Hoa Mặt trời - Những ánh xạ văn hóa!

Thứ Sáu, 11/04/2025, 15:54

Hướng dương (còn gọi là Thiên quỳ tử, Quỳ tử) thuộc họ Cúc (Asteraceae), tên khoa học là Helianthus Annuus, gốc từ tiếng Hy Lạp “anthos” (nghĩa là hoa); “helios” (nghĩa là mặt trời); “tropos” (nghĩa là quay/thay đổi). Hoa sắc vàng năm cánh rực rỡ giống như mặt trời tỏa ánh sáng rực rỡ. Khi nở hoa đều hướng về phía mặt trời, quay theo chuyển động của mặt trời.

Cuối những năm kháng chiến chống Mỹ và nhiều năm sau 1975 bài hát "Tự nguyện" của Trương Quốc Khánh (1947 - 1999) sáng tác năm 1968, rất được yêu thích, đến mức, hát ở mọi nơi có thể, ở cả đám cưới, nhất là lễ tiễn tân binh ra trận.

Lời hát trong sáng, cao vút, như bay vào rồi gieo hạt lý tưởng trong tâm hồn để nở ra những khát khao phấn đấu, cống hiến: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương/ Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm/ Là người tôi sẽ chết cho quê hương…”. Nhiều tôn giáo cũng lấy hình tượng hoa làm ẩn dụ cho sự hướng vọng niềm tin một cách tuyệt đối vào Đấng Bề trên.

Hoa Mặt trời - Những ánh xạ văn hóa! -1
Việt Nam cũng có những cánh đồng hoa hướng dương thật đẹp.

Hướng dương (còn gọi là Thiên quỳ tử, Quỳ tử) thuộc họ Cúc (Asteraceae), tên khoa học là Helianthus Annuus, gốc từ tiếng Hy Lạp “anthos” (nghĩa là hoa); “helios” (nghĩa là mặt trời); “tropos” (nghĩa là quay/thay đổi). Hoa sắc vàng năm cánh rực rỡ giống như mặt trời tỏa ánh sáng rực rỡ. Khi nở hoa đều hướng về phía mặt trời, quay theo chuyển động của mặt trời.

Có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, chu kỳ sống trong 1 năm, thân to thẳng, thường có đốm, cao từ 1-3 m. Ở vùng núi Andes Nam Mỹ, hoa được coi là một biểu tượng thờ cúng ở các ngôi đền. Với người da đỏ, hạt hướng dương mang tính thiêng nên việc đặt một đĩa hạt hướng dương lên mộ những người thân đã khuất, mang ý nghĩa những hạt giống sẽ giúp người chết tiếp tục cuộc hành trình ở thế giới bên kia. Có vị trí đặc biệt trong nền văn hóa cổ đại Nam Mỹ. Người Inca tôn kính hoa hướng dương là biểu tượng của thần Mặt trời. Các nữ tu sĩ Inca đeo đĩa vàng chạm khắc hình hoa hướng dương.

Thần thoại Hy Lạp kể, có một nàng tiên cá rất yêu vị thần Mặt trời Apollo. Yêu đến mức cứ năm này đến tháng kia, nàng cứ đắm đuối dõi theo người mình yêu. Nhưng thật tiếc thay, thần Mặt trời lại không để ý đến nàng. Nhưng tình yêu thì bất biến và vĩnh cửu. Thời gian không thay đổi được tình yêu vĩ đại và đau đớn ấy. Cảm thương, kính trọng mối tình lớn lao, các vị thần bàn nhau biến nàng thành hoa hướng dương. Là hoa nhưng linh hồn vẫn mang tình yêu của tiên nữ, vẫn luôn hướng về Mặt Trời.

Một dị bản khác kể, biết chuyện, nên mỗi lần trên cỗ xe mặt trời rực lửa đi qua, thần Apollo càng tỏa sáng rực rỡ để mọi người trên trái đất không nhìn thấy mình, mà không yêu nữa. Nhưng vẫn không khuất phục được tình yêu của nàng tiên, thần phải ném những mũi tên mặt trời của mình để biến nàng thành một bông hoa. Dù có bị đối xử phũ phàng, dưới hình hài bông hoa, nàng tiên vẫn hướng về phía người yêu, hướng về phía đông vào buổi sáng, về hướng tây vào buổi chiều tối. Trên thế gian này, có người phụ nữ nào yêu sắt son, bền vững, quên mình hơn nàng tiên cá không!?

