Nhà văn Phùng Văn Khai: Từ "cây bút binh nhì" đến tiểu thuyết lịch sử

Thứ Bảy, 02/10/2021, 11:04

Từ năm 2015 đến năm 2020, trong vòng 5 năm, Phùng Văn Khai cho ra đời liên tiếp 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn, được các bậc thầy như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh hoan nghênh và cổ vũ. Riêng năm 2020 Phùng Văn Khai ra mắt tới 3 tiểu thuyết. Anh là một hiện tượng đầy sung sức trong "làng văn" Việt Nam.

Tiểu thuyết "Ngô Vương" còn được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1916 - 1919). Phùng Văn Khai đã 4 lần liên tục được trao giải thưởng Văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng: (1999 - 2004; 2005 - 2009; 2009 - 2014; 2014 - 2019) và nhiều giải thưởng khác.

Phùng Văn Khai sinh năm con trâu (1973), cầm bút "đi cầy" từ khi mới vào bộ đội. Năm 21 tuổi anh đã nhận ngay một giải đặc biệt qua ấn phẩm là một tờ báo tường mà 95% là bài của người chủ bút - Binh nhì Phùng Văn Khai. Từ trận đầu, Phùng Văn Khai bắt đầu mạnh dạn cầm bút thử sức ở các thể loại: Thơ, bút ký, phóng sự, truyện ngắn, tản văn… của anh xuất hiện đều đặn trên các báo. Bài thơ đầu tiên: "Đêm gác nhớ em" được in trên báo đã làm “đổ kềnh” một cô giáo xinh đẹp tên là Minh Thu sau này là vợ của anh.

Bốn năm sau, năm 1998, ở tuổi 25, Phùng Văn Khai đã trình làng tác phẩm: "Khúc dạo đầu của binh nhì", do NXB Quân đội nhân dân xuất bản; Năm 27 tuổi, ra tập thơ "Lửa và hoa" tại NXB Hội Nhà văn năm 2000; Năm 28 tuổi ra tập truyện ngắn "Đêm trăng Thiêng"- NXB Hội Nhà văn năm 2001; Năm 30 tuổi ra tập truyện ngắn "Hương đất nung"- NXB Hội Nhà văn, năm 2003; Năm 31 tuổi ra tiếp tập truyện ngắn "Người đốt gạch" - NXB Quân đội nhân dân, năm 2004. Năm 32 tuổi ra liền hai tập, một truyện ngắn và một tập bút ký tại NXB Văn học, năm 2005 mang tên "Truyện ngắn Phùng Văn Khai" và "Gió đi dưới trời" (Bút ký); Năm 33 tuổi, Phùng Văn Khai có liền hai tập: "Nơi ước mơ hẹn gặp" (Bút ký) và "Phác thảo mấy chân dung văn học" - Tiểu luận, năm 2006 - NXB Văn học; Năm 34 tuổi ra tiểu thuyết mang tên "Hư thực" - Tập tiểu thuyết đầu tay trình làng tại NXB Văn học năm 2007; Năm 2009 cũng NXB Văn học, cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh ra đời với cái tên cộc lốc và thú vị: "Hồ đồ"!

untitled-5.jpg -0

Sau khi xuất bản một loạt sách của mình, Phùng Văn Khai tập trung viết kịch bản phim truyền hình, mảng chân dung Văn học, và làm nhiệm vụ "bà đỡ" cho các cây bút trẻ mới xuất hiện trên Văn Nghệ Quân đội với tư cách là biên tập viên, rồi Phó Tổng biên tập. Các xuất bản phẩm như truyện ngắn, thơ, bút ký, phóng sự, tiểu luận và cả tiểu thuyết, tạm thời im ắng. Đó là giai đoạn Phùng Văn Khai nung nấu một ước mơ viết tiểu thuyết về đề tài lịch sử.

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, đã có một số tác giả quan tâm đến lịch sử dân tộc. Viết về lịch sử dân tộc mình như cụ Phan Bội Châu viết "Trùng quang tâm sử", Nguyễn Huy Tưởng viết "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" và "An Tư công chúa". Chu Thiên có "Bóng nước Hồ Gươm"; Hà Ấn với "Người Thăng Long"; Nguyễn Triệu Luật với "Bà Chúa Chè" và "Cánh buồm thoát tục"; Hoàng Yến với "Câu thơ yên ngựa" và Hoàng Quốc Hải với 2 trường thiên tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" và "Tám triều Vua nhà Lý"; Nguyễn Xuân Khánh với "Hồ Quý Ly"…

Trong khi một đất nước như Việt Nam, từ thuở Vua Hùng dựng nước đến nay trải qua bao cuộc chiến tranh giữ nước, chống ngoại xâm lừng lẫy qua các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời đại Hồ Chí Minh. Từ một quốc gia nhỏ bé đã ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII, rồi đến Lê Lợi đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Minh. Quang Trung hành quân thần tốc đại phá 20 vạn quân Thanh, rồi thời đại Hồ Chí Minh chiến thắng oanh liệt 2 đế quốc hàng đầu thế giới là Pháp và Mỹ…

Vậy mà lịch sử hóa văn chương chưa có đáng là bao, vẫn như "Muối bỏ bể", vì thế mới dẫn đến tình trạng trẻ em Việt Nam ít thuộc sử ta mà nhớ lịch sử nước khác. Không ít người Việt đã từng đọc "Đông Chu Liệt quốc", "Chinh Đông - Chinh Tây", "Tam quốc diễn nghĩa", "Thủy Hử'… còn Việt Nam thì sao?

