Họa sỹ Nguyễn Văn Tuấn và những dự cảm...
Một ngày giữa tháng 3/2024, tôi cùng một nhóm nhà văn ghé thăm tư gia của họa sĩ điêu khắc Nguyễn Văn Tuấn ở Phú Xuyên, Hà Nội. Sau buổi hàn huyên, Tuấn trao cho tôi 2 tập bản thảo và dặn: "Tôi xuất bản hai tập thơ này, ông giúp tôi nhé!". Giờ đây, khi những trang bản thảo của hai ấn phẩm "Từ trong thớ gỗ" và "Cởi áo mùa yêu" có quyết định xuất bản, thì người họa sĩ tài hoa và hào sảng ấy đã về miền mây trắng.
Họa sĩ điêu khắc Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1974, năm Giáp Thìn này anh vừa chạm tuổi ngũ tuần, cái tuổi bắt đầu "chín" cả về lao động nghệ thuật và cuộc sống, bởi vậy nên sau sự ra đi đột ngột của anh là bao dở dang gửi lại. Người họa sĩ ấy đi rồi, nhưng bạn bè và bạn đọc như vẫn thấy anh đâu đó trong hồn vía một câu thơ, một pho tượng, một bức vẽ ấn tượng mà anh để lại cõi này! Nguyễn Văn Tuấn là một nhà điêu khắc, một thi sĩ thực sự có tài. Những tác phẩm điêu khắc của anh hiện diện trong nhiều công trình đền chùa miếu mạo vài chục năm trở lại đây!
Với thơ, Nguyễn Văn Tuấn chưa xuất bản tập thơ riêng nào, nhưng số lượng thơ mà anh sáng tác đã đến cả mấy trăm bài, thơ của Tuấn luôn phảng phất những sắc màu khác lạ. Khi Tuấn đi rồi, tôi ngồi đọc cả hai tập bản thảo thơ anh, và nhận ra nhiều bài thơ trong ấy chạm đến sự tử sinh, ly biệt theo cách của một cuộc xê dịch và giải thoát. Thơ ấy, như là sự dự cảm về một cuộc thiên di của người họa sĩ, thi sĩ ấy!
"Từ trong thớ gỗ" là một tập thơ mang những phát hiện và chiêm nghiệm của người thơ đã bắt đầu có sự đốn ngộ để chạm đến những tầng thức mới trong cõi chữ của mình. Thơ Nguyễn Văn Tuấn đa diện, đa chiều, câu chữ hàm ngôn, ám gợi, tư tưởng thơ đọng lại ở sự quyết liệt và tận hiến cho những gì thuộc về bản thể của cõi người. Mở một cung Tết được kích hoạt bằng sự tinh tế kỳ diệu của mùa xuân:
Những ký tự chồi non bừng thức/ Những nhụy hoa chấp chới gió mơn/ Mưa lún phún dậy thì phơi phới/ Đất chuyển mình hòa nhịp trời cao/ Nhân gian rùng mình xóa nợ/ Những trắng đen được mất đón giao thừa/ Vò rượu mạnh bên mái nhà gianh cũ/ Ánh đèn dầu bùng cháy thuở xưa/ Làn khói bếp bây giờ còn ngái/ Chúng mình chúc nhau bằng ký tự lên men (Kích hoạt).
Cái cách lập ngôn ấy, đã hứa hẹn những tìm tòi mới mẻ trong ngôn ngữ thơ. Thơ ấy sống bằng sự lay gợi, thơ ấy tiếp cận và đưa những cung bậc cảm xúc của con người, hòa nhập vào tự nhiên ở những chiêu thức mới:
Trăng đêm nay nóng lạnh/ Gió đêm nay non mềm/ Những hàng cây làm mẫu/ Đứng khỏa thân cho lũ chim ngủ mê/…/…/ Em đòng đòng mẩy quá/ Uống gió hân hoan/ Thơm mùi đa đoan/ Hẹn ngày căng sữa/ Hẹn ngày giáp hạt/ Em ta mắt môi giáp hạt/ Ta giáp hạt/ Đêm giáp hạt bình minh/ Sớm mai người cắt cỏ/ Nhặt lên những chiếc khuy… (Giáp hạt).
Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Văn Tuấn có nhiều câu chữ được lạ hóa để tạo nên những đơn vị ngôn ngữ có sức gợi mở mới, khiến những thi ảnh quen thuộc được nâng tải lên một tầng nghĩa mới: Thời gian đi qua…/ Ba mươi mùa lá thức/ Lá vẫn xanh, sợi tóc vẫn xanh/ Trời kia điểm bạc/ Sợi tóc đã hóa dòng Nhuệ Giang/ Ta ngụp lặn/ Giặt lại chính mình/ Giặt mùi phố thị (Sợi tóc ta say).
Có thể nói ý thức sáng tạo đã dựng thành một hệ thống ngôn ngữ thơ trong sáng tác của anh! Thơ ấy là kết quả của sự lao động nghệ thuật từ tư duy, chứ không phải là những câu chữ ngẫu hứng, được mặc sức sinh ra từ cảm xúc: Cởi trần ngực núi/ Cởi trần mắt ai…/…/… Rượu Bắc Hà nghiêng mây/ Nghiêng cạp váy/ Ta uống em say/ Ta uống cho mây đầy ngực/ Uống cho thung lũng phì nhiêu/ Uống cho con suối róc rách/ Ta dốc ngược Bắc Hà trong nhau (Bắc Hà nghiêng mây).
Đọc thơ là lúc chúng ta được dự khán những cuộc lập ngôi của câu chữ, bởi vậy nó tuyệt nhiên không thể là những câu chữ dễ dãi, mà không ít người viết đã sử dụng để lắp đặt cho đủ số lượng, vần điệu, nhịp mạch của một thể thức thơ nào đó. Người làm thơ là người viết ra những gì anh ta nghĩ, anh ta tư duy về cái anh ta đã thấy trong cuộc sống, thơ ấy mới là thơ của trí tuệ, của tư tưởng, đó là cái đích đến của thi ca muôn thuở: Sớm nay cơn mưa tư duy/ Thẩm thấu vào sỏi đá…/…/… Ta ngồi thiền quá khứ/ Ta vặn ngược hồng cầu/ Trở về một thời loa kèn trắng/ Thổi vào nhau những giai điệu nhiệm màu (Vặn ngược hồng cầu).
Đọc thơ Nguyễn Văn Tuấn qua hai tập thơ này, thấy rất nhiều câu chữ tự lập ngôi vị của mình bằng sự mới lạ, bằng một tư duy thơ khá độc đáo:
Những con chữ giao hoan/ Những con chữ tha hồ đẻ trứng/ Ngày tiếp ngày đong sấp ngửa bày ra/ Lộ rõ những mặt người trăm vạn thể (Thả vía Facebook).
Tiếc thế, nhiều năm qua những trang thơ của họa sĩ điêu khắc Nguyễn Văn Tuấn đã thầm lặng một hành trình thơ tản mạn trong cõi thế, vừa mới chọn được duyên để xuất bản và khởi động một hành trình mới, thì người thơ đã vội vã phiêu du miền mây trắng. Người thơ đã ra đi, để lại những khoảng trống hun hút, những dở dang tiếc nuối từ bạn bè và người đọc phía sau câu chữ ấy!
Trong khoảng vài năm trở lại đây, đọc những sáng tác của Tuấn, thấy anh đề cập và lý giải chuyện sinh tử, chuyện "ra đi" với tần suất khá nhiều, có vẻ như thơ đã dự cảm được cuộc thiên di lớn nhất của đời anh: Nếu một mai anh đi xa/ Em đừng buồn đừng rơi nước mắt/ Mỗi khi hoàng hôn vụt tắt/ Em lặng ngồi trên nấm mộ xanh/…/ Xin run rẩy suối nguồn mát ngọt/ Để âm thầm anh uống những giọt em (Những giọt em).