Thế nên trong truyền thống dân gian châu Mỹ, hoa hướng dương được coi là biểu tượng của sự may mắn. Vì người đàn ông nào cũng thích có một người phụ nữ yêu mình như nàng tiên cá yêu thần Mặt trời. Thế là người ta trồng hoa hướng dương chung quanh nhà. Cũng là cách để người vợ nói với chồng: “Em như hoa hướng dương…”. Thành tín ngưỡng, ai hái một bông hoa hướng dương vào lúc hoàng hôn, đeo trên người, may mắn sẽ đến trong cả ngày hôm sau.

Theo thời gian, ý nghĩa tốt lành về hoa được mở rộng, gắn liền với ý niệm về sự thật, lòng trung thành, trung thực. Khi ngủ, cho một bông hoa hướng dương dưới gối - ngày hôm sau, trước khi mặt trời lặn, sự thật sẽ được tiết lộ. Trong một số nghi lễ ma thuật dân gian, nếu nhỏ một ít dầu hoặc cho hạt hướng dương vào thức ăn/đồ uống của ai đó, họ sẽ trung thành với bạn. Như vậy, hoa trở thành một thứ “đạo bùa”. Chưa hết, do có mối liên hệ với mặt trời, hoa được coi là có liên quan đến năng lực sinh đẻ. Muốn thụ thai, thì ăn hạt hướng dương hoặc tắm bằng cánh hoa hướng dương, hoặc đeo vòng hoa hướng dương khô vào cổ…

Hoa Mặt trời - Những ánh xạ văn hóa! -0
Bức tranh “Hoa hướng dương” nổi tiếng của Van Gogh (Phòng trưng bày Quốc gia London - Anh).

Theo con đường tiếp biến văn hóa, hoa và cả các nghi lễ liên quan theo người về châu Âu. Đến thế kỷ 17 ở châu Âu, người ta chế tạo loại thuốc mỡ hỗn hợp, thành phần gồm một số loại hoa mùa hè có đặc điểm chung hướng về mặt trời, trộn với dầu hướng dương, để dưới ánh nắng ba ngày cho đến khi đặc lại. Thuốc này để dùng trong các lễ thiêng, tặng nhau, bôi vào nhau tỏ sự quý mến, trân trọng, giá đắt nhưng bán rất “chạy”…

Đến với đất nước Nga, hoa được kính trọng đến mức vào đầu những năm 1800, Giáo hội Chính thống giáo cấm dùng hầu hết các loại dầu ăn truyền thống trong Mùa Chay để thay bằng dầu hướng dương. Dễ hiểu, hướng dương trở thành “quốc hoa” của Nga và Ukraine. Hai nước này đến nay sản xuất hơn một nửa sản lượng hạt và hai phần ba dầu hướng dương của thế giới.

Một điều trớ trêu thú vị là ở Bắc Mỹ thế kỷ 19, hướng dương bản địa không được ưa chuộng nhưng khi hạt giống hướng dương của Nga nhập về thì rất được chào đón. Được “cách mạng” ở nơi khác rồi trở lại miền đất cũ, hoa lại có một đời sống mới rực rỡ hơn rất nhiều. Du nhập vào Trung Quốc, hoa hướng dương mang ý nghĩa cho sự trường thọ, trong khi ở châu Âu vẫn mang ý nghĩa cho sự kiên định, bền vững, tình yêu chung thủy...

Có thể sống trên mọi loại đất, con người còn nhận thấy hoa tươi tốt ở cả đất bị ô nhiễm kim loại độc hại và bức xạ. Bí mật nằm ở chỗ rễ hoa hấp thụ và loại bỏ chất độc. Thế là hàng triệu cây hướng dương được trồng để góp phần khắc phục thảm họa Chernobyl (Liên Xô cũ, 1986) và sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do sóng thần (Nhật Bản, 2011).

