Lên núi Nham Biền ngắm sông Thương

Thứ Bảy, 06/04/2024, 11:33

“Sẽ hình thành tour du lịch bằng thuyền (ca nô) trên sông Thương trong nay mai. Lần sau về với Yên Dũng tin rằng các nhà văn nhà báo sẽ được dịp tham quan và tìm hiểu kỹ hơn, đầy đủ hơn” - Tiến sĩ văn học Trần Đức Hoàn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, phấn khởi thông báo đầy chắc chắn với chúng tôi như vậy.

Nói rồi ông Tiến sĩ văn học rất am hiểu về huyện nhà đã đưa cho chúng tôi bài viết “Du ngoạn miền đất ba sông” của mình đăng trên tờ “Người làm báo” Bắc Giang. Bài viết mở đầu: “Một đặc trưng của vùng đất này là có sự kết hợp giữa bình nguyên và rừng núi. Chính nét đặc trưng này cùng với khí hậu thuận lợi là cơ sở cho phát triển nghề trồng lúa cũng như sự hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống ven sông”.

b.jpg -0
Đền Cổ Phao thờ tướng Nghĩa Xuyên bên bờ sông Thương.

Với khái quát như vậy cho thấy Yên Dũng còn ẩn chứa nhiều giá trị sông nước với con sông Thương đã đi vào tâm tưởng người dân Yên Dũng và du khách. Con sông Thương gắn bó bao đời và với ý tưởng mở tour du lịch trên sông Thương, con sông của cổ tích, con sông của ca dao và con sông của thi ca đã, sẽ và mãi tồn tại trong vùng văn hóa sông nước đặc sắc rất Yên Dũng. Như ca dao xưa đã viết: “Cảnh Thụy buôn cửi bán bông/ Tư Mại bán thóc đã xong một bề... Làng Kem bán chổi bán mo/ Ở dưới bến Cáu có lò bán than... Vân Cầu đất tốt cả làng trồng rau/ Làng Bãi sao khéo bảo nhau/ Chửa ra đến ngõ đã màu ổi xanh…”.

Huyện Yên Dũng ở phía cuối của tỉnh Bắc Giang, giáp với tỉnh Bắc Ninh với con sông Cầu nên thơ làm ranh giới, giáp tỉnh Hải Dương với sông Lục Nam và sông Thương làm ranh giới. Địa bàn sông nước bao bọc như vậy nên từ xa xưa mảnh đất này từng được ví là “rốn nước” của tỉnh Bắc Giang. Nhưng chính nơi gọi là đất “trũng” ấy lại uy nghi dãy núi Nham Biền. Huyền tích kể lại rằng: Dãy núi Nham Biền chạy ngang huyện theo hướng đông tây, tương truyền chính là dãy núi thiêng. Sự linh thiêng ấy còn cho hay rằng có đàn chim phượng hoàng gồm 100 con bay về đây để tìm đất định đô”. Không may dãy Nham Biền chỉ có 99 ngọn núi nên trong đàn chim Phượng Hoàng có một con chim không tìm được núi để đậu. Đó là con chim Phượng Hoàng đầu đàn. Chim đầu đàn đã vỗ cánh bay đi kéo theo cả 99 con còn lại. Vùng đất thiêng ấy đã không thành đất định đô nhưng suốt quá trình khai phá sông nước núi non để lập làng ấy đã để lại nhiều dấu tích oai hùng.

Nghe nói chuyện đất trũng lại lắm sông của Yên Dũng, tôi bèn như một “thầy địa lý” mà góp: “Đất trũng theo phong thủy là đất tụ thủy. Tụ thủy nghĩa là đón nhận nhiều tài lộc. Lại có dãy núi Nham Biền nổi lên đã cho thấy đây là vùng đất thiêng. Đất và người tuy sống bình yên nhưng dạn dày và dũng cảm”. Lời nói góp của tôi được mọi người cùng ngồi nghe chuyện có chiều gật gù.

Thời Nhà Trần huyện Yên Dũng có tên là Cổ Dũng, đến thời Nhà Lê thì danh xưng Yên Dũng mới chính thức biết đến. Cũng dưới thời Nhà Trần, những người dân làng lúa, làng chài, làng núi nơi đây đã lập nên những đội dân binh, và những đội dân binh dũng cảm ấy đã nhập vào quân đội của triều đình Nhà Trần.

Chuyện xưa còn kể lại câu chuyện về ông Nghĩa Xuyên, một nông dân có tài bơi lội, đặc biệt là tài lặn ngụp để đục thủng đáy thuyền giặc Nguyên Mông. Không may ông Nghĩa Xuyên bị trọng thương và không muốn sa vào tay giặc nên ông Nghĩa Xuyên đã tuẫn tiết nơi hợp lưu giữa sông Lục Nam với sông Thương. Người đời đã chôn cất ông và lập đền thờ ông. Ban đầu đền thờ được lập trên một đảo nhỏ giữa ngã ba sông (ngã ba Phượng Nhãn), sau người dân di dời đền thờ đến vị trí ngay bờ hữu sông Thương thuộc xã Đồng Việt và đặt tên là Đền Cổ Phao. Chuyện ông Nghĩa Xuyên đã đi vào truyền thuyết với tinh thần là một vị thần linh phù hộ người dân yên ổn làm ăn.

