Bờ sông sóng phố

Chủ Nhật, 04/02/2024, 16:05

Từ xa xưa ai cũng gọi đường Trần Nhật Duật là phố “Bờ sông”. Đường phố được hình thành dọc đê sông Hồng dài 800 mét, rộng 30 mét (từ phố Hàng Đậu tới Hàng Thùng).

Đường Trần Nhật Duật bao trọn khu “Kẻ chợ Thăng Long” cổ kính về phía đông bắc chạy qua ba phường Hàng Buồm, Đồng Xuân và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Đây là đầu mối giao thông phố cổ lớn nhất Hà Nội khi đường Trần Nhật Duật nằm trên quốc lộ dẫn tới các cây cầu lớn bắc qua sông Hồng.

Phố của những bến sông và cửa ô xưa

Một thời tôi quen thân với họa sĩ Vân Thuyết ở số 46 Trần Nhật Duật nên hay tới đây xem tranh của anh. Ngôi nhà nhỏ của họa sĩ ngay mặt phố luôn ầm ầm tàu xe qua lại. Chung quanh các gia đình đều buôn bán làm ăn túi bụi suốt ngày đêm. Họa sĩ Vân Thuyết kể, nhiều nhà trên phố làm nghề kẻ biển số xe ô tô và xe máy đã lâu đời vì xưa gần bãi Cột cờ (tại ngã tư cuối phố Trần Nhật Duật) là bến xe khách và tàu thủy nhộn nhịp. Còn phía trên đầu phố có bến Nứa cũng là nơi đậu tàu xe đi các tỉnh.

Bờ sông sóng phố -1
Cầu Long Biên.

Anh cho biết, xưa chưa có đê, nước sông Hồng chảy vào tận bến thuyền ngay đầu phố. Điển hình nhất là bến Đò Ngang (phố Chợ Gạo) gần cửa Ô Quan Chưởng. Thuyền cập bến ở đây chở gạo qua sông Tô Lịch tới Cầu Đông (bên phố Hàng Đường). Phía trên còn có bến Hàng Nâu thuộc phố Hàng Nâu cũ (tính từ phố Gầm Cầu tới Ô Quan Chưởng). Dân thương hồ cất củ nâu, trầu vỏ và các loại hàng hạt đậu đỗ lạc đưa vào phố Hàng Đậu, Hàng Khoai. Còn phía dưới bến Đò Ngang có các bến Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Muối, Hàng Tre… Dọc đường Trần Nhật Duật có tới 6 bến sông 6 cửa ô vào phố. Về sau nước sông Hồng đổi dòng vì phù sa bồi đắp nên các bến bãi đều bị lấp để làm đường, xây nhà lập phố (từ năm 1888).

Những dấu tích các bến sông cùng cửa ô chỉ còn lại di sản Ô Quan Chưởng. Bên cạnh đó, phố Chợ Gạo chia làm hai nhánh chính là hình ảnh cửa sông Tô Lịch chảy qua thành phố. Nhà thơ Phan Vũ đã có lần cảm tác: “Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em con đê lộng gió/ Dòng sông chảy mang hình phố/ Cô gái dựa lưng bên gốc me già”.

Sự biến động của dòng sông với thời gian cũng được nhà thơ chia sẻ cảm xúc bâng khuâng mỗi khi mùa nước về. Ông viết: “Ta còn em mùa nước đổ/ Sông Hồng mất tăm bãi Giữa/ Bè xuôi không ghé bến/ Con tàu nhổ neo về biển/ Hồi còi vọng/ Như một tiếng than dài/ Mùa này trăng vỡ trên sông” (Em ơi! Hà Nội-phố). Hồi đó nhà thơ Phan Vũ ở phố Hàng Bún (số 52) thường đi bộ lên đầu phố trên đường Yên Phụ (nối liền phố Bờ Sông). Bản trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” đã được ông viết trong 12 ngày đêm giặc Mỹ bắn phá Hà Nội và dội bom B52 xuống phố Khâm Thiên (12/1972).

Chính quá trình hình thành con đường trên các bến sông, cửa ô mà phố Trần Nhật Duật cắt nhiều đường đi vào khu phố cổ. Họa sĩ Vân Thuyết cho hay, nếu tính từ phố Hàng Đậu cho tới Hàng Thùng thì phố có tới 10 lối rẽ vào chợ các phố Hàng. Những con đường quanh quanh phố xá vẫn còn lưu giữ hình ảnh Thăng Long ngày nào: “Nghìn thu gặp hội thái bình/ Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long/ Phố ngoài bao bọc thành trong/ Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng…” (Hà Nôi băm sáu phố phường).

Nhưng có điều bất ngờ đối với tôi khi họa sĩ kể, xã Nguyên Khiết (một trong hai vùng đất thuộc phố Trần Nhật Duật) chính là quê của nhà văn Nguyễn Cấp, người đã viết truyện thơ Nôm “Quan âm Thị Kính”, bản in vào thời vua Tự Đức (1868). Nhà văn Nguyễn Cấp đỗ Giải Nguyên (1813) được bổ làm quan và sau này nhận chức Tri phủ Thiên Trường (1829) thời Nguyễn. Theo trí nhớ của họa sĩ Vân Thuyết, ngôi nhà số 6 Trần Nhật Duật chính vốn là đất của đình làng Nguyên Khiết (còn có tên đình Hàng Nâu).

