Kỷ nệm 77 năm Cánh mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9

Hào khí những âm thanh

Thứ Năm, 25/08/2022, 15:10

Sự kiện trọng đại long trời lở đất của Cách mạng Tháng 8/1945 đã được biểu hiện sinh động trong những bài hát hào hùng, tha thiết nhất, mang hơi thở nóng hổi của thời đại mà cho đến hôm nay và mãi về sau chắc chắn vẫn không phai mờ trong tâm khảm nhiều thế hệ người Việt ta.

Ra đời sớm nhất là bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu - một chiến sĩ cách mạng còn rất trẻ: “Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát, ta quyết chí hy sinh…”. Nhiều người lầm tưởng bài này ra đời thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nhưng không phải. Sự thực là Đinh Nhu viết bài này khi bị giam ở nhà tù Nghĩa Lộ vào năm 1930 khi vừa tròn 20 tuổi (ông sinh năm 1910).

Trong cao trào tiền khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh (1941 - 1945), xuất hiện hai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhạc sĩ Đỗ Nhuận gắn với những ca khúc thể hiện lòng yêu nước và ý chí chống xâm lăng sâu sắc, sục sôi.

Hào khí những âm thanh -0
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) và Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) là hai tác giả nổi tiếng từ thời tiền khởi nghĩa.

Lưu Hữu Phước (1921-1989) được mặc định là nhạc sĩ của những bản hùng ca giải phóng. Ngay từ buổi đầu sự nghiệp, đã sớm cho ra đời ca khúc “Hành khúc sinh viên” (“La Marche des Étudiants”) với giai điệu hết sức trẻ trung, sôi động diễn tả khí phách, khát vọng giải phóng dân tộc của sinh viên nói riêng cũng như tuổi trẻ nói chung: “Này sinh viên ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng/ Đồng lòng cùng nhau ra đi sá gì thân sống…”.

Bài này tác giả sáng tác cuối năm 1939 khi mới 18 tuổi. Lúc này nước ta đang ở vào cuối thời kỳ của Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939: Thời kỳ Đảng ta hoạt động công khai, thu được nhiều thành tựu lớn trong phong trào Cách mạng giải phóng dân tộc). Về sau, ông đổi tên là “Tiếng gọi thanh niên” cho thêm tính khái quát. Chính quyền của Bảo Đại và Ngô Đình Diệm sau đó đã tự ý sửa lại lời đôi chỗ để làm quốc ca nhưng không hỏi ý kiến tác giả.

Năm 1942, nhằm khích lệ lòng yêu nước của con dân nước Việt, Lưu Hữu Phước sáng tác bài “Hát giang trường hận” để tưởng niệm hương hồn hai nữ anh hùng dân tộc là Hai Bà Trưng. Ta biết rằng hai bà sau khi khởi nghĩa chống giặc thất bại, đã cùng tuẫn tiết ở sông Hát (huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ vào năm 43). Bài hát về sau đổi thành “Hồn tử sĩ” có những lời lẽ bắt đầu thật thống thiết: “Đêm khuya âm u, ai khóc than trong sương mù/ Gió rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù/ Hồn ai kia đau sót chơi vơi/ Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi…”.

Với tính chất tưởng niệm rất bi hùng, bài này về sau được cả Chính quyền của ta (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Chính quyền Ngô Đình Diêm, rồi Nguyễn Văn Thiệu (Việt Nam Cộng hòa) sử dụng làm bài mặc niệm, dùng trong những dịp lễ tang trang trọng. Bây giờ thì nhiều đám tang công dân, người ta cũng có thể cử hành bài này.

Trước cao trào kháng Pháp, đuổi Nhật ngày càng dâng cao vào năm 1944, để cổ vũ lực lượng tuổi trẻ và toàn dân xông lên, Lưu Hữu Phước sáng tác bài “Lên đàng” rất ngắn gọn, súc tích với giai điệu sôi nổi, náo nức, rất phù hợp với tuổi trẻ khi ấy: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng/ Kiếm nguồn tươi sáng/ Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông/ Từ nay ra sức anh tài…”.

Hiện nay, “Lên đàng” vẫn phát huy tác dụng tốt, thường xuyên vang lên trong mọi sinh hoạt của tuổi trẻ khắp nơi. Mặc dù lời ca có thể không còn phù hợp nhưng không khí, tính chất tươi trẻ của giai điệu và nhất là tình cảm yêu nước, muốn xả thân cống hiến cho Tổ quốc, dân tộc thì mãi mãi vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa, giá trị.

Ngoài ba bài hát tiêu biểu trên, Lưu Hữu Phước còn sáng tác một số bài nữa cùng chung chủ đề khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khích lệ ý chí chống xâm lăng: “Bạch Đằng Giang”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Hận sông Gianh”, “Ải Chi Lăng”…

Kế tiếp Lưu Hữu Phước, phải kể ngay đến Đỗ Nhuận (1922-1991).

Cùng năm 1939, nếu Lưu Hữu Phước sáng tác ca khúc đầu tiên là “Tiếng gọi sinh viên” (sau đổi thành “Tiếng gọi thanh niên”) như đã nói thì Đỗ Nhuận mới 17 tuổi cũng đã viết bài hát “Trưng Vương” nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của vị nữ anh hùng tiết liệt. Tiếp đó, ông viết các bài “Chim than”, “Lời cha già”, “Đường lên Ải Bắc”. Ba bài này, về sau, vào năm 1940, được tác giả phát triển thành ca cảnh “Nguyễn Trãi - Phi Khanh” biểu diễn rất có tiếng vang. Mới 18 tuổi, chưa được học gì về âm nhạc nhưng Đỗ Nhuận đã để lộ rõ khả năng sáng tác nhạc kịch (opéra) mà ca cảnh trên (ópérette) đã báo hiệu. Sau này, ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết nhạc kịch với các vở đình đám: “Cô Sao”, “Người tạc tượng”.

