Khói huyền bay lên cây

Chủ Nhật, 21/04/2024, 13:37

Trong những phố “Hàng” của Thăng Long xưa, ắt hẳn sắc thái phố Hàng Điếu là độc nhất vô nhị. Khoái khẩu “đi mây về gió” từ hàng trăm năm trước cánh mày râu nào cũng nghiện. Đời nay vẫn vậy, mọi làng quê nhà nào cũng có ít nhất một cái điếu cày, hoặc điếu bát. Trên đường phố các quán chè chén luôn trưng điếu cày để dụ các đấng nam nhi sà vào bắn khói. Thế mới hay xưa có câu: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Một thuở chồng hút vợ say

Hàng Điếu là con phố nối với Hàng Gà chạy ra chợ Hàng Da cắt ngang Đường Thành. Đây cũng là con đường dẫn người buôn bán phía Nam đi vào chợ Đông Thành. Ai đi chợ cũng đều dừng chân tại đây để hút một điếu thuốc cho đượm cái hồn người. Không ít người kỳ công tìm mua một cái điếu ưng ý đem theo bên mình. Mà điếu bày trên phố hoa cả mắt. Đủ loại, lắm cỡ tha hồ chọn. Riêng bát điếu thì chỉ có những ông đồ, thầy lang hoặc quan lại mới thường dùng. Dân kẻ chợ hoặc thương hồ hay mua điếu cày độ hai gang tay cho tiện dùng. Tất nhiên cũng có những người dùng điếu cày dài cả thước rít thuốc mới đã. Khi ấy những đứa nhỏ giúp việc phải châm đóm hầu ông chủ.

Nhưng cầu kỳ nhất phải là điếu ống chuyên phục vụ các cô đào hay quan viên đi hát cô đầu. Các cụ ta xưa phải nói là tài nghĩ ra cái điếu ống mạ đồng. Thân điếu cách điệu từ điếu bát (hình trụ cao từ 20 tới 30 phân) nhưng phải khảm cỏ cây hoa lá bằng ốc đỏ xung quanh. Còn xe điếu thì được khoét từ những thân trúc nhỏ được sấy mềm cong và dài cả sải tay để tiện nằm hút. Ông Tổng đốc Hà Nội ở phố Đường Thành cũng cho người nhà ra sắm chiếc điếu ống cao nửa mét. Chính vì nhu cầu “ăn thuốc” của mọi người như cơm bữa nên phố Hàng Điếu suốt ngày đêm nồng nặc khói thuốc.

untitled-3.jpg -1
Đền thờ Thần hỏa ở số 30 Hàng Điếu.

Phố Hàng Điếu chỉ dài chừng 280 mét nhưng có tới quá nửa nhà hàng làm điếu bán. Vật liệu nứa, vầu, tre, trúc được chở từ bến Nứa vào tận bến Nhà Hỏa rồi chở lên phố. Còn bát điếu thì nhập từ phố Bát Đàn đưa sang. Dân các tỉnh về mua buôn điếu nhiều khi trên phố còn cháy hàng không kịp đáp ứng nhu cầu. Phố lại kề chợ Hàng Da nữa: “Hàng Da, Chợ Sắt ai bày/ Bên kia Hàng Điếu, bên này Hàng Bông…”. Cứ tối đến gánh xiếc rong hay ca nhạc tụ về chợ biểu diễn nên khách hút thuốc lào tới nửa đêm. Riêng các tốp hát xẩm sau khi tàu điện hết chuyến họ lại rồng rắn về đầu phố chợ hát và bắn khói tại trận. Chính vì thế, nơi đây kẻ chợ thuộc lòng các câu hát xẩm bông lơn vui hết cỡ.

Riêng bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì cánh xẩm chuyển sang ngâm một cách khoái trá. Có lão xẩm mù còn diễn tả bằng tay theo câu thơ: “Bình tròn phành phạch đít bảnh bao/ Mân mân mó mó đút ngay vào/ Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục/ Âm dương hỏa khí sướng làm sao”. Ông ta cười sảng khoái dẻo tay kéo nhị, nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi ca: “Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà…”. Chung quanh tiếng rít điếu róc rách cùng khói bay như suối mơ vậy.

Phần đầu phố Hàng Điếu xưa còn được gọi tên là Nhà Hỏa nên hiện nay còn lưu đền thờ Hỏa Thần (số nhà 30). Từ thời Lê-Trịnh, nhà cửa hay quán hàng đều là nhà lá hay gỗ trên tất cả các con phố. Hàng Điếu cũng vậy nên xưa hay xảy ra hỏa hoạn cháy cả dãy phố là thường. Dân kẻ chợ Đông Thành lập ra đền thờ Hỏa Thần để mong ngài che chở ngăn chặn không cho lửa thiêu nhà cửa. Có thể nói đây là ngôi đền thờ “Thần cứu hỏa” duy nhất ở nước ta. Nhà thơ, Thái sư Trần Quang Khải đã tới đây đề thơ: “Lửa nổi ba khu không cháy được/ Phong trần một trận chẳng hề nghiêng”. Sau này, tên phố Nhà Hỏa đặt lui về đường mới nhưng ngôi đền vẫn ở lại Hàng Điếu từ năm 1838 tới nay. Ngôi đền Hỏa Thần là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo cầu phúc, trừ tà cho dân quanh vùng kinh thành. Hiện đền là Di tích văn hóa lịch sử của Thủ đô (từ năm 1996).

Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ

Tính từ thời điểm 1882 hầu hết các phố phường đều biến đổi bất ngờ. Nhất là từ khi chợ Đông Thành bị dồn lên Đồng Xuân cùng với việc các kênh hào và sông Tô bị lấp mọi sự thay đổi chóng mặt. Trên các tuyến phố đều có quy định phải xây nhà gạch có vỉa hè đi lại. Đường cho xe cộ đi lại được mở rộng cùng với nhiều ngành nghề mới nảy sinh.

Những người làm điếu và bán thuốc lào dạt về các phố nhỏ hoặc tập trung lên chợ Đồng Xuân. Nhiều dân khá giả tứ xứ dồn về Hàng Điếu mua đất, xây nhà mở bán nhiều mặt hàng khác nhau. Đầu tiên là nghề làm giày dép hay đồ da (những mặt hàng nhỏ bằng da ta). Chủ yếu dân từ các phố Hàng Giày và ngõ Hài Tượng về mở lò thuộc da làm hàng. Khi ấy chợ Hàng Da còn có nhiều người bán da bò, trâu phơi khô từ các làng ngoại thành mang lên.

Mãi tới năm 1937, chợ Hàng Da mới được xây khang trang nên nghề chế biến da khô bị dẹp bỏ. Vậy mà tới 1954, trên phố nhiều nhà phát triển làm dép lốp, làm gầu giếng hoặc chậu đựng nước bằng vỏ lốp ô tô. Khá nhiều nhà bỏ làm điếu lại xoay tới mặt hàng trà mạn. Cùng với đó hàng loạt nhà bán chăn ga, gối đệm cùng cửa hàng ăn cũng ra đời từ đây.

2.jpg -0
Phố Hàng Điếu thập niên 1900.

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất có hai nhà xuất bản (Mai Lĩnh và Nhật Nam) đã về Hàng Điếu mở hiệu in sách báo từ đầu 1936. Thời kỳ này nền văn học hiện thực phê phán rầm rộ phát triển thúc đẩy hàng loạt các nhà in ra đời. Nếu nhà in Nhật Nam thư quán chuyên xuất bản sách truyện lịch sử của Nguyễn Tử Siêu như “Việt Thanh chiến sử”, “Hai Bà đánh giặc”, “Vua Bà Ấu Triệu”… thì NXB Mai Lĩnh lại in nhiều sách văn học mới của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Phạm Cao Củng… Đáng chú ý nhất là các tiểu thuyết có giá trị như “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố - 1939); “Làm đĩ” (Vũ Trọng Phụng - 1939); “Tàn đèn dầu lạc” (Nguyễn Tuân -1941)… đều ra đời từ đây. Riêng nhà văn Ngô Tất Tố sau “Tắt đèn” còn được nhà Mai Lĩnh cho in liên tục những cuốn khác như “Việc làng”, “Lều chõng” cùng những tiểu phẩm báo chí.

Lại có chuyện, ngày đó NXB Mai Lĩnh tổ chức cho các nhà văn đi thực tế, thâm nhập đời sống để sáng tác. Chính vì thế một đội ngũ nhà văn cự phách ở giai đoạn này đều được NXB Mai Lĩnh mời chào. Phố Hàng Điếu trở thành nơi hội tụ tạo nên nôi văn học đầu tiên ở nước ta. Đó là sự hiện diện của các nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Lan Khai, Vũ Bằng, Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Lân, Phạm Cao Củng… Trong thời kỳ vàng son nhất (1936-1946), NXB Mai Lĩnh đã có 150 đầu sách văn học nổi tiếng đã được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia. Sau này, NXB Mai Lĩnh vì nhiều sự cố xảy ra do bị quy thành phần tư sản (1956), rồi ngừng hoạt động vào năm 1959.

Ký ức vọng về

Thật may cho chúng tôi khi được gặp Nghệ nhân ưu tú ca trù Nguyễn Văn Chi ở số nhà 50 Hàng Điếu. Nghệ nhân năm nay đã bước sang tuổi 92 và là một trong những người sống ở phố từ thời Pháp tạm chiếm. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Chi là một trong những nhà buôn bán chăn ga gối đệm lâu năm trên phố. Khi hỏi những ký ức về một thuở tranh tre lá nứa trên phố xưa, nghệ nhân lim dim mắt nhìn về một nơi xa. Sau đó ông mỉm cười rồi cất lên câu hát ca trù về Thăng Long thành. Cho dù hơi của giọng hát ông đã yếu nhưng cái thần vụt lên trong câu ca lại sang sảng bồng lai: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Sau đó nghệ nhân còn tiếp câu hát nói trong nỗi niềm về con phố: “Trải bao xuân, cỏ hoa đã nhiều lần tàn đi mọc lại/ Non sông dường còn mỉm cười những cuộc nổi chìm lên xuống từ xưa”. Rồi nghệ nhân cho biết ở đầu phố vẫn còn một ngôi nhà cùng tuổi với ông (số nhà 22). Ngôi nhà được giữ lại nguyên bản kiến trúc cùng những cánh cửa và cầu thang gỗ cũ kỹ từ năm 1932. Đó là ánh sáng kiến trúc cổ trên phố được gìn giữ với vẻ đẹp mộc mạc tạo không gian lấp lánh hồn xưa với “Chút nắng vàng le lói vườn hoang/ Ta còn em/ Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ” - (thơ Phan Vũ).

Vương Tâm
.
.