Họa sỹ Lê Thiết Cương: Năm Hổ nói chuyện ông Hổ

Thứ Sáu, 21/01/2022, 16:12

Họa sỹ Lê Thiết Cương nổi tiếng với nghệ thuật hội họa tối giản. Anh còn là một gương mặt đặc biệt ấn tượng trong các hoạt động sáng tạo nghệ thuật vì cộng đồng. Sinh năm Nhâm Dần 1962, Lê Thiết Cương cầm tinh con hổ. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện thú vị cùng họa sĩ xung quanh quan niệm của anh về “ông ba mươi”.

- Thưa họa sĩ Lê Thiết Cương, anh cầm tinh con hổ, sinh thần của anh là hổ. Và thường những ai tuổi hổ thì cứng bóng vía, hay nói khác hơn là vía rất mạnh, rất ghê, át được vía của 11 con giáp còn lại. Anh nghĩ sao về quan niệm này? Bằng những trải nghiệm và hiểu biết về năm tuổi của mình, anh có thể chia sẻ thêm với độc giả về con hổ trong 12 con giáp?

+ Trong vòng tuần hoàn thập nhị địa chi thì chỉ có hổ là biểu tượng của sức mạnh, khỏe khoắn, dũng mãnh. Rồng cũng mạnh nhưng thiên về biểu tượng của linh thiêng vì rồng là con vật trong bộ tứ linh, long ly quy phượng.  Trong cách xem lá số tử vi, có câu “phi tang hổ bất thành anh hùng” nghĩa là, kẻ anh hùng, kẻ có tài kinh bang tế thế thì mệnh cung phải có sao Bạch Hổ. Người tuổi hổ thường là cương cường, tài trí, quyết đoán, mạnh mẽ.

cc.jpg -0
Họa sĩ Lê Thiết Cương.

- Dân gian nói đàn ông tuổi hổ thì tài trí xuất sắc. Nhưng đàn bà tuổi hổ thường cứng bóng vía, dễ cô độc. Bằng những hiểu biết và quan niệm của mình về tuổi, anh lí giải sao về điều này?

+ Hổ là dương, con gái cầm tinh hổ là ngược cách. Không bàn chuyện hay dở vội. Vì nữ thì thuận cách phải là âm nhu, mềm mại, hướng nội… Bất luận nam nữ, người tuổi hổ là kiểu người có cá tính, tự trọng, rõ ràng, sòng phẳng, dứt khoát, “mình làm mình chịu”, “hai năm rõ mười”, “nhất khứ bất phục phản”, được ăn cả ngã về không… Đời sống của họ nhiều thăng trầm, nhiều vui buồn, nhiều hạnh phúc mà cũng nhiều bất hạnh. Với nam mệnh đã vất vả mà nữ mệnh thì lại càng vất vả hơn.

Ví dụ một người phụ nữ tuổi Dần có tài, có sắc đã thế “lại mang lấy một chữ tình/khư khư, mình buộc lấy mình vào trong” thì sướng đấy mà khổ đấy, khổ nhiều hơn sướng. Nhưng cũng còn tùy vào quan niệm của mỗi người, thế nào là sướng khổ, chưa kể bất luận chuyện gì cũng có hai mặt, được mặt này sẽ mất mặt kia. Sướng khổ liền nhau như 2 mặt của tờ giấy, chẳng thể tách rời.

- Anh có ấn tượng nào, và từng có câu chuyện nào về hổ mà khiến anh xúc động, say mê? Anh có thể chia sẻ cùng độc giả những kỷ niệm với con vật sinh thần của mình nhân dịp đón xuân con hổ?

