Kỷ niệm với Trúc Thông

Thứ Sáu, 05/05/2023, 17:42

Cứ mỗi lần đi qua phố Hồng Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) là tôi lại nhớ đến Trúc Thông. Số nhà 16 phố này là nơi cố nhà thơ Trúc Thông ở nhiều năm trước khi rời về địa chỉ mới ở quận Cầu Giấy. Tôi nhớ bởi đã đến đây chơi rất nhiều lần khi chúng tôi cùng học một lớp ở khóa 9 Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn). Sau đó, khi ra trường, ông về làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, còn tôi phiêu bạt qua nhiều nơi.

Vào đại học, chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết bởi cả hai cùng là dân Hà Nội, chính xác là cư trú ở Hà Nội, còn số đông ở tỉnh khác hoặc cán bộ đi học. Ông không phải học sinh phổ thông lên, mà là bộ đội phục viên. Tôi ở phố Cửa Bắc, chỉ cách nhà ông chừng hơn một cây số nên có điều kiện lui tới hơn các bạn khác ở xa.

Khi chúng tôi đi sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách nhà hơn 100km thì thống nhất với nhau: Ai về Hà Nội sẽ có trách nhiệm đến nhà người kia xem gia đình có gửi gì thì mang lên cho nhau. Nhưng chỉ tôi làm việc đó mà ông gần như không phải làm lần nào vì luôn rất “nghiêm chỉnh”, không bao giờ xin về Hà Nội, chỉ về khi tất cả được phép, trong khi tôi luôn tranh thủ… chuồn. Bởi vậy mà không ít lần tôi bị lớp trưởng nhắc nhở về tội vô tổ chức, tự ý về Thủ đô đang bom đạn, nguy hiểm. Có lần Trúc Thông nói với tôi: “San ơi! Chi bộ họ thấy mình thân với ông nên nhờ mình nhắc là đừng về Hà Nội nhiều quá. Trên Khoa họ kêu. Các ông ấy nhắc nhiều cũng ngại”.

tr th.jpg -0

Mới gặp lần đầu, Trúc Thông đã dễ gây thiện cảm với đối tượng tiếp xúc bởi phong cách giản dị, thân thiện. Một bên má bị sạm, nhưng có nụ cười rất duyên do một chiếc răng ở phía trong khuyết nên lúc cười cứ thấp thoáng cái lỗ khuyết ấy. Ông hơn tôi 6 tuổi nhưng tỏ ra rất bình đẳng. Vốn có cảm tình với ông từ phút đầu, sau đó thấy ông đã có thơ đăng trong tập “Sức mới” từ trước khi vào đại học, tôi càng nể hơn. Đây là tập thơ xuất bản đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, in những bài thơ của những tác giả trẻ, lần đầu xuất hiện. Hầu hết các nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ đều có bài trong tập này. Lúc ấy, ai xuất hiện trong tập thì oách lắm. Trúc Thông có bài “Qua vọng gác non cao” đánh dấu những tháng ngày ông khoác áo lính.

4 năm học văn ở Đại học Tổng hợp, về kết quả điểm kiểm tra, thi cử, Trúc Thông không nằm trong tốp có điểm cao nhất bởi ông quan niệm - cũng như tôi - vào đây để tranh thủ đọc sách, thu lượm kiến thức vì không ở đâu có nhiều sách hay, quý như ở thư viện khoa Văn. Cũng không ở đâu tập trung nhiều giảng viên, giáo sư giỏi, uyên bác như ở đây. Còn thì học chỉ cần đạt yêu cầu để lên lớp, ra trường trót lọt, không phải nợ môn nào là được.

Và thế là Trúc Thông lao vào thơ. Không phải là chỉ sáng tác nhiều mà là đọc nhiều thơ của các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Có thể nói ông như bị thơ bắt mất hồn. Lúc nào, ở đâu cũng gần như chỉ có thơ là thứ khiến ông trăn trở, đau đáu cứ như là ngoài thơ, không còn gì đáng phải bận tâm.

Lớp tôi ngày ấy có thêm Trần Mạnh Thường cũng làm thơ từ hồi học phổ thông, lại ở cùng phòng nên Trúc Thông gắn bó lắm. Hai người như hình với bóng. Ý Nhi ngày ấy cùng lớp chúng tôi nhưng chưa phát lộ tài thơ. Tôi cũng thích thơ, nhưng phải hay. Gặp một bài thơ, tôi chỉ đọc hết khổ đầu, thấy được mới đọc tiếp. Nhưng tôi thấy Trúc Thông đọc rất kỹ cả những bài tầm thường. Hỏi thì ông nói: “Mình đọc kỹ để xem cái dở khiến bài thơ nhạt là ở chỗ nào, câu nào, vì sao, ở ý tứ hay nghệ thuật sử dụng ngôn từ…”.

untitled_7-1631174105687.jpg -0

Mỗi khi làm được bài thơ mới, Trúc Thông thường đọc cho Trần Mạnh Thường nghe trước tiên, sau đó đến tôi, có khi thêm Lại Nguyên Ân. Thường vốn tính cả nể, chỉ gật gù chứ không nói gì, còn tôi thì thẳng thắn, khen chê rõ ràng. Có lần tôi khiến Trúc Thông mất hứng nhưng ông vẫn nói với Thường: “Cậu chán bỏ mẹ. Không biết có tập trung nghe không mà chỉ gật gù, không khen, không chê. Hãy như Nguyễn Đình San. Nó thích hay không, bộc lộ rõ”.