Họa sĩ Nguyễn Văn Tuấn đột ngột rời cõi tạm trong lúc đang ngủ, do đột quỵ lúc 2h sáng ngày 1/4/2024. Sự ra đi của anh khiến nhiều bạn văn, bạn vẽ của anh cảm thấy sốc, nhưng giờ đây, khi ngồi đọc thơ Tuấn thì tôi ngạc nhiên, bởi cả cái sự đột ngột giã từ cõi thế và cái cách "ra đi" của anh cũng đã nằm phục sẵn trong bài thơ "Tái sinh" anh viết từ năm 2018: Chẳng còn giọt nào để sống trong tình này/ Tim đột tử xuống Diêm Vương phán xử/ Cân tội tình nhân gian thế sự/ Diêm Vương phán tội chung tình/ Chuyển sang gặp Mạnh Bà/ Ăn bát cháo lú/ Qua cầu Nại Hà/ Tái sinh… (Tái sinh).
Sự chết trong thơ Tuấn không nặng nề, bi lụy bởi cách lập ngôn của anh, phải chăng những câu thơ dự cảm này, muốn người ở lại đỡ đau, đỡ nghẹn trước khi người thơ ấy rời bỏ thế gian này: Ký ức về trên khói thuốc/ Ta đóng đinh bên ly cà phê/ Ta đếm giọt/ Giọt này cho mắt em/ Giọt này cho tim anh/ Giọt này cho những ngày xa/ Giọt này cho bài thơ hóa kiếp… (Mùa thu chịu tang).
Ấn phẩm "Từ trong thớ gỗ" được tạo nên bởi những câu chữ thiên về những sự ngộ giải của kiếp người trong cõi tạm. Còn tập "Cởi áo mùa yêu" là một tập thơ tình, vậy mà người đọc cũng gặp rất nhiều câu thơ tiếp cận cõi tử của Tuấn, thơ ấy anh viết như anh đã từng đến, đã tiếp cận với cõi tử ấy: Đôi bờ bỉ ngạn trổ hoa/ Vong Xuyên sông thắm máu nhòa tình ai/ Mạnh Bà canh dứt tình dài/ Nại Hà ai đợi sương phai mịt mùng (Bỉ Ngạn).
Thơ Tuấn đan xen rất nhiều cung bậc, có những cung chữ ám gợi và dẫn động, lại có những cung bậc dịu dàng như hương đồng gió nội, vô tư gieo trổ vào một cuộc phù sinh: Tháng Tư về ngang ngõ/ Trải nắng vàng non tơ/ Ô kìa gió ngủ nướng/ Để mây hồng ngẩn ngơ…/…/… Em như hoa đồng nội/ Nở trong đáy mắt anh/ Nồng nàn và dịu mát/ Ươm tình ta mãi xanh (Tháng Tư về). Đôi chỗ, thơ Tuấn nền nã, dịu mềm trong một vuông cổ tích, cái mềm dịu mang màu nho nhã của một văn nhân:
Mưa bay rắc bụi mưa ơi/ Gió non nhắn nhủ những lời cỏ hoa/ Mực Tàu, giấy đỏ giao thoa/ Văn chương khai bút, thơ hòa vào xuân (Vào xuân).
Họa sĩ Nguyễn Văn Tuấn là người làm chuyên sâu về tượng thờ và phù điêu cho nhiều công trình văn hóa tâm linh, tác phẩm của anh đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Những tác phẩm điêu khắc của Tuấn ấn tượng, rõ nét, chứa chất hồn vía các tầng văn hóa phương Đông, còn thơ của Tuấn thì đầy những bung mở, tìm tòi sáng tạo! Câu chữ thơ ấy được sinh ra từ góc nhìn và tư duy của một họa sĩ, đã làm nên cái nét riêng trong những trang thơ của anh!
Người họa sĩ, nghệ nhân điêu khắc, người thơ hào sảng ấy đã đi xa, căn nhà nơi anh ở tại xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vẫn còn đó ngổn ngang những sáng tạo dở dang của một người nghệ sĩ! Một trang đời đã khép lại, nhưng những trang thơ từ hai thi phẩm "Từ trong thớ gỗ" và "Cởi áo mùa yêu" của Nguyễn Văn Tuấn thì còn mãi mở ra cùng những buồn vui nơi thế cuộc này!
Hà Nội, 4/2024