+ Mùa đông 1986, tôi đi vẽ ở Nghĩa Lộ. Vùng này chủ yếu là người Thái trắng. Bản của người Thái, toàn nhà sàn, mái gỗ, khau cút trên mái chạm trổ rất đẹp. Những cô gái Thái đi làm nương về, thường tắm gội ở suối ngay đầu bản, nước suối trong vắt, váy áo thêu họa tiết kỷ hà màu nguyên xanh đỏ, những hàng khuy bạc hình con bướm lấp lánh… Hôm ấy tôi đang vẽ một cọn nước ở đầu lối vào bản Viềng Công, trời đổ mưa, tôi chạy vào một nhà gần đấy trú. Bếp của người Thái ngay giữa nhà, nấu nướng, sưởi, ăn uống, tiếp khách, gia đình quây quần… đều quanh bếp. Chuyện “kỷ niệm” mà bạn hỏi là thế… con gái của chủ nhà, một cô gái Thái trắng tuổi Dần điển hình, đẹp như mộng… Đã thế lại thêm một chút lạnh, một chút ấm của lửa, mùi cơm chiều, mùi rượu ngô, mùi than khói và sương dâng lên mờ ảo ngoài cửa sổ, thế là bỗng dưng lơ lửng.

Thêm chuyện nữa, tôi sinh ra ở phố Hàng Thùng, năm 2000 “thiên di” về phố Lý Quốc Sư. Làm hàng xóm của Chúa, (Nhà thờ Lớn ngay cuối phố), lại làm hàng xóm của Phật, trước cửa nhà là Chùa Lý Quốc Sư mà. Chính xác là Đền và Chùa Lý Quốc Sư và tên phố được lấy theo tên chùa. Sử cũ kể rằng năm 1136, Thiền sư Minh Không đã chữa khỏi bệnh nan y, tạm gọi là bệnh hóa thân vào hổ cho vua Lý Thần Tông khi mà các đại danh y trong nước đều bó tay. Nên vua đã ban cho ông là Quốc Sư và khi ông mất (1141) thì lập đền thờ, sau này lập thêm Tam bảo thành Chùa. Đầu phố Lý Quốc Sư có đền Ủng thờ Phạm Ngũ Lão, hai bên cổng đền đắp nổi hình 2 cụ hổ rất oai hùng.

- Anh hình như ít vẽ về con vật sinh thần của mình. Ít thấy tranh hổ của anh công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng? Hay tôi chưa có may mắn được xem tranh vẽ hổ của anh? Thực tế thì anh có vẽ về con giáp được coi là Chúa tể sơn lâm này bao giờ không? Vì sao?

+ Vẽ hổ là “vẽ mình” nên tôi vẽ nhiều tranh hổ chứ. Nhưng có lẽ tôi ít bày tranh hổ. Mà đâu chỉ có vẽ tranh hổ, tôi còn vẽ hổ lên lọ gốm, đĩa gốm. Tôi có một số tượng hổ nữa. Hổ của tôi theo lối tối giản / đồng hiện. Ví dụ: Một cô gái cầm cành đào trong lòng một con hổ cho Xuân Nhâm Dần 2022 hoặc Hồ Gươm, Tháp Rùa trong lòng hổ như lời chúc Hà Nội mạnh mẽ như hổ vượt qua đại dịch…

cc1 copy.jpg -0
Tranh hổ chào xuân Nhâm Dần của họa sĩ Lê Thiết Cương.

- Trong giới hội họa, ai là họa sĩ vẽ nhiều tranh hổ và vẽ về hổ đẹp nhất? Anh có thể chia sẻ? Hay hổ chỉ hợp với nghệ thuật truyền thống, tranh Đông Hồ, hay là điêu khắc gỗ, tượng... mà thôi?

+ Hội họa hiện đại Việt Nam có nhiều tác phẩm về hổ, mỗi năm Dần về, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đều vẽ hổ, ông thích vẽ hổ bằng bột màu trên giấy dó. Ông đã từng in riêng một cuốn sách các bức tranh vẽ con vật biểu tượng của năm, trong đó tranh hổ khá nhiều.

 Hình ảnh hổ trong nghệ thuật truyền thống của người Việt rất phong phú. Hổ là con vật, linh vật biểu trưng cho sức mạnh, hai bên cổng đình, đền thường đắp phù điêu hổ vươn mình về phía trước oai hùng như một cái bùa trấn yểm tà ma. Tường của đầu hồi là mặt hổ phù, cũng như 4 mặt của các ngai thờ là hình hổ phù miệng ngậm chữ Thọ sơn son thiếp vàng. Gốm Việt Nam, trong đó có gốm hoa nâu đời Trần, thế kỷ 13 là một dòng gốm riêng biệt, độc đáo không hề lẫn với những “người hàng xóm” Chăm, Hoa, Nhật, Ấn. Họa tiết khắc vạch khỏe khoắn màu nâu đất trên nền men áo màu gạo nếp từ hoa sen, hoa cúc, đến voi, chim muông và đặc biệt là hổ.