Ông Thạch Văn Chung, Bí thư Huyện ủy Yên Dũng, trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi đã cho biết: “Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa một huyện vốn thuần nông lại đến sớm hơn. Theo kế hoạch thì năm 2024, toàn bộ huyện Yên Dũng với 185,9 km2 cùng với gần 140.000 người dân của 16 xã và 2 thị trấn sẽ sáp nhập vào thành phố Bắc Giang mở rộng”.

Nói vậy thôi, chứ ông Chung lại không nhắc đến chuyện “tâm tư” của cán bộ với việc sáp nhập, mà ông Chung lại nói rất nhiều về mục tiêu phát triển văn hóa, thông tin, thể thao và nhất là du lịch của huyện. Theo đó, như Nghị quyết số 18-NQ/HU ngày 17/2/2021 về Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Yên Dũng, giai đoạn 2021-2025, tức là một mục tiêu có tính hiện tại và trước mắt, cũng theo đó huyện sẽ từng bước đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn của huyện.

d.jpg -1
Sông Thương.

Như để chứng minh cho mục tiêu phát triển du lịch đó, chúng tôi được các cán bộ của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao của huyện đưa đi thăm một số di sản cùng danh lam trên địa bàn. Cô Lê Thị Minh Hiền và cô Lê Thị Khơi phấn khởi cho biết: “Huyện chủ trương phát triển du lịch với những di sản đã có và kết hợp với những di sản mới được phục dựng”. Cô Minh Hiền còn cho biết thêm: “Huyện cũng chủ trương gắn du lịch di sản, du lịch tâm linh với những giá trị lịch sử và truyền thống đấu tranh của huyện”. Đó là một chủ trương đúng bởi có kết hợp di sản với truyền thống đấu tranh mới cho thấy một “bức tranh” hoàn thiện về đất và người Yên Dũng.

Đứng trước sân Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, tọa lạc trên lưng chừng Núi Voi, đỉnh núi cao nhất dãy núi Nham Biền huyền tích, nhìn ra xung quanh tôi thấy dấy lên những dự cảm tốt đẹp. Cuối xuân, trời hửng nắng, màu nắng như tô thêm cho bức tranh hữu tình. Dưới chân núi Nham Biền là thị trấn Nham Biền với những ngôi nhà mái đỏ kề nhau. Xa xa đôi chút là đoạn cuối của dãy núi Nham Biền đang mở rộng ra trước mắt với những cánh đồng lúa chín vàng. Xa thêm chút nữa, cột ống khói Nhà máy điện Phả Lại đứng uy nghi ẩn mờ trong sương. Thấp thoáng dòng Lục Đầu oai linh gợi nhớ về thời đại nhà Trần lẫy lừng trong ba cuộc chiến với giặc Nguyên Mông hung dữ.

Tôi lắng nghe và phóng tiếp tầm mắt nhìn bao quát cảnh quan dưới chân dãy núi Nham Biền. Ánh nắng thu vàng nhẹ như gieo vào tâm trí tôi những ấn tượng hào hùng của vùng đất cổ, vùng đất thiêng có bề dày lịch sử văn hóa và khoa bảng này. Được biết, thời Khoa bảng huyện có hai cha con cùng đỗ tiến sĩ, trong đó người con là Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên. Cô Lê Thị Khơi dẫn chúng tôi vào bên trong Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng. Một không gian thoáng rộng như hòa quyện với cảnh quan cây xanh bóng phủ của dãy núi Nham Biền.

Cô Khơi cho hay: “Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng này được khởi công vào năm 2011. Thiền viện chính là sự tiếp nối tư tưởng của dòng phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền thuần Việt do chính Vua Trần Nhân Tông (Phật hoàng Trần Nhân Tông) khai sáng. Và cùng với chùa Vĩnh Nghiêm có tuổi đời hơn 10 thế kỷ (dưới thời Lý Thái Tổ) hợp thành di sản Phật giáo Việt Nam độc đáo”.

Theo đó, thì khi cầu Đồng Việt một cây cầu dây văng lớn nhất tỉnh Bắc Giang bắc qua sông Thương được hoàn thành sẽ nối thông đường bộ tới Hải Dương và Quảng Ninh. Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ được kết nối với hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh trong vùng Bắc Giang - Quảng Ninh như: Đền Kiếp Bạc, non thiêng Yên Tử.

Cô Khơi còn cho hay thêm: “Địa bàn huyện Yên Dũng còn có chùa Kem (Sùng Nham Tự) ở xã Nham Sơn. Đây là một ngôi chùa nằm trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt cuộc khởi nghĩa Yên Thế”. Và cùng với sự cấu thành của hệ thống các di tích văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng, hứa hẹn một tương lai tươi đẹp nơi vùng quê Yên Dũng.

Chợt câu thơ “dự báo” của nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài thơ “Chiều sông Thương” ào tới quanh tôi như một làn gió mát: “Cho sắc mặt mùa màng/ Đất quê mình thịnh vượng/ Những gì ta gửi gắm/ Sắp vàng hoe bốn bên”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.