân Diệu, Huy Cận và Lưu Trọng Lư. Những thành tựu văn học của TLVĐ (hàng chục tiểu thuyết và các giải thưởng đã trao) vẫn là đề tài đáng quan tâm cho tới nay.

Những biệt thự trên phố Quán Thánh dường như có duyên với những hoạt động nghệ thuật. Vào năm 2000, đạo diễn Quốc Trọng dựng phim “Mùa lá rụng” (theo tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng); đã chọn khung cảnh số nhà 172 để quay cảnh khuôn viên gia đình ông Bằng (nhân vật chính). Đây là bộ phim hay qua diễn xuất nổi bật của các nghệ sĩ Chu Văn Thức, Dũng Nhi và Thanh Quý ngày đó. Nhưng thật ra ngôi nhà này cũng đã từng được chọn làm cảnh cho một phim nữa từ năm 1970.

Một phần có lẽ Xưởng Phim truyện ở số 4 Thụy Khuê nối với Quán Thánh nên tiện mượn ngôi nhà này, Nhưng phải nói đây là biệt thự còn giữ lại được nguyên vẹn cho tới nay với vẻ đẹp cổ kính thông ra cửa sau là số 88 Trấn Vũ. Theo như người nhà của biệt thự nói ba cây Hoàng Lan sau khi quay phim xong đã bị đốn chặt vì hay rụng lá quá nhiều. Hiện nay 8 gia đình con cháu nhà chủ (cụ Hiên) đã chia nhau ở rất sum vầy. Họ đã mở một quán cà phê trong khu vườn “Mùa lá rụng” này thật êm đềm và thơ mộng.

Theo nữ nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo Thục Trinh (ở ngã tư Quán Thánh - Nguyễn Biểu) cho biết, phố có nhiều bố cục kiến trúc lý tưởng cho mọi khuôn hình. Đó là hàng cây cổ thụ bên những mái nhà cổ vàng hoe cùng đường cong của đường phố tạo nên độ hút không gian dịu dàng. Đặc biệt mỗi độ thu về, nhiều cây hoa sữa già luôn thơm ngát cùng những làn sương từ hồ Trúc Bạch bay sang tạo nên bức hình “yêu đến dễ sợ” luôn.

Chị nói, thời còn những toa tàu điện chạy về Bưởi (trước thập niên 90 thế kỷ XX) ngang qua phố, bao giờ cũng là điều lý thú của những bạn trẻ đua nhau nhảy tàu trốn vé. Nghe vậy, tôi bỗng nhớ tới câu thơ Phan Vũ đã viết trên con phố này: “Ta còn em tiếng hàng ngày/ Reo vang đường phố/ Lanh canh! Lanh canh!/ Tia hồ quang chớp xanh/ Toa xe điện lên đèn/ Người soát vé áo bành tô sờn rách” (Em ơi! Hà Nội phố).

Ta còn em một đam mê

Tôi nhớ tới những câu thơ của Phan Vũ bởi lẽ hồn thơ của ông dồn chính vào ngôi nhà số 108 phố Quán Thánh. Câu thơ ấn tượng của nhà thơ được sự chú ý của bạn đọc ở hình ảnh: “Ta còn em tiếng dương cầm/ Trong khung nhà đổ/ Lả tả trên thềm/ Beethoven và sonate Ánh trăng/ Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ”. Đây là câu thơ vang lên khi nhà thơ tới ngôi nhà của người bạn gái Trịnh Thị Nhàn sau đợt bắn phá của máy bay Mỹ dội xuống.

Ngôi nhà đổ nhưng không ngờ cây đàn dương cầm vẫn còn nguyên đó như một báu vật kiên cường. Nhà thơ xúc động viết: “Ta còn em một đam mê/ Một vật vã/ Một dang dở/ Một trống không/ Một kiếp người/ Những phím đàn long”. Phải nói đây mới là câu thơ hay nhất của Phan Vũ trong thi phẩm “Em ơi! Hà Nội phố”. Đó là ký ức của 12 ngày đêm giặc Mỹ ném bom Khâm Thiên và Hà Nội (cuối tháng 12/1972). May sao khi tới ngôi nhà đổ sập ấy, người ta gỡ nắp hầm lên cứu được vợ chồng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) cùng những bức tranh. Con cháu ông đi sơ tán hết.