Đỗ Nhuận hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1943, lúc 21 tuổi, ông tham gia viết rồi rải truyền đơn ở quê mình tại Hải Dương. Bị bắt và bị đưa qua nhiều nhà tù ở Hải Dương, Hỏa Lò (Hà Nội) rồi cuối cùng bị đày lên Sơn La. Những ngày tháng này, ông viết hàng loạt bài liên quan đến nhà tù, thể hiện khát vọng muốn được tự do để tiếp tục hoạt động cách mạng: “Chiều tù”, “Côn Đảo”, “Hận Sơn La”, “Tiếng gọi tù nhân”, “Viếng mồ tử sĩ”.

Đặc biệt là “Du kích ca” (sáng tác năm 1944) có sức lan tỏa rộng rãi và sức cổ vũ mạnh mẽ: “Anh em trong đoàn quân du kích cùng vác súng lên nào/ Đi lên! Xung phong!/ Băng qua rừng qua núi/ xuyên mây mờ đêm tối/ vượt suối băng ngàn…”. Sau lời kêu gọi, kích thích mạnh mẽ là những hành động rất cụ thể: “Giặc tiến tới đây/ súng kia cùng nhau cướp lấy/ Giành cùng nhau bắn/ mỗi viên là mỗi quân thù…”.

Bài này có sức sống mãnh liệt cho mãi tới tận sau này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều đoàn văn công đã dàn dựng để biểu diễn phục vụ bộ đội giải phóng. Ngay cả phía bên kia (Chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu) cũng sử dụng bài này. Tất nhiên là họ cho sửa lời một số chỗ, ví như “Trong đoàn quân du kích” thì sửa là “Trong đoàn quân yêu nước” Họ tránh từ “du kích” vì cho rằng chỉ “Việt cộng” mới có. 

Sau một thời gian bị giam trong mấy nhà tù kể trên, Đỗ Nhuận được trả tự do. Ra tù, ông tiếp tục sáng tác các bài: “Tiếng súng Nam bộ”, “Đường trường vô Nam”. Đặc biệt là “Nhớ chiến khu”: “Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều/ Bên đèo lắng suối reo ngàn thông réo…”. Khác với Lưu Hữu Phước tạo nên những ca khúc hừng hực khí thế cách mạng mang tính cổ vũ mạnh mẽ như đã nói, Đỗ Nhuận bên cạnh việc này, còn bộc lộ tâm trạng của những người chiến sĩ đi hoạt động cách mạng, bị tù đày hoặc xa nhà nhưng vẫn một lòng son sắt với lý tưởng giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của ngoại bang.

Ngoài Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận là hai nhạc sĩ tiêu biểu, tiên phong cho dòng nhạc cách mạng đã để lại nhiều bài hát có giá trị lịch sử và nghệ thuật mà nhiều bài trong số đó còn sống mãi cho tới hôm nay, còn có thêm những bài hát của các tác giả khác cũng rất hay, được phổ biến rộng rãi trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và mãi tới sau này. Đó là các bài: “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái), “Cờ Việt Minh” (Vương Gia Khương), “Đoàn vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu). Đặc biệt là các bài của Văn Cao: “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” và “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi đã có sức sống vĩnh hằng. Mấy bài này ra đời vào năm 1944, đầu 1945 trong cao trào đánh Pháp đuổi Nhật, tiến tới giành chính quyền.

Hai bài “Tiến quân ca” và “Diệt phát xít” có giá trị ngang nhau, “người tám lạng, kẻ nửa cân” về nội dung và nghệ thuật, về tính chiến đấu, cổ vũ và sức khái quát, về sự sâu sắc trong nội dung biểu hiện nên được Hồ Chủ tịch cân nhắc khi lựa chọn một bài làm Quốc ca. Cuối cùng, Người đã đưa ra Hội nghị Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) ngày 16/8/1945 để trưng cầu ý kiến các đại biểu. Hội nghị này là tiền thân của Quốc hội ngày nay. Cuộc họp bàn và ấn định ngày Tổng khởi nghĩa sau đó chỉ 3 ngày. Cuối cùng, các đại biểu nhất trí cao, đã chọn bài “Tiến quân ca” của Văn Cao làm Quốc ca.

Nhắc đến những bài hát hào hùng ra đời trong dịp tiến tới và diễn ra Cách mạng Tháng 8/1945, không thể không nhắc tới một bài hát rất nổi tiếng là “19/8” của Xuân Oanh: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho ngày mai…”. Cố nhạc sĩ Xuân Oanh kể rằng ông sáng tác bài này gọn trên đường nhập vào đoàn người đi từ Đuôi Cá lên Nhà hát Lớn để dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô giành chính quyền mới vào đúng buổi sáng ngày 19/8/1945. Ông vừa đi vừa sáng tác. Đến nơi thì hoàn thành. Được câu nào, tác giả dạy luôn cho những người xung quanh cùng hát. Ai cũng khen hay và hào hứng hát. Bài này có sức sống cho mãi tới hôm nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày trọng đại này là lại được vang lên ở khắp nơi.

Những bài hát của một thời hào hùng gắn với cuộc Cách mạng Tháng 8 năm xưa đã như một cuốn lịch sử bằng âm thanh sẽ còn in đậm mãi trong tâm khảm của nhiều thế hệ công chúng.

Thôn Ca
.
.