Kỷ niệm 75 năm Báo CAND phát hành số đầu (1/11/1946-1/11/2021)

Lão báo Đào Minh Khoa - Lửa yêu nghề cháy mãi

Thứ Năm, 28/10/2021, 15:30

Trong những nghề được gắn với chữ "nhà", báo chí là một nghề đặc thù với đủ đầy vinh quang và lẫn nhọc nhằn. Đây là nghề khó làm giàu và lắm gian truân nhưng vẫn luôn có sức lôi cuốn, hấp dẫn. Chưa kể, một khi cái nghiệp nó "vận" vào thân, lại sẵn niềm đam mê thì không ít người trọn đời gắn bó với nghề báo. Nhà báo - lão báo Đào Minh Khoa, phóng viên Báo CAND là một người như thế.

Tấm gương yêu nghề và say nghề

Tôi trân trọng gọi nhà báo Đào Minh Khoa là "lão báo" bởi mấy lí do. Có lẽ, trong làng báo Việt Nam hôm nay, nếu đúng nghĩa một phóng viên thì nhà báo Đào Minh Khoa là người cao niên nhất; ông sinh năm 1943, quê ở Hà Nam.

Đầu năm 1990, khi đang là điều tra viên thuộc Phòng CSĐT Công an TP Hà Nội, Đào Minh Khoa đã tích cực cộng tác với Báo CAND. Là người am hiểu pháp luật và nghiệp vụ, lại trực tiếp làm công tác điều tra, ông như một người thợ mỏ đang ở ngay trong "mỏ vàng" tư liệu. Vậy là cứ ngày qua ngày, vừa làm nhiệm vụ của một điều tra viên, ông vừa làm cộng tác viên của Báo CAND.

 Lão báo Đào Minh Khoa - lửa yêu nghề cháy mãi -0
Lão báo Đào Minh Khoa.

Tin bài của Đào Minh Khoa, hầu hết liên quan đến lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vụ án lớn... Là "người trong cuộc", thông tin của ông luôn có tính thời sự, hấp dẫn bạn đọc. Đương nhiên đã là điều tra viên thì cũng có mối quan hệ với các cơ quan tố tụng, nên với Viện kiểm sát, Tòa án - những "mỏ tư liệu" quý, Đào Minh Khoa cũng thân thiết như người nhà. Vì vậy, tin bài của ông có sự cập nhật trong suốt diễn tiến hoạt động tố tụng; có không ít sự kiện, vụ việc được ông "nuôi" từ khi xảy ra, đến các bước tiến hành điều tra, truy tố, xét xử…

Đang là Thượng tá Công an, điều tra viên, một vị trí hấp dẫn và "có uy", đùng một cái Đào Minh Khoa xin nghỉ công tác sớm 2 năm. Ngay trong thời gian chờ hưu theo chế độ, ông đã chính thức "đầu quân" cho Báo CAND với vai trò phóng viên mảng nghiệp vụ. Ngoài tuổi 53, lương hưu khi nhận sổ cũng kha khá, gia đình yên ổn mọi bề, tháng 5/1997, Đào Minh Khoa lại khởi nghiệp như một phóng viên mẫn cán, yêu nghề, thậm chí say nghề.

Ngày mưa cũng như ngày nắng, Đào Minh Khoa luôn là một trong ba người đến cơ quan sớm nhất, cùng với bác bảo vệ và chị tạp vụ. Ông không cho phép mình có được đặc quyền, đặc lợi nào của một sĩ quan cao cấp nghỉ hưu thường xác định chỉ “đi làm cho vui”; trái lại, ông hoàn toàn bình đẳng với các phóng viên tuổi mới ngoài 20 đầy sức trẻ và yêu nghề. Cũng họp hành, “phang nhau” về chuyên môn, địa bàn; cũng xe máy lọ mọ tới hiện trường, tới các đầu mối đơn vị thu thập tài liệu, chụp ảnh, viết tin bài.