Tình bạn giữa nhà thơ Phan Vũ với nghệ sĩ Trịnh Thị Nhàn (con gái họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) mang âm hưởng của bản “Sonate tình yêu”. Đó là sự nhớ nhung và nương cậy tinh thần thẳm sâu. Bài thơ ra đời qua cơn hốt hoảng cùng với sự hoàn hồn của nhà thơ sau khi biết bạn gái không bị sao. Nhà thơ ở phố Hàng Bún (số 52) cắt ngang Quán Thánh nên nhẩn nha ông ra ngắm ngôi nhà cùng những ký ức tràn về trong 12 ngày đêm máu lửa. Vậy là “Ta còn em” được sinh ra trong ký ức nước mắt dâng trào bởi mất mát và đổ vỡ. Nghệ sĩ Piano Trịnh Thị Nhàn, một tài hoa sóng đôi cùng Đặng Thái Sơn trên con đường nghệ thuật ở viện Traicopxki (Nga). Hiện nghệ sĩ định cư ở Pháp.

2-phố quán thánh năm 1915.jpg -1
Phố Quán Thánh năm 1915.

Nói về ngôi nhà số 108 ấy càng thêm kỳ lạ. Bởi lẽ nơi đây là cái nôi mà 12 người con của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cất tiếng khóc chào đời. Sinh thời, họa sĩ Trịnh Tú (con thứ 10) còn làm ở Báo Lao động chúng tôi có dịp tới đây xem tranh của anh. Khi đó anh đang chuẩn bị triển lãm cá nhân “Cảm xúc 1” (2013) chỉ với 18 tác phẩm.

Anh kể được sự chăm chút của cha mẹ, tất cả 12 người con trong gia đình đều học hội họa (do cha mẹ dạy); học đàn piano và ngoại ngữ (do một giáo sư người Anh tới nhà dạy). Do đó hầu hết anh chị em trong nhà đều là họa sĩ và nghệ sĩ piano thành danh. Thế hệ thứ ba và thứ tư trong gia đình cũng là những họa sĩ hoặc nghệ sĩ piano tài năng như Trịnh Cẩm Nhi (Họa sĩ, con gái Trịnh Tú) hay cháu ngoại Phó An My (Piano)…

Những tượng đài trên phố

Đường phố Quán Thánh gắn liền với đền Quán Thánh (hay còn gọi Trấn Vũ quán) ở ngã tư Quán Thánh và đường Thanh Niên. Trong đền có bức tượng thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần trấn ải cửa Bắc Kinh đô Thăng Long. Bức tượng đồng đen này là một kiệt tác nghệ thuật đúc đồng ở Ngũ Xã (làng nghề Hà Nội xưa), với chiều cao 3,96 mét và nặng 4 tấn (làm năm 1681). Đây là một dấu ấn cổ đậm chất huyền thoại Thăng Long xưa và là điểm nhấn tâm linh trên con phố đẫm hơi sương.

Đồng thời, đầu phố Quán Thánh còn có bức tượng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại vườn hoa Vạn Xuân. Biểu tượng thể hiện sức mạnh của quân dân Thủ đô chống thực dân Pháp theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Bản hùng ca “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi luôn vang lên trên làn sóng phát thanh, luôn nhắc lại sự kiện hào hùng ngày nào.

Và thật tình cờ vào giữa thập niên 80 thế kỷ XX, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã tới phố Quán Thánh ở cùng người vợ sau (nghệ sĩ Tuệ Minh) trong một thời gian dài. Đó là ngôi nhà phía trong khu tập thể gần trụ sở Bưu cục Quán Thánh (số nhà 8) nhìn sang vườn hoa Vạn Xuân. Hôn nhân của hai người kéo dài 20 năm và cùng mất vào năm 2003. Đây là một cuộc tình rất lãng mạn và không ít gian truân đã được ghi dấu trên đường phố Quán Thánh lãng đãng sương bay. Thật đúng là: “Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ/ Thoáng qua/ Khuôn mặt chưa quen/ Bỗng xôn xao nỗi khổ/ Mỗi góc phố một trang tình sử” (“Em ơi! Hà Nội phố” - Phan Vũ).

Vương Tâm
.
.