Bi hùng Trưng Nữ vương!

Thứ Tư, 20/03/2024, 15:54

Nhà thơ Ngân Giang (1916-2002) tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh ra trong một gia đình Nho học làm thơ từ sớm, nổi tiếng với “Giọt lệ xuân”(bút danh Hạnh Liên, 1932); “Tiếng vọng sông Ngân” (1944); “Thơ Ngân Giang” (3 tập 1989, 1991, 1994)… Nhưng thể hiện rõ nhất phong cách Đường luật với giọng điệu bi hùng của thi nhân là ở “Trưng Nữ vương”.

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi

Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

                                               (1939)

image001.jpg -0
Nữ sĩ Ngân Giang thời trẻ.

Nhà thơ Ngân Giang (1916-2002) tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh ra trong một gia đình Nho học làm thơ từ sớm, nổi tiếng với “Giọt lệ xuân”(bút danh Hạnh Liên, 1932); “Tiếng vọng sông Ngân” (1944); “Thơ Ngân Giang” (3 tập 1989, 1991, 1994)… Nhưng thể hiện rõ nhất phong cách Đường luật với giọng điệu bi hùng của thi nhân là ở “Trưng Nữ vương”.

Bài thơ tạo nên tên tuổi tác giả, đi vào lịch sử văn học với tư cách một thi phẩm kiến tạo thành công hình tượng nhân vật Trưng Trắc - mà trong lịch sử vẫn được ví như “chim bằng” (một hình tượng trong bài thơ) mạnh mẽ kiên cường sải đôi cánh hùng tráng và bi tráng kiêu hãnh bay vào bầu trời văn hóa phương Đông, để rồi cho đến nay cả nhân loại nhìn theo đường bay ấy vẫn chưa hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên.

Theo nguyên tắc dựng tượng đài cần có một không gian tương ứng, thì chỉ có không gian này mới đủ để người anh hùng ấy “vùng vẫy”:

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.

Trưng Nữ vương bước vào không gian ấy bởi hai lý do “thù hận đôi lần”, là “thù nhà”, Thái thú Tô Định giết chồng bà là Thi Sách và “nợ nước”, quân xâm lược đang giày xéo non sông. “Một trời loáng thoáng bóng sao rơi” rất gợi, vừa tả không gian buồn lặng, vừa ẩn dụ chỉ thời buổi hiếm hoi những dũng khí tài năng đuổi giặc. Tuy là “thân gái” nhưng bà gánh vác sứ mệnh thay đàn ông để “Dồn sương vó ngựa xa non thẳm/ Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi”.

Hình tượng “chim bằng” có từ ngụ ngôn trong sách Trang Tử kể về giống chim to lớn, đập hai cánh lớn như hai đám mây rồi cưỡi gió mà bay lên cao chín ngàn dặm, bay về biển Nam (người Việt ta gọi là biển Đông). Nội dung tích này lý giải hình tượng chim bằng bay nhiều trong trước tác các vị đại Nho thời trung đại xứ ta, vì nó phù hợp, “ăn nhập” với khát vọng “thỏa chí tang bồng”…

Mượn điển rất đạt, vừa đúng với tinh thần cổ nhân vừa lột tả ý chí mạnh mẽ cùng hành động phi thường đuổi giặc của người anh hùng. Sử dụng các thi liệu cổ, hình ảnh cân xứng, đi theo lối phối âm bằng trắc gần như tuyệt đối (BBTTBBT/ TTBBTTB) tạo ra âm hưởng Đường thi cứ như đẩy hình tượng trở về không gian cổ xưa vậy.

Nếu ở trên là không gian ước lệ, cường điệu thì ở khổ sau hình tượng được đặt vào các không gian cụ thể, gắn với hành động “đường kiếm mã” (lúc ra trận), gắn với trang phục “nếp cân đai” (lên ngôi vương):

Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.

Hai câu sau cấu trúc theo lối tiểu đối: “bốn phương”, “tám hướng” để chỉ sự kiện “dồn chân ngựa” diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi nẻo, nhất là đối với hình ảnh “táp đóa mai” (chỉ hình ảnh người nữ hứng chịu cảnh gian nan giông bão) để làm bật ra cảnh “thân gái dặm trường” cô đơn. Ý thơ pha một chút ngậm ngùi. Ngày trước “mai” thường biểu trưng cho bậc quân tử nhưng vẫn có thêm nghĩa chỉ người vợ với tích đời Tống có nho sĩ tên Lâm Bô rất yêu mai (hoa), yêu hạc (chim) đến mức không lấy vợ, mà coi “mai thê hạc tử” (vợ là hoa mai, con là chim hạc). Hiểu vậy càng thấy tác giả dùng điển chính xác, tinh tế, kết hợp với phép bằng trắc khá chuẩn (TBTTBBT/ TTBBTTB), chỉ sai âm đầu (Bốn/Tám TT). Nhưng chính sự sai cố tình này lại diễn đạt xuất sắc cái ý “chân ngựa” phi không đều, và cái “gió bão”, “mưa ngàn” thì luôn bất định.

image002.jpg -1
Hình minh họa Hai Bà Trưng đuổi giặc.