“Sản phẩm” của Đào Minh Khoa đa phần là các tin bài nóng và 100% là “hàng xịn”, “Made by Đào Minh Khoa” – hoàn toàn tự thân, không xào xáo, cóp nhặt. Thi thoảng, buộc phải dùng ảnh hoặc tư liệu của người khác, thì ông đều cẩn thận xin phép và ghi rõ nguồn.

Tình yêu nghề của lão báo Đào Minh Khoa còn thể hiện ở sự trân trọng các cộng tác viên, đầu mối cung cấp tài liệu, tin tức cho ông. Kể cả đến khi báo mạng đã phát triển rầm rộ, Đào Minh Khoa vẫn đặt mua các ấn phẩm báo in của Báo CAND như: Công an nhân dân hằng ngày, An ninh Thế giới… để biếu lãnh đạo các cơ quan tố tụng. Số tiền mua báo đó, mỗi tháng theo như tôi biết, cũng phải vài triệu đồng.

Khi tôi làm Trưởng Ban TKTS, có lần Đào Minh Khoa tâm sự, đại ý: “Anh Hiển hỏi thì tôi nói thật, tôi biết giờ ít người đọc báo in. Nhưng mình biếu báo để các vị ấy thấy mình trân trọng họ, dẫu họ cầm trên tay và liếc qua bài báo cũng là vui lắm rồi”.

Cũng chính vì vậy mà dù trình độ IT (công nghệ thông tin) ở mức “cực yếu” so với cánh phóng viên trẻ, song Đào Minh Khoa vẫn luôn moi được những tin nóng. Ông không biết dùng điện thoại thông minh, đánh máy quá chậm, không thạo lắm sử dụng email… Thế nhưng, Đào Minh Khoa luôn khiến anh em phóng viên trẻ nể phục, vì ông có nguồn cung tin tức dồi dào, chính thống và an toàn.

Nhiều năm liền, mỗi khi có những vụ án nóng, mấy quán trà đá ven trụ sở Báo CAND (66 Thợ Nhuộm, rồi 92 Nguyễn Du, Hà Nội) lại tíu tít cánh phóng viên trẻ ở một số tờ báo ngồi “chờ” Đào Minh Khoa. “Buôn có bạn, bán có phường”, nhưng Đào Minh Khoa luôn biết vun vén, “rào dậu” cho Báo CAND rồi mới sẻ chia với các đồng nghiệp. Âu cũng là cái đạo của một người làm nghề, yêu nghề, yêu cơ quan Báo CAND.

Thành quả gần 25 năm hoạt động báo chí sau khi nghỉ hưu của Đào Minh Khoa, nếu so sánh với một người trẻ sung sức, thì cũng quá đáng nể. Ông đã có hàng trăm bài báo nóng và cái tên Đào Minh Khoa đã “đóng đinh” trong lòng không ít bạn đọc. Ông cũng đã được trao tặng một số giải báo chí của các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là giải C giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018, với loạt bài điều tra: “Bệnh án tâm thần, bùa hộ mệnh và những đường dây ma”, đồng tác giả với phóng viên Trần Xuân.

Để thực hiện loạt bài điều tra này, lão báo Đào Minh Khoa trong vai ông nội được cháu trai là phóng viên Trần Xuân đưa bằng xe máy đi khám tâm thần. Hai ông con nhập vai hoàn hảo đến mức các thầy thuốc chẳng mảy may nghi ngờ; các đối tượng “tâm thần” cũng tưởng ông là bệnh nhân đích thực. Khi loạt bài khởi đăng, đã thu hút sự quan tâm của dư luận, vạch trần thủ đoạn tinh vi của một số đối tượng, sự tha hóa của những kẻ tiếp tay cho họ có được “bệnh án tâm thần” để chạy tội…

Một con người đầy trách nhiệm công dân và báo chí

Nể phục lão báo Đào Minh Khoa, không chỉ bởi sự say mê, “máu lửa” và bền bỉ với nghề, mà ông còn là một công dân đầy trách nhiệm với cộng đồng, một nhà báo luôn xác định và giữ gìn, làm tốt trách nhiệm với xã hội, không bẻ cong ngòi bút trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Hôm ấy như thường lệ, tầm gần 6h sáng một ngày tháng 7 năm 2018, Đào Minh Khoa rời nhà riêng (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) tới trụ sở Báo CAND (số 92 Nguyễn Du). Khi dừng xe ở phố Lạc Long Quân (gần lối rẽ xuống đường ven Hồ Tây) để bỏ rác vào thùng, ông phát hiện chiếc túi nilon gói một thứ giống như khẩu súng ngắn bỏ ở gốc cây bên đường.