Phùng Văn Khai đã nhận thức được điều này là một lỗ hổng lớn, một khoảng trống cần được bồi đắp, nên đã nung nấu trong lòng với khát vọng tái hiện lịch sử qua góc nhìn và ngòi bút văn chương của mình. Phùng Văn Khai rất mê sách,  thuộc lịch sử Việt Nam một cách nhập tâm. Anh cùng với vợ mình là chị Minh Thu khai sinh ra nhà sách Như Quỳnh. Khi còn ở Hưng Yên, năm 2005 anh đã liều mạng bỏ ra vài trăm triệu đồng in liền 4 tập "Bão táp triều Trần" (Giải thưởng Thăng Long - Hà Nội) của nhà văn Hoàng Quốc Hải với số lượng 2.000 bộ và trả nhuận bút đến 46 triệu đồng. Việc Phùng Văn Khai mê đọc sách, mở hiệu sách và nung nấu viết tiểu thuyết lịch sử đủ biết anh đam mê thế nào.

Năm 2015, tiểu thuyết "Phùng Vương" chính thức được trình làng tại NXB Hội Nhà văn. Một chiến thắng lớn. Bạn đọc tìm đọc. Dòng tộc tìm đọc, đón nhận rất đỗi tự hào. Tiểu thuyết "Phùng Vương" tiếp tục được tái bản vào năm 2019, tái bản năm 2020 với số lượng lớn. Tiểu thuyết lịch sử "Ngô Vương" tiếp tục ra đời tại NXB Văn học, năm 2018. NXB Hội Nhà văn lại tái bản năm 2020. Cũng năm 2020, tiểu thuyết "Nam Đế Vạn Xuân" ra đời tại NXB Văn học cùng với tiểu thuyết lịch sử "Triệu Vương phục quốc". Đầu năm 2021, Phùng Văn Khai lại cho ra tiếp tiểu thuyết dầy cộp mang tên "Lý Đào Lang Vương!".

Từ năm 2015 đến năm 2020, trong vòng 5 năm, Phùng Văn Khai trình làng bạn đọc liên tiếp 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử được bạn đọc hoan nghênh và đón nhận. Tiểu thuyết "Ngô Vương" còn được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1916 - 1919). Phùng Văn Khai đã 4 lần liên tục được trao giải thưởng Văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng: (1999 - 2004; 2005 - 2009; 2009 - 2014; 2014 - 2019) và nhiều giải thưởng khác.

Đầu Xuân Tân Sửu (2021) tôi xách máy đi khai xuân trên đường phố Hà Nội, trên đường về nhà, chợt nảy ra ý định "đột kích" bất ngờ vào tư dinh của vợ chồng nhà văn họ Phùng xem giờ này họ đang làm gì? Bởi có dư luận lào xào rằng: một năm Phùng Văn Khai xuất bản đến ba tiểu thuyết lịch sử dày dặn có đến ba đầu sáu tay cũng không thể làm nổi! May quá, căn nhà ở ngõ 128 Ngọc Thụy cửa còn đang hé mở. Tôi lẳng lặng mở máy để sẵn chế độ chụp, rồi rón rén bước vào.

Từ phòng ngoài lên đến tầng cao, những thùng sách mới in xong đang chất cao như núi. Đây rồi! Tôi nín thở ngắm nhìn và khẽ bấm máy. Chàng mặc áo màu sẫm, da ngăm đen đang quay lưng ra cửa, cổ hơi nghển, miệng mấp máy như đang nói chuyện. Nàng ngồi bên trái, hơi cúi xuống. Đôi bàn tay gõ vào bàn phím máy tính. Tiếng gõ bàn phím kêu thánh thót như trời đổ mưa rào. Lần thứ hai, tôi lại khẽ bấm máy. Họ vẫn chưa phát hiện được trong phòng làm việc của mình đang có "thích khách"!.

Im lặng, tôi sang phòng khách mở máy ra xem những hình ảnh đã chụp. Trời đất ơi! Họ viết văn kiểu này "chồng đọc miệng, vợ đánh máy luôn" ngay cả trong ngày Tết Nguyên đán! Lần thứ ba tôi lại rón rén bước vào chụp tiếp. Chừng như chàng đã ngừng làm việc. Nàng quay sang nhìn chồng. Bàn tay trái chống lên cằm, nhìn khá tình cảm. Tôi bấm tiếp, kiểu như bắt "quả tang" trong khi đang làm việc. Cả hai vợ chồng đã phát hiện ra tôi rồi quay ra "chào chú!".

Cô giáo Minh Thu bị đổ vì bài thơ "Đêm gác nhớ em" nay đã có hai con một trai một gái với anh chàng binh nhì đang gác trong đêm khi xưa. Công việc chính hiện nay là nàng đánh máy khi chồng liếc nhìn đề cương "viết" bằng cách "đọc" xuất khẩu thành văn như khi nhấc bút lên đã hoàn thành tác phẩm. Viết theo kiểu này quả thực là siêu tốc độ! Chính vì vậy mà năm 2020, chưa kể viết báo, anh đã xuất bản đến 3 cuốn tiểu thuyết tầm cỡ, phục dựng một cách sinh động cả ba Vương triều là hoàn toàn hiện thực.

Viết sách kiểu này, (chưa bàn tới giá trị của tác phẩm, bởi một tiểu thuyết văn học sử ra đời thành công hay không còn phải đợi sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian và con mắt xanh của độc giả) thì có thể nói Phùng Văn Khai sẽ là người lập kỷ lục "ghi-nét" quốc gia về cách "viết miệng" đầu tiên ở Việt Nam khi anh đang ở tuổi 47!

Hà Nội, ngày 19/8/2021

Hoàng Kim Đáng
.
.