Gốm Chu Đậu thế kỷ 15,16 cũng vậy, nhiều chum, đĩa tam thái vẽ hình hổ. Hiện nay vẫn được các nhà sưu tầm cũng như các bảo tàng kể cả bảo tàng nước ngoài lưu giữ. Nghệ thuật truyền thống của người Việt chủ yếu nằm ở đồ đồng, đồ gốm và điêu khắc đình làng. Những ngôi đình có niên đại sớm nhất là từ thế kỷ 16. Đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang dựng năm 1576 có một phù điêu hổ đang vờn. Đình Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thế kỷ 17 có một bức chạm cảnh người đang săn hổ. Ở đình Chẩy (còn gọi là đình Cổ Lễ), ở Nam Định thế kỷ 17 cũng có một mảng phù điêu người đang đánh nhau với hổ…

Nhưng có lẽ phổ biến nhất là những con hổ đá ở hai bên tam quan đình, miếu… Hoặc tranh hổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống, đều là tranh thờ. Một là loại tranh ngũ hổ, vẽ 5 ông hổ trấn giữ 5 phương, theo ngũ hành. Hổ vàng/ thổ ở trung tâm, hổ xanh/đông, hổ đỏ/nam, hổ đen/bắc và hổ trắng/tây. Phương Tây thuộc hành kim. Những người làm ăn buôn bán thường thờ cụ Bạch Hổ, một ban thờ riêng hoặc các đền đều có ban thờ cụ Bạch Hổ, ví dụ như ở đền Ngọc Sơn có một ban thờ cụ Bạch Hổ rất to, quanh năm người ta đến lễ. Nhưng đông nhất là những ngày thuộc Kim và giờ Kim tức là ngày giờ Thân và Dậu. Ban thờ cụ Bạch Hổ bắt buộc phải quay về hướng Tây là hướng Kim. Đồ lễ thường là thịt sống, xôi trắng, rượu trắng, hoa trắng… Tranh Hàng Trống thì bán ở phố Hàng Trống nhưng tranh hổ để thờ thì lại bán ở phố Hàng Mã quanh năm.

- Đón Tết cổ truyền Nhâm Dần 2022, anh có ấp ủ dự án nghệ thuật nào độc đáo để mừng Tết, đón xuân như những năm trước không? Anh sẽ làm gì trong ngày đầu tiên của Tết con hổ? Và anh có thông điệp nào gửi gắm tới công chúng trong mùa xuân mới khi thế giới và đất nước Việt Nam chúng ta vẫn đang còn đối mặt với bao gian khó của đại dịch COVID-19?

+ Ngày đầu tiên của năm mới, tôi sẽ dành để tự viết lời giới thiệu cho một dự án nghệ thuật dài hơi của mình: Vẽ Kiều. Tức là tôi sẽ vẽ khoảng 30 bức tranh trên cảm hứng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tranh thì đã vẽ xong nhưng lời giới thiệu về những bức tranh ấy cũng cần phải chỉn chu, cần phải nói rõ quan niệm của mình thế nào là “minh họa” cho văn chương thi ca, thế nào là “minh họa” cho một kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du…

Năm 2022 là năm Nhâm Dần, nhịp Tết, nhịp Xuân mới đã ngấp nghé ngoài cửa rồi. Như thông lệ, nhóm họa sĩ G39 cùng nhau bày một triển lãm online những bức tranh mới nhất để tiễn năm Sửu đón năm Dần. Tiễn cũ đón mới, đón Nhâm Dần. Dần là dương, Nhâm trong Thập thiên can Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý đứng ở số 9 cũng là dương. 2022 là 2 lần dương, là 2 lần mạnh khỏe. Đó cũng là lời chúc của các họa sĩ nhóm G39 đến với mọi người. Hy vọng vào một năm Dần mạnh khỏe.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Như Bình (thực hiện)
.
.