Lão báo Đào Minh Khoa - Lửa yêu nghề cháy mãi -0
Nhà báo Đào Minh Khoa (giữa) nhận giải Báo chí quốc gia năm 2018 cùng các đồng nghiệp.

Với phản xạ nghề nghiệp, Đào Minh Khoa thận trọng kiểm tra và xác định đây là một khẩu súng ngắn quân dụng. Ông lập tức đem tới trụ sở Công an giao nộp. Công an phường Thụy Khuê đã lập biên bản tiếp nhận khẩu súng quân dụng do Đào Minh Khoa bàn giao và xác định đây là súng ngắn K59, bên trong là băng đạn có 6 viên.

Thật may khi thứ vũ khí nguy hiểm này “rơi” vào tay một người tốt và đầy trách nhiệm với cộng đồng!

Mùa hè năm 2016, Báo CAND là một trong những tờ báo tích cực vào cuộc và sớm có tin, bài phản ánh những sai phạm liên quan đến Trịnh Xuân Thanh. Sau khi Báo CAND đăng bài của Đào Minh Khoa: “Dấu hiệu cố ý làm trái trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3.200 tỷ đồng”, có người đã tìm đến tòa soạn xin gặp tác giả để “nói chuyện”...

Nhiều người còn nhớ, vụ án Trịnh Xuân Thanh “khởi đầu” từ chuyện chiếc xe Lexus biển xanh. Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2016, báo chí rộ lên tin chiếc xe ôtô Lexus 570, trị giá gần 6 tỷ đồng, lắp biển kiểm soát màu xanh, dùng để đưa đón ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. 

Ít ngày sau, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí về chiếc xe Lexus 570 biển xanh. Câu chuyện chiếc xe ô tô biển xanh chưa kịp khép lại, thì dư luận tiếp tục đặt nhiều câu hỏi, vì sao đường quan lộ của ông Trịnh Xuân Thanh lại “thần tốc” như vậy? Dù rất nhiều công trình ngàn tỉ liên quan tới ông ta đều đang “đắp chiếu”.

Cùng thời điểm này, Đào Minh Khoa đã thu thập được một số tài liệu về sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Đây là doanh nghiệp mà Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

Bài viết: “Dấu hiệu cố ý làm trái trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3.200 tỷ đồng” của Đào Minh Khoa được đăng trên Báo CAND, đúng thời điểm rất nhạy cảm đối với ông Thanh, nên gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Sau khi bài báo đăng, vào một ngày thứ bảy đầu tháng 9/2016, Đào Minh Khoa nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ của người đàn ông, tự xưng là cán bộ một cơ quan, muốn mời tác giả tới quán nước gần tòa soạn Báo CAND để nói chuyện liên quan đến bài viết về PVC. 

Theo Đào Minh Khoa kể lại, ông nhận thức ngay, đây là một cuộc điện thoại rất nhạy cảm, nhưng vì chưa biết mục đích của người muốn gặp là gì; biết đâu, họ muốn cung cấp thêm thông tin về sai phạm tại PVC thì tốt quá.

Vì vậy, Đào Minh Khoa nại lý do đang trực không thể rời cơ quan được và mời ông ta đến tòa soạn nói chuyện. Đồng thời, ông nhắc phóng viên Trần Xuân (đang trực cùng) khi khách đến thì không cần phải tránh đi nơi khác mà ở cùng phòng để chứng kiến cuộc nói chuyện, đồng thời đề phòng những điều không hay có thể xảy ra.