Chẳng là lần ấy, Trúc Thông mới viết được bài “Giếng tiên” đọc cho cả Thường và tôi cùng nghe: “Giếng tiên em đến mà xem/ Nước trong vắt tự mấy nghìn năm qua/ Đáy nông sẽ rất sâu sa/ Nếu mà bóng của đôi ta soi vào”. Thường gật gù, không nói gì. Tôi phán: “Bài thơ có tứ hay, tình tứ, lãng mạn. Nhưng chữ nghĩa còn gượng. Người ta nói “lời lẽ sâu sa”, “hàm ý sâu sa” chứ không nói cái giếng sâu sa mà nói giếng sâu thăm thẳm. Lại nữa, “bóng của đôi ta soi vào” không ổn. Đôi trai gái cùng soi xuống giếng, hiện ra cái bóng. Vậy thì sao lại nói cái bóng soi vào được. Rõ là khiên cưỡng”.

Trúc Thông tự ái, nói: “Vậy là ông tư duy lô-gic chứ không phải tư duy hình tượng của nghệ thuật”. Tôi không tiếp tục tranh cãi vì thấy ông quá cụt hứng. Ông quay sang Trần Mạnh Thường: “Thường, cậu thấy thế nào? San nó nói vậy nghe được không?”. Thường lại cười: “Thì mỗi người một quan niệm. Tranh luận khó lắm!”. Trúc Thông còn tự ái với Thường hơn cả với tôi: “Ông học văn ra nhưng có lẽ nên làm ngành công đoàn hoặc mặt trận chứ đừng làm văn nghệ, càng không nên làm thơ”.

Sau đó, một lần cả tôi và Trúc Thông cùng gặp Vũ Duy Thông ở thư viện khoa Văn. Tác giả “Giếng tiên” kéo hai chúng tôi ra một gốc cây. Ông vẫn còn cay cú lời phán của tôi về bài thơ nên có ý nhờ Vũ Duy Thông làm Bao Công phân xử. Nhưng tác giả “Bè xuôi sông La” cũng cùng ý nghĩ như tôi. Sau đó, Trúc Thông mới chịu… thua!

Trúc Thông được coi là một trong những nhà thơ đi tiên phong trong việc làm mới thơ. Ông luôn tìm tòi, trăn trở kiếm tìm ý tứ mới mẻ với cách thể hiện sao cho độc đáo, không đi lại vết mòn nhiều người đã đi. Ngay từ lúc còn là sinh viên, ông đã bộc lộ rõ điều đó mà bài “Nghe hát Mễ-tây-cơ” là một minh chứng: “Em đứng bên đại dương xanh thẳm/ Mắt mơ theo sóng đuổi dồn nhau/ Em hát tung lên tầng mây rộng/ Dương cầm biển lớn đệm du dao…”.

Tôi rất thích bài thơ này nên ngay dạo ấy, mới chỉ là người sáng tác nhạc nghiệp dư, đã phổ bài này thành ca khúc “Tình ca Mếch-xích”. Tôi thân thiết với danh ca Trần Khánh bèn hát cho ông nghe với ý nghĩ muốn ông sửa cho hoàn chỉnh để thu trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe xong, ông nói: “Rất hay, rất hoàn chỉnh nhưng để sau này đã. Bây giờ đang chiến tranh, cần những bài sục sôi khí thế, tung bài này ra không hợp. Mình hứa với San đến khi thời cơ cho phép, sẽ đưa ra Hội đồng duyệt nhạc để hát cho San”.

Năm 1981, tôi sực nhớ ra việc này, bèn nhắc lại Trần Khánh. Ông lập tức đem đến Đài và được duyệt vì lúc này không khí âm nhạc trên Đài cho phép dùng những bài tình ca lãng mạn. Nhưng chưa kịp triển khai phối khí, thu thanh thì ông qua đời từ một tai nạn giao thông thảm khốc trong lần đi tiền trạm cho Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn.

Tôi vẫn còn nợ Trúc Thông một lời hứa: Sẽ phổ nhạc bài thơ “Bờ sông vẫn gió” của ông. Bài này ông sáng tác sau sự kiện thân mẫu ra đi vĩnh viễn. Sau đó, Trúc Thông có ý hỏi việc này. Tôi đành thú thực: “Bài thơ hay và nổi tiếng quá, rất nhiều người đã biết nên tôi có phần dè dặt, chưa dám phổ, chỉ sợ giai điệu không chuyển tải được ca từ”.

Nhiều người cho rằng “Cao Bằng” là bài hay nhất trong đời làm thơ của Trúc Thông. Tôi lại thấy “Bờ sông vẫn gió” mới như vậy. Bài này ông sử dụng thể lục bát truyền thống nhưng cách diễn đạt rất mới. Đã đọc nhiều lần nhưng mỗi khi đọc lại, tôi có cảm giác như vừa đọc lần đầu và mắt cứ cay xè bởi nhớ đến mẹ mình. Trúc Thông nói đến sự ra đi của mẹ mà như là nói hộ được tất cả mọi người cùng cảnh ngộ. Vậy nên muốn cách tân, tìm tòi gì thì cuối cùng vẫn phải chạm được vào trái tim công chúng mới mong tác phẩm có được sức sống vĩnh hằng.

Trúc Thông về miền mây trắng đã gần 2 năm (1940-12/2021) nhưng vừa rồi, chúng tôi gặp mặt lớp đại học, thấy như ông vẫn chưa đi xa, chỉ là bận việc gì mà vắng mặt. Kỷ niệm của chúng tôi đầy ắp, lại ùa về…

Nguyễn Đình San
.
.