Phố hai cầu

Không ít họa sĩ đã tìm tới phố Trần Nhật Duật để vẽ tranh bởi lẽ đây là con đường độc đáo nhất Hà Nội khi có hai cầu bắc qua sông Hồng. Đầu phố gây dấu ấn kỳ thú bởi cây cầu Long Biên cổ kính và còm cõi bấy lâu nay. Một cây cầu có thời từng được xếp hạng thứ nhì trên thế giới (năm 1902) về kiến trúc hiện đại và độ dài (2.290 mét kể cả cầu dẫn). Người dân Thủ đô hoan hỉ vui mừng vì cây cầu với hình ảnh “Rồng sắt” trên sông Hồng. Họ truyền tụng trong dân gian: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người đi lại gánh gồng ngược xuôi”.

Cây cầu Long Biên còn được ví von với hình ảnh “Tháp Eiffel” nằm ngang. Vẻ đẹp của biểu tượng cây cầu càng ngày càng thu hút du khách bấy lâu nay với nét cỗi già tàn phai theo thời gian. Những gióng sắt đan chéo cao vọi tạo đỉnh vòm cầu làm mê hoặc lòng người. Đó là những vòm trời hình tam giác đan chéo như cánh sao khổng lồ bay trên dòng sông cuồn cuộn phù sa. Nhất là sự đổ vỡ và chắp vá qua cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ cách đây hơn nửa thế kỷ cũng tạo nên những ẩn ức trong tâm cảm lòng người. Sắc màu già nua hoen rỉ vàng nâu hồn nhiên trên từng thanh sắt gây xúc động cho bất cứ ai dừng chân trên cầu.

Hàng triệu người đã từng gắn hình ảnh cây cầu hơn trăm năm này với kỷ niệm của đời mình khi dạo qua thành phố. Hơn chục nhịp cầu đã bị sập vì bom đạn. Những vẻ đẹp lộng lẫy xưa nay còn đâu sau khi phục hồi và tạo dựng lại. Chính vì thế cầu Long Biên còn ẩn giấu vẻ đẹp kiêu hùng của một thời “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Mỗi nhịp cầu là một sự mê hoặc bởi sắc màu tàn phai cùng với niềm khao khát qua những chuyến tàu hú còi vượt sông.

Bờ sông sóng phố -0
Cột đồng hồ trên phố Trần Nhật Duật, đầu cầu Chương Dương.

Nếu chân cầu Long Biên nằm trên bến Hàng Nâu xưa thì trụ vòng xoay đầu cầu Chương Dương (khánh thành năm 1985) chính là bến bãi “Cột Đồng hồ” ở cuối phố Trần Nhật Duật. Ký ức về cột đồng hồ không bao giờ phai mờ với người dân Hà Nội. Bởi lẽ cây cột đồng hồ này còn được đổ móng xây trước khi dựng cầu Long Biên. Đây là một trong những cột đồng hồ (bằng sắt) đầu tiên được dựng lên cho hành khách theo dõi giờ tàu xe trên các bến bãi ở đường phố. Vào thời gian này chưa đắp đê nên dòng sông Hồng chảy vào tới gần các phố Hàng Muối, Lương Ngọc Quyến và Nguyễn Hữu Huân. Do vậy bến xe được đặt tên là “Cột Đồng hồ”.

Có thể ít người biết cây cột đồng hồ hơn trăm năm đó đã được lưu giữ và bảo tồn. Những người thợ cầu trả lại vị trí của nó trên trụ vòng xoay lên xuống cầu Chương Dương hiện nay. Bến tầu thì biến mất, nhưng cây cột đồng hồ vẫn hiện diện theo năm tháng như một trụ hoa ký ức của thành phố. Hàng ngày người người qua lại trên cầu thường đi vòng quanh trụ hoa thép này và lắng nghe thời gian bay vèo trong sóng gió. Đó là một ký ức thân quen sống dậy trên mỗi con phố được tụ về bến sông xưa: “Nơi tôi sinh Hà Nội/ Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy/ Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó/ Đêm lặng nghe trong gió/ Tiếng sông Hồng thở than” ("Hà Nội và tôi" - nhạc sĩ Lê Vinh).

Đồng vọng

Sự độc đáo của đường Trần Nhật Duật còn tạo được mỹ cảm khi trở thành con đường gốm sứ nối dài tới cung đường Yên Phụ. Qua những bức tranh được dựng tại tường bao đê sông Hồng (đối diện với dãy số nhà chẵn) tôi luôn bị ám ảnh về hồn vía Thăng Long ngàn năm. Bức tranh hoành tráng về Thủ đô ngay tại chân vòng xoay cầu Chương Dương như bản thánh ca về một thành phố Hòa bình. Một Văn Miếu hiện về. Một Hoàng thành linh thiêng. Và những cánh chim hòa bình bay rợp trời Thủ đô.

Tôi bỗng nhớ tới NSƯT Vũ Dậu, người đã gắn bó hàng chục năm ở phố Trần Nhật Duật. Giọng hát ngọt ngào trong trẻo của chị ngày nào vẫn còn vang vọng đâu đây, đó là một “Hà Nội niềm tin và hy vọng” cùng “Những ánh sao đêm” và “Cô gái mở đường”. Ký ức tràn về, sau trận chiến của đơn vị phòng không bắn máy bay Mỹ trên cầu Long Biên thì giọng hát của Vũ Dậu lại vang lên. Một cảm xúc tự hào linh thiêng dâng trào cảm xúc: “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau/ Chân ta bước lòng ung dung tự hào/ Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” ("Hà Nội niềm tin và hy vọng" - Phan Nhân).

Vương Tâm
.
.