Khoảng 15 phút sau, một người đàn ông chừng 45 tuổi, y phục lịch sự, mang theo một chiếc cặp da màu nâu nhạt vào phòng làm việc của Đào Minh Khoa. Người đàn ông này rất có tài xã giao, cách nói chuyện tự nhiên như đã thân quen từ lâu. Ông ta đề nghị Đào Minh Khoa thời gian tới, nếu có thông tin bất lợi với Trịnh Xuân Thanh thì không viết nữa…

“Nghe tới đây, tôi thấy lòng tự trọng của bản thân cũng như cơ quan báo bị tổn thương. Tôi trả lời: Chúng tôi là những người làm báo, trách nhiệm của chúng tôi là phải đấu tranh, vạch trần những tiêu cực trong xã hội. Đạo đức làm nghề của chúng tôi không cho phép thỏa hiệp với những điều sai trái… Tôi nghĩ chúng ta nên chấm dứt câu chuyện tại đây” – Đào Minh Khoa kể lại.

Tuy bị nói như vỗ vào mặt, người đàn ông vẫn nhún nhường và kiên trì đề nghị Đào Minh Khoa thay đổi quan điểm nhưng không được ông chấp nhận. Ngay sau đó, Đào Minh Khoa đã báo cáo sự việc với ban biên tập và nhận được sự đồng tình, hoan nghênh vì đã có thái độ kiên quyết, đúng mực với vị khách “không mời mà đến”.

Với nghề, với đời là như vậy. Với gia đình, Đào Minh Khoa cũng là con người đáng kính. Trong cơ quan, tuy tuổi tác cách xa nhau nhưng tôi và lão báo Đào Minh Khoa cũng hay tâm sự, sẻ chia đôi điều. Tôi cảm phục ông vì sức làm việc ở cái tuổi ngoại 70, về trách nhiệm với gia đình. Tuổi thất thập cổ lai hi, ông vẫn chẳng phiền đến con cháu, vẫn sống, lao động như một người đàn ông trung niên, mẫu mực.

Ngoài lương hưu, Đào Minh Khoa còn có lương hợp đồng lao động với Báo CAND và nhuận bút, túi lúc nào củng rủng rỉnh tiền, dù chả giàu có gì. Tôi cũng biết, ông mất vợ đã lâu và vẫn một mình đi về trong sớm hôm. Ông cũng cắt đặt mọi việc chu toàn trong gia đình và có 2 người con trai thành đạt, để có thể yên tâm khi tuổi già, sức yếu. Thi thoảng, ông vẫn dành một khoản tiền giúp đỡ những người bà con chẳng may gặp hoạn nạn.

Trong cơ quan, ai có việc vui buồn, ông đều sẻ chia, thăm hỏi một cách bình đẳng, nhiệt tình như một thành viên của ngôi nhà Báo CAND.

Qua nhiều đời Tổng biên tập, nói là sự trọng dụng thì Đào Minh Khoa cũng đâu có cần, vì ông còn màng chi nữa khi đã an phận vào lúc tuổi xế chiều? Nhưng Đào Minh Khoa vẫn luôn được Ban biên tập và đồng nghiệp trân trọng bởi sự mẫn cán, yêu nghề và say nghề, sống và làm việc có trách nhiệm với cơ quan và cộng đồng.

Hôm nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với Báo CAND (tháng 5/2020), Đào Minh Khoa bùi ngùi phát biểu sẻ chia những kỉ niệm. Ông bày tỏ mong muốn tiếp tục được gắn bó với Báo CAND như ngôi nhà thứ hai, với tư cách là một cộng tác viên và từ đó ông vẫn túc tắc có tin bài trên các ấn phẩm của Báo CAND. 

Lão báo Đào Minh Khoa đã thôi làm nhiệm vụ của một phóng viên Báo CAND từ hơn 1 năm trước, khi ông bước vào tuổi 78. Gánh nặng tuổi tác không cho phép ông rong ruổi hằng ngày trên đường phố, song tình yêu nghề báo vẫn cháy bỏng trong ông.

Mỗi thời mỗi khác song cách ông làm việc, cách lấy tài liệu, cách "moi tin"… càng ngẫm càng thêm phần cảm phục ông - lão báo Đào Minh Khoa.

(Hà Nội, giữa thu 2021)

Trần Duy Hiển
.
.