Khổ 3 miêu tả tâm trạng của một thân phận “nữ nhi thường tình”:

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.

Giọng thơ đi bè trầm, sâu lắng buồn. Trả xong thù nhà nợ nước, Trưng Nữ vương lên ngôi là việc chẳng đặng đừng, bởi trong sâu thẳm đáy lòng, Bà đâu thích chuyện làm vua mà chỉ muốn làm một người vợ, người mẹ bình thường. Vì thế tuy làm vua nhưng vẫn là tâm trạng của một người dân, vẫn coi điều giúp chồng “ngậm cười nơi chín suối” là điều an ủi. Còn với riêng phận mình thì vẫn “Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi”.

Một ẩn dụ đắt: phận người góa phụ như ngọn nến đang cháy “rỏ” lệ đến hết mình trong đêm. Hết nước mắt cũng là hết một đời. Xót quá! Hai chữ “an ủi” đặt giữa hai câu thơ như cái bản lề khép mở hai thế giới âm dương cách biệt. “An ủi” cả người chết lẫn người sống. Nhưng người sống còn đau hơn, vì người chết đã “ngậm cười” còn người sống thì bơ vơ “ngậm ngùi”. Câu thơ như có nước mắt và cả máu. Không phân biệt được giọng điệu của tác giả và của nhân vật. Vì cả hai như đã nhập vào nhau, nói hộ nhau, nói cho nhau!

Ở khổ 4 là bi kịch. Giọng bi nổi lên trang nghiêm thành kính:

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Lúc này lối bằng trắc nghiêm ngặt không chệch một nhịp âm: TTBBBTT/ BBTTTBB; BBTTBBT/ TTBBTTB. Cả câu chữ cũng nghiêm ngắn cúi đầu tiễn đưa người anh hùng bay lên trời.

Khổ thơ cuối là một cấu trúc đặc biệt:

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.

Trên cái nền không gian đối nhau: ải Bắc vắng bóng thù thì người anh hùng lại trở về với thân phận “Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi”. Là bậc quân vương nhưng chịu sống trong cảnh “khăn trở” chết chồng. Cấu trúc đối để bật ra một tiếng gọi thảng thốt của một tâm hồn đích thực nữ tính: “Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá”. Cả bài miêu tả cảnh vật không gian, cả bài là tâm trạng đau đớn, khắc khoải, như các ngả sông buồn tủi dồn tụ về để bật ra tiếng nức nở xót xa này.

Tinh thần thi phẩm nằm ở đấy. Thế nên mới có giai thoại nhà thơ Đông Hồ bình đến đây xúc động quá mà đột quỵ, ngất đi. Giai thoại thì có thể sai, nhưng điều làm nên giá trị của tác phẩm lớn thì đúng. Trong cái vỏ âm thanh tiếng gọi ấy là cả một tinh thần nhân văn, nhân bản lớn lao, sâu sắc: Dù có sống nơi điện ngọc huy hoàng thì vẫn cần hơn cả là một tình yêu chồng vợ gần gũi, một gia đình ấm áp. Cái đời thường ấy mới lớn hơn mọi thứ phù hoa!

Một bi kịch mà dư âm sẽ vang mãi trong không gian, trong hồn người nên kết bài là sự mở ra một không gian thiếu khuyết, nghiêng lệch càng tăng cường thêm nên sự day dứt: “Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”!

Trước nay người ta vẫn nói hai nguồn thi cảm chính của bài thơ là chất Đường thi cổ điển và tâm trạng bi kịch của thi sĩ với những đổ vỡ trong đời riêng. Đặt vào hoàn cảnh ra đời năm 1939 khi mà Phong trào Dân chủ Đông Dương (1936-1939) mạnh mẽ như một sức đẩy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc lên một tầm cao mới, thì, ngay điều ấy cũng cho thấy bài thơ có thêm hai nguồn cảm hứng là tinh thần tự hào truyền thống và khí thế sục sôi của những phong trào yêu nước. Chắc chắn còn được hưởng ngọn gió nhân văn mát lành thổi từ văn hóa phương Tây, nhất là từ văn học Pháp. Như vậy nhờ có bốn cây cột chắc chắn: cảm xúc thi nhân; lòng tự hào về quá khứ vẻ vang; tinh thần dân chủ yêu nước; các luồng tiếp biến văn hóa nước ngoài (Đường thi, văn học Pháp…) nên ngôi nhà thi phẩm “Trưng Nữ vương” vững vàng sừng sững sống mãi với thời gian.

Giống như cuộc đời riêng tác giả nhiều ngang trái đa đoan, bài thơ cũng có số phận nổi chìm đầy trắc trở. Khi nổi danh trên văn đàn bài thơ vẫn không được Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan chú ý. Không trách các ông, vì mỗi người có quan niệm, khiếu thẩm văn riêng, nhưng nhiều học giả sau này không vượt ra được bóng hai cây đại thụ ấy nên cũng không đưa vào giáo trình hay từ điển. Mãi tới năm 1999 tên tuổi Ngân Giang mới được khẳng định trong cuốn "Từ điển tác gia văn hóa Việt Nam". Bài viết xin là một lời nhỏ khẳng định sự bất tử của một thi phẩm để đời!

Nguyễn Thanh Tú
.
.