Được tôn thờ ngoài đời sống, tất yếu được “thiêng hóa” trong nghệ thuật. Giàu chất tạo hình, gợi cảm, màu sắc bắt mắt… hoa “thích” đi vào hội họa hơn cả, ưng ý nhất là được tỏa sáng trong tranh Vincent van Gogh (1853- 1890). Trong tranh của thiên tài hội họa người Hà Lan này hoa hướng dương được nâng thành biểu tượng của hạnh phúc trong đời sống đầy niềm vui cũng không thiếu nỗi buồn.

Trong một họa phẩm, trên nền màu vàng, ông vẽ 15 bông hoa hướng dương cắm trong một chiếc bình đất giản dị. Vài bông hoa tươi như mặt trời tỏa vòng lửa lấp lánh. Lại có những bông hoa đã kết hạt, bắt đầu rũ xuống, lộ vẻ héo hon. Hình như trong tranh có cả thần Apollo kiêu hãnh có cả nàng tiên cá cam phận…

Sự tương phản gay gắt ấy, theo giới nghiên cứu, là sự chống lại truyền thống cũ kỹ của hội họa vẽ hoa Hà Lan thời bấy giờ. Nhìn tranh ông, có cảm giác về một nhịp tuần hoàn miên viễn của thời gian nghiệt ngã nên phải cố mà níu lại, kẻo “xuân đang đến nghĩa là xuân đã qua…” (Xuân Diệu). Nhiều nghệ sĩ lại rút ra bài học phải tìm cái gì thuộc về mình nhất để sáng tạo, nói như chính Gogh, thì “hoa hướng dương là của tôi”, tức chỉ có ông vẽ giỏi nhất, đẹp nhất, có hồn nhất.

Người ta lại nói ông vẽ 4 bức tranh tĩnh vật hoa hướng dương được ví như bốn chân cột hoành tráng của ngôi nhà nghệ thuật mang tên đại danh họa Vincent van Gogh. Thế mà ông vẽ chúng trong chưa đầy một tuần, vào năm 1888, vì ngẫu nhiên có cơn gió lạnh phương Bắc ngăn ông không mang khung toan ra ngoài trời.

Về sau em trai ông mới tiết lộ cách ông vẽ là “thay vì cố gắng thể hiện chính xác những gì thấy trước mắt mình… anh sử dụng màu sắc tùy ý hơn để thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ”. Câu này chứng minh tính kinh điển của hội họa và nhiều nghệ thuật khác là vẽ/viết cái cảm thấy chứ không vẽ/viết cái nhìn thấy. Tất nhiên để “cảm” được phải “nhìn” sâu vào gan ruột đối tượng. Thì ra có con đường chung của nghệ thuật là từ thấu hiểu sâu sắc đến thấu cảm tận cùng để đồng cảm, có vậy mới tạo ra sức truyền cảm để cộng cảm cùng công chúng.

Đại danh họa để lại câu nói cũng lớn lao như những bức tranh hoa hướng dương đã mê hoặc nhân loại: “Tôi muốn vẽ theo cách mà… những ai nhìn cũng đều có thể hiểu được”. Nghệ thuật là vậy, khi đã vượt qua đỉnh cái cao siêu sẽ trở về với cái nền tự nhiên đời thường. Hình như về cái đời thường thì bơ vơ, cô độc nên ông phải tự sát để thoát khỏi cái nhàm chán (!?).

Tiếng súng lạnh lùng khô khốc đã đưa danh họa về với thần Apollo trên thiên giới, để lại những bức tranh hoa hướng dương tỏa sáng ánh mặt trời dưới trần gian. Dễ hiểu các bản sao tranh của danh họa phổ biến khắp thế giới, ai cũng xem được, hiểu được mà đều cảm thấy chưa nắm bắt được trọn vẹn ánh sáng từ những bông hoa chiếu rọi vào tâm hồn mình. Bởi hoa có quá nhiều những ánh xạ văn hóa…

Nguyễn Thanh Tú
.
.